N hân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về những nỗ lực, thành quả trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2023 và dự báo cho năm 2024.

NĐT: Thưa Bộ trưởng, cùng với đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2023. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả chính trong thu hút FDI năm qua, đồng thời xin cho biết định hướng thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Việt Nam đã đạt được kết quả thu hút FDI khá ấn tượng. Trong đó, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Con số này cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam và là điểm đến đầu tư ổn định, hấp dẫn và tiềm năng.

Vốn giải ngân đạt kết quả ấn tượng với 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn thì đây là tín hiệu tốt cho thấy khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tốt hoạt động đầu tư, kinh doanh. Vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư (tăng 62,2%) cũng như số dự án đầu tư mới (tăng 56,6%), cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới…

Định hướng thu hút dòng vốn đầu tư FDI trong thời gian tới, chúng ta chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư: điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.

NĐT: Thưa Bộ trưởng, năm vừa qua có thể xem là năm khá bận rộn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Liên tục các chuyến công tác, làm việc cùng những phái đoàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhất từ trước tới nay đến Việt Nam, mang về kết quả thỏa thuận, hợp tác ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam.

Trong đó, các tổ chức có uy tín, cộng đồng các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng thời nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố, trong đó việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện và đã tạo ra nhiều không gian hợp tác mới, tạo động lực cho hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh.

Trong khuôn khổ các đoàn công tác tại nước ngoài, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó truyền tải thông điệp về một Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore…đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp xúc, kết nối doanh nghiệp trong khuôn khổ các chuyến thăm tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu và ký kết MOU với Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, giúp Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Nhiều thỏa thuận hợp tác giá trị lớn đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài trong năm 2023 và dự kiến khi triển khai sẽ mang lại những kết quả thực chất, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian tới.

Đáng chú ý, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư,… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn. Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD. Hay LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử.

Đây hứa hẹn sẽ là những dự án thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

NĐT: Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự đồng hành ra sao để nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn lực để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư, thu hút “đại bàng” đến xây tổ, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động doanh nghiệp như chủ động tiếp cận các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực ưu tiên để mời vào đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh như: ưu tiên tiêm vắc xin; cho phép chuyên gia vào Việt Nam; hỗ trợ lao động đi lại, giấy phép lao động, thủ tục thông quan thuận lợi…;hỗ trợ các biện pháp về giãn, hoãn thuế, phí, trợ cấp cho người lao động,… Điều này đã gây ấn tượng tốt, được các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn.

Việc khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (ngày 28/10/2023) với sự liên kết và hợp tác của các Trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới và các tập đoàn công nghệ lớn, tạo hiệu ứng cho các nhà đầu tư công nghệ đến đầu tư tại Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển trong tình hình mới; phát huy ngoại lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, trí tuệ để chủ động thích ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

NĐT: Theo đánh giá của Bộ trưởng, bước sang năm 2024, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức nào trong việc thu hút dòng vốn FDI?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2024, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều thách thức trong thu hút dòng vốn FDI khi bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng tiền của Hàn Quốc, Nhật Bản bị mất giá 20-25% nên ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài của hai đối tác lớn nhất này. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.

Hay cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài.

Việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống như ưu đãi về thuế, đất đai… trong cạnh tranh thu hút FDI.

Trước những thách thức đó, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.

Cùng đó, sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư…

NĐT: Thưa Bộ trưởng, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết khẳng định sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024. Như vậy, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức như thế nào trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam sẽ giành được quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi trụ cột 2 đang hoạt động tại Việt Nam và từ các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, ngăn dòng chảy thuế sang quốc gia khác và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước; Cũng là cơ hội để rà soát và cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Về thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (trụ cột 2) sẽ làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện trên một số mặt.

Trong đó, khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư; Việc giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn nếu Việt Nam không kịp thời có các giải pháp;

Hay hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao , trong khi hiện nay, số lượng doanh nghiệp này là đáng kể, đóng góp quan trọng đối với phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam, nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.

NĐT: Thiết kế các chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là một nhiệm vụ khó khăn. Xin Bộ trưởng chia sẻ về mục tiêu cũng như yêu cầu khi xây dựng chính sách?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khi xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần phải đảm bảo 6 mục tiêu và yêu cầu.

Thứ nhất, đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam; Thứ hai, cần có tính chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu;

Thứ ba, tác động tối thiểu đến ngân sách Nhà nước; Thứ tư, ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hài hoà cho các đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhà đầu tư mới (bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài);

Thứ năm, Phù hợp với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu thuộc trụ cột 2 và hướng dẫn của OECD; không vi phạm các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thứ sáu, đảm bảo tính khả thi, dễ thực hiện.

NĐT: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!

NGUOIDUATIN.VN | Chủ nhật, 11/02/2024 | 10:00