img

Nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, định hình những thách thức sắp tới và vinh danh những con người làm nên lịch sử, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

img

NĐT: 2021 là một năm thành công của nông nghiệp Việt Nam khi hầu hết các chỉ tiêu của ngành đều hoàn thành. Điều gì khiến Bộ trưởng cảm thấy tâm đắc nhất trong năm vừa qua của ngành nông nghiệp?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thành công lớn nhất mà ngành nông nghiệp đạt được đó là đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho các tỉnh thành phía Nam, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

img

Bên cạnh đó, việc hoạt động rất hiệu quả của Tổ công tác 970 thông qua các diễn đàn trực tuyến đã giúp kết nối tiêu thụ nông sản cho những địa phương đang bị giãn cách xã hội, phần nào tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ là câu chuyện xử lý tình huống nhưng Diễn đàn kết nối nông sản đã giúp Bộ NN-PTNT nhìn nhận lại chuỗi cung ứng, tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ nông sản. Từ đó đưa ra giải pháp kết nối thị trường cho từng loại nông sản, từng địa phương.

11 tháng năm 2021, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỉ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỉ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt trên 7,9 tỉ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4%; nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỉ USD, tăng 25,9%.

NĐT: Bộ trưởng có thể chia sẻ một chút về những kinh nghiệm được rút ra từ những phiên làm việc của Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thông qua đó, chúng ta mới thấy rằng, thông tin kết nối thị trường thời gian vừa qua gần như bị bỏ ngỏ, cung – cầu gần như không gặp được nhau.

img

Qua năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ thúc đẩy công tác kết nối thông tin, hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch cả về thông tin sản xuất, thông tin thị trường lẫn các thông tin quản lý điều hành của các Hội chuyên ngành để phục vụ cho khâu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Chuyển đổi số sẽ giúp cho công tác minh bạch thông tin trở nên dễ dàng hơn. Sản xuất và tiêu thụ, vùng nguyên liệu với hệ thống phân phối, hoàn toàn có thể nắm bắt được quy mô sản lượng, thời vụ thu hoạch, nguồn gốc, chất lượng nông sản…để từ đó doanh nghiệp hay người nông dân có thể đưa ra những kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Chủ động hơn trong việc kết nối thị trường tiêu thụ, chuẩn bị vốn liếng, kho bãi, hậu cần.

img

NĐT: Cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua có lẽ là “nông nghiệp tích hợp đa giá trị”, Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Như tôi đã nói qua nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, ở tầm cỡ thế giới, trong tương lai, người tiêu dùng không chỉ yêu cầu ăn ngon mà còn “ăn xanh”. Nông sản ngoài các yêu cầu cơ bản như chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn cần phải thêm các yếu tố tạo nên giá trị gia tăng như văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái… Hội tụ đủ các yếu tố đó sẽ hình thành một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị.

Còn tại Việt Nam, Bộ NN- PTNT khuyến khích sản xuất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng đồng thời khuyến khích việc luân canh, sử dụng đất linh hoạt nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất.

img

Tôi lấy ví dụ tượng trưng, ở Đồng Tháp, nếu 1 ha đất nông nghiệp chỉ dùng để trồng lúa 3 vụ/năm, thu nhập người nông dân chưa đầy 50 triệu, nhưng cùng 1 ha đất đó, người nông dân kết hợp trồng lúa ở trên, nuôi cá linh ở dưới thì thu nhập có thể tăng gấp 5 lần. Mô hình này cũng đã được áp dụng thành công ở vùng nước lợ Cà Mau với lúa trên, tôm dưới.

Chúng tôi gọi đây là những mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị trên 1 đơn vị diện tích. Việc kết hợp luân canh như trên đem lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân. Những phế phẩm, những thức ăn thủy sản có thể được tận dụng để chăm bón cho lúa, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào. Quan trọng nhất là sản lượng và thu nhập của người nông dân được nâng cao, vừa có lợi nhuận từ trồng lúa lại có thêm thu nhập từ cá, tôm.

NĐT: Theo đánh giá của Bộ trưởng, khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp phải đối mặt trong năm 2021 là gì?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương giãn cách trên diện rộng, chưa thống nhất về quy định phòng chống dịch bệnh giữa nhiều địa phương đã khiến đứt gãy chuỗi ngành hàng, chuỗi phân phối khiến gia tăng tình trạng nông sản ùn ứ, ách tắc khó tiêu thụ. Đó là khó khăn thứ nhất.

img

Khó khăn thứ hai là trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp phải hứng chịu nhiều cơn bão giá đến từ các vật tư, nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y…Chúng ta có thể nhìn nhận thực trạng này từ 2 nguyên nhân,

Nguyên nhân thứ nhất là công tác xúc tiến phát triển thị trường, xây dựng chuỗi logictics nội địa chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức dẫn đến dễ bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân thứ hai, đại dịch đã khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cho các nguyên vật liệu đầu vào tăng giá. Bản thân nhiều quốc gia cũng tăng cường các công tác bảo hộ, trong khi đó, nhu cầu sử dụng không tăng, nguồn cung sụt giảm thì việc các nguyên liệu đầu vào tăng giá là đương nhiên.

Hai nguyên nhân vừa nêu khiến cho giá trị gia tăng của toàn ngành nông nghiệp không cao, thu nhập của người nông dân bị giảm sút.

img

img

NĐT: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra Nghị quyết phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch gì nhằm cụ thể hóa Nghị quyết trên?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ NN-PTNT đã hoàn thành đề án chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tập trung chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đây là lần đầu tiên chúng ta tiếp cận, phát triển nông nghiệp với tầm nhìn chiến lược và dài hạn đến vậy.

Tuy nhiên, mọi chiến lược phát triển nông nghiệp cần phải hội tụ đủ 3 chủ thể là Nhà nước, thị trường và xã hội. Cụ thể hơn là Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

img

Chương trình nông thôn mới trong giai đoạn 2022, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, đường sá, cầu cống… sẽ chú trọng hơn đến hạ tầng kinh tế nông thôn, hướng đến nâng cao năng lực, đẩy mạnh khuyến nông cộng đồng. Từ đó kích hoạt khu vực kinh tế này, tiến tới xây dựng hình ảnh người nông dân thời đại “số”.

Bộ NN-PTNT sẽ triển khai một chương trình truyền thông sâu- rộng, nhằm mục đích trang bị cho người nông dân những tri thức, kỹ năng cơ bản giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường, làm chủ được công nghệ. Từ đó nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn nữa từ chính những nông sản do họ làm ra.

Đây mới chính là mục tiêu lớn nhất của chương trình nông thôn mới 2022.

img

NĐT: Trong bài phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng đã cam kết, đưa mức phát thải ròng tại Việt Nam về "0" vào năm 2050. Ngành nông nghiệp cần làm gì để đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết trên?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đây là cam kết phù hợp với xu thế thế giới và chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt. Trong bối cảnh quốc tế đang ngày càng quan tâm đến biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phong trào phát triển và tiêu dùng “xanh” thì xu thế tiêu dùng sẽ quyết định phương thức sản xuất chứ sản xuất không còn có thể quyết định xu thế tiêu dùng.

Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ sẽ là lời giải, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu “xanh”.

Phải coi quá trình chuyển đổi từ một nền nông nghiệp “nâu”, thâm dụng đầu vào, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng đất đai, thâm dụng sức lao động sang một nền nông nghiệp thâm dụng tri thức, thâm dụng khoa học công nghệ, tiếp cận tới nông nghiệp xanh là cơ hội chứ không phải khó khăn hay thách thức.

img

Việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sang nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị sẽ mở ra các cơ hội mới cho các doanh nghiệp tiếp cận cách làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều ngành hàng mới và nhiều cơ hội việc làm mới.

NĐT: Các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam ký kết đem đến nhiều cơ hội phát triển nhưng kèm theo đó cũng là những thách thức về hàng rào thuế quan, bảo hộ thương mại…ngành nông nghiệp đã có phương án ứng phó ra sao?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu, câu chuyện phòng vệ thương mại phải được bắt đầu từ chính các doanh nghiệp.

Thực trạng hiện nay, những quy định, yêu cầu của thị trường thế giới thay đổi liên tục nhưng rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến vấn đề này.

Trong năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường công tác cập nhật thông tin, những quy định mới của thị trường quốc tế đến với cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua các Hiệp hội ngành hàng nhằm giảm thiểu những rủi ro không đáng có.

img

Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành như Hải quan, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương…để kịp thời nắm bắt thông tin.

Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện đúng chức năng vai trò quản lý Nhà nước thông qua việc cung cấp đầy đủ về thông tin, dữ liệu thị trường, trên cơ sở đó, giúp cho doanh nghiệp và người dân đưa ra các quyết định sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Tính đến nay, Việt Nam đã chính thức tham gia 13 Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong đó có những Hiệp định quan trọng, mở ra những thị trường rộng lớn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

NĐT: Nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong năm 2022, sắp tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta sẽ phải đối mặt với 3 “Biến”: Biến đổi khí hậu; Biến động thị trường và Biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đây sẽ là 3 nguyên nhân tác động đến cách vận hành kinh tế nói chung và nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

img

Xu thế tiêu dùng thế giới không còn chỉ dừng ở mức ăn ngon, ăn sạch mà sản phẩm còn phải gắn liền theo quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Chiến lược của Chính phủ trong thúc đẩy kinh tế gần đây cũng yêu cầu phát triển phải gắn liền với tăng trưởng “xanh”. Trong tương lai, nông sản Việt Nam không những chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải được gắn nhãn sinh thái sản phẩm. Đây là một danh hiệu của Nhà nước cấp cho các sản phẩm không gây ra ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất hoặc quá trình sử dụng sản phẩm đó.

NĐT: Bộ trưởng có thể chia sẻ về những mục tiêu, những dự định sắp tới của ngành nông nghiệp?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng tôi xác định, xu thế tiêu dùng xanh quyết định phương thức sản xuất, quyết định giá trị gia tăng chứ không phải là sản lượng. Hình ảnh một nền nông nghiệp xanh- sạch, có trách nhiệm với môi trường và người tiêu dùng cần phải được định vị.

Vì vậy, công tác quy hoạch lại vùng nguyên liệu, chuẩn hóa thương hiệu và truy xuất nguồn gốc kết hợp với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi…phải được gấp rút hoàn thành. Quy trình canh tác, chăm bón của người nông dân cần phải được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quy định, theo vùng nguyên liệu và theo từng địa phương để giúp cho việc truy xuất nguồn gốc được dễ dàng hơn, phù hợp với chiến lược xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

img

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đang tích cực hợp tác với các Đại sứ, cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hoàn thiện đề án chiến lược xuất khẩu nông sản bền vững. Đề án này, ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng sẽ có các đơn vị chuyên về logictics, mục đích là để nâng cao công tác phối hợp, tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Bộ sẽ dành riêng một khoản kinh phí đề đầu tư phát triển hệ thống logictics, các trung tâm phân loại, bảo quản, kho lạnh từ trong nội địa theo những vùng nguyên liệu quy mô đủ lớn cho đến sát các vùng biên, nơi có các cửa khẩu xuất khẩu chủ lực.

Khi đã có đề án xuất khẩu như vậy thì mục tiêu xuất khẩu 47 tỉ USD hay cao hơn nữa, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được.

NĐT: Xin cảm ơn Bộ trưởng, chúc cho ngành nông nghiệp sớm vượt qua được những khó khăn, gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai.

img

NGUOIDUATIN.VN |