Hiếm có người đàn bà nào nặng chất “thép” như Thanh Hoa và cũng chẳng có mấy ai đem nỗi niềm chất đầy trong những câu hát, lấy hồn mình làm bể chứa để đựng nỗi niềm.

NSND Thanh Hoa sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Mỗ. Có lẽ, đã là người Hà Nội, hay trót nặng lòng yêu Hà Nội thì ắt phải thấm lắm câu nói “Mỗ, La, Canh, Cót - tứ danh hương” hay “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót” để chỉ về những địa danh đẹp và nổi tiếng thời xưa.

Chính mảnh đất đã được vang danh từ thuở cha ông đi trước đã nuôi lớn tâm hồn NSND Thanh Hoa.

Từ nhỏ, niềm đam mê ca hát đã theo máu ngấm vào từng thớ thịt của cô bé nhỏ nhắn.

Năm 9 tuổi, cô bé Thanh Hoa đã đoạt giải Nhất giọng hát Hoạ mi của thị xã Hà Đông.

Năm 16 tuổi, bà bắt đầu học ở Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp trung cấp năm 1970.

Thời gian trôi đi, cô bé Thanh Hoa ngày nào đã trở thành giọng ca vàng của Đài phát thanh Giải phóng.

Có lẽ, tiếng hát của bà gần như gắn với sự phát triển của lịch sử Việt Nam, bởi hơn ai hết, nghệ sĩ Thanh Hoa là người đã chứng kiến tất cả vất vả của người chiến sĩ Trường Sơn.

Chấp nhận để 2 đứa con nhỏ ở nhà, Thanh Hoa lăn xả khắp các sân khấu từ chiến trường khốc liệt đến bản làng xa xôi.

NSND Thanh Hoa từng trải lòng tâm sự: “Một nữ nghệ sĩ luôn luôn mang tiếng hát gắn liền với những giai thoại của đất nước thì sẽ muốn để người ta thấy được cái lý trí, tính rèn luyện và sự hi sinh của họ như thế nào để sống và tồn tại trong thời kì đó. Tôi không muốn tường thuật quãng đời của mình, tôi chỉ muốn lịch sử mãi mãi về sau hiểu rằng có một người nghệ sĩ đã gắn liền với những thăng trầm của đất nước thông qua tất cả kỷ niệm từ các buổi biểu diễn của cô ấy”.

Nhắc về quá khứ, giọng ca Tàu anh qua núi trầm ngâm: “Khi bắt đầu đi vào con đường nghệ sĩ, bố tôi đã nói với tôi rằng, con thì thiệt thòi về hình thức, dáng thì lùn, da thì đen nhưng may còn có âm thanh và bố chỉ bảo rằng trong một xã hội khi mà giải trí và thưởng thức không cách nhau là bao nhiêu thì chỉ khi nào âm thanh bất lực thì chân tay mới phải hỗ trợ”.

Tàu Anh Qua Núi - Thanh Hoa (1981)

Thế nhưng, phía sau sự nghiệp đầy hào quang, đường tình duyên của “người đàn bà hát” là một chuỗi thăng trầm với nhiều cay đắng.

Là người phụ nữ kín tiếng, người ta chưa bao giờ thấy bà lên tiếng kể lể về hôn nhân và góc khuất đời tư.

ca sỹ Thanh Hoa

Hồi ấy, Thanh Hoa gặp nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, cả hai tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn sống và quan điểm nghệ thuật.

Nhạc sĩ Lạc Hoa đã sáng tác nhiều ca khúc tặng riêng cho bà. Hai người có với nhau hai con gái là Huyền Thư, Thái Lữ và một người con nữa mất từ nhỏ.

Nhưng cuộc hôn nhân của hai người sau đó đổ vỡ, rồi nhạc sĩ Phan Lạc Hoa mất năm 1982. Chính sự ra đi này của ông đã gắn cho Thanh Hoa nhiều tai tiếng mà đến tận nay bà vẫn mang trên mình.

Khủng hoảng, trầm cảm, nhưng giữa lúc đó, bà bất ngờ tìm thấy ánh sáng cuộc đời khi bén duyên người chồng thứ hai (kém 6 tuổi)- nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi.

Nhắc về câu chuyện của mình, NSND Thanh Hoa nói rằng với bà đó là hai từ: May mắn. Còn nghệ sĩ Tôn Thất Lợi thì cho rằng đó là duyên nợ.

Thoáng chút buồn khi nhớ về “người cũ”, NSND Thanh Hoa bỗng hồ hởi khi nhắc tới cuộc hôn nhân thứ hai.

Từng lỡ dở 1 lần, hơn nữa lại hơn chồng 6 tuổi, nên chuyện tình giữa bà và nghệ sĩ Tôn Thất Lợi từng gặp nhiều trắc trở, cấm đoán.

Người đàn bà hát cho biết: “Khi biết tôi và anh Lợi quen nhau, gia đình anh Lợi phản đối rất quyết liệt. Ông bà bắt anh Lợi về Huế ngay và cảnh báo: “Nếu không thể cắt đứt tình yêu thì phải bỏ đoàn xiếc. Thời gian anh Lợi trở ra Hà Nội, ba mẹ anh còn cử anh trai ra quản lý một thời gian. Mãi sau này, khi chúng tôi chung sống nhiều năm, anh Lợi mới tiết lộ nguyên nhân sâu xa khiến ba mẹ anh lo lắng về cuộc tình của chúng tôi”.

ca sĩ thanh hoa

Khi đó, ông bà đã đưa ra những lý lẽ vô cùng thuyết phục với anh Lợi: “Con chưa từng lập gia đình, giờ lấy một người hơn con 6 tuổi, lại có một đời chồng và hai con riêng thì cuộc sống rất phức tạp. Nếu con đã qua “một lần đò” thì ba mẹ không nói. Đằng này, con chưa có kinh nghiệm mà lại “bập” vào một gia đình quá phức tạp như thế thì liệu có vượt qua được không...?”.

Thế nhưng, không ai cắt nghĩa được chữ “Yêu” và cũng không ai lý giải được “chân tình” là gì.

Người ta chỉ thấy hàng ngày, dù nắng gắt hay giữa những cơn mưa xối xả, có một người đàn ông khoác chiếc áo mưa giấy 10 ngàn lẳng lặng chờ đón vợ sau những buổi diễn mệt nhoài. Ai cũng bảo "kẻ dở hơi" nào đội mưa giữa đêm như thế kia, rồi vỡ òa vì ghen tị với NSND Thanh Hoa được "sở hữu" tấm chân tình đến thế.

vợ chồng thanh hoa

Với Thanh Hoa, để chèo lái một gia đình với nhiều mối quan hệ phức tạp, người “thuyền trưởng” đã phải nỗ lực rất lớn.

NSND Thanh Hoa vui vẻ chia sẻ thêm: “Khi quyết định chung sống cùng nhau, anh Lợi đã bày tỏ chân thành với tôi về chuyện cuộc sống gia đình. Anh nói, anh nghĩ điều quan trọng nhất để giữ gìn được hạnh phúc gia đình chính là con cái. Anh sẽ coi Thư - Lữ (con riêng của NSND Thanh Hoa) như con ruột, dù biết rằng đó là điều rất khó khăn.

vợ chồng thanh hoa

Thứ hai, cuộc sống gia đình với một người nổi tiếng như tôi ít nhiều cũng sẽ có va chạm, điều tiếng... Hơn thế nữa, tôi đi diễn liên miên, nếu không hiểu được tính chất công việc của nhau thì khó sống lắm. Thứ ba, anh Lợi luôn xác định là đàn ông phải có lòng vị tha. Anh Lợi không vì bất cứ lý do gì mà yêu cầu tôi phải làm thế này hay thế kia. Anh thường xuyên giúp đỡ tôi những lúc bận rộn, kể cả việc phải vào bếp nấu ăn, chăm con cho tôi đi diễn. Người Huế thường nặng nề chuyện nghi lễ, đàn ông không được vào bếp, nhưng anh Lợi thì không ngại ngần chuyện đó”.

Ban đầu, sự xuất hiện của nghệ sĩ Tôn Thất Lợi trong nhà khiến cho Thư và Lữ trở nên mất tự nhiên, thậm chí bướng bỉnh.

Nhưng bằng tình yêu và sự cảm thương, anh chàng nghệ sĩ kém 6 tuổi đã chinh phục được hai trái tim khó chiều nhất.

Ông trăn trở suy nghĩ phải làm như thế nào đó để hai con thay đổi cách xưng hô cho thật tự nhiên.

Nghệ sĩ Thanh Hoa nhớ lại: “Khi bắt đầu vào cuộc sống gia đình, anh Lợi cũng không cố chứng tỏ, mà đơn giản là sống thật với bản thân. Những lúc rảnh rỗi, anh Lợi đưa Thư, Lữ đi chơi, coi chúng như những người bạn. Vì thế, Thư, Lữ cũng hòa nhập nhanh lắm, không cần đến sự khuyên nhủ, gắn kết của Thanh Hoa. Khi mọi người trong gia đình sống chân thật với nhau thì đó chính là điều cảm hóa nhau dễ nhất”.

“Anh Lợi đi diễn ở Liên Xô về, khi mở cái ba lô ra thì người đầu tiên mà anh phát quà phải là hai chị gái trước rồi mới đến Tôn Thất Sơn – con của anh ấy. Chỉ những điều rất nhỏ ấy làm cho hai con gái vô cùng cảm động. Nếu có lúc yêu chiều Sơn hơn một chút thì anh luôn nhẹ nhàng nói với hai con gái: “Em nó còn bé nên ba chiều hơn một chút”, giọng ca Làng lúa làng hoa tự hào.

Thanh Hoa nghẹn ngào: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi êm ấm đến nay, có lẽ chính bởi sự yêu thương, nhường nhịn của anh Lợi dành cho tôi và cho các con. Đến tận bây giờ, nếu có cỗ máy thời gian quay ngược lại, mọi người sẽ thấy hình ảnh anh Lợi nằm bò ra buộc cái dây ở tay để Thư giả vờ dắt bò, còn Lữ thì cưỡi con bò. Hình ảnh ấy rất đầm ấm và tôi tin, đó là sự chân thành chứ không phải diễn.

Chính vì sự chân thành và yêu thương vô điều kiện của chồng mà NSND Thanh Hoa tự nhận trong cuộc hôn nhân này bà luôn là người có lỗi vì không có nhiều thời gian chăm chút cho gia đình.

Hơn 30 năm đã đi qua để hiện tại cả hai đều không hẹn mà cùng nói về tình trạng hôn nhân hiện tại của mình bằng hai từ "viên mãn".

Cuộc hôn nhân của họ là mong ước của bất kì người phụ nữ nào ở lứa tuổi này vào lúc chiều muộn, rằng vẫn còn người hào hứng nắm lấy bàn tay mình.

Tình yêu tuổi trẻ là những sôi nổi, cuồng nhiệt lẫn hoang mang không gì đánh đổi được, nhưng cái nắm tay lúc tuổi xế chiều này cho họ tất cả sự an yên, toại nguyện. Giờ đây họ có được những thứ mà tuổi trẻ từng mơ ước.