img
Nữ tài xế chuyên chở bệnh nhân mùa dịch

Vừa trút bỏ bộ đồ bảo hộ sau khi kết thúc chuyến hành trình Hà Nội – Yên Bái, Yên Bái – Hà Nội trong ngày, chị Nguyễn Diệu Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) – tài xế chở người bệnh miễn phí về quê bắt đầu chia sẻ với Người Đưa Tin về hành động ý nghĩa này.

Nữ tài xế cho biết chị biết lái xe 15 năm nay, nhưng chỉ phục vụ gia đình và bản thân. Tình hình dịch bệnh căng thẳng ảnh hưởng đến tất cả mọi người và bản thân chị cũng bị ảnh hưởng thất nghiệp (làm du lịch).

Những ngày giãn cách, chị có thời gian rảnh nhiều hơn, nên chị thấy bên ngoài còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình rất nhiều. Bản thân cũng muốn làm gì đó để chia sẻ với mọi người, nên cách đây khoảng 1 tháng chị có biết đến nhóm “Những chuyến xe yêu thương”, thấy nhóm đang cần người nên quyết định tham gia.

“Khi quyết định đi lái xe, tôi rất hồi hộp và trước hôm tham gia thiện nguyện, tôi mới mở lời với chồng “Em có một chuyện muốn nói với anh, nhưng em sợ rằng anh sẽ quát em”, chồng bảo “em nói đi”. Tôi đã trình bày là có một chương trình thiện nguyện như vậy và muốn đi để giúp mọi người”, chị Diệu Linh chia sẻ.

Khi đó, chồng chị Linh cũng lo lắng cho sức khoẻ của vợ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến con cái vì hiện đang thực hiện giãn cách. Chị Linh thuyết phục chồng rằng mình sẽ cố gắng cẩn thận, còn nếu cứ lo lắng sẽ ảnh hưởng như vậy thì mãi mãi sẽ không bao giờ làm được điều gì khác.

Được sự ủng hộ của chồng, ngày hôm sau chị Linh lên đường để chở các bệnh nhân đã điều trị ở bệnh viện xong về nhà. Chia sẻ về công việc lái xe của mình những ngày này, chị Linh cho biết chị và nhóm của chị chủ yếu đưa bệnh nhân từ viện Huyết học và Truyền máu Trung ương về địa phương. “Ngày nào cũng có bệnh nhân ra vào viện, bệnh nhân khó khăn rất nhiều nên hàng ngày sẽ có danh sách, chúng tôi có một nhóm riêng để tương tác với nhau, mỗi tối người phụ trách sẽ liên hệ với phòng công tác xã hội của bệnh viện, lên lịch các hoàn cảnh cần hỗ trợ sau đó thông tin lại với nhóm để mọi người chủ động lên kế hoạch nhận, đón bệnh nhân”, chị Linh cho hay.

Để đưa bệnh nhân ra khỏi Hà Nội, chị cũng như nhiều tài xế khác trong nhóm được cấp giấy đi đường của viện, 2-3 ngày lại test Covid. Vì thế, chị cũng không quá sợ hãi sẽ mang mầm bệnh về nhà. Bởi, bệnh nhân khi ra viện cũng được khử khuẩn, test Covid, khi đón họ lên xe chị Linh cũng đi thẳng về địa phương luôn, gần như không tiếp xúc với ai.


img

“Trao đi yêu thương cũng nhận lại yêu thương”


Nữ tài xế chuyên chở bệnh nhân mùa dịch

Một tháng tham gia chương trình thiện nguyện là một tháng chị đưa bệnh nhân về khắp các địa phương: Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Yên Bái, Sơn La, Phú Xuyên, Mê Linh...

Mỗi chuyến đi đều để lại trong lòng nữ tài xế này những cảm xúc không thể nào quên, đặc biệt lại trong mùa dịch nên chuyến đi nào cũng ấm áp tình người.

Chuyến đi đầu tiên của chị Linh là đưa bệnh nhân về Yên Bái, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đi qua chốt kiểm dịch không thông báo trước nên phải quay về. Khi quay về chị không được vào Hà Nội. Bữa đó, chị đã phải đi test Covid, làm nhiều thủ tục rồi mới được về Hà Nội.

“Giấy viện cấp cho thì chỉ được đến chốt thôi, tuy nhiên, xét theo điều kiện thực tế bệnh nhân họ khá mệt mỏi, bản thân tôi cam kết là đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch, không đi loăng quăng, hứa chỉ đưa bệnh nhân đến đúng nhà và quay lại nên mọi người cũng rất hỗ trợ”, chị Linh chia sẻ.

Hay câu chuyện của cụ ông 79 tuổi ở Hưng Yên, đã chữa bệnh 15 năm ở viện Huyết học khiến chị Linh xúc động, bởi chị nhìn thấy bóng dáng ông nội mình ở đó.

“Tôi cảm nhận ông khá giống ông nội của mình, dễ gần và tình cảm. Suốt quãng đường đi hai ông cháu cứ vừa đi vừa hỏi han nhau. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đưa ông về đến nhà đó là dọc hai bên đều là nhà hai tầng, còn nhà ông lại là căn nhà cấp 4 xây lâu lắm rồi”, chị Linh kể.

Những câu chuyện, kỷ niệm về các chuyến đi của nữ tài xế Linh cứ ngày một nhiều, trong đó câu chuyện nhiều cảm xúc, và chị Linh gọi là “bão tố” nhất chính là hành trình đón hai bệnh nhân từ Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội nhưng họ chỉ đi đến chốt ở Hà Nam được mà thôi.

Trong danh sách có hai bệnh nhân nam cần được đón, chị Linh có gọi điện hẹn nhưng lại là một giọng nữ nghe máy xác nhận. Lúc này chị Linh không mảy may suy nghĩ, nhưng sau khi trao đổi lại thì chị mới vỡ lẽ hai bệnh nhân nam là trẻ em và mẹ của hai bé sẽ đưa các bé ra viện điều trị.

img

“Coi việc thiện như một phần của cuộc sống”


“Lịch đón là 8h30, nhưng người phụ nữ nói 3h30 sáng là đã ra đến nơi, khi đó là 23h30 đêm và trời có sấm nên nếu để hai em bé đứng chờ từ 3h30 thì thương các cháu quá. Tôi có trao đổi qua lại với tài xế qua điện thoại là cho bệnh nhân ngủ trên xe đến 6h sáng tôi đi đón, hoặc không thì tôi sẽ đi đón ngay và thuê cho một khách sạn để nghỉ. Tài xế đồng ý cho các cháu nằm ở trên xe. Nhưng khi đi ngủ tôi cũng thấp thỏm, đến 4h30 sáng đi đón sớm và gần 6h thì đón được bệnh nhân đến viện.

Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại, vì bệnh nhân ra truyền hoá chất và được về trong ngày nên tôi có hẹn bệnh nhân báo trước 14h chiều để sắp xếp đưa ra chốt. Đến 14h không thấy báo lại nên tôi đi chở bệnh nhân khác, hơn 15h mẹ của bệnh nhân mới gọi là được về rồi. Lúc này, tôi phải nhờ một tài xế khác chở nhưng lại chở nhầm địa điểm, mẹ bệnh nhân lại gọi điện khóc lóc với tôi mà trời thì mưa to. Lúc đó tôi chỉ còn cách gọi nhờ tài xế đưa mẹ con họ quay lại. Cảm xúc khi đó của tôi nó rất hỗn độn, bởi mình đang ở xa mà có người rất cần mình giúp đỡ mà không giúp được. Nhưng, may là cũng giúp được người bệnh về nhà an toàn”, chị Diệu Linh thở phào khi mọi chuyện được giải quyết ổn thoả.

Với chị Linh, mỗi chuyến đi đều ấm áp tình người, khi chở bệnh nhân đến nhà, có bệnh nhân cho nào là rau củ quả tự trồng được, có người bệnh thì chờ sau khi xe đi khuất mới quay người vào nhà... hay đi qua chốt thì được các anh công an trực trốt cho thanh long, nước, sữa, nhãn ăn chống đói...


Nữ tài xế chuyên chở bệnh nhân mùa dịch

Chị Diệu Linh: “Mỗi chuyến đi đều ấm áp tình người”


Chuyến đi mới đây nhất chị Linh cũng đưa bệnh nhân về Yên Bái, tuy nhiên xe bị dính đinh nên đã được công an trực chốt giúp thay lốp. Trong quá trình đó chị Linh cũng chia sẻ công việc của mình và được các anh động viên “các em cứ làm việc tốt giúp đỡ mọi người, sau này cuộc sống của mình khó khăn thì sẽ có người giúp đỡ”. Cứ thế, những mẩu chuyện nho nhỏ chị góp nhặt mỗi chuyến đi khiến chị cảm thấy ấm áp.

“Tôi luôn luôn muốn làm công việc này và coi nó như một phần cuộc sống của mình. Trải nghiệm mùa dịch đối với tôi nó là điều đặc biệt, đặc biệt trong chiều hướng tích cực nhiều hơn. Giai đoạn này tôi có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình. Khi làm hoạt động thiện nguyện, tôi biết ơn cuộc sống rất nhiều, năng lượng bao trùm trong giai đoạn này là năng lượng biết ơn, biết ơn là thể hiện của sự hạnh phúc mà khi đi làm không phải lúc nào cũng có được. Tôi tâm niệm, khi trao đi yêu thương thì cũng nhận lại yêu thương nhiều hơn”, chị Linh chia sẻ về việc thiện nguyện của mình trong thời gian tới.

H.B

img