Người Đưa Tin (NĐT): Bà đặt mục tiêu sẽ đưa Việt Nam trở thành cường quốc cà phê số 1 thế giới. Đây là mục tiêu lớn. Bà đã, đang và sẽ làm gì để đạt được mục tiêu lớn ấy?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Hiện tại, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới và số 1 thế giới về sản lượng cà phê Robusta, nhưng để trở thành cường quốc số 1 thế giới lại là một câu chuyện khác. Đó là mục tiêu rất lớn và con đường đi đến mục tiêu ấy sẽ không dễ dàng.

Từ 20 năm trước, tôi đã từng nghĩ ra tầm nhìn, chiến lược cho ngành cà phê. Nhìn thấy được triển vọng của toàn ngành cà phê thế giới và tiềm năng phát triển của cà phê Việt Nam. Lúc đó, tôi đã nói với chồng và các nhân viên quản lý của mình về tầm nhìn, chiến lược ấy để làm việc với Bộ và Hiệp hội. Mấy năm sau, Brazil đã triển khai một chiến lược tổng thể cho ngành cà phê của họ. Họ tính toán bài đi trong tương lai và thật sự, ngành cà phê của họ đã phát triển đồng bộ. Bây giờ, họ trồng luôn cả Robusta. Hiện tại, tiêu thụ nội địa của Brazil là 10% trên tổng sản lượng và họ còn kiểm soát được giá để có thể đẩy giá của Arabica lên cao.

Năm 2021, dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhưng ngành cà phê vẫn tăng trưởng, đó là điều rất đặc biệt. Có thể quán cà phê phải đóng nhưng sản phẩm vẫn giao đến tận nhà, được sử dụng trong gia đình nhiều hơn. Trước dịch, nhiều người uống 1-2 ly mỗi ngày nhưng trong dịch họ lại uống 3-4 ly. Tổng ngành cà phê toàn cầu tăng 4% trong năm qua và Việt Nam cũng tăng. Tôi cho rằng cần nhanh chóng có những chiến lược cho ngành cà phê để đón nhận cơ hội rất lớn trong 5 năm tới. Chúng tôi cũng đã có chiến lược của mình.

NĐT: "Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau", Việt Nam trở thành cường quốc cà phê số 1 thế giới là mục tiêu lớn, ở tầm quốc gia, phải chăng chúng ta nên tập trung nguồn lực để đi xa cùng nhau?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Đúng vậy. Chúng ta cần tập trung tất cả nguồn lực để đưa Việt Nam trở thành cường quốc cà phê số 1 thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tư duy lại, thiết kế lại, vận hành lại toàn bộ ngành cà phê để cà phê Việt Nam có cơ hội bứt phá nhanh chóng.

Trong quy luật cung cầu, nếu chúng ta không làm thì các quốc gia khác làm tốt hơn sẽ vươn lên. Thời điểm này rất tốt để Việt Nam nhìn lại, có chiến lược vững chắc để đi đồng bộ từ Chính phủ đến doanh nghiệp, người tiêu dùng. Chúng ta cần thay đổi toàn cục cho ngành cà phê. Cấp Trung ương, bộ, ngành cần xem xét cà phê là ngành chiến lược của nông nghiệp Việt Nam, từ đó có sự đầu tư phù hợp hơn, đồng thời có chiến lược tổng thể để cà phê Việt Nam bứt phá.

Tôi và những thế hệ sau sẽ tiếp tục phải nỗ lực thay đổi cục diện để thế giới biết về cà phê Robusta của Việt Nam nhiều hơn. Có thể nói 2 loại cà phê quan trọng nhất của thế giới là Arabica và Robusta. Tôi cho rằng Robusta phải được công nhận tương đương như Arabica, thậm chí phải hơn Arabica bởi vì Arabica mang lại mùi hương trong khi Robusta mang lại vị. Một tách cà phê hoàn hảo cần có cả Arabica và Robusta. Tôi có một ước mơ, một ngày không xa Robusta có giá cao hơn Arabica.

Hơn hai mươi mấy năm về trước, chúng ta hầu như không thấy cà phê trên quầy kệ của các siêu thị, nhưng ngày hôm nay cà phê chiếm tới 6 khoang kệ. Tất cả du khách đến Việt Nam, khi về họ đều muốn ưu tiên mua cà phê Việt để đem về vì chất lượng của chúng ta tốt. Đó là nền tảng rất tốt để phổ cập và phát triển cho cà phê Việt Nam.

NĐT: Là một người đã có nhiều năm gắn bó với cà phê Việt Nam, theo bà đâu là điểm mạnh và điểm yếu của cà phê Việt trên trường quốc tế. Chúng ta cần làm gì để phát huy điểm mạnh và ngược lại cần làm sao để khắc phục điểm yếu?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam và những người nông dân chăm chỉ đã giúp chúng ta trở thành quốc gia trồng cà phê Robusta đạt sản lượng và năng suất hàng đầu thế giới. Việt Nam xuất khẩu ra thế giới khoảng 1,6 triệu tấn cà phê vào năm 2020. Bên cạnh 90% sản lượng Robusta, Việt Nam còn có 10% Arabica ngon nhất thế giới. Lợi thế lớn nhất là chúng ta đang ở trong vựa cà phê lớn nhất thế giới.

Điểm cần được cải thiện là chúng ta chủ yếu xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Cà phê chế biến mang lại lợi nhuận tốt hơn cho người nông dân và tất cả các bên nhưng sản lượng của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Tiếp nữa là thương hiệu, hầu như các sản phẩm được làm từ cà phê của Việt Nam khi tới tay người tiêu dùng thế giới lại không còn hai chữ “Việt Nam”. Đó là một điều rất đáng tiếc, là một thiệt thòi.

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác như doanh nghiệp cà phê Việt không gắn được với vùng sản xuất dẫn đến không chủ động được vùng nguyên liệu, nguồn lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp cà phê trong nước còn thấp. Những điểm yếu của doanh nghiệp cà phê Việt lại là điểm mạnh của các tập đoàn đa quốc gia lâu năm trên thị trường quốc tế. Đây là vấn đề phải trăn trở.

Để khắc phục những điểm yếu ấy không thể làm một sớm một chiều và không thể làm riêng lẻ. Chúng ta cần bắt tay nhau, tập trung sức cho một kế hoạch dài hơi. Khi quyết tâm đủ lớn, chúng ta sẽ làm được.

NĐT: Năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã đẩy thương mại toàn cầu đến những khó khăn cực điểm. Với King Coffee thì sao, thưa bà?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Quả thực đây là hai năm khó khăn nhất mà chúng ta từng đối mặt. King Coffee cũng bị tác động như các doanh nghiệp khác. Nhưng, tôi có những kế hoạch từ trước, được nghiên cứu kỹ lưỡng nên khi gặp khó khăn cũng dễ dàng thích nghi.

Hai năm qua, chúng tôi duy trì sản xuất, kinh doanh khá tốt. Ngoài việc mở quán cà phê đầu tiên tại Mỹ, phát triển chuỗi quán trong nước, chúng tôi còn tham dự Dubai 2020 Expo, có các nỗ lực mang Kỷ lục Thế giới về cho cà phê Robusta, các hoạt động vì cộng đồng như các chương trình hiến máu, từ thiện, tặng quà cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

NĐT: Tôi xin phép được trở lại một chút với quá khứ, năm 2017, King Coffee về Việt Nam sau khi đã xuất hiện ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại sao bà lại đi ngược dòng?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Khi quyết định khởi nghiệp lần 2, tôi đã chọn con đường hướng đến thị trường quốc tế và quyết tâm phải làm thật thành công rồi mới trở về phát triển thị trường trong nước. Bởi vì, tôi thích chọn con đường khó với tâm niệm đi ngược dòng sẽ tạo ra cơ hội lớn, tôi luyện ý chí mạnh mẽ, giúp mình đổi mới, thoát khỏi con đường mòn. Mọi người cũng biết cánh diều ngược gió mới bay cao.

Do đó, khi ra đời thương hiệu King Coffee, tôi chọn thị trường Mỹ để khởi nghiệp. Thị trường Mỹ là thị trường đa chủng tộc nên khách dễ đón nhận cái mới nhưng cũng dễ dàng bỏ đi nếu sản phẩm, dịch vụ không chất lượng như kỳ vọng.

NĐT: Bà vừa nhắc đến khởi nghiệp lần 2, có lẽ chẳng ai muốn điều đó nhưng cuộc đời đã đưa ra thách thức khiến bà phải khởi nghiệp thêm một lần nữa. Điều này hẳn không phải dễ dàng đúng không, thưa bà?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Khi ra đời King Coffee, tôi định vị ngay lập tức King Coffee phải thành công trên phạm vi toàn cầu. Tôi nỗ lực hết sức để dù đi sau nhưng sẽ đến trước. Hành trình dù dài đến đâu cũng bắt đầu bằng một bước chân, chỉ cần đi là sẽ tới. Kiên định và quyết tâm, đó cũng là tố chất của tôi.

Tôi đã đi qua khoảng 43 quốc gia và hơn 230 hội nghị, hội thảo, đa phần trong các hội thảo tôi tham gia như là một diễn giả để nói về cà phê Việt Nam. Hành trình này là cả một công sức rất lớn.

Tại sao tôi lại chọn Mỹ là nơi khởi đầu cho King Coffee? Đó là bởi tôi chọn điều khó để thử thách mình. Nhưng… đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn khi tôi chọn Mỹ chính là thành công ở Mỹ sẽ tạo ra một lối đi dễ dàng hơn cho thế hệ sau. Tôi khát khao để lại di sản cà phê cho họ.

NĐT: Tôi rất tò mò về cái tên thân thương “cô bé cà phê”. Thương trường là chiến trường, trên chiến trường ấy “cô bé cà phê” đã trưởng thành ra sao?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Có lẽ vì tôi yêu thích cà phê từ nhỏ nên được gọi là “cô bé cà phê” (Cười). Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trồng cà phê. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã chứng kiến việc cà phê được giá thì mất mùa, mất mùa thì được giá. Giá cà phê rất thấp và bấp bênh, trong khi người nông dân chỉ làm trong rẫy cà phê mà không nhìn ra góc nhìn lớn hơn của thế giới. Trong hệ sinh thái cà phê hay chuỗi giá trị toàn cầu, phân đoạn của người nông dân chỉ nhận được giá trị rất nhỏ. Lúc đó, trong hiểu biết của mình, tôi thấy có nhiều thương hiệu cà phê rất nổi tiếng nhưng đất nước của họ không trồng cà phê như Thụy Điển, Mỹ… Tại sao họ làm được mà mình lại không làm được điều đó?

Thời bao cấp, cà phê không được kinh doanh thông thường mà đó là mặt hàng xa xỉ. Tôi nhận thấy rõ ràng, cà phê đang có nhu cầu rất lớn, vì sao không làm cà phê trở thành mặt hàng phổ cập? Khi đồng sáng lập ra thương hiệu cà phê Trung Nguyên, G7 và giờ đây là King Coffee là tôi trả lời cho những câu hỏi đó và hiện thực khát vọng về thương hiệu Việt vươn ra thế giới của mình.

NĐT: Với người Á Đông, phụ nữ thường bị đóng khung trong những khuôn mẫu và chúng giữ họ lại bằng định kiến. Bà có phải chịu đựng điều đó và làm gì để thoát ra?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Gần 20 năm tôi ở vai trò lãnh đạo doanh nghiệp nhưng không cho mọi người nhìn thấy mình. Điều này tốt cho chuyện gia đình tôi trước đó, nhưng lại không tốt cho tôi khi xảy ra sự cố. Tôi nghĩ, người phụ nữ khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nên cân bằng giữa danh tiếng trên xã hội và tổ ấm của mình để chủ động làm đúng vai trò của người lãnh đạo hơn. Khi làm được điều này, họ sẽ chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi vững chắc hơn.

Thử thách càng lớn thì định vị và sự hướng tới của con người mình càng đặc biệt. Đó cũng là sứ mệnh. Và, tôi đã chia sẻ tất cả những điều này trong cuốn sách đầu tiên của mình The Queen of King Coffee.

NĐT: Một số quan điểm cho rằng phụ nữ không thể làm tốt công việc quản lý cấp cao hay kinh doanh tốt ở tầm vĩ mô. Nhưng, "Bà đầm thép" Margaret Thatcher hay nữ triệu phú gốc Phi đầu tiên ở Mỹ Madame C.J. Walker* là những minh chứng cho việc, phụ nữ có thể làm rất tốt khi có cơ hội. Quan điểm của bà?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Tôi luôn cho rằng phụ nữ có thể làm được những điều đó nếu họ quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để tỏa sáng. Việt Nam có nhiều nữ CEO hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực là minh chứng cho sức mạnh nội lực tuyệt vời của phụ nữ Việt. Không có giới hạn nào cho bất cứ ai, nữ hay nam, già hay trẻ,… Đương nhiên không thành công nào là dễ dàng nhưng chỉ cần chúng ta dũng cảm, ước mơ sẽ thành hiện thực.

Xin được gửi lời cảm ơn trân trọng đến bà vì đã dành thời gian trò chuyện với Người Đưa Tin!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 18/02/2022 | 15:43