Người Đưa Tin (NĐT): Năm qua, Bắc Giang đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết, những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang từ tầm nhìn của quy hoạch này như thế nào?

Ông Phan Thế Tuấn: Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch đã mở ra cơ hội lớn cho Bắc Giang, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Theo đó, Bắc Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng.

Để quy hoạch sớm được cụ thể hóa, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tỉnh đã tổ chức công bố quy hoạch theo quy định; ban hành kịp thời kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, trọng tâm là việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các quy hoạch xây dựng để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ với quy hoạch không gian phát triển công nghiệp của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức triển khai Phương án phát triển công nghiệp theo không gian phát triển, bước đi, thứ tự ưu tiên một cách khoa học, hợp lý, bền vững; xây dựng kế hoạch lộ trình triển khai thành lập mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh được phê duyệt gắn với định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình "Hệ sinh thái công nghiệp" - gắn kết khu công nghiệp với đô thị, dịch vụ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Tỉnh đặc biệt chú trọng trong công tác thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai đầu tư hạ tầng, kịp thời thực hiện giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

NĐT: Năm 2022, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã có tăng trưởng vượt bậc, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm tăng 30% và đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, xin ông cho biết Bắc Giang đã đạt được những kết quả khả quan gì trong lĩnh vực công nghiệp trong năm vừa qua?

Ông Phan Thế Tuấn: Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhờ đó sản xuất công nghiệp của tỉnh đã vượt lên những khó khăn, để duy trì sự phục hồi mạnh, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Công nghiệp có bước tăng trưởng ấn tượng, tăng trên 35%, cao nhất từ trước đến nay; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 342.000 tỷ đồng, với các sản phẩm công nghiệp chính đều có mức tăng mạnh; cơ cấu kinh tế của tỉnh dịch chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chiếm 54,8%; tăng 6,2% so với năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm dự kiến tăng 30%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 33%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước tăng 17%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,5%.

Cùng với đó, giá trị xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt trên 43 tỷ USD. Tính đến nay, có 27 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Điều này càng cho thấy Bắc Giang với một tâm thế mới trong phát triển và hội nhập quốc tế đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, với độ mở kinh tế lớn.

Đặc biệt trong năm 2022, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 2 khu công nghiệp mới và 2 khu công nghiệp mở rộng. Tỉnh cũng đã quyết định thành lập thêm 2 cụm công nghiệp.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh trong các khu công nghiệp có 401 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với khoảng gần 195.600 lao động thực tế đang làm việc; đã có 31 CCN đi vào hoạt động, với 232 doanh nghiệp và trên 45.000 lao động thực tế đang đi làm. Năng lực sản xuất và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp từng bước được nâng cao; hỗ trợ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển nhanh; giải quyết việc làm cho người lao động; tăng nguồn thu cho ngân sách; chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động ở nông thôn trong tỉnh.

NĐT: Trong thời gian qua, sản xuất công nghiệp gặp phải một số khó khăn. Ở một số địa phương đã diễn ra tình trạng các doanh nghiệp cắt giảm công nhân ngay trước giai đoạn Tết. Xin ông cho biết ở Bắc Giang có xảy ra tình trạng này không và tỉnh đã giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.

Ông Phan Thế Tuấn: Trong năm 2022, cùng với cả nước, Bắc Giang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, chính sách Zero Covid của nước bạn cùng với xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu leo thang, biến động khó lường. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và bị giảm đơn hàng, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên theo thống kê của tỉnh thì số lượng này không lớn và chủ yếu tập trung vào diện cắt giảm giờ làm, cắt giảm tăng ca hay thực hiện chế độ làm luân phiên. Thu nhập của một bộ phận người lao động do đó tất nhiên là có giảm nhưng sự biến động không quá lớn.

Trước vấn đề trên, tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở ngành bám sát tình trạng sử dụng lao động của doanh nghiệp và đời sống của người lao động đặc biệt đảm bảo người lao động được hưởng đầy đủ các chính sách của doanh nghiệp. Tinh thần chung vẫn là cùng đồng hành với nhau qua giai đoạn khó khăn.

NĐT: Bắc Giang đã có nhiều dấu ấn trong việc mở đường cho doanh nghiệp về địa phương. Trong thời gian tới, quan điểm và cách làm của Bắc Giang sẽ như thế nào để có thể đón được những “đại bàng về làm tổ”, tạo sức lan tỏa, làm thay đổi hẳn cục diện phát triển của tỉnh?

Ông Phan Thế Tuấn: Hiện nay Bắc Giang đã ban hành, áp dụng Bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Quy định suất đầu tư và số lao động sử dụng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh để thu hút, chọn lọc được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, có kinh nghiệm.

Theo đó, Bắc Giang sẽ tiếp tục kiên trì với phương châm “"1 không, 2 ít, 3 cao và 5 sẵn sàng”. Trong đó, "1 không" là không ô nhiễm, "2 ít" là sử dụng ít đất, ít lao động, "3 cao" là ứng dụng công nghệ cao, suất vốn cao, hiệu quả kinh tế cao và cuối cùng, "5 sẵn sàng" là sẵn sàng về mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả. Bắc Giang cũng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở trong nước.

Về công tác kêu gọi đầu tư, Bắc Giang cũng chú trọng đến việc xúc tiến đầu tư tại chỗ - xác định đây là một yếu tố quan trọng, thông qua các hình thức hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án hiệu quả đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã đến với Bắc Giang. “Tiếng lành đồn xa”, đây chính là kênh thông tin, kêu gọi rất hiệu quả, có sự lan tỏa lớn, đã được thực tế kiểm chứng.

Đặc biệt, để thu hút được các nhà đầu tư có chất lượng cao và nhà đầu tư chiến lược, Bắc Giang đã chủ động “làm tổ để đón đại bàng”, trong đó tập trung cao cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Đặc biệt chú trọng công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh; khắc phục tình trạng “trên thông, dưới rải chông”, tạo phong trào thi đua, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan, đơn vị.

NĐT: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực điều hành kinh tế và tinh thần sẵn sàng lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang trở thành “tấm vé ưu tiên” của các địa phương trong việc kêu gọi doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư. Xin ông chia sẻ về định hướng của Bắc Giang trong vấn đề để có thể tiếp tục nâng thứ bậc xếp hạng trong cuộc đua với các địa phương khác?

Ông Phan Thế Tuấn: Đây là công việc chúng tôi làm thường xuyên. Từ lãnh đạo tỉnh cho đến các sở ngành, địa phương đều luôn sẵn sàng một tinh thần đối thoại và lắng nghe. Khi doanh nghiệp muốn gặp hay trao đổi, chúng tôi đều tiến hành gặp gỡ, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó có những chỉ đạo kịp thời. Đây được xem là bước đầu tiên để tỉnh tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giúp nhà đầu tư yên tâm về với Bắc Giang.

Nhà đầu tư thường ngần ngại về những thủ tục hành chính, đất đai hay tài chính. Vì vậy, đối với các dự án lớn, trọng điểm, tỉnh đều thành lập các tổ công tác với lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng cùng lãnh đạo các ngành, địa phương có liên quan. Sau đó, tổ công tác sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án hoặc xử lý công việc đột xuất mà nhà đầu tư đề nghị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, địa phương để bám sát vấn đề theo thẩm quyền của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Định kỳ, chúng tôi đều có kiểm lại những việc đã thực hiện, đánh giá chất lượng xử lý nhiệm vụ và đề xuất các biện pháp để nâng cao chất lượng phục vụ.

Có thể nói, vấn đề này, Bắc Giang thực hiện rất trách nhiệm và nghiêm túc. Gần như những vấn đề liên quan đến địa phương, tỉnh sẽ tập trung giải quyết rất nhanh. Còn những vấn đề vượt quá thẩm quyền, chúng tôi cũng khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoặc báo cáo và đề xuất phương án giải quyết với cấp có thẩm quyền.

NĐT: Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh về quan điểm “hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp”. Xin ông cho biết, quan điểm và cách làm của Bắc Giang đối với vấn đề này?

Ông Phan Thế Tuấn: Bắc Giang nhận thức rất rõ điều này. Theo đó trong việc kêu gọi đầu tư chúng tôi đều nhận mạnh quan điểm doanh nghiệp phát triển đi đôi với sự phát triển của địa phương, không thể để tình trạng nhà đầu tư thu lợi thông qua chuyển giá, trong khi đóng góp rất ít cho địa phương, làm kìm hãm sự phát triển của tỉnh. Và mục tiêu cuối cùng của phát triển, dù là doanh nghiệp hay địa phương, không gì khác là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên các mặt. Bắc Giang không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà kiên trì theo đuổi mục tiêu đó.

Chúng tôi hiện thực quan điểm đó bằng định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình "Hệ sinh thái công nghiệp" tức là gắn kết khu công nghiệp với đô thị, dịch vụ kèm theo như nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông, môi trường… Nhà đầu tư đến với Bắc Giang đầu tư công nghiệp phải quan tâm đến cả những vấn đề đó để tạo ra sự đầu tư có trách nhiệm, chia sẻ và bền vững.

NĐT: Phát triển công nghiệp bền vững là hướng đi đúng đắn và lâu dài, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng “nóng” ở nhiều địa phương. Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ: “Bắc Giang phải tập trung phát triển xanh, phát triển bền vững”. Xin ông chia sẻ những sáng kiến và cách làm của Bắc Giang để thực hiện chủ trương này?

Ông Phan Thế Tuấn: Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rất rõ ràng quan điểm phát triển của tỉnh Bắc Giang: “Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Để thực hiện chủ trương, quan điểm phát triển trên, tỉnh Bắc Giang đã xác định rõ phát triển các khu công nghiệp theo hướng hình thành các khu công nghiệp sinh thái gắn với phát triển các khu đô thị - dịch vụ với hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường, điều kiện sống thuận lợi để thu hút lao động. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội.

Bên cạnh đó, quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với liên kết ngành, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đảm bảo hài hòa, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và sẽ được quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, chú trọng đến việc thẩm tra, xem xét, chấp thuận đầu tư một cách thận trọng đối với cả nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp; áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư với chủ trương tập trung thu hút các đối tác, nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, có hướng gắn bó lâu dài trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm diện tích đất, quan tâm bảo vệ môi trường và có khả năng liên kết, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khác của tỉnh; qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển

NĐT: Tiềm năng lớn, mục tiêu lớn, quyết tâm lớn nhưng người thực hiện vẫn là khâu then chốt. Bắc Giang sẽ làm gì để nâng cao chất lượng, năng lực điều hành kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, nhất là khắc phục tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, “trên thông, dưới rải chông”?

Ông Phan Thế Tuấn: Đây là một trong những nhiệm vụ lớn trong công tác cán bộ, hoàn thiện bộ máy mà Bắc Giang đề ra. Hiện tại, khối lượng công việc cần giải quyết của tỉnh khá lớn trong khi đó yêu cầu xử lý công việc ngày càng cao, đòi hỏi chất lượng, trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ cũng cần không ngừng được cải thiện.

Để đáp ứng nhu cầu của thực tế, tỉnh tiếp tục quan tâm làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ. Cán bộ phải có năng lực phù hợp, tương xứng với nhiệm vụ được giao. Đặc biệt chủ động nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ và có hình thức khen thưởng hoặc kỷ luật thích đáng để tạo động lực làm việc cho đội ngũ.

Hơn thế nữa, Bắc Giang cũng chú trọng đến việc phát triển, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ; chủ động trong việc thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức trẻ trong quy hoạch xuống các cơ sở nhằm phát huy năng lực công tác, nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, thực hiện rà soát đưa quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với những cán bộ trẻ có năng lực, trình độ. Hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ trẻ.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 25/01/2023 | 09:36