img img

img

NĐT: Bắt đầu từ năm 2013, An Phát Holdings đã có sự chuyển đổi khá ấn tượng từ sản phẩm túi chất lượng cao sang túi có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường. Điều gì đã dẫn đến sự chuyển mình này, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Ngay từ những ngày đầu thành lập, An Phát Holdings đã hướng đến những sản phẩm chất lượng cao. Thời điểm đó, người sáng lập của An Phát Holdings là ông Phạm Ánh Dương đã xác định, sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường là điều chúng tôi hướng đến.

img

Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings, ông Nguyễn Lê Thăng Long

Từ năm 2012 đến 2013, châu Âu đã có sự biến chuyển lớn trong việc đổi từ túi nhựa thông thường sang túi nhựa phân hủy sinh học. Trước thực tế đó, chúng tôi cũng đã thay đổi theo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sự ra đời của thương hiệu AnEco dành cho các sản phẩm phân hủy sinh học vào năm 2013 là minh chứng cho nỗ lực của chúng tôi trong việc nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường. Các sản phẩm AnEco trong đó có túi phân hủy sinh học đạt nhiều chứng nhận quốc tế về khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn như: TCVN 13114, OK Compost HOME,… đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

NĐT: Trong giai đoạn đầu chuyển mình từ túi nhựa chất lượng cao sang loại túi thân thiện với môi trường, An Phát Holdings gặp khó khăn gì, thưa ông?

img

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Sản xuất dòng sản phẩm thân thiện với môi trường được chúng tôi xác định là một trong những hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm này, chúng tôi hầu như phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là khó khăn đầu tiên. Nó khiến giá thành sản phẩm của chúng tôi cao hơn khá nhiều so với sản phẩm nhựa truyền thống.

Để giải bài toán đầu ra và hạ giá thành sản phẩm, năm 2019, chúng tôi đã hợp tác với một đối tác Hàn Quốc (một trong số ít những công ty sở hữu bằng sáng chế về nguyên liệu nhựa sinh học phân hủy trên thế giới) và trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nắm giữ sáng chế về nguyên liệu sinh học phân hủy PBAT.

Đầu năm 2022, chúng tôi bắt tay vào dự án xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Hải Phòng, với công suất 30.000 tấn/năm. Nhà máy sẽ là nền móng để chúng tôi mở rộng các dự án phát triển sản phẩm và nguyên liệu xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước và quốc tế.

img

An Phát Holdings đang là một trong những doanh nghiệp đi đầu về sản phẩm thân thiện với môi trường.

Khó khăn thứ hai mà chúng tôi phải đối mặt là công nghệ. Khi nguyên liệu đầu vào thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi về công nghệ. Thời điểm đó, chúng tôi mất rất nhiều thời gian, tâm sức và đương nhiên là cả tiền bạc trong việc thử nghiệm. Đó là quá trình kéo dài nhiều tháng trời song chúng tôi chấp nhận thử thách và bắt tay vào nghiên cứu để cải thiện công nghệ.

Thứ ba là cuộc chạy đua với các doanh nghiệp khác. Chúng tôi không phải là doanh nghiệp duy nhất cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn có rất nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới cũng làm dòng sản phẩm này. Trong cuộc đua ấy, ai cung cấp được những sản phẩm đúng như khách hàng yêu cầu, giá cả hợp lý thì người đó sẽ có đơn hàng.
img

NĐT: Các sản phẩm của An Phát Holdings đã và đang hướng ra bên ngoài - những nước phát triển - dường như thị trường nội địa bị bỏ quên?

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Chúng tôi không bỏ quên mà thực hiện theo lộ trình. Các sản phẩm thân thiện với môi trường đã được An Phát Holdings cho ra mắt ở thị trường nội địa từ năm 2018. Trong những năm qua, các sản phẩm của An Phát Holdings đã xuất hiện tại nhiều nơi như Vinamilk, Soc&Brothers, Pizza 4P's,… Thực tế, chúng tôi luôn mong muốn đem đến những sản phẩm tốt nhất cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng tôi vẫn rất nhiều sự trợ lực từ chính sách của Nhà nước.

img

NĐT: Tại sao lại cần sự trợ lực từ chính sách, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Hiện, Việt Nam chưa có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những sản phẩm thân thiện với môi trường và giá thành của chúng đắt hơn so với thứ mọi người đang dùng.

Những chiếc túi làm từ nhựa PE có giá rất rẻ, rất dễ mua. Khi đa số người dân có thu nhập chưa cao, việc sử dụng những chiếc túi làm từ nguyên liệu giá rẻ đã trở thành thói quen và chưa bị cấm triệt để thì đương nhiên, mọi người sẽ chọn mặt hàng này. Điều đó rất dễ hiểu.

NĐT: Ông vừa đề cập đến vấn đề chính sách đối với các sản phẩm “xanh”, vậy cụ thể điều đó là gì? Ông có thể chia sẻ thêm?

img

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Trước hết, nếu không có các biện pháp hạn chế các sản phẩm không thân thiện với môi trường thì người dân sẽ vẫn tiếp tục sử dụng.

Thứ hai, chúng ta có đánh thuế vào những sản phẩm không thân thiện với môi trường nhưng mức thuế ấy không cao thì cũng sẽ không tạo ra được sự khác biệt lớn.

Thứ ba, chúng ta có quy định phải gắn nhãn để phân biệt túi thân thiện với môi trường, song trên thực tế hiện nay, có rất nhiều loại túi nhựa gắn mác “tự huỷ sinh học” nhằm tránh thuế. Về bản chất, đây chỉ là những sản phẩm nhựa thông thường được thêm một phần rất nhỏ chất phụ gia OXO để dễ phân rã thành vi nhựa. Nguy hiểm hơn, thời gian phân hủy các vi nhựa này thậm chí còn lâu hơn túi nhựa thông thường, song người dân lại chưa có đủ thông tin về các loại sản phẩm này.

Để sản phẩm “xanh” rộng đường phát triển tại Việt Nam, theo tôi, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những biện pháp rõ ràng, cụ thể hơn; đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông, túi nhựa khó phân hủy.

NĐT: Là một người gắn bó nhiều năm với các sản phẩm có nguồn gốc sinh học, theo ông, chúng ta nên làm gì để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mọi người đối với môi trường?

img

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Điều này phải đến từ nhiều hướng, từ tuyên truyền, từ giáo dục trên ghế nhà trường,… và quan trọng nhất là chính sách.

Các sản phẩm của An Phát Holdings đang xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới và tôi thấy, chính sách luôn là yếu tố đi đầu. Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ và thậm chí các nước ở châu Phi, chính sách luôn là hàng đầu. Chính sách phù hợp sẽ giải quyết được mọi bài toán.

Năm 2022, EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - đã chính thức có hiệu lực. EPR là cơ chế mà ở đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến giai đoạn sau sử dụng, nhằm thu gom được ở giai đoạn cuối của vòng đời sản phẩm để có thể phân loại trước khi xử lý mà chủ yếu là tái chế. Tôi đánh giá rất cao EPR, bởi nó là khởi điểm cho một số thay đổi trong tương lai. Chính sách luôn phải đi đầu để giải quyết các bài toán.

NĐT: Theo ông, chúng ta phải làm thế nào để giải được bài toàn của môi trường và những chiếc túi phân hủy sinh học?

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Thứ nhất, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế tối đa các sản phẩm không tốt cho môi trường.

Thứ hai, là phải có lộ trình thực hiện rõ ràng. Chúng ta cần phải thực hiện từng bước để giảm dần các loại nhựa độc hại và chuyển sang nhựa sinh học. Tại sao lại phải có lộ trình? Vì, chúng ta muốn nhanh cũng không được. Thế nên, cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để thảo luận về điều này.

Hiện tại, chúng tôi đang là doanh nghiệp duy nhất ở Đông Nam Á sản xuất các loại túi thân thiện với môi trường, công suất cũng chỉ mấy chục ngàn tấn mỗi năm, trong khi số lượng túi đang dùng lên đến cả triệu tấn. Thế nên, câu hỏi đặt ra là, cấm rồi thì cái gì sẽ thay thế? Cấm rất dễ nhưng giải pháp thay thế là gì? Nếu không có sự thay thế phù hợp, mọi người vẫn quay trở lại thói quen cũ. Vì vậy, các nhà làm chính sách cần ngồi lại với doanh nghiệp để cùng bàn bạc và đưa ra lộ trình cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất.

img

NĐT: Túi nhựa phân huỷ sinh học và túi nhựa tự hủy OXO khác nhau thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Túi nhựa phân huỷ sinh học là những sản phẩm có khả năng phân hủy hoàn toàn tạo thành CO2, H2O và mùn hữu cơ trong thời gian 6 - 12 tháng, không để lại vi nhựa hay các tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Tính năng này khó có thể thử nghiệm trực tiếp từ phía người tiêu dùng, mà được minh chứng thông qua các tổ chức cấp chứng chỉ uy tín trên thế giới như: DIN, TUV, BPI, ABA.

img

Trong khi đó, nhựa tự hủy OXO là các loại nhựa thông thường (PE, PP, PVC,...) được pha thêm một lượng phụ gia OXO, với cơ chế phân hủy bản chất chỉ là phân rã thông qua phụ gia oxi hóa thành các hạt vi nhựa rồi lẫn vào đất, không khí và cả nguồn nước, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thực tế, hạt vi nhựa sau qua trình phân rã vẫn là các hạt nhựa truyền thống, vẫn có thể tồn tại trong lòng đại dương hàng trăm năm. Các hạt vi nhựa này không có khả năng thu gom, sẽ bị hấp thu và tích lũy trong các loài sinh vật, động vật biển và cứ thế tiếp tục đi vào chuỗi thức ăn của con người. Do đó, có thể nói, các sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO còn nguy hại cho môi trường hơn so với các sản phẩm nhựa truyền thống.

Các nước phát triển như tại châu Âu và Mỹ đã nhận ra những nguy hại nghiêm trọng mà nhựa tự hủy OXO mang lại và đã yêu cầu cấm đối với sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO. Tuy nhiên, đây là một quá trình thay đổi từ nhận thức của người tiêu dùng tới chính sách và lợi ích của các nhà sản xuất, nên cần thời gian cho sự chuyển đổi này.

NGUOIDUATIN.VN |