Kinh tế châu Âu

Nền kinh tế châu Âu nói chung và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến vào năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng bị kìm hãm bởi lạm phát cao và thiếu động lực tăng trưởng khi các nền kinh tế đầu tàu của “lục địa già” gặp nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều là ảm đạm và u ám đối với châu Âu. Thị trường lao động mạnh mẽ với tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục ở nhiều quốc gia, xuất khẩu bền vững và đầu tư chuyển đổi xanh, mang lại khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và hy vọng về một năm mới với những mảng màu tươi sáng hơn cho “cựu lục địa”.

Kinh tế châu Âu

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni kỳ vọng nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Ảnh Euronews

Kinh tế châu Âu

Trong những tháng cuối năm 2023, người dân ở các nước sử dụng đồng Euro có thể thở phào nhẹ nhõm khi lạm phát đã bất ngờ giảm xuống mức 2,4% vào tháng 11/2023 – mức thấp nhất trong hơn 2 năm, nhờ việc chi phí năng lượng giảm mạnh đã phần nào xoa dịu cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí.

Con số này đã khá gần với mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ mùa hè năm 2022. Nhưng cái giá phải trả cho thành công trong cuộc chiến chống lạm phát là tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde (thứ hai từ phải sang) dự một cuộc họp của Hội đồng Quản trị ECB tại Athens, Hy Lạp, ngày 26.10.2023. Ảnh Xinhua

Tình hình ở Liên minh châu Âu (EU) khá phức tạp vì nền kinh tế của khối 27 quốc gia đã trải qua một cuộc suy thoái nhẹ trong một thời gian. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ bao gồm 20 quốc gia thành viên EU, tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0,6% cả năm.

“Về tổng thể, chúng ta đã tránh được suy thoái kinh tế, nhưng chúng ta vẫn chứng kiến số liệu về tăng trưởng rất, rất thấp”, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni thừa nhận.

Lạm phát cao, lãi suất tăng và nhu cầu bên ngoài yếu đã góp phần gây ra những thách thức kinh tế cho châu Âu trong năm qua, với việc những gì các quốc gia thành viên phải chịu đựng là không giống nhau.

Kinh tế châu Âu

Ông Yacin Malkoc, quản lý một cửa hàng tạp hóa ở Bỉ, cho biết giá các sản phẩm được tiêu thụ mạnh như chuối, nấm hay cà chua đều ít nhiều tăng 30%. Ảnh Euronews

Giá cả nói chung đã hạ nhiệt, nhưng giá thực phẩm vẫn ở mức cao “không tưởng” ở một số quốc gia châu Âu. Ví dụ, ở Bỉ – nơi lạm phát hàng năm thuộc hàng thấp nhất trong khu vực đồng Euro – giá năng lượng, vận tải và một số nguyên liệu thô đã ổn định trong những tháng gần đây, nhưng người tiêu dùng vẫn không thấy giá thực phẩm giảm.

“Với mặt hàng rau củ quả, đặc biệt là các sản phẩm được tiêu thụ mạnh như chuối, nấm hay cà chua, giá đều ít nhiều tăng 30%”, ông Yacin Malkoc, quản lý một cửa hàng tạp hóa ở Bỉ, giải thích. “Trước đây, mọi người đều có thể dễ dàng mua trái cây và rau quả, nhưng ngày nay, lượng khách hàng đã giảm đáng kể do giá tăng quá cao”.

Giá các loại thực phẩm quen thuộc như trứng đã tăng 37%, khoai tây 53% và dầu ô liu 75% trong suốt 2 năm qua mà không có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến người dân cảm thấy cuộc sống thật khó khăn.

Kinh tế châu Âu

Advent Market tại Quảng trường St. Stephen, Budapest. Người Hungary vừa trải qua một mùa Giáng sinh đắt đỏ. Ảnh Hungary Today

Ở Hungary, một nước thành viên EU nhưng không thuộc Eurozone, người dân vừa trải qua một mùa Giáng sinh đắt đỏ. Cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí ở quốc gia Trung Âu này khiến cả dân địa phương và khách du lịch choáng váng khi đi khảo giá quanh khu chợ nổi tiếng tại quảng trường Budapest nhộn nhịp.

Một bát súp bò hầm Goulash đặc trưng của Hungary có giá 12 Euro. Một suất bắp cải nhồi có giá khoảng 17 Euro. Một chiếc xúc xích có giá hơn 21 Euro. Để so sánh, mức lương ròng trung bình ở Hungary là chưa đầy 830 Euro/tháng.

Hungary là nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất trong EU trong hầu hết năm 2023, đạt đỉnh điểm trên 25%. Giá hàng tạp hóa đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tốc độ tăng giá đã chậm lại đáng kể, xuống còn chưa tới 10% trong những tháng gần đây, nhưng giá cả vẫn đứng im ở mức cao.

Lạm phát làm xói mòn sức mua và siết chặt ngân sách hộ gia đình. Trong khi đó, chi phí và nguồn cung năng lượng vẫn là những mối quan ngại chính của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Brussels, Bỉ, ngày 15.11.2023. Ảnh Xinhua

Etex, một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Bỉ, tiêu thụ đáng kể năng lượng để sản xuất các sản phẩm cho ngành xây dựng. Tại Eurozone, lạm phát hàng năm đối với năng lượng đã giảm mạnh, từ 41,5% vào cuối năm 2022 xuống còn -11,2% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, Etex vẫn thấy hóa đơn năng lượng của mình cao ngất ngưởng trong khi nhu cầu xây dựng giảm do lãi suất tăng.

Lạm phát chi phí năng lượng đã thúc đẩy công ty tìm kiếm các giải pháp thay thế hiệu quả hơn cho hệ thống gồm 160 nhà máy của mình. “Giá năng lượng đã cao gấp 2-3 lần so với 2 năm trước”, ông Bernard Delvaux, CEO của Etex, phàn nàn.

“Mức giá hiện tại ở châu Âu đang đắt hơn nhiều so với ở Mỹ, đắt hơn nhiều so với ở Trung Quốc, và đắt hơn nhiều so với ở vùng Maghreb của châu Phi”, ông cho biết. “Vậy tại sao không chuyển sản xuất tới những nơi này? Những gì chúng ta thấy là sản xuất ở châu Âu ngày càng trở nên đắt đỏ hơn”.

Thực tế trên chỉ ra rằng sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu vẫn là một điểm yếu đối với châu Âu, và việc tìm kiếm các nguồn năng lượng bền vững và an toàn là rất quan trọng. Ngoài ra, bất chấp một số tiến bộ trong việc củng cố tài khóa, nhiều nước vẫn phải vật lộn với mức nợ cao, hạn chế khả năng ứng phó với khủng hoảng bằng các biện pháp chi tiêu đáng kể.

Cuộc khủng hoảng ngân sách ở Đức, mặc dù đã được khắc phục xong, là một ví dụ. Phán quyết của Tòa Hiến pháp Liên bang không những đã chỉ ra lỗ hổng tài chính trị giá hàng tỷ Euro trong kế hoạch chi tiêu năm 2024 của Chính phủ Đức, mà còn đặt ra những câu hỏi rộng hơn về tài trợ cho các dự án công nghiệp lớn lẽ ra phải được hỗ trợ bằng công quỹ.

Kinh tế châu Âu

Bất chấp những thách thức, lịch sử kiên cường và đổi mới của châu Âu cho thấy rằng lục địa này có thể vượt qua sóng gió và trỗi dậy mạnh mẽ hơn về lâu dài. Theo Oxford Economics – tổ chức hàng đầu về dự báo kinh tế toàn cầu và phân tích kinh tế lượng, vẫn có những tia hy vọng ở phía trước khi các chỉ số mang tính dự báo tương lai cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua.

Thêm vào đó, các chỉ số tâm lý – bao gồm chỉ số độ tự tin của nhà đầu tư châu Âu Sentix, chỉ số môi trường kinh doanh Ifo của Đức, chỉ số cảm tính kinh tế ZEW, và chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI – đều cho thấy sự thay đổi tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn đầu của quá trình phục hồi dần dần dự kiến vào năm 2024.

Kinh tế châu Âu

Hình ảnh trái cây trong một quầy giảm giá ở Frankfurt, Đức, ngày 28.9.2023. Ảnh Fox5

Ví dụ, chỉ số cảm tính kinh tế của Viện nghiên cứu kinh tế ZEW Đức tăng lên 12,8 điểm trong tháng 12 từ mức 9,8 điểm trong tháng 11. Điều này cho thấy tinh thần của các nhà đầu tư ở nền kinh tế số 1 châu Âu đã được cải thiện khi kỳ vọng ngày càng tăng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong trung hạn.

Tháng 12/2023 cũng đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số của ZEW tăng, cho thấy những người tham gia khảo sát kỳ vọng tình hình kinh tế ở Đức sẽ được cải thiện trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, vốn bị tổn thương sâu sắc vì quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga, nền kinh tế Đức vẫn sẽ tăng trưởng yếu hơn dự kiến vào năm 2024 do ảnh hưởng kéo dài của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Sau khi thu hẹp 0,4% trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất cao nhất trong một thập kỷ, lạm phát cao và sự yếu kém trong thương mại quốc tế, sản xuất công nghiệp suy giảm và lĩnh vực xây dựng bị thu hẹp, nền kinh tế lớn nhất châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng 0,8% vào năm 2024 và 1,2% vào năm 2025, theo dự báo kinh tế mùa thu năm 2023 của Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt, Đức. Ảnh CNN

Dự báo của EC kém lạc quan hơn đáng kể so với dự báo của Chính phủ Đức. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz dự kiến nền kinh tế Đức sẽ phục hồi vào năm 2024 và 2025, tăng trưởng lần lượt là 1,3% và 1,5%.

Với Pháp – nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, Fitch Ratings dự đoán nền kinh tế của quốc gia Tây Âu này sau khi tăng trưởng 0,8% trong năm nay, sẽ phục hồi yếu hơn vào năm 2024, với với mức tăng trưởng GDP thực tế chỉ đạt 1,1% do tiêu dùng chậm hơn và thương mại ròng yếu hơn một chút. Tăng trưởng sẽ tăng lên 1,7% vào năm 2025 khi tiêu dùng tư nhân phục hồi.

Còn theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp (BDF), nền kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng dần từ 0,8% vào năm 2023 lên 0,9% vào năm 2024, sau đó là 1,3% vào năm 2025 và 1,6% vào năm 2026.

“Chúng tôi đã xác nhận kịch bản giảm phát với tốc độ tăng trưởng phục hồi dần dần”, ông Olivier Garnier, Tổng Giám đốc thống kê, nghiên cứu và các vấn đề quốc tế tại BDF, cho biết khi trình bày những dự báo mới nhất với báo chí.

Kinh tế châu Âu

Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Emmanuel Macron. Đức và Pháp là hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Ảnh Politico EU

Lạm phát ở Pháp, sau khi đạt mức trung bình hàng năm là 5,7% vào năm 2023, dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,5% vào năm 2024, được đo theo chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP), cho phép so sánh giữa các nước châu Âu. Sau đó, nó sẽ tiếp tục giảm, xuống dưới mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào đầu năm tiếp theo: Xuống còn 1,8% trong năm 2025 và 1,7% vào năm 2026.

Giảm phát, phần lớn là kết quả của lãi suất cao do ECB đặt ra để hạ nhiệt giá cả, sẽ diễn ra mà “không đi kèm suy thoái kinh tế”, ông Garnier nói.

Việc giảm giá, kết hợp với việc tăng lương thực tế, sẽ mang lại cho các hộ gia đình Pháp một chút không gian để thở, vì sức mua của họ sẽ tăng và họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn, và điều này sẽ hỗ trợ thêm cho tăng trưởng từ năm nay.

Trường hợp của Italy, sau khi tăng trưởng 0,7% trong năm qua, nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone được dự đoán chỉ tăng trưởng 0,6% trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Italy (Banca d’Italia) cho biết “những dấu hiệu suy yếu theo chu kỳ kéo dài hơn” là lý do cho mức tăng trưởng yếu hơn của quốc gia Nam Âu.

Kinh tế châu Âu

Thực khách thưởng thức Pizza ở Napoli, Italy. Ảnh CNN

Trên toàn EU, tăng trưởng của khối được dự kiến có thể phục hồi lên mức 1,2% trong năm 2024, và 1,6% vào năm 2025, khi lạm phát giảm bớt trong bối cảnh thị trường lao động mạnh mẽ, với tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử ở nhiều nước.

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại vào năm nay, chỉ ra “một thị trường lao động tốt và kiên cường mặc dù có một số dấu hiệu hạ nhiệt”.

“Theo ước tính của chúng tôi, việc tăng lương sẽ đuổi kịp lạm phát. Và tất nhiên, điều này sẽ góp phần vào sức mua, làm tăng tiêu dùng, và việc tăng tiêu dùng là tiền đề để khởi động lại tăng trưởng. Vì vậy, có một chút lạc quan vừa phải hướng tới năm 2024”, ông Gentiloni nói với mục Real Economic của Euronews.

Vương quốc Anh – chưa bao giờ thuộc Eurozone và đã rời EU (Brexit) – đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong năm qua, và được dự báo sẽ có triển vọng tương đối giống với phần còn lại của châu Âu trong năm mới.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt dẫn những dự báo mới nhất từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) cho biết nền kinh tế “xứ sở sương mù” sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm 2024, 1,4% vào năm 2025 và 1,9% vào năm 2026.

Nền kinh tế Vương quốc Anh cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong năm 2023. Ảnh Garton Jones

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 09/02/2024 | 07:00