Suốt 20 ngày thực hiện cách ly, đặt chân đến bất kỳ ngõ xóm nào của xã Sơn Lôi, cũng có thể nghe được những giai điệu của ca khúc “Đánh giặc Corona” trên loa phát thanh vang vọng khắp ngõ xóm...
Trước đó, ngày 12/2, Chính phủ quyết định chính thức cách ly xã Sơn Lôi với 10.600 nhân khẩu, do số ca nhiễm Covid-19 lên đến 11 người. Không ít người cho rằng, điều đó khiến người dân Sơn Lôi phải “khóc ròng”...
Nhưng, kỳ thực, giữa “tâm dịch” Sơn Lôi, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường và người dân chỉ “rơi nước mắt” khi những ánh mắt ở “ngoài vòng cách ly” dõi theo dường như có phần dè dặt.
Theo ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng thôn Ái Văn (Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), những hoạt động trao đổi mua bán của người dân vẫn tấp nập đều đều, chỉ khác ở địa điểm buôn bán, chợ Sơn Lôi chuyển vào họp phía trong, hàng hoá được đưa qua chốt kiểm soát dịch, khử trùng trước khi vận chuyển vào phục vụ người dân. Một điểm bán xăng lưu động cũng được thành lập trong khu vực xã để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Cứ hai ngày một lần, các hộ dân có khoảng ruộng quanh xã được ra thăm đồng và chăm lúa trong khoảng ba giờ đồng hồ.
Chị Phan Thị Hồng Nhung (trú tại thôn An Lão, Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bắt đầu câu chuyện: “Cuộc sống của chúng tôi 20 ngày qua thực sự rất đỗi bình thường. Cứ cách một ngày, chốt kiểm soát dịch tại thôn lại mở chốt cho bà con đi lao động một lần, tất nhiên, phải tuân thủ quy định kiểm dịch. Ngày không mở chốt thì bà con lại lao động tại nhà, như xây sửa nhà cửa, nhà ai không sửa gì thì sang giúp nhà khác. Tình làng nghĩa xóm lại càng đầm ấm hơn...”.
Ngừng một lát, chị Nhung tiếp tục: “Sau giờ lao động, chúng tôi tập trung ở nhà văn hóa thôn, mọi người ai cũng rất yêu thể thao, người lớn thì đánh bóng chuyền, cầu lông, trẻ nhỏ thì đá bóng để rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. Và đặc biệt, ai cũng đeo khẩu trang!”.
Nhắc đến hoạt động trao đổi, mua bán nhu yếu phẩm, chị Nhung quả quyết: “Các hàng quán trong xã vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn đông hơn ngày thường và điểm khác duy nhất trong những ngày này là mọi người ai ai cũng đeo khẩu trang.
Thực ra, ở bên ngoài, mọi người nghe tin Sơn Lôi phải cách ly thì thường tỏ ra lo lắng, nhưng ở trong này, chúng tôi vẫn giữ nhịp sinh hoạt bình thường. Đặc biệt, từ khi gác chốt cũng không phát hiện thêm ca nhiễm mới nên bà con ai cũng rất yên tâm!”.
Có lẽ cũng giống như chị Nhung, ông Phan Văn Đài (SN 1949, trú tại thôn Ái Văn, Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hay hàng nghìn người dân Sơn Lôi khác, đến giờ vẫn không khỏi chạnh lòng khi nhắc đến hai từ “cách ly”.
Nhấp một ngụm trà nóng, ông Đài trầm ngâm nhớ lại: “Xã Sơn Lôi chính thức phải tiến hành cách ly từ ngày 13/2, đến 0h ngày 4/3. Những ngày qua, tôi muốn đi thăm đồng, phải xin chữ ký của Trưởng thôn, đến trạm chốt thì gửi lại giấy và chứng minh nhân dân, nếu đi xe máy thì gửi lại tại trạm rồi đi bộ ra thăm đồng. Lúc về lại lấy lại đồ của mình. Thực sự rất nghiêm ngặt!
Tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người dân Sơn Lôi của Nhà nước, của chính quyền địa phương thực hiện rất chu đáo. Hàng ngày, đội thanh niên tình nguyện đều đặn hai lượt đi đến từng nhà để kiểm tra thân nhiệt từng người, nếu ai nhiệt độ chỉ cần đến 37,5 là lập tức được đưa đi cách ly theo dõi ngay”.
“Ở đây, chúng tôi được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi vẫn không tránh khỏi những bứt rứt khi phải cách ly với cộng đồng, không được đi lại tự do ra bên ngoài khu vực...
Vùng chúng tôi, hầu hết nhà ai cũng có người đi làm tại các khu công nghiệp. Vì vậy, những ngày này, tất cả phải nghỉ việc ở nhà, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kinh tế”, ông kể.
“Bù lại, tôi lại được quây quần cùng con cháu, đông đủ không thiếu một ai. Trước đây, tôi chỉ mong mấy ngày Tết để đầm ấm, quây quần, cũng chẳng được mấy ngày sum họp, vì Tết nay cũng vội vàng hơn thời tôi còn trẻ nhiều... Nhân dịp này thì đại gia đình tôi cũng có thời gian để quây quần cùng nhau nhiều hơn, nếu có điều kiện thì cả tháng qua, ngày nào gia đình tôi cũng có thể tổ chức tiệc tùng được ấy chứ!”, nhắc đến đây, ông Đài bật cười khoái chí.
Từ khi thôn xóm có dịch, Trưởng thôn Ái Văn Nguyễn Duy Hải như vất vả hơn bội phần, từ công tác tuyên truyền cho tới việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch.Ông luôn là người tiên phong đi đầu không ngại gian khó.
Người dân thôn Ái Văn đã không ít lần bắt gặp hình ảnh một Trưởng thôn vác bình phun đi xịt khử trùng khắp thôn xóm, một Trưởng thôn giữa trưa lọ mọ khắp ngõ ngách đi dán từng tờ rơi tuyên truyền cho bà con hiểu biết hơn về Corona.
Một Trưởng thôn dám nói dám làm, kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài về các nhu yếu phẩm phòng dịch từ ngay khi mọi người mới hình dung ra mức độ lây lan nguy hiểm của dịch bệnh.
Đó chỉ là một trong rất nhiều hình ảnh đẹp giữa “tâm dịch” Sơn Lôi...
Toàn xã Sơn Lôi có 12 chốt kiểm soát dịch, hoạt động 24/24, chia thành 6 ca trực, mỗi ca luôn có có 2 nhân viên y tế, 4 chiến sĩ công an cùng 1 đại diện kiểm soát quân sự.
20 ngày đêm gác chốt là 20 ngày đêm trực chiến của đội ngũ chiến sĩ công an, bộ đội, nhân viên y tế... không mệt mỏi, sẵn sàng bảo vệ sự bình yên của hàng nghìn hộ dân xã Sơn Lôi.
Đáp lại những ân tình và sự hy sinh thầm lặng của những “chiến binh” trực chiến nơi trạm gác ấy, người dân xã Sơn Lôi vô cùng cảm động và xem đó như tình thân trong gia đình.
Chị Phan Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên gửi những suất cháo hoặc xôi đến các chiến sĩ công an, nhân viên y tế... như cách chia sẻ, cảm ơn đến họ vì đã lặn lội về Sơn Lôi để bảo vệ bình yên cho chúng tôi. Ngày 27/2 vừa rồi, chúng tôi cũng tặng những đóa hoa tươi như lời tri ân đến đội ngũ nhân viên y tế.
Ngay từ những ngày đầu mới cắm chốt, thời tiết khắc nghiệt, đêm xuống, trời sương giá lạnh, thương các chiến sĩ, bác sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài kia, tôi cùng một số đồng nghiệp đi huy động quyên góp củi ở từng nhà trong thôn, mang đến các trạm chốt để góp hơi ấm giữa đêm lạnh cho các chiến sĩ.
Ngoài ra, chúng tôi góp cả khoai, sắn, chuối, vốn là những thức quà cây nhà lá vườn, mang đến các trạm gác để giúp họ ấm bụng...”.
“Có hôm, tôi cũng cho các con đi theo để trao vật phẩm tận tay các chiến sĩ, bác sĩ... Cậu con trai thứ hai nhà tôi là Nguyễn Cảnh Khiêm, hiện đang học lớp 2, đã có cảm hứng từ hành động của mẹ, viết một bức thư tri ân những người chiến sĩ, bác sĩ nơi trạm gác...”, chị Nhung tự hào chia sẻ.
Cậu học trò Nguyễn Cảnh Khiêm, học sinh lớp 2A3, trường tiểu học Sơn Lôi A (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) viết:
“Thư cảm ơn
Kính gửi các cô, các chú ở trạm gác xã Sơn Lôi...
Hiện nay, cháu đang ở trong vùng được cách ly, cháu xem ti vi cháu biết những người bị nhiễm vi rút Covid-19 gần như khỏi hết, không có người lây nhiễm thêm. Các bác sĩ, các cô, các chú giỏi quá!
Vậy là cháu và các bạn sắp được cắp sách tới trường. Chúng cháu thực hiện rất tốt các biện pháp diệt khuẩn. Cháu đã được mẹ đưa đến thăm và biết các cô, các chú rất vất vả ngày đêm canh gác.
Cháu xin được cảm ơn và chúc các cô, chú thật thật khỏe để diệt hết lũ vi rút đáng ghét, để chúng cháu lại được cắp sách tới trường...”.
Chị Nhung không ngần ngại giãi bày: “Bản thân tôi cũng là Phó Hiệu trưởng trường mầm non Sơn Lôi, hơn ai hết, tôi mong mỏi ngày học sinh của mình được trở lại trường học. Trong những ngày học sinh nghỉ, giáo viên vẫn thường xuyên có mặt tại trường để dọn dẹp vệ sinh, diệt khuẩn và trang trí không gian lớp học, sẵn sàng đón các con quay lại trường.
Thời gian nghỉ học cũng đã khá lâu, nên chúng tôi cũng nhớ các con nhiều. Vậy nên, tôi cũng hiểu, con trai mình “thèm” được đi học, giống như tôi “thèm” được gặp lại học sinh vậy!”.
Chính những xe củi của người dân Sơn Lôi đã góp phần sưởi ấm cho các trạm gác giữa những đêm se lạnh, từng củ sắn, củ khoai mang tình thân ấm áp, nồng đượm được gửi trao đến các chiến sĩ, bác sĩ... Giữa “tâm dịch” Sơn Lôi, tình quân dân càng thêm khăng khít!
Từ khi nghe thấy thời hạn chốt dỡ bỏ phong tỏa cách ly, người dân Sơn Lôi không giấu nổi nét mừng rỡ trên gương mặt.
Sau những phút trầm ngâm, nét mặt ông Đài cũng như giãn ra đầy thư thái: “Thời hạn cách ly đã hết! Theo tôi, ít nhiều đây là một “nút thắt”, nên khi cởi được “nút thắt” thì người ở trong vùng dịch cũng như ngoài vùng dịch đều cảm thấy nhẹ nhõm hẳn.
Người ở ngoài vùng dịch thì cảm thấy mừng cho chúng tôi, còn những người đang nằm trong vùng dịch như chúng tôi lại cảm thấy lâng lâng, khó tả lắm!
Chúng tôi mong mỏi từng ngày để hết cách ly, được trở lại hòa mình với cộng đồng. Và mừng nhất là, cả xã Sơn Lôi sau khi cách ly, không phát hiện thêm trường hợp dương tính nào...
Giờ đây, niềm mong mỏi đã thành hiện thực, chúng tôi vững tin vào những quyết sách của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch lần này”.
Đêm ngày 1/3, nhiều người dân Sơn Lôi tiếp tục mang những bó hoa tươi, những suất xôi, suất cháo đến các trạm gác, như một lời chia tay trước khi dỡ chốt...
Ai nấy đều rưng rưng sau chuỗi ngày canh gác sự bình yên của Sơn Lôi. Một phần vì nhiệm vụ đã được hoàn thành xuất sắc, một phần vì mừng cho chính Sơn Lôi...
Và nay, “cầu vồng” lại sáng ở Sơn Lôi!
Trước diễn biến dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, chúng tôi, những người cầm bút chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: Chúng ta đã chiến đấu với “giặc” Corona bằng “trận đánh đầu tiên” ở Sơn Lôi thành công như thế, hãy vững tâm, tin tưởng rằng những “trận đánh” tiếp theo, dù ở đâu, dù khó khăn thế nào, chúng ta cũng sẽ vượt qua và giành chiến thắng.