Trong bối cảnh hiện tại, đổi mới sáng tạo (ĐMST) có thể coi là một trong những tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, yêu cầu đặt ra ngay lúc này là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Từ đó, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Là nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo đầu tiên ở Việt Nam - BambuUp, giúp thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa giữa các đơn vị cung cấp giải pháp ĐMST và đơn vị tìm kiếm giải pháp ĐMST, nuôi dưỡng một hệ sinh thái (HST) toàn diện cùng sáng tạo và phát triển.

Với tâm thế đó, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp đã có cuộc trao đổi với Người Đưa Tin về bức tranh khởi nghiệp và ĐMST mở tại Việt Nam.

Người Đưa Tin (NĐT): Dưới góc độ một nhà quản lý nền tảng kết nối ĐMST, có cơ hội tiếp cận nhiều dự án khởi nghiệp, cũng như hỗ trợ nhiều chương trình từ Bộ Khoa học và Công nghệ, bà đánh giá như thế nào về tốc độ triển khai Đề án 844 - "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" của Bộ KH&CN?

Bà Nguyễn Hương Quỳnh: Theo tôi, về tốc độ triển khai của đề án thì cần đưa vào bối cảnh chung trước tiên. Phải nói rằng đại dịch Covid là một cú hích đối với toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ doanh nghiệp trong và ngoài nước. bên cạnh đó, tôi cho rằng khá thú vị bởi địa dịch khiến cho tất cả doanh nghiệp phải xác định thay đổi hay là chết.

Trong bối cảnh đó, vô tình tạo ra một lực đẩy nhanh hơn cho những dự định tương lai chúng ta đã lên sẵn, Đề án 844 là một ví dụ. Trước đó đề án đã xây dựng được khung cơ bản, đem đến những kiến thức nền tảng về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, khiến hệ sinh thái ngày một đông đảo và lớn mạnh hơn.

Việt Nam được các nước ngoài đánh giá là một trong ba thị trường có HST khởi nghiệp năng động nhất trong khu vực (sau Indonesia và Singapore). Mặt khác, chính Covid làm các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn công tác đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp lớn, kết hợp sáng tạo cùng các startup, quá trình này sẽ đi nhanh hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Đề án 844, bản chất để tạo ra những hỗ trợ nhất định cho những nhà khởi nghiệp, nhưng để thực hiện hoá và thay đổi được sự ĐMST thì lại đòi hỏi cả sự nỗ lực của startup lẫn những doanh nghiệp lâu đời tại Việt Nam. Do đó, không nên kỳ vọng Đề án 844 sẽ là một “cây đũa thần" để thay đổi tất cả.

NĐT: ĐMST mở hay cũng chính là sự kết hợp của các doanh nghiệp lớn với những nhà startup nhằm đồng sáng tạo ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng, là điều mà chúng ta nói đến nhiều hơn trong giai đoạn tất cả đang chung dòng chuyển đổi số. Vậy theo bà, Việt Nam đang ở đâu trên chặng đường này, thách thức lớn nhất chúng ta gặp phải là gì?

Bà Nguyễn Hương Quỳnh: Theo kinh nghiệm thực tế, BambuUp nhận thấy khi làm việc với các đối tác từ NATEC (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN), NSSC (Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia),... rõ ràng, HST khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển khá tốt và đi đúng hướng. Hơn nữa, chúng ta đang có lợi thế về sức hút đối với những nhà đầu tư, sự nở rộ về vườn ươm khởi nghiệp, các chương trình tiếp sức cho startup.

Đó là những hỗ trợ đáng quý, nhưng điều thực sự khiến startup có thể phát triển đó chính là sự kết hợp và giải bài toán thực tế từ những doanh nghiệp lớn. Tôi nhận thấy đây chính là thách thức lớn cho HST ĐMST mở ở Việt Nam, bởi các doanh nghiệp lớn chưa thực sự mở.

Trên thực tế, rất ít các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam có định hướng rõ ràng cho việc hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài như thế nào, hợp tác với startup để đồng sáng tạo ra sao.

Về vấn đề này, cần phân biệt rõ ràng giữa việc doanh nghiệp sử dụng dịch vụ bên ngoài với ĐMST mở. Bởi nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ như bên A, bên B thì đó là một loại giao dịch bình thường nhưng ĐMST mở là doanh nghiệp sẽ có định hướng hợp tác với công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ… để đồng sáng tạo, cùng phát triển hoặc hỗ trợ startup phát triển, ngược lại startup cũng sẽ góp phần làm cho hệ sinh thái của doanh nghiệp được đa dạng, mới mẻ hơn.

NĐT: Mọi câu chuyện đều có nhiều mặt của nó, bà cho rằng đâu là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn chưa thực sự “mở", liệu có đến từ chính những nhà khởi nghiệp chưa tạo được cho họ niềm tin?

Bà Nguyễn Hương Quỳnh: Khách quan mà nói, cho rằng các nhà khởi nghiệp không có vấn đề thì không đúng.

Bởi họ là startup, đồng nghĩa với việc chưa hoàn thiện, đặc biệt là thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam đang thuộc hàng top về tốc độ phát triển, do đó sự thay đổi và biến động càng trở nên nhiều hơn, khiến trong mắt các doanh nghiệp lớn, họ càng trở nên bất định.

Bản thân các startup vẫn đang trong quá trình tự phát triển. Vậy nên, công bằng cho cả hai bên, doanh nghiệp lớn cũng đang ở trong hoàn cảnh với rất nhiều vấn đề phải nghĩ tới như áp lực về kinh doanh, áp lực về sự thay đổi của thị trường và người tiêu dùng, khiến cho họ muốn mọi thứ phải được diễn ra nhanh hơn. Từ đó, họ sẽ có xu hướng mong muốn hợp tác với những bên đã có giải pháp sẵn sàng và an toàn.

Mặt khác, yếu tố về công nghệ cũng là điều quan trọng dẫn đến tư tưởng chưa mở đối với việc hợp tác với startup Việt Nam của những doanh nghiệp, Tập đoàn lớn.

Nói về công nghệ hay ứng dụng công nghệ thì nước ngoài sẽ hoàn thiện hơn nội địa, tôi nghĩ đó là một suy nghĩ không sai. Bởi startup Việt khi mới bắt đầu, tiềm lực kinh tế còn nhiều khó khăn, dẫn tới việc dù có ý tưởng nhiều, song đầu tư không đủ để làm tới, từ đó sức hút về sản phẩm của họ đối với những doanh nghiệp lớn cũng giảm bớt.

Do vậy, qua đây tôi cũng mong rằng các doanh nghiệp lớn sẽ có định hình về mặt chiến lược gắn với ĐMST trong thời gian tới được rõ ràng hơn nữa. Bên cạnh những định hướng mang tính ứng dụng ngay nhờ những giải pháp sẵn có, thì cũng nên có những định hướng, dự án mang tính “ươm mầm", tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có đất để thử sức mình. Biết đâu, trong tương lai sẽ có nhiều startup trở thành “kỳ lân" như Momo hay VNPay.

Ngược lại, nếu không có hệ sinh thái ĐMST mở hay hợp tác với doanh nghiệp lớn thì việc trở thành kỳ lân của các startup là một câu chuyện hên xui.

NĐT: Ở vai trò trung gian gắn kết hai đối tượng, xin bà cho biết đâu có thể là kế hoạch, bước đi khả thi để gia tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp lớn và những startup trong thời gian tới tại Việt Nam?

Bà Nguyễn Hương Quỳnh: Hiện nay, NATEC, Bộ KHCN cũng đã rất nỗ lực trong chuyện này, đặc biệt là qua chương trình TECHFEST năm 2021, đã bắt đầu đưa ra những chủ đề tập trung hơn về ĐMST mở.

Hỗ trợ startup hay tinh thần khởi nghiệp có thể là câu chuyện đã xuất hiện nhiều trước giờ, song ĐMST trong thời gian gần đây mới được chúng ta để ý nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Qua đó, có thể thấy các cơ quan quản lý đã đưa định hướng rõ ràng hơn đến với đối tượng doanh nghiệp lớn nhằm khuyến khích họ hành động, bởi ĐMST vốn là đã là điểm mạnh của những công ty khởi nghiệp. Từ đó, ĐMST trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ mới.

Chúng ta vẫn mong chờ sẽ có doanh nghiệp lớn đi những bước đầu tiên như một chú chim đầu đàn “khai thông” cho quá trình này để các doanh nghiệp khác có thể noi theo.

Ngoài ra, những đơn vị kết nối như BambuUp cũng sẽ luôn cố gắng đưa đến cho doanh nghiệp những công cụ đơn giản nhất để doanh nghiệp luôn được cập nhật về xu hướng ĐMST, giải pháp sẵn có trên thị trường bởi các doanh nghiệp phải có thông tin trước tiên, sau đó mới biết cách dùng thông tin ra sao cho phù hợp.

Trong năm 2022, BambuUp cũng sẽ kết hợp với NSSC, NIC (Trung tâm ĐMST Quốc gia) để xây dựng nên những chương trình đào tạo ĐMST từ bước cơ bản đến sâu hơn cho các doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp có thể tự tìm ra những cơ hội và khai phá tiềm năng của chính mình trong chặng đường này.

NĐT: ĐMST mở không chỉ là câu chuyện kết nối các mắt xích trong nước mà còn là sự thu hút của HST khởi nghiệp Việt Nam với các tổ chức nước ngoài. Theo bà, chúng ta có thể làm gì để HST ngày càng vươn xa khỏi biên giới hơn nữa?

Bà Nguyễn Hương Quỳnh: Trước tiên, tôi có thể khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, BambuUp đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ những Quỹ nước ngoài nhằm tìm kiếm startup tại thị trường Việt Nam.

Bởi thị trường Việt Nam là thị trường đang nổi lên về HST khởi nghiệp, các quỹ nước ngoài đều rất quan tâm, đặc biệt ở lĩnh vực thương mại điện tử, bán lẻ, công nghệ, game hay blockchain.

Về số liệu đầu tư về startup năm 2021 có thể coi là một bước nhảy vọt của thị trường Việt Nam, đa phần là từ các Quỹ nước ngoài. Do đó, ở sân chơi này các Quỹ nước ngoài đang là đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn Quỹ Việt Nam.

Cá nhân tôi không cảm thấy chúng ta đang thiếu sức hút với các Quỹ đầu tư nước ngoài, nhưng nếu nhìn ở chặng đường dài, sự quan tâm đó có thể tiếp tục hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào startup Việt Nam sẽ chứng minh năng lực ra sao sau khi nhận được đầu tư.

NĐT: Từ đó, nếu được đề xuất về chính sách nhằm thúc đẩy HST ĐMST mở tại Việt Nam và gia tăng tiềm lực của các nhà khởi nghiệp Việt, điều đó có thể là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Hương Quỳnh: Nhìn từ bài học ĐMST của các nước trên thế giới, chúng ta cần xác định nguồn ĐMST cho một đất nước trong giai đoạn tới sẽ đến từ những công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ. Đây là điều khó có thể phủ nhận, 2 năm Covid đã đủ minh chứng rất rõ.

Từ đó, để có thể tập trung thúc đẩy, chắc chắn HST khởi nghiệp ở bất cứ nước nào cũng không thể thiếu đi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ để lớn mạnh và phát triển bền vững.

Tôi lấy ví dụ đơn cử như, startup luôn cần sự hỗ trợ đầu tư mang tính lâu dài như startup liên quan tới phát triển bền vững, công nghệ chuyên sâu. Bởi có thể chắc chắn rằng startup thực chất tự thân đi lên trong những lĩnh vực này sẽ không bao giờ có thể đủ nguồn vốn, kinh nghiệm để duy trì, nếu để startup tự lớn, thì sẽ chết trước khi ra hoa.

Vậy nên, ở một số nước phát triển, họ thường có chính sách hỗ trợ, bảo trợ đặc biệt cho startup thuộc những lĩnh vực có tác động xã hội lớn để startup có thể “sống" và đợi chờ đến lúc “hái được trái ngọt". Bởi những startup như vậy phải mất khá nhiều thời gian mới nhìn thấy được thành quả.

Quay trở lại với Việt Nam, hiện tại, thị trường startup đang tập trung vào những ngành nóng như thương mại điện tử, fintech, một phần bởi xu hướng thị trường, một phần bởi tốc độ phát triển và gặt hái thành công cũng nhanh hơn, từ đó thu hút được nhà đầu tư rót vốn.

Tuy nhiên, những startup thuộc mảng phát triển bền vững, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, công nghệ sâu còn rất ít. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam nên có nhiều chính sách hỗ trợ, hay bảo trợ cho những startup đi theo định hướng lớn, lâu dài như vậy.

Ví dụ như Singapore, là một đất nước nghèo tài nguyên, vậy nên cách đây vài năm họ đã quyết định chiến lược tập trung đầu tư phát triển agritech (công nghệ nông nghiệp) và foodtech (công nghệ thực phẩm), hay smart city (thành phố thông minh), những startup này cũng được Chính phủ đặc biệt hỗ trợ.

Để bây giờ Singapore đang dẫn đầu khu vực về hệ sinh thái những startup công nghệ cao, từ đó khi đã đạt được mức nào đó cho đất nước mình, họ lại tiếp tục đi bán chất xám, giải pháp sang các nước khác với giá rất cao, họ coi những giải pháp, nghiên cứu đó là một sản phẩm để xuất khẩu. Không những thế, Chính phủ Singapore cũng đã đặt nhiều văn phòng ở Việt Nam để hỗ trợ startup Singapore thâm nhập thị trường Việt Nam.

NĐT: Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 28/07/2022 | 12:08