Người Đưa Tin (NĐT): Đầu năm nay, khi thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều lời khen ngợi về những kết quả đạt được của tỉnh trong những năm vừa qua. Xin Bí thư điểm lại một số nét nổi bật trong bức tranh phát triển chung của tỉnh?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Thời gian qua, Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua, dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 và những biến động của tình hình chính trị - kinh tế thế giới, song tỉnh vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, cải thiện đáng kể đời sống người dân.

Một trong những điểm nổi bật phải kể đến là thu ngân sách. Theo đó, kết quả thu ngân sách của năm sau luôn cao hơn năm trước, nếu số thu của năm 2010 chỉ là 1.535 tỷ đồng thì đến năm 2022 số thu ngân sách Nhà nước đã tăng gần hơn 10 lần, đạt hơn 18.540 tỉ đồng, giúp Thái Nguyên trở thành top địa phương có thu ngân sách cao của cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên cũng dẫn đầu trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Ngoài ra, Thái Nguyên là nơi đứng thứ tư về phát triển công nghiệp.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59% (cao hơn bình quân chung của cả nước); thu nhập bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng/người, tăng 12 triệu đồng/người so với năm 2021. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh cũng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính được quan tâm trong mọi lĩnh vực, dịch vụ. Sự tương tác giữa người dân và chính quyền trên nền tảng số được đẩy mạnh và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của người dân.

Đây là những kết quả rất nổi bật được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương, đánh giá cao trong chuyến thăm Thái Nguyên ngay đầu năm mới này.

NĐT: Từ quê hương cách mạng, “Thủ đô kháng chiến” trước đây, ngày nay Thái Nguyên đang định hướng trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại không chỉ của khu vực mà của cả nước. Với mục tiêu đầy khát vọng đó, Thái Nguyên có chiến lược và cách làm cụ thể như thế nào cho chặng đường phát triển tiếp theo?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Với truyền thống anh hùng, ngày nay Thái Nguyên đang không ngừng nỗ lực để bứt phá đi lên, khẳng định chỗ đứng mới trong bức tranh phát triển của đất nước. Thái Nguyên đang nhanh chóng chuyển mình từ nguồn gốc nền công nghiệp nặng lạc hậu, sang lựa chọn nền công nông nghiệp công nghệ cao theo xu thế thời đại 4.0.

Theo đó, quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế, xã hội, cực tăng trưởng có tác động lớn đối với cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao. Phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện. Và đến năm 2050, xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển theo hướng thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Cùng với chiến lược phát triển toàn diện, Thái Nguyên cũng tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng mang tính đột phá. Trong đó đáng chú ý là phát triển ngành Công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển bền vững để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp. Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành hiện đại, chuyên môn hóa cao; phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.

NĐT: Trong mục tiêu trở thành một trung tâm công nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững, Thái Nguyên sẽ làm như thế nào để giữ được “màu xanh” trong cả cơ cấu kinh tế cũng mục tiêu phát triển - vốn dĩ là một nét đặc trưng và thương hiệu sẵn có của địa phương?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Đối với Thái Nguyên, phát triển xanh, phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu phát triển mà là ngay chính con đường phát triển mà tỉnh lựa chọn.

Cụ thể, đối với cơ cấu kinh tế, bên cạnh định hướng phát triển công nghiệp trở thành mũi nhọn kinh tế chủ đạo, Thái Nguyên cũng nhấn mạnh việc phát triển ngành nông nghiệp và dịch vụ. Theo đó, nông nghiệp Thái Nguyên với chủ lực là cây chè tiếp tục được định hướng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao, bắt nhịp với xu thế phát triển chung của nền nông nghiệp trong nước và thế giới. Hiện tại Thái nguyên đang là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất toàn quốc với trên 20.000 ha và nguồn thu từ cây trà lên đến trên 10.000 tỷ. Hiện chúng tôi đã ban hành chủ trương rất hạn chế chuyển đổi mục đích đất trồng chè sang mục đích khác nhằm giữ vững ổn định diện tích trồng chè trên địa bàn toàn tỉnh và nghiên cứu các giải pháp phù hợp để gia tăng giá trị của cây chè lên, phấn đấu Thái nguyên sẽ là tỉnh thu nhập 01 tỷ đô la từ cây trà.

Bên cạnh đó là việc phát triển du lịch dựa trên các thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, có Hồ Núi cốc nơi được ví như Vịnh Hạ long “ trên cạn”, nơi Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn năm xưa còn đang lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, …. Như vậy có thể thấy, cơ cấu kinh tế của Thái nguyên đảm bảo yếu tố hài hòa, có trọng tâm, trọng điểm song không “tham bát bỏ mâm”.

Trên con đường phát triển, chúng tôi cũng quán triệt sâu sắc tư tưởng không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường. Điều đó không chỉ được thể hiện trong tư tưởng chỉ đạo mà được hiện thực hóa bằng các quyết sách, tiêu chí cụ thể trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh đầu tư cho chuyển đổi số, Thái Nguyên cũng kỳ vọng việc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp, phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững của địa phương.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung nâng cao đời sống của người dân một cách toàn diện cả về vật chất và tinh thần. Tức là ngoài phát phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập thì tỉnh cũng tính đến việc làm sao để người dân hài lòng, sống cảm thấy vui vẻ, an toàn. Nếu phát triển mạnh, thu nhập đầu người có thể tăng nhưng khiếu nại, tố cáo gia tăng, an ninh trật tự thiếu ổn định, các tệ nạn xã hội tăng thì sẽ không phải phát triển bền vững. Có thể thu nhập bình quân đầu người của Thái Nguyên so với nhiều nơi không phải quá cao nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào mức độ hài lòng, hạnh phúc của người dân.

NĐT: “Dọn tổ, đón đại bàng” đang là chủ trương của nhiều địa phương trong việc thu hút đầu tư. Thái Nguyên xác định như thế nào là “đại bàng” cần thu hút và sẽ “dọn tổ” thế nào để thực sự trở thành điểm hẹn cho các nhà đầu tư?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Trong nhiều năm qua, Thái Nguyên là địa chỉ đỏ thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Để đạt được kết quả đó, việc xây tổ đón đại bàng là rất quan trọng, tuy nhiên phải nói thêm rằng, đó cần là chiếc tổ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, để làm sao đón đúng đại bàng mà mình muốn đón, để cùng Thái Nguyên “cất cánh”.

Trong những năm tới, trong thu hút đầu tư, Thái Nguyên định hướng sẽ chuyển từ “lượng sang chất”. Theo đó, chúng tôi hướng đến đầu tư các dự án từ chiều rộng sang chiều sâu, với số vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt tạo ra được sự lan tỏa lớn, cú hích của sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, dù quan tâm thu hút “đại bàng” nhưng chúng tôi cũng không quên “chim sẻ”. Đó là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ - sẽ tạo ra một phân khúc nhất định so với phân khúc của các doanh nghiệp lớn đồng thời tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp rộng lớn cho tỉnh.

Và dù là đón “đại bàng” hay “chim sẻ” đến làm tổ, Thái Nguyên cũng xác định sẽ xây dựng thể chế minh bạch, môi trường đầu tư thông thoáng và nhất là chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, mặt bằng “sạch” ở quy mô lớn để sẵn sàng đón nhận các dự án khi nhà đầu tư quyết định rót vốn.

NĐT: Một trong những vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu với Thái Nguyên là việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của đầu tư nước ngoài. Xin bà cho biết, Thái Nguyên có định hướng và cách làm cụ thể như thế nào để nâng cao nội lực của kinh tế tỉnh nhà, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển mà Thái Nguyên sở hữu?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Đây là một vấn đề lớn, nỗi trăn trở trong phát triển kinh tế đối với nhiều địa phương nói chung chứ phải của riêng Thái Nguyên. Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tập trung vào một số giải pháp theo hướng gia tăng sức mạnh nội tại, nhằm giảm phần nào sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào khối FDI.

Theo đó, chúng tôi sẽ nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI trong đó tập trung ưu đãi cho khu vực FDI vào những sản phẩm tạo giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích thu hút các dự án FDI tạo sức lan tỏa lớn, tăng kết nối với khu vực trong tỉnh, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt lớn dần, đủ sức trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này đóng vai trò là chất xúc tác của nền kinh tế và quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm. Đặc biệt, khi những doanh nghiệp này tác động ngược trở lại sẽ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp từ vườn ươm, start-up đến đào tạo, quản trị, tài chính, thông tin định hướng, thị trường…

NĐT: Mặc dù là một tỉnh miền núi, song Thái Nguyên đã và đang là một trong những địa phương đi tiên phong trong chuyển đổi số. Xin bà cho biết Thái Nguyên xác định chuyển đổi số có vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cách làm của tỉnh để đạt được các mục tiêu đã đề ra?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Thái Nguyên đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để giúp hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển. Chính vì vậy Thái nguyên đã khá nhanh nhạy và có sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số, xem đây sẽ là chủ trương, lối đi phù hợp nhất, hiệu quả nhất với con đường đi lên của địa phương trong tương lai.

Thái Nguyên cũng là một trong số ít tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số từ rất sớm (ngày 31/12/2020), đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong giai đoạn tới. Chúng tôi cũng lấy ngày 31/12 là ngày chuyển đổi số của tỉnh và Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc có Ngày chuyển đổi số.

Chuyển đổi số của Thái Nguyên được xác định sẽ đi song song trên cả 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với phương châm “Thái Nguyên cần gì, thiếu gì thì chuyển đổi số sẽ giải quyết vấn đề đó”. Trong việc thực hiện, chúng tôi xác định chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi về công nghệ, mà còn là sự thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, xã hội, người dân, trong đó sự quyết liệt của người đầu có ý nghĩa rất to lớn.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi số đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành cũng như cách thức làm việc của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đem lại sự hài lòng, thuận tiện và hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Điều đó càng khẳng định sự đúng đắn của hướng đi này.

NĐT: Nhìn sự phát triển của Thái Nguyên cần phải có góc nhìn toàn diện đặt trong bức tranh chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên định vị mình như thế nào trong việc kết nối, liên kết vùng, lấy đó để tạo động lực phát triển như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Phải khẳng định sự phát triển của Thái Nguyên không phải và không thể đứng đơn độc, tách rời trong bức tranh phát triển chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội. Đó là điều tất yếu, đã được chứng minh từ lịch sử kháng chiến, kiến quốc trước đây và trong chặng đường phát triển tới đây.

Thái Nguyên sẽ cùng các địa phương khác “nắm tay để đi lên” trong đó xác định Thái Nguyên là trung tâm, là động lực phát triển, một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển của toàn vùng. Nhận thức bằng điều đó, Thái Nguyên đã và đang tăng cường sự liên kết, tính kết nối với các địa phương khác bằng 3 trụ cột chính. Thứ nhất là sự kết nối về giao thông hạ tầng. Thứ hai là sự kết nối về hành lang chính sách, định hướng phát triển. Và thứ ba là sự kết nối về mạng lưới kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị rộng khắp trong vùng.

NĐT: Gần 3 năm giữ cương vị người đứng đầu tỉnh Thái Nguyên, bà cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của xứ sở "đệ nhất danh trà" trong những năm qua và kỳ vọng về sự cất cánh của địa phương trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Là một người con của Thủ đô Hà Nội được phân công về công tác tại tỉnh Thái Nguyên - là Thủ đô của kháng chiến năm xưa, tôi thấy mình thực sự có duyên với mảnh đất cách mạng này đồng thời đây cũng là trải nghiệm hết sức to lớn và có ý nghĩa đối với cá nhân tôi. Tôi đã luôn tâm niệm đây là quê hương thứ hai của mình và rất tự nhiên tôi đã luôn nghĩ mình là một người con của Thái Nguyên và vì thế mà ra sức cùng tập thể lãnh đạo, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà phấn đấu, nỗ lực không ngừng vì sự phát triển của chính quê hương mình.

Khi được giao nhiệm vụ trở thành người đứng đầu của Thái Nguyên, tôi đã rất xúc động và xin hứa sẽ toàn tâm, toàn ý với Thái Nguyên. Nay sau gần ba năm nhìn lại tôi thấy mình cũng đã rất cố gắng để thực hiện lời cam kết đó. Đáp lại, chính bản thân tôi cũng cảm nhận rất rõ được cái tình của đất và người Thái Nguyên nhất là sự vững bước đi lên của tỉnh trong những năm qua.

“Đường xuân” của Thái Nguyên hơn lúc nào hết đang rộng mở thênh thang. Không có lý do gì để Thái Nguyên không vươn lên, tiếp tục chinh phục những khát vọng phát triển mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước. Tôi rất kỳ vọng vào điều đó và tin chắc rằng điều đó nhất định trở thành hiện thực.

NĐT: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 30/05/2023 | 08:44