Chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, một nhóm các thương hiệu phương Tây nổi tiếng như Starbucks, Coca-Cola, Pepsi, McDonald’s… đã nhanh chóng tuyên bố rút khỏi Nga – một thị trường quan trọng.

Trong trường hợp của McDonald’s, gã khổng lồ fast-food Mỹ đã bỏ lại toàn bộ 847 cửa hàng ở Nga, bao gồm cả cửa hàng đầu tiên mở tại Quảng trường Pushkin ở thủ đô Moscow năm 1990, với 62.000 nhân viên, và chịu khoản lỗ lên tới 1,2 tỷ USD khi rời thị trường Nga.

Nhà hàng McDonald’s đầu tiên mở tại Quảng trường Pushkin, Moscow, ngày 31.1.1990. Ảnh Getty Images

Những tên tuổi lớn khác như gã khổng lồ dầu mỏ BP của Anh đã chuyển sang thoái vốn các khoản đầu tư lớn của mình ở Nga, còn nhà sản xuất ô tô Pháp Renault đã nhượng lại công việc kinh doanh của mình ở thị trường này với số tiền tượng trưng là 1 Rúp.

Dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine đã làm nổi bật các cách tiếp cận khác nhau mà các công ty đa quốc gia đã thực hiện đối với sự hiện diện của họ tại thị trường Nga.

Theo cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên bởi Trường Quản lý Yale và Trường Kinh tế Kiev, hơn 1.000 công ty nước ngoài ở một mức độ nào đó đã phải cắt giảm hoạt động hoặc đang trong quá trình rút khỏi thị trường Nga. Tuy nhiên, tỉ lệ các công ty đã hoàn toàn rời khỏi thị trường này vẫn còn tương đối thấp.

Theo một nghiên cứu của Đại học St. Gallen và Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) ở Thụy Sĩ, được công bố hồi cuối năm ngoái, chưa đầy 9% trong số khoảng 1.400 công ty từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Anh và Canada đã thoái vốn khỏi một công ty con của Nga kể từ sau khi xung đột bùng phát.

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Nissan đã chuyển giao tài sản cho một đối tác địa phương với giá tượng trưng 1 Euro. Ảnh Drive

Nhìn vào những cách khác nhau mà các công ty nước ngoài đã sử dụng để rời khỏi thị trường Nga, việc chuyển giao tài sản và cổ phần cho ban quản lý địa phương có lẽ là cách tiếp cận phổ biến nhất.

Lựa chọn này rất hấp dẫn vì đội ngũ quản lý hiện tại có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh và giữ chân nhân viên, đây là ưu tiên của nhiều chủ doanh nghiệp muốn rời đi và của cả chính quyền Nga.

Đáng chú ý là một số công ty nước ngoài đã tích hợp sẵn các điều khoản khi bán tài sản của họ ở Nga, từ đó giữ lại tùy chọn quay lại thị trường vào một thời điểm nào đó sau này.

Vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp phương Tây ở Nga, bao gồm cả các công ty đa quốc gia từ châu Âu và Mỹ, đang kinh doanh ở Nga bất chấp các lệnh trừng phạt. Ảnh Moscow Times

Việc sang nhượng tài sản cho các nhà đầu tư Nga là một cách phổ biến khác để rời đi. Việc sang nhượng tài sản – thường là với giá chiết khấu đáng kể – đang tạo ra một tầng lớp doanh nhân có ảnh hưởng mới ở Nga.

Cách tiếp cận như vậy cũng được các nhà chức trách Nga hậu thuẫn vì họ muốn chứng minh rằng các thực thể trong nước có thể quản lý các doanh nghiệp này tốt (nếu không muốn nói là tốt hơn) so với các đối tác nước ngoài của họ.

Các tài sản có giá trị nhất trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như năng lượng, thường được mua lại bởi các thực thể thuộc sở hữu nhà nước Nga hoặc các nhóm kinh doanh có liên hệ với Điện Kremlin.

Vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp phương Tây ở Nga, bao gồm cả các công ty đa quốc gia từ châu Âu và Mỹ, đang kinh doanh bất chấp các lệnh trừng phạt.

Một cửa hàng Auchan ở Moscow. Chuỗi siêu thị Pháp vẫn mở 230 cửa hàng ở Nga. Ảnh Business Insider

Một số công ty – đối mặt với cáo buộc rằng họ đang hỗ trợ tài chính cho hành động gây hấn của Nga – lập luận rằng, họ ở lại vì khách hàng cần họ. Trong số đó có Auchan, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất của Pháp, vẫn duy trì hoạt động của 230 cửa hàng ở Nga và cho biết họ có ý định ở lại.

Nhà bán lẻ này đã chọc giận Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và gần đây phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay mới sau khi có thông tin rằng công ty con của Auchan tại Nga đã cung cấp một số thực phẩm cho quân đội của Moscow.

Auchan đã phủ nhận các cáo buộc, đồng thời cho biết họ không hối tiếc về việc ở lại Nga và cả Ukraine, nơi họ cũng có các cửa hàng, để “đáp ứng nhu cầu thực phẩm thiết yếu của người dân thường”.

“Công việc kinh doanh của chúng tôi là cung cấp thức ăn cho người dân và gần gũi với người dân”, Antoine Pernod, một phát ngôn viên của Auchan, cho biết. “Bởi vì một ngày nào đó, hòa bình sẽ đến, và điều quan trọng là chúng tôi vẫn ở bên họ”.

Cũng có những công ty, sau khi giảm quy mô hoạt động, vẫn tiếp tục công việc kinh doanh ở Nga với những lập luận khác nhau.

Tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia Procter & Gamble (Mỹ) đã ngừng đầu tư và giảm số sản phẩm bán tại Nga, nhưng vẫn tiếp tục cung cấp các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và chăm sóc cá nhân cơ bản “cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của nhiều gia đình Nga”.

Người dân xếp hàng bên ngoài một cửa hàng IKEA ở St. Petersburg, tháng 3.2022, ngay trước khi nhà bán lẻ này đình chỉ kinh doanh trên thị trường Nga. Ảnh CBC News

Tương tự, tập đoàn dược phẩm Pfizer cũng đã ngừng đầu tư vào Nga, nhưng vẫn tiếp tục bán một số sản phẩm hạn chế, với lợi nhuận được tặng cho các nhóm nhân đạo Ukraine.

Quy mô khổng lồ của Nga, cả về mặt kinh tế và địa lý, có nghĩa là một số công ty vẫn có mối quan hệ hạn chế hoặc gián tiếp với nước này. Ví dụ, Chevron cho biết, họ không có hoạt động thăm dò hoặc sản xuất ở Nga, nhưng gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ có 15% cổ phần trong một dự án đường ống của Kazakhstan nối với cảng Novorossiysk của Nga.

Công ty cho biết, lượng dầu thô họ nhận được từ đường ống có nguồn gốc từ Kazakhstan nên không phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế như đối với dầu Nga.

Ngay cả trong ngành ngân hàng, nơi các biện pháp trừng phạt làm hạn chế các hoạt động kinh doanh, một số ranh giới vẫn bị lu mờ. Sau một thời gian ngắn tạm dừng vào mùa hè năm ngoái, một số ngân hàng Phố Wall đã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch nợ của Nga.

Đối với nhiều công ty, việc rút lui khỏi thị trường Nga phức tạp hơn dự kiến. Ngay sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đã thắt chặt các quy định về quốc hữu hóa, buộc các thương hiệu nước ngoài phải cân nhắc kỹ trước khi ra đi.

Giám đốc các công ty phương Tây giải thích rằng, họ có trách nhiệm với các cổ đông trong việc tìm kiếm những người mua phù hợp đối với hàng tỷ USD tài sản của công ty, thay vì thấy những khối tài sản này bị Moscow quốc hữu hóa.

Những lo ngại như vậy đã khiến gã khổng lồ thuốc lá Philip Morris (Mỹ) gần đây tuyên bố rằng họ có thể sẽ không bao giờ bán doanh nghiệp ở Nga.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp không muốn mạo hiểm nhường thị phần cho các công ty từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ hoặc Mỹ Latinh – những nước không tham gia trừng phạt Nga, và đang để mắt đến tài sản và cổ phần do các công ty phương Tây rời đi để lại.

“Nga là một thị trường lớn đối với nhiều công ty”, ông Olivier Attias, luật sư tại August Debouzy, một công ty luật ở Paris chuyên tư vấn cho các công ty lớn của Pháp có hoạt động tại Nga, cho biết. “Đưa ra quyết định ra đi thật khó khăn, và quá trình ra đi cũng thật khó khăn”.

Dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine làm nổi bật các cách tiếp cận khác nhau mà các công ty đa quốc gia đã thực hiện đối với sự hiện diện của họ tại thị trường Nga. Ảnh Getty Images

Hãng Heineken cho biết, nỗ lực thoái vốn của họ đã gặp nhiều rào cản. Ngay sau khi thông báo vào tháng 3 năm ngoái rằng họ sẽ ngừng bán bia ở Nga, công ty cho biết họ đã “nhận được cảnh báo chính thức từ các công tố viên Nga” rằng quyết định đình chỉ hoặc đóng cửa công ty con ở Nga sẽ bị coi là phá sản có chủ ý, và có thể dẫn đến tài sản bị quốc hữu hóa.

Nhà sản xuất bia Hà Lan đã phải đối mặt với sự tẩy chay sau khi báo chí đưa tin rằng công ty con của họ ở Nga tiếp tục bán bia Amstel và giới thiệu hơn 60 sản phẩm mới vào năm ngoái.

Giải thích về điều này, Heineken cho biết, các nhân viên của họ ở Nga buộc phải duy trì doanh số bán hàng để tránh mất khả năng thanh toán, điều cũng sẽ dẫn tới “mối đe dọa” bị quốc hữu hóa.

Tập đoàn BP đã gây chú ý khi chỉ 3 ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát đã tuyên bố cam kết rút gần 20% cổ phần của mình trong Rosneft. Ảnh NY Times

Tập đoàn BP đã gây chú ý khi chỉ 3 ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát đã tuyên bố cam kết rút gần 20% cổ phần của mình trong Rosneft, công ty dầu mỏ do nhà nước Nga kiểm soát. Quyết định sẽ dẫn đến khoản lỗ 24 tỷ USD trên sổ sách cho Big Oil Anh.

Nhưng một năm sau, công ty vẫn chưa từ bỏ cổ phần của mình. Họ đổ lỗi cho những hạn chế do các biện pháp trừng phạt quốc tế gây ra và chính phủ Nga, cơ quan có toàn quyền phê duyệt đối với bất kỳ thương vụ nào.

Chuyện đi hay ở của các công ty trên thị trường Nga có liên quan đến danh sách “các quốc gia không thân thiện” được cập nhật thường xuyên. Danh sách này bao gồm khoảng 50 quốc gia, trong đó có 27 quốc gia thành viên EU, Vương quốc Anh và Mỹ, và được quy định bởi một chế độ pháp lý phức tạp và không ngừng phát triển.

Để bán tài sản ở Nga, các công ty cần có sự chấp thuận của ủy ban chính phủ về kiểm soát đầu tư nước ngoài. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, hoặc tham gia với các doanh nghiệp chiến lược của Nga, bị cấm rời đi cho đến cuối năm 2023, trừ khi nhận được giấy phép từ Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin).

Great Wall là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc duy nhất có cơ sở sản xuất tại Nga. Ảnh Bloomberg

Ngoài ra, vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nga đã phê duyệt các tiêu chí bổ sung đối với việc rời đi của các công ty nước ngoài, bao gồm định giá bắt buộc đối với tài sản để bán, giảm giá ít nhất 50% cho việc bán tài sản đó, cũng như đóng góp “tự nguyện” cho ngân sách nhà nước tối đa 10% tổng giá trị thương vụ.

Ngoài ra còn có những khó khăn trong việc thống nhất các điều khoản cho việc tiếp tục sử dụng nhãn hiệu, công nghệ và hệ thống công nghệ thông tin, cùng một số vấn đề khác. Cuối cùng, các biện pháp trừng phạt quốc tế và các biện pháp đối phó của Moscow làm phức tạp thêm việc chuyển lợi nhuận từ Nga về nước.

Quy trình rời đi phức tạp và tốn kém đang làm chậm quá trình rút lui của các công ty nước ngoài, thậm chí một số doanh nghiệp bắt đầu nghi ngờ về khả năng rời đi của họ.

Stars Coffee, chuỗi cà phê thay thế Starbucks tại Nga, bắt đầu mở cửa phục vụ khách hàng lần đầu tiên vào ngày 19.8.2022. Ảnh Getty Images

Cũng có những công ty trì hoãn ra đi vì muốn để ngỏ khả năng quay trở lại. Hãng bia Carlsberg của Đan Mạch đang đặt mục tiêu chuyển nhượng hoạt động kinh doanh tại Nga vào giữa năm 2023. Nhưng CEO Cees ‘t Hart cho biết, Carlsberg đang tìm kiếm một điều khoản có thể tạo cơ hội cho công ty mua lại tài sản ở Nga sau này.

Hãng ô tô Pháp Renault cho biết, việc bán các nhà máy của họ vào mùa hè năm ngoái cho một thực thể nhà nước của Nga bao gồm một điều khoản quan trọng: Cho phép nhà sản xuất ô tô xem xét việc quay trở lại dây chuyền lắp ráp hiện đại của mình sau 6 năm. Theo Renault, họ sẽ phải chịu thiệt hại tài chính 2,4 tỷ USD nếu rời khỏi Nga.

Có một thực tế đang diễn ra: Các thương hiệu phương Tây có thể đã rời khỏi Nga, nhưng hàng hóa của họ thì không.

Một năm sau khi gã khổng lồ F&B Mỹ quyết định rời khỏi thị trường Nga, Coca-Cola vẫn là một trong những loại đồ uống bán chạy nhất ở đây. Những chiếc xe tải chở đầy Coca-Cola vẫn lăn bánh di chuyển qua biên giới.

Tương tự, thương hiệu thời trang quốc tế Zara (Tây Ban Nha) hay tập đoàn bán lẻ đồ nội thất IKEA (Thụy Điển) đều đã rời Nga từ năm ngoái, nhưng sản phẩm của những thương hiệu này vẫn nhan nhản.

Một người phụ nữ đi ngang qua cửa hàng đang đóng cửa của H_M và Zara tại một trung tâm thương mại ở Moscow, Nga, ngày 14.3.2022. Ảnh Daily Sabah

Thay đổi chủ yếu là tuyến vận chuyển. Thời gian chờ nhận được hàng có thể dài hơn và một số sản phẩm đắt đỏ hơn. Điều quan trọng là người mua chỉ cần biết chỗ mà thôi.

Phần lớn hàng hóa không phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt và được phép vận chuyển xuyên biên giới vào Nga. Và Moscow vẫn để hàng hóa phương Tây chảy vào, bất kể theo đường nào.

Trong trường hợp của Inditex – chủ sở hữu thương hiệu Zara, tập đoàn thời trang Tây Ban Nha đã đóng cửa 502 cửa hàng của họ tại Nga sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, và sau đó bán chúng cho Tập đoàn Daher có trụ sở tại UAE.

Made with Flourish

Nhờ những chuyến hàng xách tay của những người Nga đi du lịch ra nước ngoài và những người bán hàng trực tuyến mà sản phẩm của Zara vẫn được phân phối tới tận tay người tiêu dùng Nga.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ của Nga mua hàng từ các quốc gia khác thông qua cơ chế nhập khẩu song song (parallel import), một phương thức nhập khẩu sản phẩm không cần có sự cho phép của chủ sở hữu trí tuệ thông qua các kênh cung cấp thay thế.

Hai gã khổng lồ trong lĩnh vực đồ thể thao Nike và Adidas nằm trong số những thương hiệu đã rút khỏi Nga, để lại khoảng trống cho Li-Ning của Trung Quốc lấp đầy. Ảnh Jing Daily

Moscow đã hợp pháp hóa cơ chế này để cung cấp cho thị trường những mặt hàng mà các công ty phương Tây ngừng bán hoặc ngừng sản xuất tại Nga do các lệnh trừng phạt.

Ví dụ, Coca-Cola đã ngừng sản xuất và bán hàng tại Nga từ năm ngoái. Tuy nhiên, các công ty khác lại nhập khẩu loại đồ uống này vào đây. Thông tin trên bao bì sản phẩm cho thấy chúng đến từ châu Âu, Kazakhstan, Uzbekistan và Trung Quốc.

Cách làm này bất cập ở chỗ nó gây ra tình trạng “loạn giá”. Tại một siêu thị ở thủ đô Moscow, 3 lon Coca-Cola được niêm yết 3 giá khác nhau, vì được nhập từ Đan Mạch, Ba Lan và Anh.

Nhân viên một chuỗi bán lẻ lớn tại Nga cho biết họ đã phải nhanh chóng tìm cách thích nghi. “Chúng tôi lập tức thiết lập các đầu mối liên lạc mới, ký hợp đồng với đối tác mới, lập chuỗi cung ứng với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Kazakhstan”, ông nói, đồng thời bổ sung, “Tuy nhiên, như thường lệ, vấn đề là người mua phải trả nhiều tiền hơn”.

Nhân viên phụ vụ tại một cửa hàng Vkusno & Tochka, tên mới của chuỗi nhà hàng fast-food McDonald’s ở Nga. Ảnh TASS

Một số “quốc gia thân thiện” (không tham gia trừng phạt Nga) đã tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. Ví dụ, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức kỷ lục 1.280 tỷ Nhân dân Tệ (186 tỷ USD) vào năm ngoái, trong khi xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng 61,8% lên 9,34 tỷ USD, và của Kazakhstan tăng 25,1% lên 8,78 tỷ USD.

Đối với các nhà phân phối Nga, để lấp đầy những “khoảng trống” do các thương hiệu phương Tây rời đi để lại, họ đã ký hợp đồng với các thương hiệu nhập khẩu khác và đang làm quen với các sản phẩm được sản xuất trên toàn cầu của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác.

Tại Nga, Li-Ning có thể trở thành một thương hiệu lớn về thời trang nhanh giá cả phải chăng và quần áo thể thao vì thị trường hàng may mặc của Nga phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu.

Việc hãng mỹ phẩm Đức Wella rời thị trường khiến người Nga gặp khó trong việc tìm kiếm sản phẩm chăm sóc tóc thay thế. Ảnh Moscow Times

Theo ước tính từ phía Trung Quốc, hàng nhập khẩu chiếm khoảng 80% thị trường hàng may mặc trị giá 38,2 tỷ USD của Nga. Trung Quốc cũng là đối tác nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của nước này, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự mở rộng của Li-Ning.

Ngoài ra, các sản phẩm bao gồm ô tô, tivi và điện thoại thông minh Trung Quốc cũng đang thay thế hàng nhập khẩu từ Đức và Hàn Quốc tại Nga kể từ khi thị trường nước này bị định hình lại bởi các lệnh trừng phạt và sự ra đi của các thương hiệu.

Thị trường điện thoại thông minh cũng đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, với việc Apple và Samsung tạm ngừng xuất xưởng ở Nga.

Mặc dù các sản phẩm thương hiệu phương Tây luôn sẵn có thông qua cơ chế nhập khẩu song song, nhưng kênh tiếp cận hàng hóa này không được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì sản phẩm thường đắt đỏ hơn và không được bảo hành.

Bà Anna Fedyunina, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Cơ cấu tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga, Trường Kinh tế Cao cấp, cho biết điều quan trọng hơn không phải là thảo luận về số lượng doanh nghiệp ra đi hay ở lại, mà là những khoảng trống trên thị trường và cách các doanh nghiệp Nga hoặc nước ngoài khác có thể lấp đầy chúng.

Theo dữ liệu do Trường Quản lý Yale thu thập, hơn 1.000 công ty đã tuyên bố cắt giảm hoạt động hoặc đang trong quá trình rút khỏi thị trường Nga. Ảnh Yale.edu

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 29/03/2023 | 07:00