sutit

Trong Báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn cho thấy Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.

Báo cáo cho biết một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ngoài ra, mức giá trên sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá 200.000 - 500.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử.

Và đáng chú ý, thời trang nữ là một trong 3 ngành hàng được mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

sutit

Các trang thương mại điện tử ghi nhận hoạt động sôi động tại thị trường Việt Nam

Ngành công nghiệp may mặc đã tăng trưởng 8% hàng năm (trừ thời điểm bùng phát của năm đại dịch 2020) và thời trang nhanh dẫn đầu ngành công nghiệp may mặc. Ước tính sẽ tăng gần 7% lên 38,21 tỷ USD vào năm 2023 (Adam Hayes, 2021). Trong số 100 tỷ quần áo được sản xuất mỗi năm, 20% trong số chúng không bán được. Trung bình mỗi năm khoảng 85% hàng dệt may sẽ được đổ ra các bãi rác, tương đương với mỗi giây sẽ có một xe tải quần áo bị đem đốt hoặc bỏ đi.

Theo báo cáo triển vọng ngành dệt may 2022 của VCBS, Gần đây, Trung Quốc và Việt Nam chứng kiến sự gia tăng lớn trong xuất khẩu xơ, sợi, vải đạt lần lượt 154,1 tỷ USD và 10 tỷ USD, tăng 28,9% và 10,7% so với 2019. Việt Nam lần đầu tiên vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xơ, sợi lớn thứ 6 trên thế giới và lần đầu tiên vượt nhẹ Bangladesh với 28,6 tỷ USD xuất khẩu may mặc, xếp thứ 3 thế giới.

Xu hướng “mì ăn liền” trong ngành thời trang liên tục khẳng định chắc chắn vị thế của chúng. Với những báo cáo giải trình nghiên cứu và điều tra thị trường tiêu dùng, trung bình 1 năm người dân tăng đến 10 % tiêu tốn cho nhu yếu may mặc. Và Việt Nam được cho là mảnh đất màu mỡ của những doanh nghiệp quốc tế chuyên sản xuất thời trang nhanh như H&M, Zara,… đặc biệt là tại thị trường Hà Nội khi chứng kiến sự đổ bộ của các thương hiệu này với số lượng cửa hàng mọc lên như nấm.

Nghiên cứu năm 2017 của YouGov Omnibus đã tiết lộ mức độ lãng phí quần áo tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 3/4 (74%) người Việt Nam trưởng thành từng cho lại hoặc vứt quần áo đi và trong đó có khoảng 1/5 (19%) từng vứt đi hoặc cho lại hơn 10 món trang phục trong 1 năm. Bên cạnh đó, có đến khoảng 4/10 người Việt Nam (43%) từng cho lại hoặc vứt đi một món trang phục ngay sau lần sử dụng đầu tiên và 19% người trả lời khảo sát thừa nhận đã cho lại hoặc vứt đi ít nhất ba món đồ mà họ mới mặc lần đầu.

Đi sâu vào nghiên cứu về nguyên nhân mà thời trang nhanh phát triển quá độ như hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy chính nhu cầu mặc đẹp, bắt trend,… khiến thời trang nhanh được mở đường cho sự phát triển.

Với nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực thời trang, chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Nguyễn Linh Đan (Emma Nguyen, blogger tại Dresswithdan) nhận định: “Tôi nghĩ rằng thời trang nhanh là cung xuất hiện theo cầu của thị trường phổ thông. Thời trang nhanh đáp ứng được các nhu cầu về xu hướng – giá tiền – số lượng đối với người tiêu dùng trung bình với tâm lý kiểu “the more the better” cho tủ đồ của họ.

Sự xuất hiện của thời trang nhanh tất nhiên cung ứng được cho nhu cầu căn bản của phần lớn thị trường và giúp hiện thực hoá được mong ước “ai cũng có thể thời trang”. Nhưng đi kèm theo đó là loạt hệ luỵ mà về lâu về dài mới ngấm đòn”.

Chị Nguyễn Linh Đan – blogger tại Dresswithdan nhận định thời trang nhanh sẽ đem lại loạt hệ luỵ về lâu dài

Theo anh Lưu Việt Thắng (VJ tại Schannel – Kênh thông tin giải trí cho giới trẻ) nhận định sự bùng nổ của công nghiệp thời trang nhanh có thể đến từ việc thời trang nhanh có thể đáp ứng rất nhanh nhu cầu mặc đẹp với chi phí hợp lý và đánh vào tâm lý cả thèm chóng chán của con người.

“Đây là đặc điểm tổng hòa của các đặc điểm trên. Vì mẫu mã mới liên tục được tung ra, giá lại rẻ, chất lượng hên xui, nên bạn sẵn sàng vứt bỏ món đồ cũ đi mà không thấy tiếc, để lại mua món đồ mới. Quá trình này cứ thế lặp đi lặp lại… Nhưng mặt trái của thời trang nhanh là nó “dạy hư” cho người tiêu dùng thói quen “cứ mua đi, chán thì vứt rồi mua mới””.

Anh Thắng cũng cho biết, chính sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,… với hàng ngàn mặt hàng thời trang giá thành rẻ đi kèm với nhiều ưu đãi lớn cho người mua là yếu tố kích thích cho sự tăng trưởng của ngành thời trang nhanh.

“Không ít bạn bè, đồng nghiệp của mình đặt một chiếc áo, chiếc váy trên Shopee về chỉ vì săn được mã giảm giá, không mua thì mấy tiếng nữa là mã hết lượt sử dụng. Thế rồi họ mặc đúng một lần trong một bữa tiệc, một cuộc đi chơi nào đó, rồi sau đó vứt xó và quên mất đã từng mua nó. Thật sự lãng phí.”

Đồng quan điểm trên, chị Linh Đan cũng nhận định rằng “Sự xuất hiện của các sàn TMĐT với mức giá quá rẻ này kích cầu khủng khiếp và khiến người tiêu dùng mất đi cái sense (sự phán đoán) cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua hàng. Từ đó dẫn tới tình trạng mua sắm vô tội vạ nhiều hơn cái mình thực sự cần. Nó là một mối quan hệ hai chiều có qua có lại. Cầu càng tăng thì sức ép về cung càng lớn để những brand (thương hiệu) thời trang nhanh kiểu như Shein càng có cơ hội tăng trưởng mở rộng”.

sutit

Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 10% lượng khí thải Carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển.

Đặc biệt thời trang nhanh (fast fashion) đã thống trị và định hình lại ngành thời trang kể từ thập niên 1990. Mảng thời trang này là nguyên nhân chính gây ra phát thải khổng lồ khí hiệu ứng nhà kính và các tác động tàn phá môi trường.

Chị Linh Đan cho biết: “Thời trang nhanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ sinh thái chung. Do tính chất càng nhanh càng tốt và sức ép về số lượng BST mà các thương hiệu thời trang nhanh phải ra mắt theo đơn vị tuần: các nguồn lực đổ vào việc sản xuất là quá khủng khiếp (nhân công cho đến các tài nguyên tự nhiên như đất, nước, khoáng chất…).

Chưa kể đến khối lượng rác thải mà thời trang nhanh sinh ra cũng nhanh và nhiều như tốc độ ép ra sản phẩm của họ vậy. Sự tồn tại của thời trang nhanh còn khiến thui chột sức sáng tạo hàng thật giá thật của các lực lượng nhà thiết kế, thương hiệu lao động vất vả để tạo ra dấu ấn cho riêng mình”.

Mỗi công đoạn trong ngành công nghiệp may mặc đều mang lại các hệ lụy đối với môi trường và hệ lụy của quá trình lớn này ngày càng lan rộng. Từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm sông ngòi, các hệ thống nước ngọt dần cạn kiệt, khối lượng chất thải sản xuất khổng lồ, nhựa thải ra các đại dương gia tăng hơn bao giờ hết.

Nước thải dệt nhuộm với loạt chất hoá học đang dần phá huỷ môi trường nước

Ngành thời trang chi phí thấp, tốc độ cao đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường nên việc các doanh nghiệp sản xuất may mặc lựa chọn Polyester để tối ưu hoá lợi nhuận không còn là chuyện hiếm thấy. Ước tính sợi tổng hợp hiện góp phần làm nên tới 60% các sản phẩm may mặc trên toàn cầu.

Sợi tổng hợp cũng gây ra ô nhiễm vì nhựa gốc dầu, Polyeste không thể tự phân hủy như các sợi tự nhiên. Chúng có thể tồn tại ở các bãi rác hàng trăm năm, khi giặt quần áo có chứa sợi tổng hợp cũng khiến các sợi li ti đó có thể rụng ra và hoà vào nguồn nước thải.

Ngay trong chính quá trình vận chuyển các sản phẩm thời trang từ nhà máy lên đến kệ hàng cũng góp phần không nhỏ gây nên hiệu ứng nhà kính. Mỗi tấn Carbon thải ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng bình quân 1,5 độ C, đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hoá liên tục cũng đẩy nhiệt độ của Trái đất nóng lên.

Bên cạnh đó nông nghiệp thời trang còn sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu góp phần lớn trong công cuộc hủy diệt hệ sinh thái tự nhiên.

Các chuỗi cung cấp của ngành thời trang nhanh đòi hỏi sản xuất cotton đạt doanh thu cao khiến người nông dân sử dụng các chất hóa học độc hại vượt mức. Những hoá chất này loại bỏ các sinh vật tự nhiên như nấm, côn trùng và cỏ dại, chúng làm ô nhiễm đất và nước xung quanh, phá huỷ môi trường sống của côn trùng, giảm thiểu sự màu mỡ của đất đai và trực tiếp làm nhiễm độc hệ thống nước.

Núi rác quần áo - hệ quả của một nền công nghiệp “nhanh”

Chưa kể đến việc các sản phẩm thời trang nhanh với giá thành rẻ khiến người tiêu dùng sẵn sàng vứt bỏ chúng chỉ sau vài hoặc tệ hại hơn là 1 lần sử dụng đầu tiên thay vì bán lại hoặc tìm cách để tái chế chúng. Điều này lại trở thành động lực khiến thời trang nhanh như “hổ mọc thêm cánh” mà tiếp tục chiếm lĩnh thị trường và có tốc độ tăng trưởng tính theo từng giờ.

Nhìn vào sự tàn phá khủng khiếp mà ngành thời trang nói chung và thời trang nhanh nói riêng đang tác động đến môi trường trong cả quang thời gian dài đằng đẵng kia, thật khó để đưa ra một giải pháp triệt để và nhanh chóng để ngay lập tức giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Nhu cầu ăn mặc của con người vẫn đã và đang tồn tại, đồng nghĩa với việc nền công nghiệp thời trang cũng sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Chúng ta cũng không thể nào bắt con người phải “cởi truồng” để bảo vệ môi trường, vì vậy cần có những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lâu dài đến từ chính ý thức của con người.

Nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của thời trang nhanh hiện nay đến từ chính ý thức mua sắm và sử dụng của người tiêu dùng chứ không chỉ nằm ở nhu cầu kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp. Chính yêu cầu “ngon, bổ, rẻ” đã khiến các doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình sản xuất, cố gắng hạ thấp giá thành từ đó đánh đổi bằng sự tàn phá đến môi trường.

Chính nhu cầu của người tiêu dùng đang đánh đổi bằng sức sống của môi trường

Trong vòng lặp cung - cầu này, người tiêu dùng sẽ có lợi thế hơn, vì họ là người quyết định lựa chọn mua hoặc không mua. Nếu người mua tạo ra nhu cầu sản phẩm với chất liệu thân thiện với môi trường, khả năng tái sử dụng lớn, chất liệu bền bỉ ngày càng nhiều sẽ đòi hỏi các thương hiệu buộc phải thay đổi.

Theo Việt Thắng, anh chia sẻ: “Thay vì trông chờ vào sự quyết liệt trong chính sách pháp luật và sự tự giác thay đổi của các doanh nghiệp thời trang, cách dễ nhất để giảm tác động tiêu cực của thời trang nhanh là… người tiêu dùng hãy mua chậm lại”.

Hơn hết, chính những người tiêu dùng mặt hàng thời trang sẽ là người quyết định vận mệnh của môi trường ta đang sinh sống. Mua những sản phẩm có thể sử dụng lâu dài, sử dụng các loại sợi không biến đổi gen, không sử dụng hoá chất độc hại để nuôi trồng hoặc những loại sợi tổng hợp có thể tái chế.

Anh Việt Thắng – VJ tại Schannel mong muốn mỗi cá nhân nên thay đổi tư duy mua sắm để góp phần bảo vệ môi trường

Một vài cách nữa mà anh Thắng chia sẻ có thể kể đến như sử dụng những sản phẩm quần áo còn tốt mà bạn bè có ý định bỏ đi; cố gắng mua sắm những sản phẩm đơn giản, dễ phối đồ và có thể sử dụng nhiều lần hoặc tìm cách bảo quản quần áo thật tốt để có thể tăng thời gian sử dụng chúng.

Chỉ với những thay đổi nhỏ trong thói quen mua sắm hàng ngày đã có thể góp phần thay đổi đến cả một hệ thống. Thay vì mua những món đồ hot, được nhiều người săn đón và thay đổi chúng liên tục hàng ngày, người tiêu dùng nên mua những thứ thật sự cần thiết và có thể sử dụng lâu dài.

Và hơn bao giờ hết, con người cần nhận thức rằng thời trang giống như một sản phẩm “cần” chứ không nên là thứ quyết định điều kiện “đủ” của một người, từ đó đưa ra lựa chọn trả một cái giá cao hơn cho những thứ mình mặc lên người. Số tiền chênh lệch đó không đơn giản chỉ để mua một sản phẩm thời trang, mà chúng ta đang trả một giá cao hơn để đảm bảo cho môi trường sống quanh mình.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 14/05/2022 | 17:42

<% include googleAnalystic %>