Từ ngày bà qua đời, ông thường ngồi thẫn thờ trước bàn thờ nhỏ to trò chuyện. Lâu lâu, ông lại nhắc con cháu đừng xê dịch vật dụng bà thường dùng. Bởi, ông tin bà vẫn còn ở bên cạnh ông dù kiếp này hay mãi đến kiếp sau.

Xúc động khoảnh khắc cụ ông hôn lên má vĩnh biệt vợ và 'hẹn kiếp sau gặp lại'
sutit

Chuyện vợ chồng của ông Vũ Đình Bích (82 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) và vợ là bà Phạm Thị Thuận (80 tuổi) bắt đầu từ năm 1957. Khi đó, cha của ông Bích thấy cô gái tên Thuận có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại hiền lành, nết na nên khuyên con trai kết hôn cùng cô. Nghe lời cha, ông Bích vui vẻ cưới cô gái có dị tật sứt môi làm vợ mà không chút ái ngại về vẻ ngoài của vợ tương lai.

Cứ ngỡ, bắt đầu không tình yêu thì hôn nhân sẽ khó bền vững hoặc đôi trai gái sống với nhau như nghĩa vụ làm đẹp lòng cha mẹ. Thế nhưng, ông Bích và vợ dần phát sinh tình cảm, ngày càng nồng ấm, êm đềm.

Vợ chồng ông Bích đi đâu cũng có nhau.

Cuộc sống vợ chồng ông Bích thuở trẻ cũng chỉ đủ ăn. Cả hai chỉ biết bám víu vào khoảng vườn được cha mẹ để lại mà trồng trọt, chăn nuôi. Ấy vậy, đời sống nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lại khiến cả hai gắn bó mật thiết. Tình yêu lớn dần qua ngày tháng đồng cam cộng khổ. 8 đứa con lần lượt ra đời, gia đình ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Đến nay, hơn 60 năm sống bên nhau, ông bà chưa rời nhau một ngày. Con cái dần trưởng thành, có người thành công, lại có người chật vật với cơm áo gạo tiền. Nhưng, tất thảy đều biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Bởi, đó là bài học mà ngày nào, ông bà cũng lặp lại, nhắc nhở các con trong bữa cơm hay bên tách trà mỗi tối.

Ở tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn yêu thương nhau như thuở cơ hàn. Sáng nào, ông cũng chở bà đi uống cà phê, ăn sáng. Hễ sang đường, ông nắm tay bà thật chặt, dặn bà phải nép sau ông.

Người trong xóm nhỏ đã quen với hình ảnh ông bà như hình với bóng trong suốt mấy chục năm qua. Có người vui miệng nói với nhau, bà Thuận thật có phước, bị tật ở môi mà được chồng thương hết sức, đời mấy người được như vậy.

Ông bà đối xử nhau tương kính như tân, trước sau có tình có nghĩa nên bất kỳ ai tiếp xúc với ông bà đều ngưỡng mộ. Với con cháu, ông bà thường răn dạy, máu mủ ruột thịt phải yêu thương, bảo bọc lẫn nhau. Với con và cháu gái, ông bà căn dặn, về nhà chồng, nhớ nghe lời người ta dạy bảo thì họ mới thương, phải kính trọng cha mẹ chồng như cha mẹ ruột.

Nhìn cách ông bà đối xử với nhau, con cháu họ chưa bao giờ mất niềm tin vào tình yêu. Tất cả đều có một niềm tin mãnh liệt sẽ có một người cùng mình sống một cuộc đời trọn vẹn.

sutit

Ngày 7/5, bà kêu đau bụng, ông vội vã kêu xe chở bà đi cấp cứu. Đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, bác sĩ phát hiện bà mắc bệnh ung thư đại tràng. Căn bệnh của bà đã bước vào giai đoạn cuối, di căn vào tận gan. Nghe bác sĩ thông báo hung tin, mặt ông biến sắc, xanh xao.

Sau đó, bệnh viện ở Tây Ninh yêu cầu chuyển gấp bà lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để tiếp tục điều trị. Sợ ông buồn sinh bệnh, tuổi ông lại cao, con cháu ngăn không cho ông đi theo bà xuống TP.HCM. Họ hứa với ông khi nào bà ổn định nơi điều trị, sẽ rước ông xuống thăm bà.

Từ ngày bà chuyển viện, ông ở nhà một mình, đêm nào cũng trằn trọc, khó ngủ. Lắm lúc nhớ bà cồn cào, ông vội lấy cái áo bà hay mặc đặt kế bên gối mới yên tâm chợp mắt một chút.

vợ ông Vũ Đình Bích
Bà Thuận vui cười khi bồng cháu.

Được thông báo bà đã mổ xong, mọi người sẽ chở ông xuống thăm bà, ông mừng muốn khóc. Ông lật đật chạy vào trong, lôi cái sơ mi mà bà thích nhất đem đi ủi cho phẳng. Ủi áo xong, ông cạo râu, cắt tóc cho gọn gàng, rồi ngồi chờ con cháu đến rước đi thành phố thăm bà.

Đi dọc đường, ông bất ngờ đòi dừng xe, tìm chỗ mua đôi dép khác. Ai cũng ngạc nhiên nhưng rồi ông giải thích khiến con cháu đều muốn rớt nước mắt. Chẳng là, bà không thích ông mang dép lào nhưng trước khi đi, ông vội quá nên quên. Ông sợ bà thấy ông mang dép lào thì bà sẽ la, rồi lại thêm mệt.

Còn bà, nghe tin ông đến thăm, bà nhất mực không chịu. Bà bảo, lúc mổ, bác sĩ tháo răng giả ra rồi, xấu lắm không muốn ông nhìn thấy.

Nhưng rồi, được con cháu động viên, ông bà cũng gặp nhau ở bệnh viện. Thương bà đau, ông cứ luôn miệng hỏi bà đau nhiều không, thấy trong người thế nào. Bệnh viện chật chội, thời tiết thì nóng bức. Vậy mà, ông cứ kiên trì đứng quạt tay cho bà. Bà đòi gì ông cũng chiều ý.

Đến lúc hết giờ thăm bệnh phải ra về, ông không chịu về mà muốn con cháu về hết, chỉ một mình ông ở đó chăm bà. Thế nhưng, tuổi ông đã cao, con cháu không thể chiều theo mong muốn của ông.

vợ chồng ông Vũ Đình Bích
Ông bà luôn vui vẻ khi được ở bên nhau.

Và rồi, điều đau đớn nhất đối với ông và gia đình cũng đến. Sau 10 ngày điều trị, 2h sáng ngày 18/5, bà lịm đi, bác sĩ chẩn đoán bà khó qua khỏi. Hiểu bệnh tình của bà, con cháu đưa bà về nhà để bà được ra đi thanh thản trong sự yêu thương của mọi người và nhất là, gặp lại ông lần cuối.

Chuyến xe chở bà từ TP.HCM về tỉnh Tây Ninh nặng nỗi lòng của con cháu. Họ sợ phải đối mặt với ông. Họ sợ ông không chịu nổi khi biết bà phải ra đi mãi mãi.

Thấy chiếc xe chở bà về với máy thở, thuốc men, người ông cứ mềm ra chực chờ ngã quỵ nhưng ông cố không khóc. Ông cứ đi loanh quanh bà, nghe bà kêu ông sà vào nắm chặt lấy tay.

sutit

Đứng trước cửa sinh tử, chia lìa mãi mãi, ông bà quyến luyến khiến con cháu đau thắt ruột gan. Ông nắm tay, hôn lên má, ôm lấy bà. Ông làm hết thảy những điều ông còn làm được lần này nữa rồi thôi. Bởi, khi ông buông tay, bà sẽ xa ông, sẽ ở một thế giới khác một mình, không có ông kề bên chăm sóc.

Vợ chồng ông Vũ Đình Bích

Ông Bích an ủi, nắm tay, hẹn gặp lại vợ ở kiếp sau.

Đôi mái đầu bạc phơ cứ tựa vào nhau đếm từng phút bà còn gắng gượng. Thấy bà thở dốc, ông lại hôn lên má vợ, rồi nói với giọng ngắt quãng: "Thương lắm... Thương lắm... Sáu mươi mấy năm rồi... Kiếp sau vẫn gặp nhau heng".

Ông còn cười động viên bà khiến ai cũng bất ngờ. Ông đang muốn bà thấy cái chết cũng không thật đáng sợ, vui vẻ mà ra đi. Đau đớn thể xác chỉ là nhất thời, tình yêu, nụ cười của ông sẽ theo bà, sưởi ấm bà ở nơi nào đó vô định.

Với chút sức lực của người bước một chân vào cửa tử, bà như hiểu hết những lời ngọt ngào của ông. Không nói được lời nào cùng ông, bà cố gắng liên tục gật đầu theo từng lời dặn dò của ông.  

Bất ngờ, bà ra hiệu cho con gái tháo găng tay giúp mình. Bà muốn nắm tay ông lần cuối. Hiểu vợ, ông Bích cúi người thật nhanh, nắm thật chặt tay bà.

Đến 6h25 phút sáng ngày 18/5, bà trút hơi thở cuối cùng. Ông vẫn không khóc nhưng người thẫn thờ, con cháu phải thay nhau dìu ông. Chỉ cách đó vài phút, ông còn cố tỏ vẻ mạnh mẽ để con cháu an lòng. Vậy mà, bà vừa xuôi tay, ông rơi vào hụt hẫng. Một khoảng trống quá lớn, một người vợ đã sống trọn vẹn với ông suốt hơn 60 năm vừa qua đời.

sutit

Từ lúc lo cho bà an nghỉ xong, mấy hôm nay, ông cứ ngồi trước bàn thờ, tâm sự với bà những chuyện không đầu không cuối. Có lẽ, ông đang nhắc bà những kỷ niệm vui của 2 vợ chồng hay động viên bà ra đi thanh thản.

Lâu lâu, ông thừ người ra, rồi trách: “Sao bà bỏ tôi mà đi?”. Con cháu nhìn ông mà xót xa tận tâm can. Họ động viên mong ông cố gắng vượt qua nỗi đau vừa mới đây thôi. “Mẹ đi rồi, ba mà bỏ đi theo, tụi con biết sống làm sao”, từng lời của con cái khiến ông dặn lòng phải mạnh mẽ hơn.

Lúc trước, ông bà sống chung với nhau, không thích ở chung với ai, dù là con cái. Giờ bà mất, người con gái thứ hai rước ông về chăm sóc, thủ thỉ cho ông bớt buồn nỗi vắng bà.

vợ chồng ông Vũ Đình Bích

Nhà cũ của ông bà thì nhờ người khác lên ở và trông nom trong ngoài. Nhưng, ông dặn con cái đừng đảo lộn vị trí vật dụng trong ngôi nhà cũ mà ông bà mới ngày nào còn như hình với bóng. Chỗ bà để thuốc, để mũ ở đâu phải giữ nguyên như thế để ông nhìn đâu cũng thấy bà.

Chắc cũng chừng vài ngày, khi nỗi nhớ bà cồn cào, ông lại tìm về ngôi nhà cũ. Chỉ có ở đó, ông mới thấy bà còn hiện diện, còn gần bên ông, nhỏ nhẹ dặn ông giữ gìn sức khỏe…