Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin nhân dịp năm mới 2022, GS.TSKH, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng vận nước đang lên không chỉ dừng ở cảm nhận, mà với kinh nghiệm của người nghiên cứu lịch sử, có thể không khó để nhận ra Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới.

Người Đưa Tin (NĐT): Vận nước, có lẽ là khái niệm lớn tới mức bao trùm toàn bộ đời sống của một đất nước, một dân tộc và của người dân. Thưa GS, khái niệm “vận nước” nên hiểu thế nào cho vừa đúng, vừa đầy đủ nhưng lại dễ hiểu?

GS.TSKH Vũ Minh Giang

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Nói đơn giản về một khái niệm có nội hàm hết sức rộng lớn là điều không hề đơn giản. Nhưng thôi, có thể hiểu giản dị thế này. Vận nghĩa gốc là chuyển động. Vạn vật luôn chuyển động, nhưng có chu kỳ và có những thời khắc diễn ra những bước nhảy mang tính đột biến. Ấy là sau một quá trình vận động hội đủ những điều kiện khách quan và chủ quan và xuất hiện những thời cơ thuận lợi cho bước nhảy. Chính vì vậy người ta còn nói đến vận hội. Vận nước cũng vậy. Nhìn vào lịch sử có thể thấy Việt Nam đã từng nhiều lần vận nước xuất hiện. Đó là đêm trước cách mạng tháng Tám 1945. Chúng ta mất độc lập từ cuối thế kỷ XIX. Biết bao thế hệ cha anh đã kiên cường, anh dũng, không tiếc máu xương, vùng lên đấu tranh, nhưng phải đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tiến hành một quá trình chuẩn bị dài 15 năm và xuất hiện cơ hội phe phát xít - quân phiệt thất bại, chúng ta mới chớp thời cơ giành lại được độc lập, thực hiện giấc mơ thoát ách nô lệ thực dân từng đè nặng lên dân tộc gần một thế kỷ.

Cuối năm 1974, sau 20 năm chiến đấu ngoan cường, đại thắng mùa xuân 1975 chính là vận nước được hiện thực hóa.

Hiện nay đất nước đang đứng trước một vận hội mới. Sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam mạnh chưa từng có. Đây chính là cơ hội để dân tộc Việt Nam biến tất cả những gì mình có thành lợi thế đưa đất nước đi tới phồn vinh, thực hiện khát vọng của dân tộc có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Vận nước đang đến.

NĐT: Theo ý kiến của tôi, “vận nước” vừa rất cụ thể vì nó được biểu hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân, qua cái ăn, cái mặc, qua vẻ mặt của mỗi con người. Tuy nhiên, để định nghĩa “vận nước” là gì, nó bao gồm những yếu tố nào và mỗi người dân phải làm gì để vun chắc, giữ chặt vận nước, chắc chắn không hề đơn giản, thưa ông?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Như tôi đã nói, vận nước không phải từ trên trời rơi xuống, không chỉ là thời cơ mà phải là một quá trình tích lũy công phu những điều kiện cần và đủ.

Để tạo ra một tiền đề về mọi mặt cho một sự đổi thay lớn và đủ khả năng nhận ra và nắm bắt được thời cơ, nghĩa là dân tộc phải làm chủ được vận mệnh của mình và hiện thực hóa được vận nước thì trước hết phải có khát vọng. Một dân tộc không có khát vọng thì vận nước chẳng bao giờ đến. Những tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ mẽ của đất nước không chỉ là sự dồi dào về mặt vật chất. Một đất nước phát triển phải có một xã hội văn minh, phải có những con người có ý thức với dân tộc, với đất nước, thay vì chỉ chăm chăm làm giàu cho bản thân. Mỗi người dân phải chuẩn bị cho mình tâm thức công dân của một nước phát triển. Nếu điều này chưa có, vận nước chắc vẫn chưa đến gần.

Một điều rất rất quan trọng là nhìn vào lịch sử, hễ khi nào môi trường chính trị lành mạnh, những kẻ sâu mọt, tham nhũng, bất tài không có đất dung thân, thay vào đó hiền tài được coi là nguyên khí của quốc gia, người giỏi lũ lượt ra giúp nước là chỉ báo cho một thời hưng thịnh, là vận nước đang lên.

NĐT: Cách đây hơn 1.000 năm, Thiền sư Pháp Thuận trong bài thơ Vận nước đã viết: “Vận nước như dây mây leo quấn quýt” vừa nói lên sự bền chặt, vừa nói lên sự lâu dài, sự phát triển thịnh vượng, đó có thể coi là một tuyên ngôn, một định hướng cho khởi tạo và chăm chút vận nước tươi đẹp?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Quốc tộ (囯祚) là hai từ đầu tiên trong bài thơ của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận trả lời Lê Hoàn khi vị Hoàng đế này hỏi về vận nước. Chữ Tộ (祚) nghĩa gốc là phúc khí, thường gắn với triều đại hay hoàng đế nên còn được hiểu là vận nước. Pháp Thuận đưa hình ảnh Đằng lạc để so sánh với ngụ ý sâu xa. Đằng là loại cây leo giống cây mây, còn là một loại thảo dược có tác dụng bồi bổ khí huyết, mọc rất nhanh và bám rất chắc vào thân cây gỗ. Lạc có nghĩa là vấn vít quấn quanh. Qua câu thơ này ý Pháp sư muốn nói vận nước đang lên và hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp. Xa hơn, hình ảnh cây leo quấn chặt thân cây còn có hàm ý về sự cố kết bền chặt. Chỉ trong một câu thơ hàm súc mà pháp sư đã nói lên được rất nhiều điều. Nhờ vận nước ấy mà trời Nam mở ra cảnh thái bình, việc chính sự cũng chẳng phải nhọc lòng và muôn nơi dứt cảnh binh đao.

NĐT: Đối với Việt Nam, trong khoảng thời gian gần đây, dù phải trải qua những cơn sóng dữ của dịch bệnh, nhưng với những thành công về phát triển kinh tế, về quan hệ đối ngoại, về ổn định chính trị, có yếu tố thì lượng hóa được, nhưng có yếu tố không thể định lượng, nhưng cảm nhận chung của mỗi người dân là “vận nước đang lên”, ông cảm nhận gì về nhận định đó?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Với tôi, vận nước đang lên không chỉ dừng ở cảm nhận, mà với kinh nghiệm của người nghiên cứu lịch sử, có thể không khó để nhận ra Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới. Nếu như hơn 30 năm trước đất nước ở tình cảnh khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được thì Đổi mới đã đem đến sự đổi thay khiến những người giàu trí tưởng tượng cũng khó hình dung ra được. Đó là sự chuyển dịch mà theo tổng kết của triết lý phương Đông là cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu, có nghĩa là sự vật phát triển tới cùng tận thì tất phải biến hóa. Sự biến hóa được vận hành thuận chiều thì sẽ thông đạt và nhờ đó mà duy trì được dài lâu. Thành quả của công cuộc Đổỉ mới không chỉ làm thay đổi diện mạo của đất nước, nâng cao mức sống của nhân dân và tiềm lực quốc gia được tăng cường, mà quan trọng hơn là vị thế quốc tế của đất nước trên trường được nâng cao. Tiếng nói của Việt Nam được tôn trọng trong các diễn đàn tầm châu lục và thế giới. Chưa bao giờ chúng ta có được một cơ đồ như hôm nay. Đó chính là thông tắc cửu.

Mặc dù thời gian qua cả thế giới bị dịch Covid tàn phá, thế giới vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng của Việt Nam. Không tránh được những tổn thất do dịch bệnh gây ra, Việt nam vẫn là điểm sáng trong việc thực hiện nhiệm vụ kép: tăng trưởng kinh tế và khống chế dịch bệnh.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, những thử thách hiểm nghèo Việt Nam đã và đang phải đối mặt chính là thách thức toàn diện với dân tộc và thời vận đối với đất nước lại nằm ngay ở những thắng lợi trong công cuộc thực hiện nhiệm vụ kép này một cách thông minh, linh hoạt trên cơ sở phát huy cao độ tài trí của con người Việt Nam.

NĐT: Có thể hiểu, vận nước là tổng hòa các yếu tố đối nội, đối ngoại, kinh tế, quân sự, văn hóa của một quốc gia, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, văn hóa mới là cội nguồn của vận nước, văn hóa quyết định “vận” và “mệnh” của mỗi quốc gia?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Văn hóa là hồn cốt, khí chất của dân tộc nên khi nói đến vận nước nó không đồng đằng với các yếu tố khác như đối nội, đối ngoại, kinh tế, quân sự...mà là nền tảng của sức mạnh. Lúc sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói muốn hiểu nghệ thuật quân sự Việt Nam không thể chỉ nghiên cứu từ gọc nhìn quân sự mà phải có tiếp cận văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Gần đây các văn kiện Đảng cũng khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.Vậy nên hoàn toàn có thể nói rằng vận mệnh của quốc gia tùy thuộc vào văn hóa của dân tộc.

Điều quan trọng là vận nước chỉ đến với những dân tộc có khát vọng vươn lên, tự tin và chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cho những bước đổi thay, đủ khả năng nắm bắt và chớp được thời cơ để đưa đất nước đi lên.

NĐT: Thưa GS, mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng những chuyển biến đến từ thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam dường như báo hiệu một thời kỳ mới của đất nước. Theo GS chúng ta nên kỳ vọng gì từ những động thái đáng mừng đó?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Từ góc nhìn của tôi thì quy luật phát phát triển của Việt Nam là thường vươn lên mạnh mẽ sau mỗi lần vượt qua khó khăn hiểm nghèo. Những khó khăn đất nước đang gặp phải, trên ý nghĩa này có thể chính là thời cơ. Có những chỉ báo lạc quan sau đây:

Thứ nhất, sau một thời gian hội nhập và cọ sát, “chỉ số tự tin” của người Việt Nam tăng lên rõ rệt. Tự tin xuất phát từ nhận thức đúng về mình, biết mình có gì và thiếu gì để từ đó có thế biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế. Đây có thể dùng làm "chỉ số” đo mức độ trưởng thành. Nó khác xa với lòng tự hào hay tự tôn dân tộc.

Thứ hai, khát vọng vươn lên đang lan tỏa ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có những lần cả dân tộc nung nấu khát vọng cháy bỏng, nhưng đó chủ yếu là ước nguyện giành lại độc lập khi chủ quyền đã mất. Để thực hiện khát vọng đó đã có biết bao thế hệ máu chảy, đầu rơi. Khát vọng bao trùm hiện nay từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường là đưa đất nước tới phồn vinh, hùng cường.

Thứ ba, văn hóa được đề cao. Chưa bao giờ văn hóa dân tộc được nói nhiều như bây giờ. Đó là sự thức tỉnh. Từ sau đống tro tàn của chiến tranh, các dân tộc châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ khi họ giác ngộ và nhận thức được sức mạnh nền tảng của văn hóa. Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, do đích thân Tổng Bí thư chủ trì với sự tham gia của hầu hết các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, được kết nối với 63 tỉnh, thành phố là một dấu mốc lịch sử quan trọng.

Một vận hội mới đang đến với Việt Nam. Đất nước dường như đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử trọng đại.

NĐT: Cảm ơn sự chia sẻ của ông!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 01/02/2022 | 10:00