Người Đưa Tin: Trải qua 26 năm phát triển, Tập đoàn Sao Mai đã và đang khẳng định được vị thế của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước. Lập nghiệp khi Đất nước vừa bước vào giai đoạn đầu của đổi mới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, cảm xúc của ông lúc đó ra sao? Lý do gì khiến một kỹ sư xây dựng đang có sự nghiệp ổn định tại cơ quan Nhà nước lại lựa chọn con đường kinh doanh?

Ông Lê Thanh Thuấn: Tôi còn nhớ, giai đoạn đầu thành lập Sao Mai đó là những năm tháng thời bao cấp. Thời đó, việc Đảng viên làm kinh tế tư nhân chưa được quy định rõ ràng và còn nhiều rào cản. Nhưng với riêng tỉnh An Giang, các lãnh đạo khi đó nhận thấy rằng phải xông pha, mạnh dạn làm thử. Tôi cũng là một trong số các Đảng viên thời đó bước ra làm kinh tế sớm nhất.

Nhà nước cử tôi làm giám đốc khi tôi chưa biết gì về kinh tế, chỉ là kỹ sư bình thường. Nhưng khi tổ chức phân công thì trách nhiệm của mình là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bởi lẽ đó, từ ngày tôi làm cho các đơn vị Nhà nước thì luôn có hiệu quả, tự tin từ những việc nhỏ cho đến điều hành kinh tế.

Ngày ấy, mặc dù nghe danh doanh nghiệp Nhà nước rất “oai" nhưng quy mô vốn lại “cỏn con” với trang bị thô sơ. Đó là tình trạng chung của các công ty và cũng là lý do rất nhiều doanh nghiệp bị sa lầy, phá sản thậm chí còn nhiều kịch bản tệ hơn.

Thời điểm đó, tại tỉnh An Giang, lãnh đạo tỉnh có chủ trương mỗi xã thành lập một doanh nghiệp kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp cũng không tồn tại được lâu do nhiều yếu tố mà chủ yếu do không đảm bảo được việc đào tạo cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu - CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI

Những ngày đầu chập chững bước ra điều hành kinh tế, tôi cũng mất vài năm làm quen. Dù vậy, như các bạn thấy, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn đứng vững cho đến khi cổ phần hoá và đến nay vẫn còn phát triển mạnh mẽ .

Hiện, Sao Mai vẫn duy trì hoạt động giống công ty Nhà nước, có Bí thư Đảng bộ, có HĐQT và Tổng Giám đốc. Tôi hiện tại vẫn là Bí thư Đảng bộ của công ty, quy mô Đảng viên từ thời thành lập chỉ có 10 người, song đến nay con số đó đã là 300 người.

Người Đưa Tin: Vậy dấu mốc nào khiến ông nhớ nhất trong hành trình đưa Sao Mai đến vị trí hiện tại?

Ông Lê Thanh Thuấn: Điều làm tôi nhớ nhất chính là giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Lúc bấy giờ, mọi thứ đều rất “loạn”.

Nói là loạn, bởi mô hình kinh tế mới nên nhiều tỉnh, địa phương có những cách ứng xử khác nhau. Thậm chí là có cả những dị nghị khi cán bộ đang trong cơ quan Nhà nước mà ra ngoài làm kinh tế. Cũng vì thế mà nhiều người không muốn ra làm công ty mà chỉ muốn làm cán bộ Nhà nước.

Với tôi, tôi không ngại điều đó! Tôi chỉ quan trọng việc làm gì để ích nước lợi dân. Thành ra lúc bấy giờ tôi cũng chịu nhiều thị phi (cười). Nhưng xét cho cùng, cái gì cũng có vinh quang, nếu mình làm được những gì mà người khác không làm được thì đó là điều đáng tự hào.

Mấy chục năm qua, những lứa người đi cùng với tôi năm 31 tuổi ra làm kinh tế, hầu như đều đã di chuyển với nhiều vị trí khác nhau. Còn tôi thì vẫn ở đây liên tục mấy chục năm, năm nay hơn 60 tuổi rồi vẫn đang ở nguyên vị trí này.

Người Đưa Tin: Với bất cứ một doanh nhân nào, khi khởi nghiệp thì việc đặt tên công ty đều mang ý nghĩa nhất định. Vậy xin hỏi ông, tên gọi Sao Mai được ông lấy cảm hứng từ đâu?

Ông Lê Thanh Thuấn: Thời điểm khi còn làm ở Bộ Xây dựng, tôi có điều hành một xí nghiệp nhỏ. Vị Tổng Giám đốc khi đó có yêu cầu tôi ra thành lập một công ty mới. Ngay trong đề án thành lập, tôi đã đặt tên công ty là Sao Mai. Sau đó công ty lại không thuộc Bộ Xây dựng nữa mà thuộc về tỉnh An Giang.

Sao Mai tức là ngôi sao sáng trên bầu trời. Sao Mai đọc lên rất dễ nghe, rất dễ nhớ và cũng rất giản dị. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Người Đưa Tin: Hoạt động kinh doanh đa ngành là điều không hề dễ dàng. Làm cách nào để công ty có thể cân đối tài chính khi sở hữu trong tay mạng lưới nhiều công ty con như vậy, thưa ông?

Ông Lê Thanh Thuấn: Cái khó của đa ngành nghề đó là làm cái gì mới cũng khó, bỡ ngỡ. Nhưng rồi từ từ sẽ thích ứng được. Về vấn đề vốn, công việc tới đâu thì cần vốn tới đó. Vốn là để phục vụ cho công việc chứ không phải để phục vụ cho công ty. Chỗ nào có việc thì vốn phải chảy về đó.

Đối với Sao Mai, hoạt động đa ngành nghề đã trở nên thành thạo, tạo ra thế ổn định. So ở hiện tại, với các doanh nghiệp chỉ làm bất động sản thì chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu Sao Mai chỉ làm bất động sản mà không làm những ngành nghề khác, thì chắc chắn cũng không tránh khỏi cảnh ngộ của các doanh nghiệp cùng ngành. Song, vì làm đa ngành nên Sao Mai không hề hấn gì vì đã có trụ đỡ từ thuỷ sản, từ năng lượng, từ du lịch.

Làm một phép ẩn dụ, nhìn con rết, hay con cuốn chiếu – đây những con côn trùng có thân dài, rất nhiều chân để nâng đỡ được phần thân dài. Doanh nghiệp cũng vậy, cũng cần có nhiều lĩnh vực khác đi kèm để chống đỡ rủi ro.

Người Đưa Tin: Còn nhớ năm 2003 là dấu mốc mới của Sao Mai khi tập đoàn bắt đầu với hướng đi mới là thuỷ sản. Lý do gì khiến ông chọn thuỷ sản là lĩnh vực kinh doanh tại thời điểm đó?

Ông Lê Thanh Thuấn: Tôi chọn làm thuỷ sản bởi đó là lương thực thực phẩm. Trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng cần đến nguồn lương thực này, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Chúng ta có thể dừng mọi hoạt động nhưng không thể nào ngừng ăn uống. Chính vì vậy, lương thực thực phẩm lúc nào cũng chiếm thế thượng phong.

Điều đặc biệt ở Sao Mai khi làm thuỷ sản là không làm nhiều, mà chỉ tập trung vào con cá tra. Nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều. Và đó cũng chính là lý do tôi quyết tâm đầu tư vào mảng này.

Người Đưa Tin: Nếu dõi theo Sao Mai từ những ngày đầu thành lập, đặc biệt là cách vượt qua những giai đoạn khó khăn sẽ thấy ông có một chiến lược kinh doanh thuỷ sản rất riêng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch lúc đó của Tập đoàn?

Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai Super Feed

Ông Lê Thanh Thuấn: Thời điểm dịch Covid-19 là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt. Là người làm kinh doanh, sự nhạy bén là rất cần. Bản thân tôi khi ấy cùng ban cố vấn có dự báo rằng việc xuất nhập khẩu đóng băng, và điều đó sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng trở nên rất cao. Các nguồn dự trữ sẽ cạn kiệt dẫn đến cần một khối lượng lớn thuỷ sản khi hết dịch bệnh. Lúc đó, tôi đã liều mạng dùng hết vốn liếng cho việc để tích trữ cá trong kho lạnh. Kết quả, khi dịch được kiểm soát, dự báo của tôi đã đúng. Đối tác từ các nước đến và đặt hàng, thậm chí khi ấy công nhân của công ty còn làm không kịp. Trước dịch, cá được thu mua với giá rẻ, bán với giá cao giúp chúng tôi mang lại nguồn tiền lớn cho công ty.

Thời điểm này tôi chia sẻ, nghe tưởng là một điều dễ dàng nhưng không phải ai cũng dám làm ở thời điểm đó. Thứ nhất, tôi phải giữ được nguồn nhân lực. Thứ hai là phải có vốn để mua cá. Quan trọng nhất là phải có kho lạnh. May mắn là tôi đã kịp xây xong nhà kho khi dịch bùng phát vì quá tải số lượng hàng phải đi gửi ở kho ngoài.

Thực ra tôi không có làm liều mà nói cách khác là chỉ phiêu lưu. Nhưng phiêu lưu cần dựa trên những dự báo và tư duy, nghĩ thật kỹ mới dám làm. Tôi luôn đưa ra những câu hỏi và tìm lời giải đáp cho nó. Và phải luôn luôn có tư duy phản biện với chính bản thân mình.

Người Đưa Tin: Chúng tôi có dịp được ghé qua nhà máy điện mặt trời An Hảo của tập đoàn và nhận thấy rằng nhà máy mở cả khu tham quan cho khách du lịch tại khu vực này. Ông có thể chia sẻ thêm về cách vận hành này không?

Ông Lê Thanh Thuấn: Sao Mai đang nghiên cứu để đưa năng lượng sạch thành doanh thu trọng yếu của tập đoàn. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu phát triển cả điện mặt trời và điện gió. Để phục vụ cho việc này, Sao Mai đã đầu tư quỹ đất tại Tây Nguyên để làm điện mặt trời. Tuy nhiên cơ chế về giá điện chưa hợp lý, chưa thể có lợi nhuận nên chưa thực hiện. Sao Mai đã có đủ điều kiện để đầu tư, hiện chúng tôi chỉ chờ cơ chế, chính sách hợp lý cho doanh nghiệp làm điện tái tạo.

Nói riêng về nhà máy điện mặt trời An Hảo, thời điểm trước khi có nhà máy đây là bãi đất trống, hoang vu. Làm điện mặt trời nhưng tôi luôn chú trọng đến kiến trúc cảnh quan của nhà máy, phải xanh, phải sạch và đẹp. Đó chính là điểm khác biệt của Sao Mai khi làm điện tái tạo.

Người Đưa Tin: Đúng như ông chia sẻ thì hầu hết các doanh nghiệp làm điện tái tạo đang trong tư thế tạm ngưng đầu tư, rơi vào trạng thái “ngủ đông” để chờ chính sách mới. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo. Với Sao Mai thì điều đó diễn ra như thế nào? Doanh nghiệp có kỳ vọng gì vào Quy hoạch điện VIII sắp được ban hành?

Nhà máy Điện mặt trời An Hảo

Ông Lê Thanh Thuấn: Với Quy hoạch điện VIII, đây là quy hoạch lớn của ngành năng lượng Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn còn điểm chưa hợp lý, nhất là cơ chế giá cả đang thấp. Giá đầu vào hiện nay đang cao hơn giá đầu ra, tức là doanh nghiệp làm thì sẽ không có lãi. Và chắc chắn rằng, kinh doanh không có lãi thì sẽ không ai làm cả.

Chúng tôi cũng hy vọng Quy hoạch điện VIII sớm được hoàn thiện và ban hành, giúp mở đường cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào ngành điện.

Người Đưa Tin: Ở các tập đoàn lớn hiện nay đã xuất hiện sự dịch chuyển quyền lực sang thế hệ F2, F3. Đối với Sao Mai thì sao? Ông có kế hoạch gì cho câu chuyện kế thừa tại tập đoàn?

Ông Lê Thanh Thuấn: Ngày 15/4 tới đây, Sao Mai sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại cuộc họp này, tôi sẽ rút khỏi HĐQT và lui về làm cố vấn. Và chắc chắn, sẽ có một thế hệ kế nhiệm mới.

Thế hệ kế nhiệm này đã được đào tạo rất công phu, phải thành công trong một công ty nhỏ của tập đoàn, kinh doanh phải có lãi. Đặc biệt, người kế nhiệm tôi phải là người người sống tử tế, nhân văn, biết đối nhân xử thế, có tình có nghĩa.

Quan điểm của tôi, thế hệ sau phải uy tín hơn thế hệ trước, “con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy có thể thiếu kinh nghiệm, nhưng vì có điều kiện hiện đại và tốt hơn, nên khi bắt đầu một kế hoạch gì các F2 cần phải giải trình trước tập thể, trước ban cố vấn đề cùng nhau hiểu và nắm được vấn đề. Tôi không cho phép trường hợp phiêu lưu dẫn tới phá sản doanh nghiệp. Cơ nghiệp gây dựng rất nhiều năm không thể để rủi ro nguy hiểm mà phải trải qua sự thẩm định của hội đồng cố vấn.

Người Đưa Tin: Vậy tầm nhìn của ông về Sao Mai của 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng chục năm sau sẽ là doanh nghiệp như thế nào?

Ông Lê Thanh Thuấn: Chắc chắn một điều rằng, 10 năm sau, 20 năm sau, Sao Mai sẽ phải phát triển mạnh mẽ hơn bây giờ. Một doanh nghiệp thì ngày càng phải phát triển, không thể đi lùi. Thế hệ kế cận – những làn gió mới sẽ là những người đưa Sao Mai đi đến tầm cao mới.

Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai Super Feed

Người Đưa Tin: Là doanh nhân đi qua nhiều giai đoạn của nền kinh tế, ông có gì nhắn gửi đến thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay?

Ông Lê Thanh Thuấn: Với doanh nhân trẻ, tôi thấy thế hệ hiện nay có nhiều thuận lợi, cơ hội hơn so với các thế hệ doanh nhân trước đây. Bởi ngày xưa chúng tôi học trong thời chiến, đi làm kinh tế thời kỳ đổi mới, công nghệ thông tin khi đó chưa phát triển mạnh mẽ, dù là người được cử đi học máy vi tính sớm nhất của tỉnh An Giang, nhưng so với bây giờ vẫn còn nhiều thiếu sót lớn.

Chính vì vậy, tôi hiểu được rằng thế hệ của mình không được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin dẫn đến lạc hậu hơn thế hệ ngày nay nhiều lắm. Bây giờ trên mạng cái gì cũng có, khó gì lên mạng hỏi, thậm chí một bài thơ mình quên lục lại cũng có.

Thế hệ trẻ có rất nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng thời gian thì phải đốt cháy để trưởng thành. Bởi chuyện hôm nay là ngày mai cả thế giới đã biết rồi. Nếu để người ta biết trước mình, làm trước thì mình chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Do đó, đối với thế hệ trẻ, tôi khuyên rằng nên tôn trọng công nghệ thông tin và phát huy nó một cách tối đa. Ai cũng có thể thành công nếu tận dụng kỹ năng công nghệ thông tin tốt.

Thêm vào đó, cần rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn, bền bỉ, chịu đựng. Đối với một doanh nghiệp thành công, người chủ doanh nghiệp là người chịu đựng chứ không phải người hưởng thụ. Quan điểm của tôi là phải chịu đựng để cho doanh nghiệp của mình phát triển.

Người Đưa Tin: Du lịch cũng là mảng kinh doanh để lại nhiều dấu ấn của Sao Mai tại An Giang, với nhiều điểm đến hấp dẫn như Rừng Tràm Trà Sư, Núi Cấm, và cả nhà máy điện mặt trời An Hảo như ông đã chia sẻ. Bản thân dành tâm huyết cho An Giang như vậy, ông đánh giá như thế nào về chính sách của địa phương đối với doanh nghiệp nói chung và Sao Mai nói riêng? Ông có kiến nghị gì để An Giang trở thành địa phương thu hút đầu tư hiệu quả trong tương lai?

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư

Ông Lê Thanh Thuấn: Với An Giang, tôi gọi đây là định mệnh. Tôi dành tâm huyết cho mảnh đất này bởi đây chính là nơi tôi được phân công công tác sau khi tốt nghiệp đại học. Con người An Giang, nhất là lãnh đạo địa phương rất ý chí trong câu chuyện phát triển kinh tế. Bởi vậy, khi Sao Mai có động thái muốn phát triển thì lãnh đạo tỉnh luôn ủng hộ, tạo điều kiện, khơi thông chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phát triển thì xã hội cũng phát triển. Làm lãnh đạo thì ai cũng muốn đem lại sự phát triển cho Đất nước, làm sao để địa phương ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại. Vui mừng là lãnh đạo địa phương và tôi lại có chung ý tưởng, từ đó hòa nhập với nhau tạo ra những sức mạnh. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh An Giang luôn có những sự linh hoạt, tinh thần trách nhiệm rất cao đối với doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương.

Về thu hút đầu tư ở An Giang, theo tôi cần tạo ra nhiều khu công nghiệp để phục vụ cho việc chế xuất. Hiện tại khâu này còn rất khó bởi các khu công nghiệp chế xuất này phải đảm bảo được yếu tố giao thông đường thuỷ. Sẽ là thất bại nếu con cá bị vận chuyển trên đường bộ. Bởi con cá vận chuyển đường sông thì sẽ sống cho đến tận khi vào nhà máy nhưng sẽ không thể sống được khi vận chuyển trên đường bộ. Mà nguyên tắc nếu cá chết rồi thì thịt sẽ không dùng được.

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư

An Giang là địa danh phát triển khu du lịch rất tốt, hàng năm có đến 7-8 triệu lượt khách tới đây. Địa phương có tiềm năng phát triển rất lớn, cả về du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Ở Miền Tây, Đồng bằng Sông Cửu Long mà có núi thì chỉ có mình An Giang. Do đó mới có lượng khách du lịch dồi dào như vậy.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông ở địa phương còn thấp kém. Tôi mong rằng trong thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm hơn để thúc đẩy, hỗ trợ du lịch. Phát triển du lịch sẽ giúp kích cầu phát triển các lĩnh vực khác. Khi du khách đến với địa phương thì các lĩnh vực khác cũng sẽ từ đó phát triển theo.

Người Đưa Tin: Ở khu du lịch, nhà máy, tập đoàn cho đến nơi tôi đang cùng ông trò chuyện cũng ngập tràn cây xanh. Đây có phải là một phần văn hóa doanh nghiệp mà Tập đoàn ông đang hướng đến?

Ông Lê Thanh Thuấn: Quan điểm của tôi là nơi làm việc phải là nơi văn minh, phải sạch sẽ. Dạo quanh khuôn viên và trong hệ thống của Sao Mai, mọi người sẽ nhận thấy đây là môi trường không khói thuốc.

Ai hút thuốc lá, tôi sẽ phạt 20 triệu đồng. Mọi người chưa ai phản đối việc phạt này. Nếu ai đó có bị phạt, thì sẽ thấy “đau”, nhưng cái đau này sẽ là hạnh phúc của tương lai, của sức khoẻ dài lâu.

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu - CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI

Tôi cũng có quy định rằng chặt một cái cây mà không hỏi ý kiến của tôi cũng sẽ bị phạt 5 triệu đồng. Bởi mỗi cái cây đều là cơ thể sống, chúng không có tội gì cả. Tại khu resort ở Thanh Hoá đang thi công, mặc dù chỉ là cây cỏ bình thường thôi nhưng nếu không thi công, không đụng tới móng công trình thì không được phép chặt. Khi chưa trồng được cái gì mới thì phải giữ lấy những cái cây cũ.

Người Đưa Tin: Vậy dưới góc độ của một người làm kinh doanh, ông có quan điểm như thế nào về doanh nhân với cộng đồng, với pháp luật hiện nay?

Ông Lê Thanh Thuấn: Sự thành công của Sao Mai ngày hôm nay có cả công sức của cộng đồng. Chính vì vậy, trong quá trình kinh doanh, doanh nhân cũng phải có trách nhiệm lại với cộng đồng, thể hiện qua công tác an sinh xã hội. Công ty rất tích cực trong việc làm các công tác từ thiện, đến nay điều này như trở thành văn hoá của Sao Mai. Ngoài ra, tôi cũng phải có văn hoá cộng đồng, văn hoá doanh nghiệp trong cách ứng xử.

Doanh nghiệp hoạt động ở địa phương nào cũng phải có trách nhiệm nộp thuế đầy đủ, doanh nghiệp kết hợp cùng địa phương thực hiện xoá đói giảm nghèo, tham gia vào các công việc cộng đồng. Đi dọc đường phố ở An Giang rất dễ thấy đèn, hoa của Sao Mai, mỗi năm chúng tôi đều dành ra một khoản đóng góp cho việc trang trí tại địa phương.

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư

Với pháp luật, doanh nhân chắc chắn phải tôn trọng pháp luật bởi nếu không tôn trọng sẽ có rất nhiều rủi ro. Doanh nhân, doanh nghiệp mà gặp rủi ro về pháp lý thì đâu thể tồn tại.

Người Đưa Tin: Với xã hội là như vậy, còn với đời sống công nhân viên thì sao? Câu chuyện thời chống dịch Covid-19 chắc hẳn sẽ bài học lớn với Sao Mai?

Ông Lê Thanh Thuấn: Tôi quan niệm rằng, nhân viên của mình mà bản thân mình không đối xử với đàng hoàng thì họ cũng sẽ bỏ đi thôi. Đừng nghĩ rằng tôi trả lương cho anh là anh lệ thuộc tôi, tôi cũng lệ thuộc vào anh. Như vậy không đúng! Chúng ta đều bình đẳng, bình đẳng trong mối quan hệ người lao động và người sử dụng lao động. Khi mà những vấn đề không đáp ứng cho nhau thì “chia tay". Mà doanh nghiệp nào có nhiều sự “chia tay" thì báo hiệu một điềm xấu, sinh khí công ty sẽ rất tồi.

Trước tác động của thị trường thời gian qua, mảng bất động sản của Sao Mai cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn tới công việc của nhiều nhân sự trong lĩnh vực này chịu ảnh hưởng. Gặp khó, nhưng tôi nhất định không cho ai nghỉ, tôi tìm việc khác cho họ làm. Mặc dù công việc mới có thể chưa đáp ứng được đúng ngành nghề của họ nhưng sẽ là sự sẻ chia với doanh nghiệp.

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu - CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI

Lại nói về thời điểm dịch bệnh Covid-19, đó là một kỷ niệm khá thú vị. Lúc bấy giờ bài toán đặt ra là phải giữ công nhân ở trong nhà máy, không được cho ra ngoài tránh lây lan nguồn dịch từ ngoài vào trong nhà máy. Thành thử, Sao Mai vừa là nhà máy, vừa là nhà ở. May mắn lúc đó, chúng tôi vừa hoàn thiện toà nhà cao tầng với sức chứa rất nhiều người.

Lúc bấy giờ chúng tôi phải chuẩn bị các trang thiết bị từ thứ nhỏ nhất cho các công nhân. Ai ra khỏi nhà máy là sẽ không được quay trở lại. Mặc dù có nhiều trường hợp đặc biệt bắt buộc phải ra khỏi nhà máy, công ty cũng rất thông cảm nhưng về sẽ không được quay trở lại. Vậy mà suốt mùa giãn cách xã hội, mọi người đều bình an, khoẻ mạnh.

Người Đưa Tin: Rất cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ với Người Đưa Tin. Chúc ông thật nhiều sức khoẻ và tiếp tục hành trình dẫn bước Sao Mai phát triển!

Nhà máy Điện mặt trời An Hảo

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 14/04/2023 | 08:30