img

Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì, gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và bệnh không lây nhiễm khác như đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, ung thư… Do đó, theo các chuyên gia y tế thuế là công cụ mạnh mẽ để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, đồ uống có đường như nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực và các loại nước giải khát có ga đã trở nên phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ.

Điển hình mới đây, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân thông tin về trường hợp bệnh nhi 15 tuổi tăng cân mất kiểm soát.

Theo đó, mặc dù mới 15 tuổi nhưng bệnh nhi N.G.H (Hà Nội) đã có cân nặng lên tới hơn 1 tạ. Trong vòng 3 tháng gần đây, H. tăng hơn 20 kg một cách mất kiểm soát. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận chiều cao của cháu H. là 176 cm, cân nặng 110 kg, cho chỉ số BMI 35,5 kg/ m² - thuộc ngưỡng béo phì mức độ nặng.

Theo chia sẻ của gia đình, tình trạng tăng cân của H. đã kéo dài suốt 4 năm qua, đặc biệt tăng nhanh sau thời gian giãn cách xã hội do Covid-19.

Trong thời gian đó, trẻ chủ yếu học tập và sinh hoạt tại nhà, ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh và uống nước ngọt có gas.

Hiện tại, trung bình mỗi bữa H. ăn khoảng 3 bát cơm, mỗi ngày uống 1 lon nước ngọt và ăn 2 gói bim bim cỡ đại.

Bên cạnh thăm khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm của trẻ còn ghi nhận các chỉ số đường huyết và acid uric cao, cùng với tình trạng thiếu hụt vitamin D. Trẻ được chẩn đoán béo phì, tiền đái tháo đường và thiếu vitamin D - một hệ lụy điển hình từ chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, hiện nay trên thị trường người tiêu dùng dễ dàng mua các sản phẩm nước ngọt, nước giải khát đủ các chủng loại và mẫu mã, các vị khác nhau rất hấp dẫn.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Xuân Chiến (28 tuổi, Nam Định) đang làm cơ khí tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội cho biết công việc của anh thường xuyên phải tiếp xúc với máy cắt, khoan nóng. Để "giải nhiệt" anh thường mua nước ngọt có gas về uống.

"Trung bình mỗi ngày tôi uống 1-2 chai nước ngọt có gas, đang nóng mà uống vào tôi thấy cơ thể dễ chịu hơn. Tôi tiêu tốn khoảng 30 nghìn đồng/1 ngày cho việc sử dụng nước ngọt", anh Chiến nói.

Bán hàng tại chợ đá quý trên đường Hoàng Hoa Thám, chị Phạm Anh (Hà Nội) cho biết những ngày này trời nắng nóng nên chị sử dụng đồ uống có đường hơi nhiều.

"Trời nóng cộng thêm bán hàng buồn buồn mấy chị em lại rủ nhau mua nước ngọt uống, tôi nhận thấy cơ thể cũng nhích cân rồi nhưng cứ được rủ uống là lại uống vì giá cũng không đắt mà uống vào thấy tỉnh táo để làm việc", chị Anh cho hay.

Không chỉ có những người lao động mà các em học sinh cũng rất thích nước ngọt, nước giải khát. Bên cạnh đó là trà sữa, nước ép hoa quả. Thậm chí có những người trẻ làm công việc văn phòng hàng ngày phải chi một khoản cho việc uống trà sữa, nước ép…

Bà Hương Lan (chủ tiệm tạp hóa tại Nam Từ Liêm – Hà Nội) cho biết, chỗ bà gần các công ty có đông công nhân, người lao động làm thuê nên tranh thủ giờ giải lao là khách hàng lại chạy ra mua lon nước ngọt, gói bim bim.

"Trời nắng nóng nên các loại nước ngọt đóng chai rất đắt hàng, có ngày tôi bán được cả vài thùng nước ngọt. Có khách quen đến tôi cũng hỏi sao uống nhiều thế thì khách bảo "giải khát", đỡ mệt", bà Lan nói.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 3.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm, đường tự nhiên có trong mật ong, sirô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc).

Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì; người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1 năm có thể tăng tới 6,75kg cân nặng (nếu giữ nguyên mức dung nạp năng lượng từ các nguồn thực phẩm khác). Trẻ em uống nhiều đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ bị béo phì cao hơn 2,57 lần so với những trẻ không uống.

Ngoài ra, việc sử dụng đồ uống có đường còn gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và bệnh không lây nhiễm khác như đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh gút ở cả nam và nữ, gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng…

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tiêu dùng các đồ uống này ở Việt Nam hiện ở mức cao, đang có xu hướng gia tăng, tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2009-2023.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 4.

Mức tăng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam quá nhanh. Cụ thể, giai đoạn 2009-2014 tăng đến 20% mỗi năm, giai đoạn 2015-2023 tăng trung bình khoảng 7%/năm.

PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng năm 2010, 2020 ở Việt Nam cho thấy tỉ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng.

Tỉ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hoá, tim mạch đang gia tăng. Năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 5.

Sử dụng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo đó, tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít.

Năm 2013, tỉ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1% (ở nam là 35,1%, nữ là 27,6%). Tỉ lệ này tăng lên 33,9% (37.9% nam và 30,4% nữ) vào năm 2019. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày.

WHO khuyến nghị việc tiêu thụ đường tự do nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%. Đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành và dưới 12 - 25 gram mỗi ngày với trẻ em.

"Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường", bà Mai nhấn mạnh.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 6.

Bà Đinh Thị Thu Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lần này đưa nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào danh mục chịu thuế, dự kiến khoảng 10%. Bộ Tài chính cũng đã trình lộ trình giãn thời gian áp dụng 8% năm 2027 và 10% từ năm 2028.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 7.

WHO, Bộ Y tế đề xuất mức thuế cần đạt 40% mới đảm bảo hạn chế tiêu dùng bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, do nhiều lý do, chúng ta cần có lộ trình tăng thuế phù hợp tránh gây sốc với doanh nghiệp. Vì thế, hiện nay Bộ Y tế thống nhất phương án mức thuế áp dụng 8% năm 2027 và 10% năm 2028.

Nêu quan điểm về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, thuế là công cụ mạnh mẽ để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

"Giải pháp hiệu quả là áp dụng thuế để khiến giá đồ uống có đường đắt đỏ hơn, từ đó giúp giảm tiêu dùng các sản phẩm này. Đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi, một chiến thắng cho sức khỏe, giúp giảm chi phí y tế, và là một chiến thắng cho ngân sách của chính phủ. Trên toàn thế giới, khoảng 110 chính phủ đánh thuế đồ uống có đường", TS. Angela Pratt cho hay.

Giải pháp về thuế kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng điều này sẽ ngăn ngừa được đáng kể các trường hợp thừa cân, béo phì, tiểu đường tuýp 2 và tiết kiệm được chi phí y tế.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, số lượng các quốc gia áp thuế với đồ uống có đường trên thế giới đang tăng rất nhanh. Đến tháng 8/2023, đã có ít nhất 104 quốc gia đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Trong đó, gần 2/3 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Gần 1/5 quốc gia (chủ yếu là quốc gia theo phương pháp tuyệt đối) áp dụng nguyên tắc lượng đường càng cao thì mức thuế càng lớn.

[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 8.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 27/11/2024, cho ý kiến về đối tượng chịu thuế ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Tp. Đà Nẵng) nhất trí đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, luật cần mở rộng đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường.

"Tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua. Cụ thể, tổng tiêu thụ nước ngọt đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009, lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng hơn 4 lần). Đặc biệt, mức tăng rất nhanh trong giai đoạn 2009 - 2014 (20%/năm). Mức tăng trung bình khoảng 7%/năm ở giai đoạn 2015 - 2023 (trừ 2 năm Covid-19). Mức tiêu thụ theo đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên thành 66,5 lít/người năm 2023 (tăng ở mức 350%)"
[E] Từ lon nước ngọt đến giường bệnh: Áp thuế đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng- Ảnh 9.Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện WHO tại Việt Nam.

Đại biểu bày tỏ lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng.

Trong khi đó, trên thực tế nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát.

Theo đó đại biểu đề nghị, Luật nên quy định theo một trong hai hướng: áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường trên 5g/100ml; liệt kê các nhóm đồ uống có đường thuộc đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Chính sách giảm đồ uống có đường tại một số quốc gia

Trên thế giới, số nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã gia tăng, từ 35 nước năm 2009 lên 104 vào năm 2023, trong đó ASEAN có 6 nước áp dụng thuế gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Brunei.

Tại Thái Lan, Thuế ĐUCĐ bắt đầu được áp dụng từ 2017. Việc tăng thuế suất đối với ĐUCĐ được thực hiện theo lộ trình 2017-2019, 2019-2021 và 2021-2023 với mức thuế suất tăng dần qua các năm.

Hai năm sau khi thực hiện đánh thuế ĐUCĐ lượng tiêu thụ ĐUCĐ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.

Nghiên cứu mô hình dự báo tác động cho thấy với thuế suất ĐUCĐ 11%, 20% và 25% thì tỉ lệ mắc béo phì giảm lần lượt là 1,73%, 3,83% và 4,91%.

Tại Nam Phi, đánh thuế tuyệt đối theo mỗi gram đường trong 100ml đồ uống. Cụ thể, thuế 0,021 ZAR (tương đương 0,15 US cent) cho mỗi gram đường trong 100ml đồ uống và bắt đầu đánh thuế từ năm 2018.

Một năm sau triển khai đánh thuế đã giảm 51% lượng đường tiêu thụ từ đồ uống có đường (16,25g/người/ngày xuống còn 10,63g/người/ngày), 52% lượng calorie nạp vào từ đồ uống có đường; 29% lượng mua đồ uống có đường trên đầu người (518,99ml/người/ngày xuống còn 443,39ml/người/ngày).

Điều trị béo phì ở trẻ cần đồng bộ theo 3 nhóm giải pháp chính:

Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học: Trẻ cần được giảm lượng năng lượng nạp vào nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu lứa tuổi.

Bữa ăn nên cân đối đủ 4 nhóm chất thiết yếu (chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất). Các thực phẩm như rau xanh, trái cây tươi, sữa chua ít đường… nên được ưu tiên, đồng thời hạn chế thực phẩm giàu năng lượng rỗng như đồ chiên rán, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas...

Tăng cường vận động thể chất: Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động phù hợp độ tuổi như bơi lội, chạy bộ, đạp xe… khoảng 60 phút/ ngày, 3-5 ngày/ tuần. Đồng thời, hạn chế tối đa các hoạt động tĩnh như ngồi lâu xem tivi, máy tính bảng, điện thoại.

Thay đổi thói quen sinh hoạt tích cực: Tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, duy trì thói quen ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ cho trẻ.

Thực hiện: HOÀNG BÍCH

NGUOIDUATIN.VN | Chủ Nhật, 11/05/2025 | 13:38

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.