Từ những khó khăn ban đầu, sau 30 năm, Việt Nam không chỉ hòa nhịp mà còn vươn lên trở thành một trong những thành viên đi đầu, dẫn dắt và đóng góp tích cực cho sự ổn định, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngày 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam, hình ảnh lá cờ Việt Nam bay phất phới trong tiếng Quốc ca hùng tráng đã đánh dấu một trang sử mới đối với nước ta cũng như khu vực Đông Nam Á – Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN.
Từ đó, trải qua 30 năm đồng hành và gắn bó, ASEAN và Việt Nam đều có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ. Việt Nam, từ một nước có nền kinh tế bao cấp và lạc hậu, đã trở thành một nước đang phát triển với nền kinh tế thị trường năng động và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực lẫn thế giới ở thời điểm hiện tại. ASEAN, từ cọ xát, nghi kỵ, đối đầu, đã trở thành gia đình, cùng hướng tới xây dựng cộng đồng gắn kết trên 3 trụ cột, có vai trò trung tâm trong việc thiết lập và dẫn dắt các cơ chế, khuôn khổ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN cũng là một chặng đường đầy gian nan, là cả một quá trình phấn đấu và những bước thăng trầm trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực sau sự kiện 30/4/1975 – một Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất ra đời. Vượt lên trên tất cả, đó là một quyết sách chiến lược mà như lời nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhận định, việc gia nhập ASEAN là "bậc thang đầu tiên để Việt Nam hội nhập với thế giới".
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8/8/1967 trên cơ sở tuyên bố Bangkok, với năm thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.
Ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với sự xung đột ý thức hệ giữa hai phe, hai khối, ASEAN từng bị nghi ngờ là một biến tướng của các hình thức khối quân sự kiểu SEATO do Mỹ cầm đầu, phục vụ quyền lợi của Mỹ, và đề nghị trung lập của ASEAN là không thực chất. Và Việt Nam bấy giờ cũng chưa có ý định tham gia ASEAN bởi sau cuộc chiến với Mỹ, di chứng chiến tranh vẫn còn rất nặng nề. Thêm vào đó, định kiến về một số quốc gia khối ASEAN vẫn còn tồn đọng, khiến hai bên nói chuyện với nhau là rất khó.
Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn từ năm 1975 đến 1978, dù không có quan hệ với ASEAN nhưng Việt Nam vẫn hợp tác song phương với các thành viên của tổ chức này, đặt những "gạch nối" đầu tiên cho mối lương duyên sau này.
Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, chiều 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei.
Từ cuối năm 1978, đầu năm 1979, vấn đề Campuchia đã khiến cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN từ lập trường đối thoại chuyển sang đối đầu. Các nước ASEAN thậm chí còn thực thi chính sách cô lập Việt Nam. Dù vậy, cũng từ chính những xung đột này đã khiến các lãnh đạo ASEAN và cả Việt Nam đều nhận ra, đây là lúc các nước Đông Nam Á cần xích lại với nhau, thể hiện tiếng nói của riêng mình, đồng thời tránh sự can thiệp từ bên ngoài. Và nút thắt lớn nhất cần giải quyết bấy giờ để đạt được mục tiêu trên là vấn đề Campuchia.
Năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới. "Tư duy đối thoại mới" hình thành, cách nhìn nhận với ASEAN cũng đã có chuyển biến. Đại hội VI tại Hà Nội xác định "phải tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á". Cùng với việc tích cực tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Campuchia, Việt Nam cũng từng bước cải thiện quan hệ với các nước thành viên ASEAN và bày tỏ mong muốn trở thành láng giềng tốt của các nước Đông Nam Á.
Sau khi thỏa thuận khung về vấn đề Campuchia đạt được vào ngày 28/8/1990 và Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết vào ngày 23/10/1991, lãnh đạo các nước ASEAN phản ứng rất tích cực, ngày càng ủng hộ việc Việt Nam gia nhập ASEAN. Tháng 11/1990, Tổng thống Indonesia Suharto trở thành vị Tổng thống đầu tiên của một nước thành viên ASEAN đến thăm Việt Nam. Từ ngày 24/10 – 1/11/1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lần lượt thăm hữu nghị chính thức Indonesia, Thái Lan và Singapore. Tháng 7/1992, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác, trở thành quan sát viên của ASEAN, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hằng năm.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Dato Ajit Singh chào mừng Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội, ngày 28/7/1995.
Tháng 10/1993, Tổng Bí thư Đỗ Mười viếng thăm các nước ASEAN và đưa ra lập trường bốn điểm mới đối với ASEAN, trong đó có nhấn mạnh Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác nhiều mặt với từng nước láng giềng cũng như với ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, sẵn sàng gia nhập ASEAN vào một thời điểm thích hợp". Tiếp đó, trong chuyến thăm Indonesia tháng 4/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã khẳng định rằng Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để có thể sớm gia nhập ASEAN.
Có thể nói những nỗ lực ngoại giao trên đã làm thay đổi diện mạo quan hệ đối đầu ASEAN – Đông Dương sang hướng hòa dịu, tạo điều kiện cho quá trình đàm phán gia nhập ASEAN của Việt Nam được đẩy nhanh.
Ngày 17/10/1994, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nộp đơn chính thức xin gia nhập ASEAN. Và tại hội nghị AMM lần thứ 27, các nước tuyên bố nhất trí đón nhận Việt Nam là thành viên của ASEAN. Ngày 28/7/1995, tại hội nghị AMM lần thứ 28, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức ASEAN.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng có có 7 năm đảm nhiệm vị trí Trưởng SOM (Senior Oficial Meeting – Quan chức Cao cấp) ASEAN của Việt Nam, việc nước ta gia nhập ASEAN 30 năm trước không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam hội nhập với thế giới, mà còn đặt nền tảng để có được ASEAN đoàn kết, hợp tác, phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
"Ngày 28/7/1995 có thể coi là một trong những dấu mốc quan trọng nhất của ASEAN. Bởi đây là thời điểm chấm dứt sự nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mâu thuẫn sâu sắc giữa Việt Nam với 6 thành viên ASEAN để tạo ra mối quan hệ, hợp tác chặt chẽ. Trước đó, khi thế giới phân chia thành 2 cực do Hoa Kỳ và Liên Xô (cũ) đứng đầu, ít chính khách và nhà phân tích chính trị nào trên thế giới có thể mường tượng đến viễn cảnh Việt Nam - ASEAN, vốn là 2 thế lực đối đầu, chia rẽ, chuyển sang mối quan hệ hợp tác ngày càng gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời, cộng sinh với nhau để cùng tồn tại và phát triển.
Sự kiện ngày 28/7/1995 đã mở ra cơ hội, tạo tiền đề để Lào và Myanmar gia nhập ASEAN vào tháng 7/1997 và 2 năm sau, năm 1999, Campuchia chính thức gia nhập "gia đình ASEAN", hình thành một cộng đồng như ngày nay với trên 675 triệu dân (chiếm gần 8% dân số thế giới), quy mô kinh tế đứng thứ 5 thế giới", ông Vinh nói.
Năm 2010, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 và lần thứ 17 tại thủ đô Hà Nội.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, đối với Việt Nam, quyết định gia nhập ASEAN 30 năm trước không chỉ đóng góp vào việc ổn định an ninh, chính trị chung của khu vực, khép lại một giai đoạn của nghi kỵ, đối đầu và phân rẽ, mà còn là sự khởi đầu để hội nhập với khu vực và thế giới. Có thể nói, nếu không có sự kiện ngày 28/7/1995, thì Việt Nam ngày nay không thể thiết lập được mạng lưới 37 đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện lên 37 nước, trong đó bao gồm toàn bộ năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước G7 và 18/20 thành viên G20.
Nhìn lại 3 thập kỷ vừa qua, từ những bước đi "thử việc", "tập sự", Việt Nam đã từng bước vững chắc trở thành thành viên chủ động, tích cực và có những đóng góp, vai trò quan trọng thúc đẩy ASEAN phát triển mạnh hơn, nhanh hơn với đầy đủ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Những đóng góp đó đã khẳng định hình ảnh một thành viên chủ động, uy tín và trách nhiệm.
Việt Nam cũng từ một quốc gia nghèo đói, bị cô lập, cấm vận trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, yếm thế trên các diễn đàn quốc tế, trở thành quốc gia có vị thế quan trọng trên chính trường quốc tế, trở thành nền kinh tế ở tầm trung thế giới; và từ một nước nông nghiệp lạc hậu, đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp, cung ứng sản phẩm hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới.
"Nếu không gia nhập ASEAN để phá băng mối quan hệ lạnh giá, thù địch, đối đầu đã định hình kể từ khi thành lập nước năm 1945 giữa Việt Nam và "thế giới tư bản", thì không biết đến bao giờ, nước ta mới có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay. Do đó, thật không ngoa nếu khẳng định việc gia nhập ASEAN chính là một trong những "chìa khóa" quan trọng nhất để Việt Nam có được thành tựu của 40 năm Đổi mới đất nước như ngày nay", Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Đồng quan điểm, Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines khẳng định việc Việt Nam tham gia ASEAN đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng
"Dưới mái nhà ASEAN, Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững. Tham gia ASEAN đồng nghĩa với việc có một môi trường hòa bình, ổn định để tập trung nguồn lực cho phát triển; đồng thời giúp mở rộng quan hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các đối tác lớn, quan trọng trên thế giới; tiếp cận các thị trường mới, thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài; thúc đẩy hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.
Việc tham gia ASEAN góp phần nâng cao năng lực cho Việt Nam, giúp ta hoàn thiện thể chế theo hướng phù hợp hơn với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; đẩy mạnh nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trong các hoạt động quốc tế và đa phương.
Đặc biệt, vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam từng bước được nâng cao. Thông qua các cơ chế, diễn đàn của ASEAN, chúng ta có thêm điều kiện để khẳng định tiếng nói, thể hiện bản lĩnh ngoại giao và ngày càng tự tin tham gia vào các "sân chơi" khu vực và toàn cầu", Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh chia sẻ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, do Việt Nam tổ chức trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, tháng 11/2020.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh, kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam ngày càng trưởng thành trên "sân chơi" hội nhập, từ giai đoạn học hỏi, làm quen đến việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của một thành viên. Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, được các nước ASEAN cũng như dư luận quốc tế đánh giá cao về vai trò và vị thế.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng ba Cộng đồng ASEAN, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến nhằm cùng các nước thành viên triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch của từng Cộng đồng. Việt Nam cũng đã đảm nhiệm vai trò điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, góp phần thúc đẩy kết nối và mở rộng quan hệ chiến lược giữa ASEAN với các đối tác này. Đặc biệt, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào các năm 1998, 2010 và 2020
Tình hình thế giới, khu vực đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro, bất định. ASEAN cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Tuy nhiên có một bài học xuyên suốt gần sáu thập kỷ qua, đó là đoàn kết là nền tảng làm nên bản sắc và sức mạnh của ASEAN. Càng trong khó khăn, thách thức, ASEAN càng cần đoàn kết để vượt qua. Và chỉ có đoàn kết, ASEAN mới giữ vững được lập trường và sức mạnh chung, để thực sự là tổ chức khu vực duy nhất trên thế giới đóng vai trò trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việt Nam, với hành trình hơn 30 năm tham gia ASEAN, đã chứng tỏ là một thành viên tích cực, trách nhiệm và có tầm nhìn chiến lược. Sự đóng góp của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác tiểu vùng, kết nối khu vực và xử lý thách thức an ninh phi truyền thống là rất rõ nét. Trước bối cảnh đầy thách thức hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò đó: tiếp tục tiên phong trong việc thúc đẩy đồng thuận, làm sâu sắc hơn mối liên kết chiến lược giữa các quốc gia thành viên, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, và hiện thực hóa tầm nhìn về một ASEAN thực sự là động lực của hòa bình, ổn định và phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, tháng 3/2025.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, sau 30 năm dưới nhà chung của ASEAN, Việt Nam đã giữ một vị trí chiến lược và vai trò dẫn dắt trong nhiều mặt hoạt động của ASEAN. Trong chặng đường tiếp theo, Việt Nam cần tiếp tục thể hiện là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong các sáng kiến, chương trình hợp tác khu vực, đặc biệt là đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, với định hướng hướng tới một Cộng đồng hòa bình, ổn định, tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững vào năm 2045.
Việt Nam cũng cần tiếp tục giữ vai trò cầu nối, thúc đẩy sự gắn kết và đồng thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược thuộc ba trụ cột Cộng đồng: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh các sáng kiến nhằm tăng cường kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực thể chế và bảo đảm sự phát triển bao trùm, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.
Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, bối cảnh khu vực và thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đòi hỏi ASEAN phải giữ vững vai trò trung tâm, độc lập và tự cường. Trong xu thế đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi đầu trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ASEAN với các nước lớn và các cơ chế khu vực, vừa củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, vừa bảo đảm lợi ích chung của khu vực. Không chỉ dừng lại ở việc tham gia tích cực, Việt Nam cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò kiến tạo và dẫn dắt, đóng góp vào một ASEAN đoàn kết, linh hoạt và thích ứng hiệu quả với các chuyển động nhanh chóng của thời cuộc.
Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, ưu tiên đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là nỗ lực cùng ASEAN tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực. "Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay cùng các nước ASEAN hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của ASEAN, lan tỏa các câu chuyện thành công của ASEAN", lời khẳng định của Tổng Bí thư không chỉ phác họa hành trình gắn bó vững bền của Việt Nam trong ASEAN, mà còn là tương lai song hành đầy triển vọng lấy người dân làm trung tâm.
Thực hiện: MẠNH QUỐC
Thiết kế: QUỲNH CHI
NGUOIDUATIN.VN | THỨ 2, 28/7/2025 |