N hìn lại toàn cảnh bức tranh năm 2021, Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có những phân tích, đánh giá về dòng chảy của thế giới trong năm qua bên câu chuyện cuối năm với Người Đưa Tin.

pham-quoc-vinh-conver.mp4

Người Đưa Tin (NĐT): Nhìn lại năm 2021, từ diễn đàn quốc tế cho đến chính sách của mỗi quốc gia và thậm chí là trong câu chuyện của mỗi người dân, “Covid-19” có lẽ là từ khóa phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn nhất. Thưa Đại sứ, ông có thể đưa ra vài nét phác họa chung nhất về bức tranh thế giới trong năm Covid thứ hai?

Ông Phạm Quang Vinh: Năm 2021 tôi cho rằng có nhiều điểm cần phải nhắc đến và điểm chung là tất cả đều bởi dịch bệnh và những chuyển dịch địa chính trị đã tạo nên những sự thay đổi.

Thứ nhất, Covid-19 thực sự đã trở thành một mối hiểm hoạ đối với tất cả mọi quốc gia, nước giàu, nước nghèo, nước lớn, nước nhỏ đều rơi vào thảm cảnh. Và từ chỗ chúng ta chưa biết ứng xử ra sao trước dịch bệnh, thì đến nay đã có thể chắc chắn một điều rằng con đường để ứng xử phải có kết hợp đan xen giữa vắc-xin và hệ thống phòng vệ về y tế.

Thứ hai, đây có lẽ là lần đại dịch đầu tiên đại dịch kéo dài không chỉ dừng lại ở vài tháng, mà đến nay đã là hai năm, do đó cần xác định không thể loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh, chỉ còn cách sống chung. Nghĩa là phải vừa đảm bảo ứng phó được với dịch bệnh, trong đó vấn đề quan trọng là hạn chế tối đa thiệt hại về người, đồng thời duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Thứ ba, việc đại dịch kéo dài như vậy đã thực sự tác động đến tất cả hoạt động toàn cầu cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế. Về chính trị, rõ ràng ta phải thích ứng với những hình thức, phương thức mới, đơn cử như họp trực tuyến thay vì trực tiếp, hiện tại là kết hợp cả hai hình thức, như vậy mới có thể giải quyết được những vấn đề toàn cầu. Về kinh tế, tác động lớn nhất chính là Covid gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động giao thương giữa các quốc gia đều bị tác động mạnh mẽ.

Thứ tư, Covid buộc con người ta phải hợp tác với nhau nhiều hơn. Bởi dịch bệnh thì không chừa một ai, trong một thế giới giao lưu, tương tác với nhau ngày càng nhiều hơn, thì không một cá nhân, tổ chức nào có thể sống biệt lập.

Thực tế, năm 2021 cũng đã chứng kiến sự trở lại của những hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, yêu cầu mọi quốc gia cần phối hợp với nhau nhiều hơn, nhất là những vấn đề về y tế để chống dịch thật hiệu quả.

NĐT: Dưới góc nhìn của một người nhiều năm theo dõi chính trị quốc tế, ông cho rằng đâu là vấn đề đã được dấy lên cho mọi quốc gia như một hồi chuông cảnh tỉnh trong năm qua?

Ông Phạm Quang Vinh: Chắc chắn đó là vấn đề quản trị ở cấp độ toàn cầu. Phải chấp nhận sự thật rằng, có những thách thức an ninh phi truyền thống đặc biệt là những vấn đề đại dịch vừa qua đã bộc lộ ra, mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được, bắt buộc phải phối hợp, liên kết với nhau.

Chúng ta cứ nghĩ rằng quản trị toàn cầu trong thời gian vừa qua, tưởng như đã là tốt, đã là hoàn thiện, nhưng nhờ có Covid đã bộc lộ ra được những khiếm khuyết của việc quản trị ở tất cả các cấp: toàn cầu, khu vực, quốc gia.

Rõ ràng, giai đoạn đầu Covid, thế giới không có được sự hợp tác với nhau trong ứng phó với dịch bệnh, các tổ chức Liên Hợp Quốc trong đó có cả WHO đã có nhiều sự nỗ lực, tuy nhiên các nước đều không có sự phối hợp nhịp nhàng.

Đối với cấp khu vực, ngay cả những tổ chức liên kết gồm nhiều nước phát triển như EU cũng không thể thống nhất phương án ứng phó hiệu quả với Covid.

Và bài học đặt ra là phải cải tiến lại quản trị toàn cầu, các nước phải hợp tác với nhau nhiều hơn và rõ ràng trong điều kiện dịch bệnh khẩn cấp, rất cần thiết việc loại bỏ những yêu cầu về chính trị hay cạnh tranh nước lớn, do đó việc xây dựng lòng tin, hợp tác nhân đạo, hợp tác ứng phó là lớn hơn rất nhiều.

NĐT: “Thế giới hậu Covid” cũng là điều rất được quan tâm. Liệu trước và sau đại dịch, thế giới sẽ thay đổi như thế nào? Theo ông, đâu sẽ là những xu thế, đặc điểm của “thế giới hậu Covid-19”?

Ông Phạm Quang Vinh: Cần nhìn lại, trong 2 năm vừa qua đã có rất nhiều đánh giá và dự báo của các chuyên gia đặc biệt là các nhà phân tích quan hệ và chính trị quốc tế, đánh giá tổng quát nhất cho thấy Covid-19 đã làm cho trật tự quốc tế được bộc lộ một cách sâu sắc hơn thay vì nói rằng tạo ra một trật tự mới. Bởi khi đại dịch bùng nổ đã làm cho những vấn đề mà trước đây chúng ta chưa rõ thì lại càng rõ hơn. Vậy trật tự quốc tế có những gì và Covid đã làm bộc lộ rõ hơn như thế nào?

Thứ nhất, xu hướng toàn cầu hoá và chủ nghĩa đa phương đang gặp phải những thách thức nhưng vẫn là xu hướng rất quan trọng. Bởi thế giới ngày nay tương tác và phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều, các nền kinh tế đều có sự đan xen và được hưởng lợi từ chính sự đan xen. Bên cạnh đó, Covid-19 còn sẽ làm bộc lộ rõ hiện trạng đặc biệt là những khiếm khuyết của quản trị ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia như tôi phân tích ở trên.

Thứ hai, cạnh tranh nước lớn diễn biến ngày càng phức tạp, quyết liệt hơn, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Đây là quá trình diễn ra từ trước Covid, nhưng trong thời gian vừa qua lại càng bộc lộ nhiều hơn xuất phát từ cả tác nhân chính trị lẫn tác nhân Covid. Trong đó, cạnh tranh Mỹ - Trung là cuộc cạnh tranh giữa cường quốc số 1 và số 2, giữa một nước Mỹ “bừng tỉnh” về thách thức đối với ngôi vị số 1 và toàn cầu của mình với một Trung Quốc bỏ “giấu mình chờ thời” không chấp nhận thua thiệt.

Thứ ba, là câu chuyện về công nghệ. Cách mạng khoa học công nghệ (KHCN) đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và đã tạo ra động lực cho sự phát triển của mỗi một quốc gia, cũng như sự phát triển chung của thế giới. Nhưng qua đại dịch, con người nhận ra không chỉ có nhu cầu mà còn bắt buộc phải ứng dụng nhiều hơn thành tựu của KHCN vào đời sống.

Đồng thời, chúng ta thấy rất rõ nếu không bắt kịp với sự phát triển của KHCN thì sự tụt hậu của mỗi quốc gia lại càng gia tăng nhiều hơn. Nếu trước đây là cơ khí chế tạo, thì 5-10 năm có thể rơi vào tụt hậu, nhưng với KHCN thì là tụt hậu hằng ngày.

Thứ tư, sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng sẽ mạnh hơn, nhanh hơn và sâu sắc hơn rất nhiều. Trước đây, yếu tố quy luật kinh tế chi phối việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng. Nhưng hiện nay, đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng sẵn có và có thể tạo ra những dịch chuyển mới của chuỗi cung ứng. Điều đó là chưa kể tác động của cạnh tranh nước lớn mà chiến tranh thương mại là một trường hợp nhãn tiền. Và câu hỏi đặt ra lúc này là các chuỗi cung ứng đó sẽ dịch chuyển đi đâu và làm thế nào để các quốc gia như Việt Nam có thể đón đầu được sự dịch chuyển đó.

NĐT: Ông vừa chia sẻ về xu thế cạnh tranh giữa các nước lớn, cụ thể là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong “thế giới hậu Covid”, điều này cũng có nhiều chuyển biến do sự thay đổi chính quyền của Mỹ. Xin Đại sứ cho biết điểm giống và khác biệt của mối quan hệ này khi so sánh với thời kỳ chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump?

Ông Phạm Quang Vinh: Cạnh tranh Mỹ - Trung là cạnh tranh về mặt lợi ích và ngôi vị. Thực tế từ năm 1972 với việc thiết lập quan hệ chính thức đến nay, nước Mỹ đã phải thực sự nhìn nhận về một Trung Quốc đang vươn lên. Nhưng có lẽ chuyển biến lớn nhất dưới thời Donald Trump và Joe Biden đó là việc nhìn nhận Trung Quốc đã vượt tầm kiểm soát của Mỹ và có thể thay thế Mỹ, đó có thể gọi như sự thức tỉnh của nước Mỹ về nguy cơ Trung Quốc.

Nếu như ông Donald Trump đưa Trung Quốc trở thành vấn đề nghị sự hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ rất “giật gân" đặc biệt trong những giai đoạn chiến tranh thương mại, thì Tổng thống Joe Biden đã tổng hợp tất cả những điều đó bao gồm việc thừa kế cả của Obama, Donald Trump đồng thời có sự khác biệt.

Dưới thời Joe Biden, nước Mỹ đã nhấn mạnh việc coi Trung Quốc là "thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong thế kỷ XXI". Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đe dọa đến ngôi vị của Mỹ và hệ thống quốc tế hiện hành. Bên cạnh đó là việc xác định đây là cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi mặt của lợi ích.

Về sự khác biệt, mặc dù cả ông Donald Trump và Joe Biden đều đặt cạnh tranh với Trung Quốc trở thành trọng tâm trong chiến lược đối ngoại, nhưng với Donald Trump, ông sử dụng sức mạnh từ chính bản thân nước Mỹ, đặc biệt là kinh tế, thương mại và công nghệ để buộc Trung Quốc tiếp tục chấp nhận luật chơi trong bối cảnh hiện tại. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden nhận ra rằng nước Mỹ vẫn là trụ chính, nhưng nước Mỹ chỉ có thể thắng được nếu nước Mỹ đi cùng với đồng minh. Đây chính là điểm khác biệt rất lớn. Ta có thể thấy rõ nhất qua hàng loạt chuyến công du trong năm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tới EU, NATO, G7, thậm chí gặp gỡ cả Nga cũng như hàng loạt chuyến thăm của các quan chức Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ nhấn mạnh việc củng cố quan hệ đồng minh và coi trọng mở rộng quan hệ đối tác để tập hợp lực lượng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Ngoài ra, nếu Donald Trump không sử dụng công cụ đa phương thì Joe Biden lại rất tận dụng điều này với sự quay trở lại của nước Mỹ trong nhiều diễn đàn đa phương và các vấn đề quốc tế.

Có thể thấy rằng, cạnh tranh Mỹ- Trung thời Donald Trump, ta chưa thấy bức tranh chung, thì tới Joe Biden, điều này được bộc lộ rõ hơn ở mặt chiến lược, tính chất cạnh tranh chiến lược trong quan hệ Mỹ - Trung sâu hơn, toàn diện hơn, lâu dài hơn. Và nếu so sánh thì có lẽ chiến lược của ông Donald Trump sẽ chỉ mang tính thời điểm còn chiến lược của ông Joe Biden sẽ mang tính lâu dài hơn.

NĐT: Như ông vừa chia sẻ, chính sách của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã chứng kiến sự quay trở lại của nước Mỹ trong nhiều diễn đàn đa phương và các vấn đề quốc tế, đặc biệt với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD). Ông có thể giải thích rõ hơn về tầm nhìn chiến lược của Chính quyền Joe Biden đối với khu vực này?

Ông Phạm Quang Vinh: Nói về khu vực CA-TBD, chúng ta thấy rằng đây là khu vực kinh tế năng động nhất, trong nhiều năm qua là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Đối với cạnh tranh Mỹ- Trung ở khu vực đang tiếp tục cho thấy bài học rằng, nếu không thể thắng ở khu vực thì không có chiến thắng ở toàn cầu.

Quay trở lại với câu chuyện của nước Mỹ, chúng ta có thể thấy, một vài điểm nổi bật trong chính sách của Tổng thống Joe Biden đối với khu vực này.

Thứ nhất, tái cam kết nước Mỹ trở lại mà biểu hiện cụ thể nhất hàng loạt những chuyến thăm của các quan chức Mỹ trong năm qua từ Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…Điều đó thể hiện sức mạnh của sự gắn kết khu vực, vì lợi ích của nước Mỹ và nước Mỹ không thể bỏ qua.

Thứ hai, cùng với việc củng cố các quan hệ đồng minh, Mỹ thể hiện sự coi trọng đối tác trong khu vực đặc biệt là các nước ASEAN nhiều hơn. Bởi Mỹ hiểu rằng ASEAN có những đặc thù mà không ai có thể thay thế được, trong đó lớn nhất là tổ chức khu vực có độ kết nối với tất cả đối tác quan trọng nhất trên thế giới, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.

Thứ ba, Mỹ đang hình thành những nhóm nhỏ song trùng lợi ích, theo dạng hợp tác nhóm hay tiểu đa phương. Trong đó nổi lên 2 nhóm nổi bật là QUAD, AUKUS trong đó chương trình nghị sự không chỉ trọng tâm vào vấn đề an ninh, chiến lược mà còn mở rộng ra các vấn đề mà khu vực và quốc tế quan tâm như biến đổi khí hậu, phòng chống dịch, vắc-xin, chuỗi cung ứng…

NĐT: Một báo cáo vào tháng 11 của Công ty McKinsey & Company đã cho biết Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới nếu xét theo giá trị tài sản ròng trên toàn thế giới. Tất nhiên đây chỉ là một nghiên cứu và cũng chỉ dựa trên một tiêu chí để đánh giá song nhìn ra bức tranh rộng hơn thì chúng ta cũng thấy rằng tương quan so sánh lực lượng của Mỹ và Trung Quốc đang chuyển động rất mau lẹ và ngày càng rút ngắn. Xin Đại sứ cho biết những đánh giá của mình về vấn đề?

Ông Phạm Quang Vinh: Nếu khẳng định vị thế bằng tài sản bất động sản thực tế, thì điều đó chỉ phản ánh một mặt rất nhỏ. Bởi vì Trung Quốc là một nước có diện tích rất lớn, đang phát triển, song giá trị ròng về mặt bất động sản của nước Mỹ đã được thiết lập lâu nay, đã phát triển ở mức gần như tối đa, thì mức “nhảy" sẽ ít hơn.

Ở bức tranh rộng hơn mà nói, đúng! Trung Quốc đang vươn lên thành một cường quốc, rõ ràng khoảng cách về kinh tế ngày càng thu hẹp, nếu tính GDP theo PPP thì Trung Quốc có cơ hội vượt Mỹ rất sớm, nhưng chất lượng của nền kinh tế (sức mạnh nền kinh tế mũi nhọn, thu nhập bình quân đầu người).

Tuy nhiên, điều đó không thể phản ánh sức mạnh tổng thể của một quốc gia. Sức mạnh của một quốc gia cần phải dựa trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Trong đó, sức mạnh cứng là kinh tế, quốc phòng, giáo dục, y tế,..., sức mạnh mềm lại là hệ giá trị về chuẩn mực ứng xử, sức hấp dẫn, giá trị về dân chủ, văn hoá….

Qua đánh giá, tôi cho rằng, Trung Quốc chưa thể trở thành đầu tàu về sức mạnh mềm. Quan hệ Mỹ-Trung trong tương quan so sánh sẽ ngày càng thu hẹp, do đó sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt, nhưng nước Mỹ trong thời gian dài trước mắt vẫn có những ưu thế tuyệt đối trên những mặt mũi nhọn.

NĐT: Năm qua là một năm sôi động của ngành đối ngoại Việt Nam, là một người có nhiều năm trực tiếp tham gia công tác đối ngoại, ông đánh giá như thế nào về công tác này của Việt Nam trong năm vừa qua? Việt Nam đã lựa chọn như thế nào trong bối cảnh “một thế giới đang thay đổi”?

Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết phải nói về Đại hội 13, đã đặt ra những chiến lược phát triển mới cho đất nước cũng như về hoạt động đối ngoại, không phải là tất cả, tuy nhiên, có một vài điểm tôi cho rằng rất quan trọng và cần tiếp tục triển khai mạnh trong năm tới.

Thứ nhất, đặt ra cho Việt Nam vào thời kỳ phát triển chiến lược mới, mà chúng ta hay nói rằng “Khát vọng 2030” và “Khát vọng 2045”, mọi hoạt động đối nội, đối ngoại, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng đều phải phục vụ điều này.

Thứ hai, riêng về đối ngoại, cần tiên phong tạo dựng môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi hơn cho phát triển an ninh của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập một cách có trách nhiệm, sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực, dựa trên lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.

Đồng thời, chúng ta cần tham gia đóng góp với thế giới nhiều hơn, tham gia vào định hình luật chơi, chuẩn mực ứng xử trên thế giới. Đối ngoại cần là tổng thể với ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm phục vụ những mục tiêu đề ra, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong năm qua, dù tình hình Covid khó khăn, chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng. Trên cả bình diện song phương và đa phương, chúng ta tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng, quốc gia khác, đặc biệt với các nước lớn.

Mặt khác, trong cạnh tranh nước lớn, chúng ta tạo lập quan hệ với tất cả, không nghiêng về bên nào nhưng đồng thời cũng dựa vào lợi thế độc lập tự chủ, lợi ích quốc gia để có tiếng nói về điều thuận, điều nghịch trong ứng xử của nước lớn trong khu vực này.

NĐT: Bàn về câu chuyện tương lai, ông dự báo như thế nào về tình hình thế giới và khu vực trong năm 2022. Có điều gì mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần lưu tâm hay không?

Ông Phạm Quang Vinh: Về thế giới, cạnh tranh ở các nước lớn là vẫn tiếp tục. Thứ hai, sự hợp tác đa phương, hợp tác chung quốc tế sẽ được coi trọng hơn, trật tự dựa trên luật lệ, càng quản trị toàn cầu gặp vấn đề lại càng phải củng cố thêm hợp tác đa phương. Thứ ba, những thách thức về an ninh phi truyền thống, bây giờ không phải điều xa vời, đại dịch hay biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đều phải được nằm trên bàn nghị sự cao hơn nữa của quốc gia và quốc tế. Thứ tư, KHCN chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, dưới đại dịch ta càng thấy ý nghĩa của điều này.

Còn ở CA-TBD, xu hướng hợp tác và liên kết sẽ tiếp tục là chủ đạo. Mặt khác, do chuyển dịch địa chiến lược, trọng tâm chuyển sang CA-TBD thì cạnh tranh nước lớn ở khu vực này sẽ gia tăng, nhưng các nước ASEAN sẽ dựa trên sức độc lập tự chủ, hài hoà với tất cả các bên, không tham gia vào tư thế cạnh tranh, đồng thời gặp thách thức về việc gia tăng vai trò, có tiếng nói lớn hơn trong khu vực, cũng như thế giới.

Bên cạnh đó, trước xu thế hợp tác, liên kết, … không chỉ đặt ra những thách thức, mà còn có cơ hội, do đó các nước phải biết cách tận dụng kịp thời, trong đó có Việt Nam. Cơ hội lớn nhất đó là các nước lớn từ Mỹ, Trung Quốc, Anh, cho tới EU đều đang chú trọng đến khu vực này, đơn cử như việc cung cấp vắc-xin Covid-19, hay chuyển dịch chuỗi cung ứng trong đại dịch cũng đã thể hiện rõ điều này.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 07/02/2022 | 10:51