Kể từ khi trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 188,5 tỷ USD vào tháng 1/2021, nhất cử nhất động của tỷ phú Elon Musk đều rơi vào tầm ngắm của giới truyền thông.

Dù đã bị ông trùm hàng hiệu người Pháp Bernard Arnault soán ngôi vào tháng 12/2022, hình ảnh của vị tỷ phú vẫn liên tục xuất hiện tràn lan trên khắp các mặt báo thời gian vừa qua, chủ yếu liên quan đến thương vụ mua lại Twitter, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, với giá 44 tỷ USD.

Thương vụ này tiêu tốn khá nhiều tiền và khá nhiều giấy mực nhưng chưa đem lại chút lợi nhuận nào cho vị CEO mới của Twitter. Ông thậm chí còn đang phải loay hoay “tìm đường sống” cho trang mạng xã hội này.

Tỷ phú Elon Musk hiện có cổ phần tại công ty tên lửa SpaceX, công ty xe điện Tesla, công ty chip não Neuralink và công ty đào đường hầm Boring.

Tuy nhiên, Twitter chỉ là một trong số những công ty mà người đàn ông gốc Nam Phi sở hữu, bên cạnh công ty tên lửa SpaceX (2002), công ty xe điện Tesla (2003), công ty khởi nghiệp về chip não Neuralink (2016) và công ty đào đường hầm Boring Company (2017).

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động khó lường, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Elon Musk cũng nhiều phen chao đảo. Tài sản của ông đã có lúc giảm tới 200 tỷ USD sau khi đạt đỉnh 340 tỷ USD vào năm 2021.

Sự sụt giảm này khiến ông để mất vị trí người giàu nhất thế giới vào tay ông trùm hàng hiệu người Pháp Bernard Arnault.

Mặc dù vậy, ông vẫn là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai đang cố gắng vượt qua khó khăn và biến ước mơ thành hiện thực, từ những doanh nhân khởi nghiệp cho đến những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường.

Dù ông thường được nhắc đến với những biệt danh như “gã lập dị” hay “kẻ điên”, những thành công của ông ở hãng xe điện Tesla và đặc biệt là ở tập đoàn tên lửa SpaceX (nơi ông có 48% cổ phần) chứng tỏ tài năng và óc kinh doanh của ông là không thể phủ nhận.

Ngay khi còn nhỏ, cậu bé Elon Musk đã rất ham mê đọc sách. Cậu đặc biệt bị cuốn hút bởi những bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Một trong những bộ sách cậu yêu thích nhất là bộ Foundation gồm 7 cuốn của nhà khoa học Isaac Asimov kể về sự sụp đổ và tái sinh của các vì sao trong vũ trụ tương lai.

Những cuốn sách khiến cậu tin rằng loài người có thể kéo dài sự sống ngoài Trái đất, thay vì chỉ sinh sống ở hành tinh này và mắc kẹt ở đó cho đến khi tuyệt chủng.

CEO SpaceX muốn tạo ra sự sống trên sao Hỏa bằng cách đưa con người đến đây. Ảnh Business Insider

Mặc dù yêu thích khám phá vũ trụ là thế, nhưng lúc đó Elon vẫn còn quá nhỏ để vạch ra hướng đi cho mình. Khi lớn lên, cậu chọn học ngành kinh tế. Tốt nghiệp đại học, Elon thử sức mình trong nhiều lĩnh vực ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có công việc nào liên quan đến không gian hay vũ trụ.

Những tưởng giữa bộn bề công việc, mối quan tâm ngày bé của cậu sẽ mãi bị chôn vùi. Nhưng không, cuộc sống đẩy đưa, khiến đam mê đó dần sống dậy. Thậm chí, Elon không chỉ muốn thỏa mãn niềm yêu thích của bản thân mà còn nuôi dưỡng một tham vọng lớn lao hơn thế.

“Chúng ta phải trở thành một nền văn minh ngoài vũ trụ và ở ngoài kia giữa các vì sao. Chúng tôi mong rằng những thứ trong tiểu thuyết và phim khoa học viễn tưởng không mãi mãi là khoa học viễn tưởng. Chúng tôi muốn chúng trở thành hiện thực vào một ngày nào đó”.

Đây chính là lý do suốt mấy thập kỷ qua, tỷ phú Elon Musk đã bỏ ra rất nhiều tiền của cũng như công sức vào việc khám phá không gian và các sứ mệnh ngoài Trái đất, chẳng hạn như hạ cánh trên Mặt trăng và sao Hỏa. Ông còn hợp tác với NASA để tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ của mình.

SpaceX chế tạo tàu vũ trụ mang tên Starship vào năm 2019 với mục tiêu thiết lập một tiền đồn cho con người trên sao Hỏa. Ảnh Business Insider

Mặc dù vậy, không phải ai cũng ủng hộ ý thưởng táo bạo này của ông. Nhiều người cố gắng ngăn cản ông thành lập một công ty tên lửa. Một người bạn thân của ông thậm chí còn thu thập một loạt video về các vụ nổ tên lửa và bắt ông xem và từ bỏ ý định mà người ấy cho là điên rồ. Họ chỉ sợ ông sẽ mất cả chì lẫn chài.

Thế nhưng, không ai có thể ngăn cản vị tỷ phú thực hiện ước mơ mà ông hằng ấp ủ, mặc dù ông biết rõ mình đang bước vào một ngành công nghiệp có tính rủi ro cao, thậm chí có đến 90% khả năng thất bại.

Để thực hiện tham vọng du hành vũ trụ của mình, chủ yếu là đưa người và vật nặng rời khỏi Trái đất lên sao Hỏa, ông Musk đã cố gắng mua các tên lửa đạn đạo đã được tân trang lại của Nga. Tuy nhiên, quá trình làm việc với các quan chức Nga diễn ra không mấy thuận lợi, và ông cũng nhận ra chi phí cho việc này tốn kém hơn nhiều so với ông tưởng tượng.

“Sau chuyến đi thứ hai hay thứ ba từ Nga trở về, tôi đã nghĩ, ‘Chà, phải có cách tốt hơn để giải quyết vấn đề tên lửa này’”, ông Musk nói tại hội nghị South By Southwest 2018 ở Austin, Texas, Mỹ.

Thế rồi vị doanh nhân gốc Nam Phi quyết định thành lập một công ty hàng không vũ trụ có tên là Space Exploration Technologies Corp., hay SpaceX, vào năm 2002. Công ty này hiện có trụ sở tại Hawthorne, vùng ngoại ô Los Angeles, bang California, Mỹ.

Ở độ tuổi 30, ông Musk lúc đó đã trở thành triệu phú với tài sản trị giá khoảng 200 triệu USD thu được sau khi bán công ty Zip2 (thành lập cùng em trai) với giá hơn 300 triệu USD vào năm 1999 và PayPal cho eBay mua với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002.

Vị doanh nhân đã chi khoảng 100 triệu USD, để đưa SpaceX vào hoạt động với hy vọng cách mạng hóa ngành hàng không vũ trụ và biến ý tưởng về các chuyến bay vũ trụ giá cả phải chăng thành hiện thực.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2002, SpaceX đã phát triển rất nhiều hệ thống tàu vũ trụ và tên lửa với mục tiêu cắt giảm đáng kể chi phí bằng cách chế tạo nhiều bộ phận của hệ thống để có thể tái sử dụng.

Công ty bước vào đấu trường với tên lửa Falcon 1 chạy bằng nhiên liệu lỏng được thiết kế để đưa các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo. Chi phí chế tạo và vận hành loại tên lửa này thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.

Tháng 3/2006, SpaceX đã thực hiện phóng Falcon 1 vào không gian lần đầu tiên. Mọi việc tưởng chừng diễn ra suôn sẻ, cho đến khi chiếc tên lửa bị rò rỉ nhiên liệu và phát nổ. 2 lần thử nghiệm tiếp theo vào tháng 3/2007 và 8/2008 cũng cho kết quả tương tự.

Từ trái sang, Chris Sembroski, Sian Proctor, Jared Isaacman và Hayley Arceneaux ngồi trên phi thuyền Crew Dragon diễn tập cho chuyến bay dân sự vào không gian đầu tiên vào tháng 9.2021. Ảnh CNN

Thất bại của Falcon 1 là nỗi ám ảnh đối với vị tỷ phú, khiến ông mất ăn mất ngủ. Theo lời kể của diễn viên Talulah Riley, ông Musk thường choàng dậy lúc nửa đêm vì gặp ác mộng. “Chúng tôi đang ngủ say và đột nhiên anh ấy thét lên trong cơn mê, giống như anh ấy đang cố gắng thoát khỏi thứ gì đó”, cô cho biết.

“Nếu chúng tôi thất bại lần thứ tư, trò chơi sẽ hoàn toàn kết thúc”, ông Musk chia sẻ tại hội nghị Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế ở Úc năm 2017. Thời điểm đó, ông đã chuẩn bị cho việc SpaceX bị phá sản, vì toàn bộ số tiền đổ vào Falcon 1 đã cạn.

Nhưng may mắn đã đến vào ngày 29/8/2008, chỉ 8 tuần sau lần thất bại thứ ba. Việc phóng thành công Falcon 1 từ Đảo Omelek, Mỹ, khiến SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa một tên lửa nhiên liệu lỏng vào quỹ đạo. “Trời thương chúng tôi”, ông Musk nói.

3 tháng sau chuyến bay thành công đầu tiên của SpaceX từ Đảo Omelek, NASA đã trao hợp đồng vận chuyển hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS trị giá 1,6 tỷ USD cho SpaceX, kéo dài huyết mạch cho công ty non trẻ này.

Công ty tên lửa SpaceX được thành lập năm 2002 với mục tiêu biến ý tưởng về các chuyến bay vũ trụ giá cả phải chăng thành hiện thực. Ảnh Science

Mặc dù Falcon 1 mang lại thành công đầu tiên cho SpaceX, nhưng với tải trọng khiêm tốn chỉ 570kg, tên lửa này đã bị thay thế bởi Falcon 9 với tải trọng lên tới 13.150kg. Falcon 9 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 6/2010.

Tháng 12/2010, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng một vật nặng lên quỹ đạo, và đưa nó trở lại Trái đất nguyên vẹn, điều mà trước đây chỉ các cơ quan chính phủ như NASA hay Roscosmos của Nga mới làm được.

Sau vài lần thất bại, Falcon 9 đã thành công vận chuyển chuyến hàng đầu tiên lên ISS vào tháng 5/2012. Chuyến bay thương mại đầu tiên của Falcon 9 tới trạm ISS diễn ra vào tháng 10/2012.

Sau những cột mốc đáng nhớ này, SpaceX tiếp tục trải qua nhiều thăng trầm với nhiều lần thử nghiệm thành công và thất bại. Năm 2020, SpaceX trải qua 2 cột mốc đáng nhớ, đó là phát triển thành công phương tiện tối tân đưa con người vào vũ trụ vào tháng 5, và sau đó là thực hiện chuyến bay vào không gian đầu tiên, đưa 4 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế vào tháng 11.

Ông Musk ăn mừng sau khi phóng thành công tên lửa Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ có người lái Crew Dragon vào không gian tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, tháng 5.2020. Ảnh CNN

Ngày 18/9/2021, chưa đầy một năm sau đó, tàu vũ trụ Crew Dragon của hãng SpaceX chở theo 4 công dân (không phải phi công) đã hạ cánh an toàn ngoài khơi bang Florida, Mỹ, hoàn thành chuyến bay kéo dài 3 ngày trên quỹ đạo Trái đất.

Kể từ phi vụ đầu tiên vào tháng 5/2020, SpaceX đã thực hiện 8 chuyến bay vào vũ trụ với sự tham gia của 30 phi hành gia, tính đến tháng 10/2022.

Bên cạnh đó, mục tiêu tái sử dụng tên lửa của tỷ phú Elon Musk cũng đã được hoàn thành, với hàng chục tên lửa được đưa trở lại Trái đất và được tân trang để sử dụng cho các chuyến bay trong tương lai.

Công nghệ tái sử dụng tên lửa và tàu vũ trụ là xương sống để SpaceX tiết kiệm chi phí so và đưa ra dịch vụ rẻ hơn với các đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ, chi phí cho mỗi chỗ ngồi cho phi hành đoàn của SpaceX là khoảng 55 triệu USD, thấp hơn khoảng 60% so với cả Boeing Starliner (khoảng 90 triệu USD) và Soyuz của Nga (khoảng 85 triệu USD), Văn phòng Tổng thanh tra của NASA cho biết năm 2019.

Tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần nói rằng quỹ đạo Trái đất không phải là điểm đến cuối cùng của SpaceX. Ông muốn đưa các phi hành gia lên Mặt trăng và sao Hỏa, sau đó đưa họ trở về an toàn.

Tháng 3/2013, ông nói rằng ông sẽ thực hiện chuyến đi đầu tiên tới sao Hỏa: “Tôi sẽ đi nếu tôi có thể yên tâm rằng SpaceX sẽ tiếp tục mà không có tôi. Tôi đã nói rằng tôi muốn chết trên sao Hỏa, chỉ là không phải chết do va chạm”.

Tại Hội nghị Du hành vũ trụ Quốc tế ở Mexico năm 2016, người đàn ông gốc Nam Phi lần đầu tiên nhắc đến kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa với bài nói chuyện có tựa đề “Biến loài người thành một loài đa hành tinh”.

Ông cho rằng nhân loại chỉ có 2 lựa chọn, hoặc ở lại trái đất và bị diệt vong, hoặc là chuyển sang các hành tinh khác. Theo ông, sao Hỏa là sự đánh cược tốt nhất cho con người, vì hành tinh này gần với Trái đất và có những điểm tương đồng với Trái đất.

Ông muốn tạo ra sự sống trên sao Hỏa bằng một giấc mơ đầy tham vọng: vận chuyển con người đến hành tinh Đỏ bằng tàu vũ trụ thương mại. Mục tiêu của ông là thành lập một thành phố có hàng triệu người có thể tự cung tự cấp trên sao Hỏa vào năm 2050.

Ảnh chụp ông Elon Musk bên một tên lửa SpaceX ngày 19.3.2004 tại El Segundo, Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh CNN

Theo ước tính của ông Musk, mỗi người sẽ cần đến 10 tỷ USD để du hành tới sao Hỏa nếu sử dụng các phương pháp truyền thống. Ông muốn con số đó giảm xuống còn khoảng 200.000 USD, sau đó là dưới 100.000 USD, thông qua việc tạo ra tàu vũ trụ với các bộ phận có thể tái sử dụng.

Các chuyến đi ban đầu sẽ đưa khoảng 100 người lên sao Hỏa cùng một lúc, nhưng ông Musk hy vọng con số đó (và kích thước của mỗi con tàu) sẽ tăng lên theo thời gian. Bản thân Hệ thống Giao thông Liên hành tinh (ITS), theo mô tả của ông, sẽ là một nơi vui vẻ, thân thiện, với các phòng không trọng lực, khu vực chiếu phim, quán ăn tự phục vụ và các lựa chọn giải trí khác. Mỗi người chỉ cần mất vài ngày huấn luyện để chuẩn bị cho chuyến đi tới sao Hỏa, ông cho hay.

Khi ở trên sao Hỏa, con người sẽ có thể sản xuất nhiên liệu sử dụng khí mê-tan của ITS và đưa các con tàu trở lại Trái đất để tái sử dụng. Điều này không chỉ làm giảm chi phí của mỗi chuyến đi mà còn tránh được một nghĩa địa tiềm năng của những con tàu đã qua sử dụng trên sao Hỏa, ông chia sẻ.

Bãi thử của SpaceX tại McGregor, bang Texas, Mỹ. Ảnh Bloomberg

Nhằm biến tham vọng này thành hiện thực, SpaceX đã chế tạo một phương tiện mới – một sự kết hợp giữa tên lửa và tàu vũ trụ có tên Starship vào năm 2019, với mục tiêu thiết lập một tiền đồn cho con người trên sao Hỏa. Starship được thiết kế để chở 100 người và tái sử dụng hoàn toàn sau mỗi lần phóng.

Sau 4 lần thử nghiệm kết thúc bằng các vụ nổ, SpaceX cuối cùng đã thành công khi nguyên mẫu của con tàu tên lửa mà tỷ phú công nghệ Elon Musk muốn sử dụng để đưa người lên sao Hỏa được thử nghiệm thành công vào tháng 5/2021.

Tuy nhiên, trong số các nguyên mẫu đã được thử nghiệm, vẫn chưa có nguyên mẫu nào bay cao hơn 10 km.

SpaceX đang nhắm mục tiêu phóng hệ thống tên lửa Starship lên quỹ đạo vào tháng 12 này. Đây sẽ là một chuyến bay trình diễn quan trọng nhằm mục đích đưa các phi hành gia NASA lên mặt trăng và sau đó là sao Hỏa trong vài năm tới.

Ông Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới năm 2021 và để mất vị trí này cuối năm 2022. Ảnh: NY Post

20 năm là một chặng đường khá dài. Trên chặng đường đó, tỷ phú Elon Musk đã trải qua không ít thăng trầm, để đưa SpaceX từ một công ty vô danh thành một trong những công ty vũ trụ tư nhân lớn nhất thế giới.

Từ mức vốn khoảng 100 triệu USD, công ty này được cho là đang đàm phán để huy động 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới nhằm nâng định giá lên 150 tỷ USD.

Vẫn còn vô vàn khó khăn đang chờ đợi tỷ phú Elon Musk và SpaceX, nhưng với những tham vọng, hoài bão và óc kinh doanh nhạy bén cùng những thành tựu đã đạt được, chắc chắn vị tỷ phú sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường chinh phục vũ trụ trong thời gian tới.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 01/02/2023 | 09:21