Người Đưa Tin (NĐT): Thời gian gần đây, sách giáo khoa trở thành từ khóa nóng được nhắc đến trên nhiều diễn đàn. Người ta nói về nhiều thứ, riêng tôi, tôi tò mò hơn về quá trình tạo ra một cuốn sách giáo khoa. Và tôi nghĩ ngay đến giáo sư – người mà phải gọi là “cây đa, cây đề”, “tùng lâm thạch trụ” trong lĩnh vực biên soạn sách giáo khoa. Thưa giáo sư, không biết cơ duyên nào khiến thầy từ một thầy giáo trở thành người viết sách?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Bạn dùng từ “cơ duyên” là rất đúng, bởi vì hồi còn trẻ không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi làm thầy giáo, hay làm giáo dục.

Thời thanh niên, tôi tưởng tượng bay nhảy làm rất nhiều ngành chứ không nghĩ đến ngành này. Thậm chí, có lần tôi còn tò mò hỏi người chị ruột là giáo viên: “Tại sao chị thích được nghề dạy học nhỉ?”. Nghe chị bảo: “Cứ làm rồi thích”, tôi cứ nửa tin nửa ngờ.

Nhưng sau này, khi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, hình ảnh của các thầy cô trong trường đã tác động tới tôi rất lớn, tôi lại thấy nghề dạy học cũng hay.

Đến khi ra trường, giống như tất cả các thanh niên thời bấy giờ, tôi làm đơn xung phong nhập ngũ. Nhưng lúc đó chưa có chủ trương lấy đến sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Chúng tôi lại làm lá đơn thứ hai tình nguyện đi đến bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần và tôi được phân công được lên Thái Nguyên, dạy tại Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Cũng bởi vậy, dần dần tôi tìm hiểu ngành sư phạm và thích dần.

Còn cái cơ duyên đến với công việc viết sách giáo dục phổ thông đến vào năm cuối của cuộc cải cách giáo dục 1979.

Tôi nhớ tầm 1990-1991, GS.Trần Đình Sử (lúc đó là Tổng chủ biên sách giáo khoa Làm văn lớp 12) mời tôi tham gia biên soạn sách, tôi cũng mạnh dạn tham gia, và rất may quyển sách đó thành công.

Về sau, tôi chuyển về một đơn vị thuộc Viện Khoa học giáo dục, trong thời gian đấy cũng thường xuyên tiếp xúc với học sinh và viết một số tài liệu dạy học. Từ đó, dần dần mình thấy mê cái việc dạy học, bén duyên với làm chương trình giáo dục, viết sách giáo khoa.

NĐT: Đó là việc tham gia biên soạn. Vậy việc trở thành Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 thì có còn là cơ duyên không, thưa thầy?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Chắc có lẽ cũng là cơ duyên thứ hai. Đổi mới chương trình năm 2002, tôi có tham gia vào nhiều việc như: làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa Ngữ văn cấp THPT, tham gia viết sách tiểu học và THCS. Có thể vì vậy mà được cho rằng có am hiểu về giáo dục phổ thông.

Đến năm 2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mời tôi lên gặp và nhờ tôi giúp cho việc xây dựng Chương trình GDPT mới.

Nói thật lúc đó tôi chối đây đẩy, vì khoác cái việc đó vào người rất mệt. Cũng có thể tôi chỉ là một trong những người được Bộ trưởng động viên làm chương trình. Sau khi được Bộ trưởng thuyết phục, tôi nộp hồ sơ, qua tuyển chọn thì Bộ và Ngân hàng Thế giới chọn tôi làm Tổng chủ biên.

Thực ra, thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có bộ phận thường trực của Ban Phát triển chương trình, họ cũng đã làm được rất nhiều việc. Hồi đó, Bộ trưởng cũng đã cử khá nhiều đoàn đi học về làm chương trình ở nước ngoài.

Đến lúc tôi lên nhận việc là cuối năm 2016, có thể nói những gì tôi làm là do tự đọc và tích luỹ từ trước. Trong Ban Phát triển chương trình lúc đó, chỉ có tôi và mấy người nữa là chưa được ra nước ngoài để học về chương trình. Bởi vì lúc ấy không còn thời gian nữa.

Nhưng tất cả những kinh nghiệm của anh em ở trong Ban Phát triển chương trình tích luỹ được trong quá trình làm việc và đi học tập ở nước ngoài vô cùng bổ ích. Chương trình là công trình tập thể, dựa trên trí tuệ tập thể. Việc của người tổng chủ biên là dựa trên hiểu biết của mình, cân nhắc ý kiến của anh em để lựa chọn những phương án phù hợp nhất với yêu cầu của thực tiễn và của các văn bản quy phạm pháp luật.

NĐT: Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của mình, ai là người ảnh hưởng đến các quyết định của thầy nhất?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Thực sự, những người có ảnh hưởng thì rất nhiều nhưng nếu nói là có ảnh hưởng quyết định thì đó là hai người thầy.

Lúc nhỏ, người hình thành nên tính cách của tôi là ông bố, mà tôi luôn tâm niệm là người thầy đầu tiên. Cụ dạy tôi từ cách viết đơn, thói quen đúng giờ đến tính cẩn thận, thái độ sống tích cực, khiêm tốn.

Khi học đại học, tôi chịu ảnh hưởng rất lớn của GS.Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ học hàng đầu, hiếm hoi của Việt Nam

Tôi còn nhớ, khi học năm thứ 2, tôi đến để thầy hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Thầy hỏi tôi: “Ông học vào loại gì ở lớp?”. Tất nhiên có bao giờ học trò dám nhận với thầy là mình giỏi, tôi thưa: “Em học kha khá thôi thầy ạ”.

Thầy cười: “Thế thì tốt. Tôi nói thật với ông, tôi ngại nhất là hướng dẫn mấy ông giỏi.”

Tôi hỏi: “Sao lại thế ạ?”.

Thầy bảo: “Các ông giỏi thường thuộc lý thuyết quá, cái gì cũng có thể xếp vào các ô lý thuyết đã học nên không còn biết thắc mắc nữa. Mà người không biết thắc mắc thì không nghiên cứu khoa học được”.

Tôi bái phục thầy. Lời của thầy, tôi nhớ đến tận bây giờ, bởi vì có những cái người ta đinh ninh 100% đúng mà anh vẫn thắc mắc tại sao như thế thì anh mới nghiên cứu khoa học, mới phát hiện ra cái mới được.

NĐT: Thầy đã từng nói: “Viết sách giáo khoa như làm dâu trăm họ”, vậy cái khó của người viết sách giáo khoa là gì thưa thầy?

GS.Nguyễn Minh Thuyết:

Trong các sách giáo khoa thì tôi thích làm sách tiểu học, và tôi cho rằng sách giáo khoa tiểu học là khó viết nhất.

Có những anh bạn ở trường rất giỏi, tôi mời viết 1-2 quyển sách tham khảo từ thời trước năm 2000, nhưng họ viết được ít tháng thì bảo: “Sao mấy cái chữ bé bằng hạt đỗ như thế này mà khó viết thế!” (cười).

Sách giáo khoa phải viết chính xác là đương nhiên, nhưng làm sao phải rất dễ hiểu. Việc dùng từ ngữ dễ hiểu và chính xác là cực khó.

Thứ hai, sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học liên quan đến kiến thức rất rộng về văn hoá, xã hội, tự nhiên,…. Viết sách giáo khoa của môn học nào, cấp học nào cũng phải có kiến thức vững vàng, nhưng riêng sách giáo khoa tiểu học nó gắn với môi trường sống rất rộng của học sinh.

Thực sự viết sách cho cấp tiểu học rất khó nhưng tôi lại thấy thích, vì tôi thích các em tiểu học. Viết sách tiểu học, mình có thể hình thành ở các em những điều mà mình mong muốn. Còn từ THCS trở lên, sách giáo khoa tuy vẫn tác động mạnh đến các em, nhưng thực sự lúc đó các em có thể tiếp thu kiến thức từ rất nhiều nguồn khác nhau.

NĐT: Biên soạn sách giáo khoa đã khó như vậy thì chắc việc làm Tổng chủ biên Chương trình GDPT còn khó hơn nữa? Có điều gì khác giữa hai vai trò này không, thưa thầy?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Viết sách giáo khoa đã khó, làm cả một chương trình giáo dục càng khó hơn. Cái khó đầu tiên là có những khái niệm cơ bản, nếu không trao đổi kĩ để hiểu cho thấu đáo thì khó định hướng được cho chương trình.

Ví dụ, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông quy định: “Chương trình phải được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và được thực nghiệm nhằm bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy”, nhưng lúc đó anh em còn phải bàn nhau xem “thực nghiệm chương trình” nghĩa là gì. Bộ phận thường trực cũ của Ban Phát triển chương trình chưa giải quyết được vấn đề này.

May mắn cho tôi là đã từng làm đại biểu Quốc hội 2 khóa, từng thẩm tra nhiều dự án luật, dự án kinh tế. Kinh nghiệm cho tôi thấy thực nghiệm chương trình chính là đánh giá tác động của chương trình, giống như đánh giá tác động của dự án. Khi chúng tôi còn là đại biểu, chúng tôi đã phải xem xét nhiều văn bản đánh giá như thế.

Chương trình mới đi theo xu hướng quốc tế, chuyển từ định hướng tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Ở nước ngoài, người ra giải quyết câu chuyện này lâu rồi. Hàng mấy chục năm nay không ai còn bàn đến chuyện năng lực là cái gì, phẩm chất là cái gì nữa.

Tôi nhớ nhất là khi tham vấn ý kiến cô Nguyễn Thị Bình (Nguyên Phó Chủ tịch nước) về các phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển cho học sinh, cô góp ý cho chúng tôi, đại ý:

“Bây giờ các anh tổng kết từ sách này, sách khác thành mấy phẩm chất, thế nào cũng tranh cãi nhau. Anh bảo cần 3 phẩm chất, người ta bảo 5 phẩm chất; còn nếu anh bảo 5 thì người ta bảo 7. Cần phải có chỗ dựa vững chắc là đường lối của Đảng. Tốt nhất anh dựa vào các Nghị quyết về xây dựng con người, văn hoá Việt Nam”.

Đúng là nhà chính trị lớn có cái nhìn rất rộng.

Cũng còn nhiều vấn đề khác phải tranh cãi rất lâu. Ví dụ như tiểu học có học 2 buổi/ngày không? Hay còn vấn đề tích hợp, ngay cả khi chương trình được triển khai rồi vẫn còn rất nhiều ý kiến.

Một cái khó nữa mà chúng tôi cũng rất đau đầu, bàn nhau 6 tháng mới thống nhất được giải pháp, đó là dạy phân hoá ở cấp THPT. Bây giờ học sinh ở phần lớn các nước khi đến THPT thì được phân hoá, trước đây chúng ta làm kiểu phân ban A, B, C, D. Nhưng vì phân hoá “cứng” như thế nên không thành công.

Cái khó cuối cùng là cái khó của riêng tôi. Nhiều thành viên Ban Phát triển chương trình là chuyên gia đầu ngành về môn học và giáo dục. Vì vậy, tôi đóng vai điều hành họ không dễ đâu (cười). Mình phải tổng hợp và thuyết phục được anh em. Đó là chuyện không hề đơn giản. Nhưng nếu biết lắng nghe, học hỏi, lựa chọn giải pháp theo tiêu chí “phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và của các văn bản quy phạm pháp luật” như tôi đã nói thì công việc sẽ thông suốt.

NĐT: Từ trước tới nay, giáo dục luôn là mối quan tâm của toàn xã hội. Là người “đứng mũi chịu sào” một trong những khâu dễ gây tranh cãi nhất, thầy đối mặt với những áp lực như thế nào ?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, mình phải biết lắng nghe, bởi người góp ý chính là “khách hàng” của mình, nghĩa là những người sử dụng sản phẩm của giáo dục, trong đó có sách giáo khoa. Nhưng mình cũng phải kiên định, có những chỗ phải giữ bởi vì chương trình là một hệ thống, không thể tháo lắp bất kỳ thứ gì ra mà không ảnh hưởng đến hệ thống. Tuy vậy, cũng có khi phải biết chờ đợi.

NĐT: Tôi cảm tưởng Chương trình GDPT 2018 là cuộc tranh cãi, vật lộn giữa cái cũ và cái mới, giữa những cái chúng ta đã nghĩ bao lâu nay và những cái chúng ta phải tiếp thu thêm.
Vậy trong quá trình làm chương trình, triết lý giáo dục giữa trước đây và ngày nay có thay đổi hay không?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Nhiều người thường nói Việt Nam không có triết lý giáo dục. Tôi cho rằng nói như vậy là không chịu hiểu đến nơi đến chốn. Làm gì có một đảng cầm quyền nào 80 năm không có triết lý giáo dục mà chỉ đạo được giáo dục phát triển!

Các bạn là nhà báo, cứ thử đi hỏi tất cả các bậc ông bà, cha mẹ ở đất nước này xem họ đánh giá con cháu họ thế nào. Tôi thấy số chê con chê cháu kém hơn ngày xưa hiếm lắm. Chủ yếu là khen. Thế thì tại sao con cháu bây giờ được như vậy? Phải có thầy cô, có kết quả đổi mới giáo dục thì mới được như vậy chứ.

Từ năm 1986 đến nay, đất nước mình thay đổi hẳn. Thú thật là hơn 30 năm trước, không bao giờ tôi mơ đất nước được như ngày hôm nay. Đất nước phát triển như vậy là đóng góp của ai? Chắc chắn lực lượng nòng cốt là những thế hệ được nhà trường Việt Nam đào tạo. Tôi cho rằng đánh giá như thế thì mới khách quan, công bằng.

Vậy triết lý giáo dục của chúng ta là gì?

Sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta bắt đầu thực hiện các nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục nhà trường kết hợp giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”,… Đó chính là triết lý chứ đâu.

Hay như Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đã khẳng định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”,… đấy là ý tưởng rất lớn, mang tầm triết lý. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt yêu cầu: Xây dựng một nền giáo dục thực học, thực nghiệp và dân chủ. Sáu chữ “Thực học, Thực nghiệp, Dân chủ” là triết lý định hướng cho đổi mới căn bản, toàn điện giáo dục lần này.

NĐT: Lâu nay mọi người vẫn nghĩ sách giáo khoa là phải đúng tuyệt đối. Nhưng như giáo sư vừa nói, điều đó là rất khó. Hơn thế, trong giai đoạn hiện nay, có nhiều thứ để cung cấp kiến thức hơn là sách giáo khoa, ta có nên thay đổi quan niệm sự tuyệt đối đúng này?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Chẳng có gì tuyệt đối đúng trên đời này cả. Cái đúng phụ thuộc vào thời điểm cụ thể, không gian cụ thể. Ở thời điểm này có thể một điều nào đó là đúng, thậm chí đúng tuyệt đối nhưng ở thời điểm khác lại không còn đúng nữa. Ở chỗ này có thể đúng, chỗ khác không đúng nữa, sách giáo khoa cũng vậy thôi.

Ở nhiều nước, người ta quan niệm sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, để giáo viên dạy học. Giáo viên có chủ động thì dạy mới sát với đối tượng. Điều này cũng như ra trận, chỉ huy phải tuân theo chỉ đạo chung về chiến lược nhưng phải biết vận dụng phù hợp với tình hình cụ thể, chứ chỉ biết làm theo sách thì sẽ khó thành công.

Có lần tôi cùng một số anh em trong Tiểu ban Phát triển chương trình môn Ngữ văn đến dự buổi nói chuyện của một giáo viên trung học Mỹ về việc dạy Ngữ văn ở Mỹ.

Nhưng ông ấy bảo: “Ở Mỹ không có sách giáo khoa của liên bang hay của tiểu bang.” Chúng tôi thắc mắc: “Vậy, ông dạy theo quyển sách nào?” Ông Mỹ cười: “Tôi chẳng dạy theo quyển nào, tôi dạy theo quyển của tôi, tôi viết và tôi dạy”. Câu chuyện này rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ.

NĐT: Một câu hỏi mang tính cá nhân, thưa thầy, điều gì khiến thầy quyết định khi nghỉ hưu lại tham gia viết sách cho một đơn vị tư nhân?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Sau khi tham gia viết quyển Ngữ văn lớp 12 thuộc chương trình cũ vào năm 1992, tôi còn được mời làm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt từ lớp 2 đến lớp 5, chủ biên phần Tiếng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp THCS. Suốt hàng chục năm, tôi chỉ viết cho NXB Giáo dục vì thời gian đó, cả nước chỉ có NXB Giáo dục làm sách giáo khoa.

Nhưng tại sao đến năm 2018 tôi lại quyết định viết sách cho một đơn vị tư nhân, mặc dù ông Chủ tích NXB Giáo dục tha thiết mời? Đó là vì Nghị quyết 29 của Trung ương yêu cầu đa dạng hoá tài liệu học tập, Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa, có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Là người chuyên viết sách giáo khoa, tôi hiểu quy định này sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực sách giáo khoa vì khi có nhiều bộ sách giáo khoa mới sẽ huy động được nguồn lực đa dạng, phong phú của xã hội, tạo ra một cuộc thi đua về chất lượng, giá cả, người dùng sẽ được nhờ. Thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, Nhà nước cũng giảm bớt được gánh nặng chi tiêu để tập trung cho những lĩnh vực đầu tư khác cần có vai trò của ngân sách nhà nước hơn.

Tôi quyết định làm cho tư nhân vì cả đời tôi đã làm cho Nhà nước rồi, không phải vì nhiều tiền hơn đâu. Đơn vị làm sách xã hội hóa cũng trả nhuận bút như NXB Giáo dục thôi. Làm sách xã hội hóa tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có nguyên nhân từ tâm lý quen xài “hàng mậu dịch” của không ít người. Nhưng tôi nghĩ, nếu những người làm chương trình rất hiểu chương trình mà không làm sách xã hội hoá thì chắc chắn ngành Giáo dục khó mà thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88. Chúng tôi coi việc làm của mình là hành động để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.

NĐT: Chúng ta vừa thừa nhận với nhau rằng đối mới căn bản và toàn diện giáo dục là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái cần giữ và cái cần đổi mới. Nhưng thầy là người của thế hệ cũ, đang đi tìm kiếm sự đổi mới giáo dục. Vậy ở ngay chính ở thầy, liệu có gặp phải sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới không?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không sợ bị cái cũ níu kéo, vì bản thân cũng là người có tư tưởng đổi mới. Nhưng vì trước đây tôi đã là chủ biên của sách giáo khoa nên bây giờ phải cố gắng vượt qua mình, điều này là khó. Chính vì thế tôi phải bù lại bằng tập thể tác giả có rất nhiều người trẻ, họ cũng là những người có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, chúng tôi có sự định hướng của chương trình mới, sự kiểm tra của Hội đồng Thẩm định sách và đông đảo giáo viên trong cả nước Đây là những nhân tố giúp cho tôi vượt qua chính mình để đổi mới.

NĐT: Quyển sách giáo khoa “Tiếng Việt 4” mà thầy là Chủ biên có khá nhiều câu chuyện, bài thơ, hình ảnh về các nhân vật lịch sử, các cuộc kháng chiến. Có người băn khoăn là liệu những nội dung đó có xa lạ với học sinh bây giờ không?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Việc dạy sáng tác văn học về các cuộc chiến tranh giữ nước để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia là cần thiết và phù hợp với quy định của Chương trình GDPT mới.

Chương trình tổng thể quy định phẩm chất đầu tiên cần bồi dưỡng cho học sinh là “yêu nước”. Ở cấp tiểu học, Tiếng Việt là môn học chiếm tới 31% tổng thời lượng chương trình. Nếu sách Tiếng Việt tiểu học không tích hợp giáo dục về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, về lực lượng vũ trang nhân dân; giáo dục ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào thì như vậy là không thực hiện đúng quy định của Chương trình.

Tôi vẫn nhớ mãi ý kiến của GS Phan Huy Lê – một nhà sử học hàng đầu của nước ta, phát biểu trong buổi thẩm định Chương trình GDPT tổng thể: “Yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam. Chúng ta có được giang sơn ngày hôm nay là nhờ lòng yêu nước của biết bao thế hệ trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Vì vậy, cần coi việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của chương trình giáo dục này.”

Bây giờ, có một số bạn trẻ hình như không thích nói về các cuộc chiến tranh giữ nước. Nhưng đó là những ý kiến sai trái. Không ai được phép quên quá khứ bởi vì quá khứ luôn cho ta những bài học hữu ích với cuộc sống hiện tại và tương lai.

Chỉ có điều, để phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý của học sinh tiểu học, các tác phẩm được chọn làm bài đọc chỉ lấy bối cảnh chiến tranh để làm nổi bật lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, tình yêu thương nhân dân và lòng nhân ái, chứ không miêu tả sự khốc liệt hay hi sinh, chết chóc. Những nội dung sâu hơn sẽ được dạy ở các cấp học khác.

NĐT: Những người viết sách có trách nhiệm rất lớn, bản thân thầy nghĩ gì về trách nhiệm của mình, nhất là trách nhiệm với hàng triệu học sinh, trách nhiệm với lịch sử?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Chúng tôi rất vinh dự khi được nhận trách nhiệm này bởi vì mình có điều kiện đem những hiểu biết của mình, tâm huyết để phục vụ cho công việc đào tạo lớp trẻ.

Nhưng chúng tôi cũng biết trách nhiệm đó là rất lớn vì tuy nhân cách con người được hình thành bởi rất nhiều nguồn khác nhau nhưng sách giáo khoa là nguồn rất quan trọng.

Chính vì vậy, trong quá trình biên soạn, tôi với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quyển sách, luôn trân trọng lắng nghe góp ý của các tác giả sách, biên tập viên, giáo viên dạy thực nghiệm,... Các bạn ấy đều trẻ hơn tôi, có nhiều người còn là học trò cũ của tôi, nhưng có rất nhiều ý kiến đúng đắn mà tôi phải tiếp thu, không hề chủ quan, tự ái.

NĐT: Với việc viết sách, làm chương trình, thầy có điều gì băn khoăn, tiếc nuối chưa làm được hay không?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Trước đây khi còn làm đại biểu Quốc hội anh em phóng viên cũng có hỏi tôi: Sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ, ông có gì tiếc nuối không? Lúc đó tôi chỉ tiếc nuối một điều là tôi chưa giúp được cử tri nhiều.

Bây giờ được hỏi tiếc nuối gì trong câu chuyện giáo dục thì đó là tiếc nuối vì đã để mất khá nhiều thời gian cho những việc ngoài chuyên môn. Nếu bây giờ trẻ lại chắc tôi sẽ tranh thủ thời gian nhiều hơn.

Về chuyện viết sách, tôi tự thấy đã cố hết sức nhưng nếu trước đây có điều kiện tiếp cận với chương trình, theo hướng tiếp cận năng lực thì sẽ có những ý tưởng đổi mới sớm hơn.

NĐT: Nếu thầy không giận, xin phép được hỏi thầy thế này: là tổng chủ biên của rất nhiều sách, có lẽ thầy cũng có “nguồn thu” không nhỏ từ tác quyền chứ?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Các NXB làm sách giáo khoa lợi nhuận có nhiều không thì tôi không biết, nhưng hiện nay mới chỉ có 7 NXB dám tham gia vào việc làm sách trong khi chúng ta có hàng chục NXB. Nếu lợi nhuận lớn, tại sao không có nhiều NXB làm?

Về người viết sách, chúng tôi nhận nhuận bút theo số tiết mình được phân công viết. Nhuận bút viết bộ sách giáo khoa cũ lúc đầu là 50.000/tiết; vài năm sau người ta tăng lên 300.000/tiết. Nhưng chỉ được nhận 100% nhuận bút năm đầu tiên thôi; còn nhuận bút tái bản chỉ được 25%.

Bây giờ, người ta trả nhuận bút theo lương cơ bản, và tính theo số tiết, viết bao nhiêu tiết thì được từng ấy tiền. Nhưng một bộ sách giáo khoa có nhiều tác giả lắm. Người viết sách không được bộn tiền như nhiều người nghĩ đâu! (cười)

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của thầy!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 18/03/2023 | 06:55