Dành thời gian trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT), ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đã chia sẻ về những nỗ lực Vietcombank với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng.

NĐT: Giai đoạn một thập kỷ gần đây đã đánh dấu sự chuyển mình, bứt phá ngoạn mục của Vietcombank với sự tăng trưởng hết sức ấn tượng về quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành ngân hàng và sự phát triển của đất nước. Ngày 1/4/2024 cũng là ngày đánh dấu 61 năm thành lập của Vietcombank, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình cũng như tập thể Vietcombank trong hành trình chinh phục “vươn ra biển lớn”, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đề ra?

Ông Lê Hoàng Tùng: Là ngân hàng lâu đời tại Việt Nam với lịch sử 61 năm hình thành và phát triển, Vietcombank luôn giữ vị thế tiên phong, có những đóng góp quan trọng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, cho nền kinh tế quốc dân và xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn 10 năm vừa qua, Vietcombank đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, có tính đột phá và mang dấu ấn lịch sử, khẳng định vị thế ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Năm 2017, Vietcombank đã giành lại vị trí quán quân về quy mô lợi nhuận và liên tục giữ vị trí đó cho đến nay... Với kết quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank luôn là ngân hàng/doanh nghiệp niêm yết có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước (hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm), tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng. Hiện tại, Vietcombank là doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam và nằm trong nhóm 100 ngân hàng niêm yết lớn nhất toàn cầu theo quy mô vốn hoá.

Những kết quả ấn tượng của Vietcombank trong thời gian qua là kết tinh nỗ lực lao động sáng tạo, trí tuệ, quyết tâm và khát vọng vươn lên của tập thể ban lãnh đạo và hơn 2 vạn cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống. Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, chúng tôi tự hào đã tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang của ngân hàng, viết thêm những trang sử mới đầy tự hào và đã cùng nhau tạo dựng cho Vietcombank một diện mạo mới, tầm vóc mới và những xung lực mới trong hành trình hiện thực hóa khát vọng đưa Vietcombank trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực và từng bước vươn tầm thế giới.

Trong giai đoạn tới đây, Vietcombank sẽ tiếp tục hành trình “vươn ra biển lớn”, đón đầu xu thế mới trong công nghệ ngân hàng, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2030: Trở thành tập đoàn tài chính lớn nhất Việt Nam, một trong 200 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong hành trình đó, mỗi cán bộ Vietcombank luôn nuôi dưỡng trong mình niềm tự hào Vietcombank, tình yêu Vietcombank, khát vọng Vietcombank với mong muốn cháy bỏng đưa Vietcombank lên tầm cao mới, trở thành một phần xứng đáng trong dòng chảy phát triển của đất nước và dân tộc.

NĐT: Là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước có quy mô lớn nhất trong hệ thống ngân hàng, vậy xin hỏi để tín dụng của hệ thống ngân hàng nói chung, trong đó có Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ hơn, theo ông, cần giải pháp gì? Định hướng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank trong năm 2024 ra sao?

Ông Lê Hoàng Tùng: Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, Vietcombank sẽ đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, tín dụng xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để tập trung giải ngân các dự án trọng điểm tại các địa phương đóng góp tăng trưởng cho địa phương và toàn quốc với quy mô giải ngân dự kiến gần 30.000 tỷ đồng, một số dự án lớn, tiêu biểu như nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Dự án thép Hòa Phát Dung Quất 2, Dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2), Nhà máy điện Nhơn Trạch… Tăng cường tập trung tiếp cận các dự án trọng điểm quốc gia như cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chuỗi điện khí Lô B ô Môn…

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng thời nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; tăng tốc độ xử lý hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt cho vay; nghiên cứu triển khai đa dạng sản phẩm tín dụng...

NĐT: Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Phía ngân hàng đánh giá thế nào về triển vọng nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của kinh tế Việt Nam thời gian tới?

Ông Lê Hoàng Tùng: Triển vọng nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của kinh tế Việt Nam thời gian tới là rất lớn bởi 3 động lực cơ bản.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đây là động lực thúc đẩy nhu cầu lớn về vốn để đầu tư vào các dự án và chính sách xanh. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển các dự án và hoạt động xanh, bao gồm các chính sách thuế, hỗ trợ tài chính và khuyến mãi.

Thứ hai, việc phát triển và nâng cấp hạ tầng xanh như năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, xử lý nước thải và quản lý rác thải… đều đòi hỏi một lượng lớn vốn đầu tư. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao, bền vững và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư/quỹ đầu tư, các doanh nghiệp xanh, các tổ chức quốc tế/các tổ chức phi chính phủ và ngân hàng.

Thứ ba, hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức ở Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững. Điều này tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về vốn để đầu tư vào các dự án xanh và các hoạt động xanh.

NĐT: Vietcombank luôn dành nguồn lực đặc biệt để cho vay tài trợ các dự án xanh. Ông có thể chia sẻ về con số dư nợ cấp tín dụng xanh hiện nay tại Vietcombank?

Ông Lê Hoàng Tùng: Dư nợ tín dụng xanh tại Vietcombank có sự tăng trưởng ổn định ở các lĩnh vực. Trong giai đoạn 5 năm từ 2018-2023, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank đã tăng 5,83 lần, từ con số gần 7.900 tỷ đồng năm 2018 lên đến trên 46.100 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ của cả hệ thống Vietcombank.

NĐT: Tỉ trọng tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank. Ngân hàng đánh giá thế nào về triển vọng khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo?

Ông Lê Hoàng Tùng: Đến cuối năm 2023, Vietcombank đã tham gia tài trợ hơn 30 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…) với tổng công suất trên 2.500MW. Tổng số dư cấp tín dụng tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt hơn 38.800 tỷ đồng, chiếm hơn 84% tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank.

VCBS (Công ty con 100% vốn của Vietcombank) cũng đã tư vấn phát hành thành công hơn 1.700 tỷ đồng cho đợt phát hành trái phiếu xanh của EVNFinance - Trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được xác định là trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế.

Việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo mang đến nhiều lợi ích lớn cho ngân hàng trên các khía cạnh tài chính, môi trường và xã hội. Bởi năng lượng tái tạo là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn. Đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo có thể mang lại lợi doanh thu ổn định trong dài hạn cho ngân hàng.

Chưa kể, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tạo ra cơ hội sinh lợi từ các nguồn thu nhập mới. Đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp hỗ trợ phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Điều này có thể tăng cường hình ảnh và uy tín của ngân hàng trong cộng đồng và với khách hàng.

Hơn nữa, nhiều quốc gia đang thúc đẩy các biện pháp khuyến khích năng lượng tái tạo thông qua các chính sách và quy định khác nhau. Việc đầu tư vào lĩnh vực này có thể giúp ngân hàng hưởng lợi từ các ưu đãi thuế và các biện pháp khác do Chính phủ áp dụng.

Các doanh nghiệp và dự án năng lượng tái tạo thường là các khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính của ngân hàng như vay vốn, quản lý rủi ro và tài chính doanh nghiệp, đây là hình thức gia tăng khách hàng mới bền vững và hiệu quả.

NĐT: Nhiều tổ chức tín dụng cho biết, hiện nay khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh còn rất “thiếu”. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? Và trong quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng xanh, phía Vietcombank có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?

Ông Lê Hoàng Tùng: Trong quá trình triển khai kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển ngân hàng xanh, Vietcombank cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, vướng mắc về hành lang pháp lý. Hiện các quy định về pháp luật rất rộng, phức tạp nhưng vẫn chưa đầy đủ đồng thời chưa có hướng dẫn cụ thể về định nghĩa, tiêu chuẩn xác định danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để thống nhất việc định danh.

Hai, vướng mắc về giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng đối với khách hàng/nhóm khách hàng liên quan. Việc tài trợ thêm các dự án năng lượng tái tạo của các khách hàng này có thể dẫn đến số dư cấp tín dụng đối với 1 khách hàng và 1 nhóm khách hàng vượt các tỉ lệ 15% và 25% vốn tự có của các ngân hàng. Đồng thời, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 giới hạn này sẽ tiếp tục giảm theo lộ trình nên sẽ là thách thức đối với các tổ chức tín dụng khi xem xét cấp tín dụng đối với các dự án mới.

Ba, các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau: Kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề về môi trường, xã hội còn hạn chế.

Bốn, việc thiết lập bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường tại các tổ chức tín dụng không phải phương án hiệu quả trong khi sự hỗ trợ tư vấn từ các đơn vị chuyên môn sâu về môi trường lại chưa được hình thành nên rất rủi ro cho các tổ chức tín dụng khi đánh giá, thẩm định cấp tín dụng đối với các dự án có rủi ro môi trường cao.

Năm, thiếu các nguồn vốn dài hạn và lãi suất ưu đãi: Hiện nay, các chính sách ưu đãi về nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất ưu đãi của các tổ chức quốc tế cũng như từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan bộ ngành còn chưa được ban hành/tiếp cận rộng rãi.

Sáu, các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường xã hội thường làm phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế.

NĐT: Việc nguồn lực chính cho tín dụng xanh của các ngân hàng dựa phần nhiều vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, song chỉ là nguồn lực bên ngoài và có vai trò trong giai đoạn đầu. Ông nghĩ sao về việc cần giải pháp về lâu dài để việc cấp tín dụng cho dự án là trọn đời dự án chứ không chỉ theo giai đoạn?

Ông Lê Hoàng Tùng: Việc cấp tín dụng trọn đời cho dự án tín dụng xanh đòi hỏi một kế hoạch toàn diện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan và các ngân hàng.

Để tiến tới mục tiêu đó, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, khi xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để xây dựng các hệ thống hạ tầng hỗ trợ như giao thông, hệ thống truyền tải điện, hệ thống xử lý nước sạch, xử lý rác, … để giúp cải thiện khả năng thực hiện các dự án tín dụng xanh của các doanh nghiệp.

Phía Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng hệ thống các văn bản, quy định, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng xanh, cụ thể bao gồm: chính sách cho vay đối với các ngành nghề xanh định hướng tăng trưởng; xây dựng tiêu chuẩn cụ thể của các dự án được coi là dự án xanh, sử dụng nguồn vốn tín dụng xanh; hạn chế/cấm cấp tín dụng cho các dự án tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, dự án sử dụng công nghệ lạc hậu; có quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội, và giám sát, kiểm toán các hoạt động đó; và xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội đối với một số ngành sản xuất và kinh doanh trong đó cần phản ánh quan điểm định hướng cấp tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu đãi về nguồn vốn hoặc hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong nước tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính trên thế giới để tài trợ cho các dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, bản thân các Ngân hàng cần chủ động học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến về ngân hàng xanh, tổ chức các khóa đào tạo về tín dụng xanh cho các cán bộ ngân hàng thương mại.

NĐT: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 01/04/2024 | 07:00