Phương Ly

Với việc ra mắt ba dòng ô tô điện thông minh, chuyên gia ô tô Hải Kar nhận định: “VinFast đã có một bước “đi tắt đón đầu” rất thông minh”.

Cuối tháng 3 vừa qua, cộng đồng ô tô cả nước dậy sóng trước sự kiện mở bán mẫu xe điện thương hiệu Việt đầu tiên. Chỉ 30 phút sau khi mẫu SUV của VinFast mang ký hiệu VF e34 “lên sàn”, đã có hàng trăm người đặt cọc thành công. Sau 12 giờ mở bán, hãng nhận được gần 4.000 đơn đặt hàng VF e34 qua website và các showroom, đại lý trên toàn quốc.

Với 10 triệu đồng đặt cọc sớm, khách hàng đã được hưởng mức giá ưu đãi 590 triệu so với giá gốc 690 triệu đồng, chưa kể được kèm 1 năm miễn phí thuê bao pin - tương đương 17,4 triệu đồng.

Thậm chí, việc đặt cọc thành công mẫu xe điện thương hiệu Việt đầu tiên còn khiến nhiều người tự hào, thậm chí tạo thành trào lưu trên mạng xã hội - giống như cách những dân chơi công nghệ khoe thành tích săn được chiếc iPhone mới ra mắt hay những tín đồ thời trang thửa được chiếc túi xách hàng hiệu phiên bản giới hạn.

Sức hút của VF e34 không chỉ nhờ chính sách bán hàng ưu đãi của VinFast mà còn đến từ tiềm lực, khả năng cạnh tranh của loại xe này trong tương lai. Liệu xe điện sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam?

Chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) - người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, có nhiều đóng góp về chuyên môn cho ô tô thương hiệu Việt và là người đầu tiên lái xe VinFast đi dọc chiều dài Việt Nam qua quãng đường hơn 6.000 km đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Thời của ô tô điện

Dưới góc nhìn của một chuyên gia ô tô, ông nhận định như thế nào về sức hấp dẫn của xe điện trong tương lai?

Theo tôi, xe điện không chỉ là một xu hướng tiêu dùng mà là tương lai của ngành ô tô toàn cầu. Bởi, rõ ràng xe điện không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, mà còn được coi là “chìa khoá” giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và cạn kiệt nguồn tài nguyên hoá thạch.

Hơn hết, trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày 10/5 mới đây, Tổ chức Bloomberg New Energy Finance (BNEF) và Tổ chức phi chính phủ Transport and Environment dự đoán đến năm 2035 tất cả ô tô bán ra ở châu Âu sẽ là ô tô điện.

Hiện tại, nhiều nước đã hướng đến sản xuất xe điện chiếm tới 95% vào những năm 2025, 2030. Ngay cả những công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô như Rivian, Fisker, Lucid, Canoo... cũng chọn xe điện là bước đi đầu tiên. Nhìn ra thế giới đủ để thấy tương lai của ô tô điện không còn là vấn đề phải bàn cãi.

Có ý kiến cho rằng, ô tô điện sẽ khó cạnh tranh với xe chạy xăng trong thời điểm hiện tại khi khách hàng Việt vẫn có tâm lý “ăn chắc mặc bền”. Điều này có đúng không thưa ông?

Hiện tại, khái niệm về xe điện còn khá mới mẻ và những mẫu xe chạy xăng thương hiệu Việt vẫn đang chiếm trọn thị phần trong các phân khúc. Song, với tiềm năng lâu dài, ô tô điện hoàn toàn có khả năng “đánh bật” mọi rào cản để trở thành lựa chọn tất yếu trong tương lai gần. Bởi, giá trị cốt lõi của dòng xe điện là mang đến lợi ích cho người dùng.

Đầu tiên, ưu thế cạnh tranh rõ rệt nhất của xe điện với xe chạy xăng là thân thiện với môi trường. Do đó, dòng xe này được những khách hàng “yêu môi trường” rất ưa chuộng vì họ coi phương tiện đi lại là biểu tượng cho sự cam kết với lối sống xanh, tạo môi trường xanh cho thế hệ kế cận. Bên cạnh đó, dòng xe điện cũng mang đến trải nghiệm mới cho những người mong muốn tiếp cận công nghệ hiện đại và giao thông văn minh.

Đặc biệt, xe điện tiết kiệm hơn hẳn xe chạy xăng, cả về chi phí nhiên liệu, vận hành và bảo dưỡng. Với kết cấu đơn giản, ít bộ phận và không có quá trình đốt cháy, người dùng sẽ không phải thay các chi tiết như màng lọc, dầu nhớt, bộ phận lọc không khí, bộ phận ma sát... Ngoài ra, vì không có sự rung động trong pit-tông để tạo lực đẩy như xe chạy bằng xăng nên tuổi thọ các chi tiết trên xe điện sẽ dài hơn rất nhiều.

Hơn nữa, xe điện cũng ít nguy cơ cháy nổ hơn so với xe chạy với xăng. Bởi năng lượng của xe điện đến từ pin, trong quá trình xe hoạt động hoàn toàn không diễn ra quá trình đốt cháy, nhờ đó, loại bỏ được tối đa nguy cơ cháy nổ.

“Chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau”

Hãng xe VinFast của Việt Nam đã khởi đầu một cách mạnh mẽ khi ra mắt những mẫu ô tô điện đầu tiên, thu hút hàng nghìn đơn đặt hàng chỉ sau 12 tiếng. Điều gì đã tạo nên sức hút của chiếc xe điện mới ra mắt của VinFast?

Có thể nói, Việt Nam đang dần bắt nhịp với xu thế phát triển của ngành công nghiệp ô tô điện với “đầu tàu” là VinFast . Việc VinFast tung ra thị trường 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên (bao gồm VF31, VF32, VF33) chỉ sau gần 3 năm đi vào hoạt động đã tạo nên “cơn sốt” trên thị trường.

Gần 4.000 đơn đặt hàng chỉ trong 12 giờ đầu tiên mở bán là con số kỷ lục chưa từng có hãng xe nào đạt được tại thị trường ô tô Việt Nam. Sự đón nhận nồng nhiệt của khách hàng với một mẫu xe chưa một lần mục sở thị chứng tỏ thương hiệu và chất lượng sản phẩm của VinFast được đánh giá rất cao.

Bên cạnh những tính năng thông minh với hàm lượng công nghệ cao, điều tạo nên sức hút của xe điện VinFast chính là mức định giá phù hợp. Thông thường, với tầm giá 690 triệu (chưa bao gồm pin) rất khó kiếm được xe chạy máy xăng, chứ không nói đến xe điện.

Sở dĩ xe điện đắt hơn xe xăng là do chi phí bộ pin chiếm 40% tổng giá trị của nó. Chính sách cho thuê pin ô tô điện thay vì bán cả bộ pin của VinFast đã giải quyết được nút thắt đó khi vừa giảm được giá thành sản phẩm và đảm bảo rủi ro về chất lượng pin trong quá trình sử dụng cho người dùng.

Có thể nói pin là "trái tim" của một chiếc xe điện vì nó thể hiện được sự tự chủ về công nghệ. Nhưng hiện các hãng ô tô lại chưa thể tự nắm giữ được điều này mà phụ thuộc vào các hãng cung cấp. Với góc nhìn của chuyên gia, ông nghĩ VinFast có khả năng tự chủ pin trong tương lai không?

Theo tôi, việc sản xuất pin không phải vấn đề đơn giản vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là nguồn cung của vật liệu. Tuy nhiên, có thể thấy VinFast vẫn đang không ngừng nỗ lực để tiếp cận những cơ hội tự chủ công nghệ pin.

Điển hình, VinFast vừa ký kết hợp tác với ProLogium để sử dụng bằng sáng chế của hãng này về việc sản xuất các khối pin thể rắn - một công nghệ có thể giúp tăng mật độ năng lượng trên pin ô tô. Với thỏa thuận này, VinFast được quyền trang bị pin này cho xe của mình hoặc tự sản xuất loại pin này ngay tại Việt Nam.

Với bước đi chiến lược của VinFast, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào khả năng tự chủ công nghệ pin xe điện của hãng xe trong tương lai.

Trong khi Thaco và Thành Công vẫn tập trung vào xe động cơ đốt trong, thì VinFast lại dồn hết tiềm lực vào xe điện. Theo ông, đâu là lý do khiến ba ông lớn ngành xe ô tô của VN chọn hướng đi như vậy?

Mặc dù cả ba hãng VinFast, Thaco và Thành Công đều có điểm chung là công ty thuần Việt, nhưng định hướng sản xuất hoàn toàn khác nhau. Nếu VinFast là một nhà sản xuất độc lập (tự mình sáng tạo ra sản phẩm) thì hai hãng còn lại phát triển theo thiên hướng là nhà lắp ráp (lắp những thứ được thiết kế sẵn).

Chính vì là nhà sản xuất độc lập nên VinFast hoàn toàn có thể quyết định chiến lược phát triển của mình. Mặt khác, hai hãng trên chủ yếu phát triển nhờ hợp tác có sẵn với các thương hiệu nước ngoài nên cũng chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, nguồn lực cũng là một bài toán lớn đặt ra cho các hãng xe Việt khi muốn bước chân vào thị trường xe điện.

Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, xe điện là xu thế tất yếu bởi tương lai có thể sẽ không còn động cơ đốt trong. Điều này khiến cho việc “khai tử” động cơ đốt trong diễn ra nhanh chóng khi các nhà sản xuất ô tô công bố kế hoạch cắt giảm và dần tiến đến việc dừng bán ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu.

Cần phải nói thêm, sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam mỗi năm chỉ đạt khoảng 400.000 xe, con số này còn quá nhỏ so với mức tiêu thụ 14 triệu xe/ năm ở Bắc Mỹ và 20 triệu xe ở Trung Quốc. Vì vậy, nếu các hãng xe không nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng mới có thể sẽ thực sự gặp khó trong việc tìm nguồn cung ứng máy xăng trong tương lai.

Đứng trước xu thế điện hóa ô tô tràn ngập trong thời gian tới, nếu chậm chân có thể bị bỏ lại phía sau. Màn ra mắt những mẫu xe điện mới của VinFast đã cho thấy hãng này có một bước “đi tắt đón đầu” rất thông minh.

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, VinFast còn có tham vọng cạnh tranh với những hãng xe điện lớn của nước ngoài. Vậy ông đánh giá tiềm lực và khả năng của VinFast ra sao?

Hiện tại, VinFast đang sở hữu mạng lưới trung tâm nghiên cứu - phát triển tại Australia, Đức và Mỹ và trung tâm thử nghiệm xe đẳng cấp thế giới tại Australia. Theo tôi, điều này không chỉ thể hiện nguồn lực mạnh mẽ của VinFast, mà còn cho thấy một lộ trình được hoạch định rõ ràng nhằm hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường nước ngoài.

Không những thế, qua những sản phẩm ô tô điện VinFast mới ra mắt có thể thấy hệ sinh thái của hãng vô cùng hiện đại với những bộ óc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo hàng đầu.

Về tính cạnh tranh, theo đánh giá của tôi, xe điện có số lượng chi tiết ít hơn xe xăng, hơn nữa nó cũng tương đối mới nên tính vượt trội của các hãng cũng không thực sự cao. Bên cạnh những nguồn lực sẵn có, đó cũng là một lợi thế giúp VinFast có thể tự tin bước ra “sân chơi” ô tô điện để cạnh tranh với những thương hiệu nước ngoài.

Bên cạnh những lợi thế đó, thách thức nào đặt ra cho VinFast khi bước vào thị trường xe điện ?

Theo tôi, thách thức lớn nhất của VinFast là Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển xe điện. Trong khi tại nhiều nước đã có chính sách rõ ràng phân biệt rõ ràng giữa ô tô điện và ô tô xăng dầu, điển hình nhất là ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Để đăng ký ô tô máy xăng dầu, người dân Trung Quốc mất tới 1 năm chờ đăng ký và bỏ ra số tiền khoảng 12.000 USD mới có thể lăn bánh, trong khi đăng ký ô tô điện hoàn toàn miễn phí và thủ tục nhanh chóng.

Vậy nên nếu muốn tạo đà cho sự phát triển của ngành ô tô điện nói chung và ô tô điện của VinFast nói riêng thì Nhà nước cần có động thái mạnh mẽ trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển xe điện.

Phân tích tính năng nổi bật trong 3 dòng xe điện mới ra mắt của VinFast, kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, điểm vượt trội ở 3 dòng xe mới ra mắt của VinFast là đều sở hữu nhiều tính năng thông minh, đặc biệt là tính năng tự hành cấp độ 2-3.

Trong khi đó, hầu hết các mẫu xe điện trên thế giới chỉ có khả năng tự hành ở cấp độ 2, tức là hỗ trợ một phần cho người lái qua điều chỉnh lực xoay trên vô-lăng, không thể tự điều khiển xe ở mọi trường hợp.

“Theo tôi được biết tính năng tự hành của một hãng nổi tiếng như Tesla cũng chỉ được xếp hạng ở cấp độ 2. Vì vậy, việc VinFast đưa cấp độ tự hành lên mức 3 đã khẳng định năng lực triển khai các sản phẩm cao cấp, mang tính tiên phong của hãng này”, kỹ sư Tạch phân tích.

Phương Ly