Nữ sinh bị cưa chân đậu trường đại học Luật: Niềm vui và những trăn trở

Chuyện cô nữ sinh bị cưa chân đậu đại học Luật

Cách đây 2 năm, Lê Thị Hà Vi là cái tên được nhắc đến trong một sự kiện hi hữu khi bị cưa chân do lỗi tắc trách của bác sĩ. Hai năm trôi qua, cô học trò kiên cường ngày nào giờ đã xuất sắc đậu vào trường đại học Luật TP.HCM với tổng số điểm 24,5.

Chúng tôi tìm đến thăm em Lê Thị Hà Vi (SN 2000, ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào một buổi trưa nắng nhẹ của những ngày đầu tháng 8. Trái với không khí vui vẻ, hạnh phúc khi biết tin đỗ đại học, ở căn nhà của Vi, tôi cảm nhận được bầu không khí lo lắng, bất an đang bao trùm.

Biến cố 2 năm trước khiến cả cuộc đời của một cô gái hồn nhiên phải gắn với chiếc chân giả.

Ngày 6/3/2016, trên đường đi học về, Vi bị tai nạn giao thông. Đối tượng gây tai nạn đã bỏ trốn. Vi được người dân đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán Vi bị vỡ mâm chày xương cẳng phải. Quá trình điều trị tại bệnh viện khiến chân của Vi bị hoại tử, phải cưa bỏ hoàn toàn để bảo toàn tính mạng.

Không ai ngờ cô nữ sinh 16 tuổi mau chóng tìm lại nụ cười hồn nhiên của cái tuổi cắp sách tới trường. Vi tiếp tục hành trình chinh phục tri thức và thực hiện ước mơ làm nữ luật sư. Chỉ khác một điều, giờ đây, trên hành trình đó sẽ có nhiều chông gai, trắc trở. Bằng nghị lực, Hà Vi vươn lên đạt được thành tích tốt tại trường.

Vi nói: “Tai nạn là rủi ro không ai lường trước được, mình phải học cách chấp nhận thôi. Em chỉ tiếc một điều là vì một chút thiếu trách nhiệm của các bác sĩ mà em phải mất một chân khiến cho sinh hoạt của em bị đảo lộn nhiều thứ”.

Nữ sinh bị cưa chân đỗ trường đại học Luật: Niềm vui và những trăn trở

Vi vừa nấu ăn cho gia đình vừa thủ thỉ: “Em vẫn luôn cố gắng giúp bố mẹ công việc nhà như nấu ăn, rửa bát, giặt giũ… Đó cũng là cách để bố mẹ yên tâm hơn về em”.

Ánh mắt em ánh lên niềm tự hào khi nói về thành tích học tập của mình, Vi kể: “Môn Văn là môn em yêu thích nên phần lớn thời gian ở trường em dành cho môn học này. Ngoài thời gian học trên lớp được thầy cô chỉ bảo tận tình, về phòng em tìm đọc những tiểu thuyết hay, những tác phẩm nổi tiếng. Do đó, em đã tích lũy cho mình được những kiến thức cơ bản, nâng cao để hoàn thành tốt bài thi”.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia, môn Sử được đánh giá là môn có đề thi khá khó nhưng Hà Vi vẫn xuất sắc đạt được 9 điểm. Nói về điều này, Hà Vi cười nói: “Thực sự, nhiều người cho rằng đề thi năm nay môn Sử rất khó nhưng đối với em thì vừa sức. Bởi, trong quá trình học ở trường thầy cô đã chỉ cho em cách phân chia các mốc thời gian ra để học nên em đã nắm được những kiến thức căn bản. Ngoài ra, em rất thích các phim tài liệu về lịch sử nên nó đã bổ trợ cho em rất nhiều trong quá trình học”.

Đang trò chuyện , bỗng thấy Vi cau mày nhăn nhó, thấy tôi lo lắng, em kéo lại giải thích: “Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ đau nhức, cơn đau tận trong xương trong tủy khiến em không chịu nổi. Những lúc như thế em chỉ biết cắn răng chịu đựng, nghĩ đến mục tiêu của mình, tập trung vào học tập để quên đi những đau đớn về thể xác. Và kết quả ngày hôm nay đã là câu trả lời cho những cố gắng của em”.

Vi nhắc lại, thời điểm bị cưa chân, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến thăm em. Tại bệnh viện, Bộ trưởng Tiến đã động viên Hà Vi cố gắng học, thi vào ngành y và lãnh đạo ngành sẽ tạo điều kiện tốt nhất và công việc cho em sau này. Tuy nhiên, cô gái nhỏ đã từ chối đặc ân này. “Ngay từ ngày đi học em đã thích được làm công an. Tuy nhiên, tai nạn đã cướp đi 1 chân của em và cũng cướp đi mơ ước của em. Em rất cảm ơn tình cảm mà Bộ trưởng Tiến đã dành cho nhưng em muốn trở thành một nữ luật sư hơn là một bác sĩ. Em sẽ theo đuổi ngành mình thích và tin tưởng sẽ thành công trên con đường đã chọn”, Hà Vi tự tin nói.

Trong khi chúng tôi đang trò chuyện, ông Lê Văn Long (bố Hà Vi) cũng vừa về nhà. Khuôn mặt đượm buồn, ông cho hay, do sức khỏe yếu nên mẹ của Vi phải liên tục nhập viện để điều trị. “Nhưng từ khi nghe tin Hà Vi đỗ đại học, bệnh tình vợ tôi cũng có phần thuyên giảm”, ông Long chia sẻ.

Nói về việc Hà Vi đậu vào trường đại học Luật, ông Long phấn khởi nói: “Ngày nhận được tin cháu đậu vào trường đại học Luật, tôi mừng đến rơi nước mắt. Cháu là một người đầy bản lĩnh, nghị lực, là niềm tự hào của gia đình và dòng họ tôi”.

Nói rồi ông Long im lặng một hồi lâu, mắt nhìn đăm chiêu. Ánh mắt của ông đủ để người đối diện hiểu rằng, ông rất lo lắng việc con gái mình sắp tới phải rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ và phải tự lo cho bản thân. Và với kinh tế eo hẹp, để trang trải việc học cho con, ông phải cố gắng làm việc nhiều hơn nữa.

Rồi ông lại nói: “Dù kinh tế có khó khăn như thế nào tôi cũng cố gắng hy sinh để cháu học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng trường Hà Vi học ở TP.HCM, trong đó không có người thân lại thêm bị khuyết tật ở chân, sinh hoạt khó khăn không biết sắp tới cháu sẽ như thế nào nơi đất khách quê người”.

Nhắc đến việc sắp bước vào một môi trường mới, Hà Vi trả lời: “Em tin mình sẽ tự lo cho bản thân được ở môi trường năng động như TP.HCM”.

Khi được chúng tôi hỏi về gia đình tương lai, cô gái nhỏ e thẹn: “Thực sự em còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện đó. Mà từ ngày bị mất đi một chân em chưa dám nghĩ đến tương lai có một người đàn ông nào chịu chấp nhận một cô gái có khuyết điểm như em. Thế nên, em sẽ cố gắng học hành thành tài, để sau này lo cho ba mẹ… Đến lúc đó, hy vọng rằng sẽ có một người nào đó dám chấp nhận hy sinh, yêu thương chân thành thì khi đó em sẽ mở lòng…”.

Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Phú, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Công dân, trường THPT Đông Du, cho biết: “Hà Vi là một học sinh có lực học tốt, luôn chăm chỉ học tập, tập trung ôn luyện rất nghiêm túc trong kỳ thi THPT Quốc gia nên em trúng tuyển vào đại học Luật TP.HCM là chuyện không quá bất ngờ. Kết quả này, hoàn toàn xứng đáng cho sự cố gắng, nỗ lực của em trong suốt quá trình học tập. Nhà trường rất tự hào về em. Hà Vi chính là tấm gương cho rất nhiều học sinh khác noi theo”.