Trước tình hình diễn biến dịch bệnh, ngày 6/7, UBND tỉnh Gia Lai có Văn bản số 1388/UBND-KGVX chỉ đạo sở Y tế, sở Thông tin và Truyền thông, sở Giáo dục và Đào tạo... UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Tại văn bản, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nói trên chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan.
Tại xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Đồng thời tiến hành khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương có ca bệnh theo quy định và các khuyến cáo của bộ Y tế. Căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh để hỗ trợ kịp thời kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự toàn xã hội, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa đã có 10 ca mắc bệnh, trong đó có 1 nạn nhân tử vong. Ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa yêu cầu cho học sinh tại vùng dịch nghỉ học, bắt đầu từ 6/7".
Ông Trung nhấn mạnh: "Các trường học trên địa bàn xã Hải Yang phải phối hợp với UBND các xã tuyên truyền cho học sinh trong thời gian nghỉ học hạn chế ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh. Đối với các giáo viên vẫn phải đến trường trong thời gian nghỉ học để vệ sinh trường, lớp học và đảm bảo các biện pháp chống dịch".
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Tường Duy, Chủ tịch UBND xã Hải Yang cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã đã thành lập 4 chốt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, xã vận động người dân tích cực khai báo y tế, hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh. Về vấn đề nhu yếu phẩm, lương lực thực phẩm đảm bảo cho người dân sinh hoạt trong quá trình cách ly phòng chống bệnh, hiện các cơ quan chức năng của xã đang tiến hành họp đưa ra giải pháp".
Ngành y tế tổ chức khám sàng lọc tại khu vực vùng dịch xã Hải Yang.
Ông Thưh, Trưởng thôn Bông Hiot chia sẻ: "Làng có 293 hộ với 1.186 khẩu. Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai báo nhằm phát hiện sớm để cách ly, điều trị kịp thời, không để bệnh bạch hầu lây lan trên diện rộng. Sau khi nắm thông tin có ca bệnh bạch hầu trên địa bàn, tôi đã tuyên truyền, vận động người dân tập trung đông đủ để cán bộ y tế khám sàng lọc và uống thuốc dự phòng. Tôi cũng nhắc nhở mọi người làm theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế, bình tĩnh, không hoang mang”.
Trong khi đó, ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Gia Lai thông tin: "Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp. Đặc trưng của bệnh là gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc đường hô hấp gây ra biến chứng toàn thân, đặc biệt là biến chứng tim mạch, thần kinh, gây tử vong cao. Do vậy, bệnh nhân cần được phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời. Đồng thời, ngành y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiêm phòng, tạo miễn dịch chủ động đề phòng bệnh".
“Ngay khi nắm bắt thông tin về trường hợp mắc bệnh bạch hầu vào điều trị tại bệnh viện Nhi tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa lập tức khoanh vùng khu vực nhà của bệnh nhân để phun khử trùng tiêu độc, khám sàng lọc và cấp thuốc uống dự phòng cho người dân", ông Nam nói.
Theo ông Nam, trước đó ngày 4/7, sở đã lấy 26 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh chuyển viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Kết quả, có 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu. Trong số này có cha, mẹ của bệnh nhi. Các ca còn lại là họ hàng, người quen trong làng Bông Hiot.
Liên quan đến việc có trường hợp đã tiêm Vaccine bạch hầu nhưng vẫn bị nhiễm bệnh và tử vong, trao đổi với PV, bác sĩ Lê Thiện Thanh, Phó Giám đốc trung tâm Y tế TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai lý giải: "Với trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn bị nhiễm bệnh, có thể do sức đề kháng của người đó yếu, và 1 yếu tố nữa là vaccine không đảm bảo. Bởi, tại tỉnh Gia Lai, các đồng bào dân tộc thiểu số thường ở vùng hẻo lánh đường đi lại khó khăn. Do đó, đội ngũ y tế đến các làng để tiêm chủng, vaccine thường được đựng trong các túi lạnh. Do quãng đường đi xa túi lạnh mất chức năng, hơn nữa trời nắng nóng khiến vaccine mất tác dụng. Đó cũng có thể là nguyên nhân chính vaccine không đạt chuẩn, khi tiêm cho người bệnh không có hiệu quả".
Xã Hải Yang, nơi xảy ra dịch bệnh hiện được ngành y tế, chính quyền địa phương khoang vùng kiểm soát.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, bộ Y tế cũng vừa có công điện yêu cầu sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Theo bộ Y tế, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, khu vực Tây Nguyên ghi nhận hàng chục trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, đã có trường hợp tử vong. Để hạn chế tới mức thấp nhất số ca tử vong, bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ bệnh không lan rộng và kéo dài.
Hồ Nam