Gói 62 nghìn tỷ đồng ở Đắk Lắk: Trưởng thôn được xét cận nghèo vì có con học đại học?

KHÁNH NGỌC

Không riêng gì xã Ea Sô, một địa phương khác của tỉnh Đắk Lắk cũng tồn tại những bất cập liên quan đến việc chi trả từ gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nhiều hộ cận nghèo ngóng tiền hỗ trợ

Xung quanh những bất cập trong việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 tại xã Cư Elang (huyện Ea Kar), PV Người Đưa Tin Pháp luật tiếp tục nhận phản ánh của nhiều hộ cận nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng không được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ. Đó là hộ chị Hoàng Thị Gái (SN 1981, trú tại thôn 2, xã Cư Elang) thuộc diện hộ nghèo từ năm 2017 - 2019, đến năm 2020 được xác nhận hộ cận nghèo nhưng vẫn không được nhận tiền hỗ trợ. Chị Gái kể: “Hôm đó, thấy mọi người đi nhận tiền, tôi ra xã hỏi, nhưng họ nói tôi không nằm trong danh sách. Sau đó, cán bộ xã nói tôi về hỏi thôn, nhưng tôi về hỏi trưởng thôn thì họ lại chỉ ra hỏi xã. Nghe vậy, tôi rất bức xúc nhưng chỉ biết lặng lẽ ra về vì không biết phản ánh với ai”.

Nói về hoàn cảnh gia đình, chị Gái ngậm ngùi: “Gia đình tôi có 5 khẩu, trong đó 3 con nhỏ đang ăn học, chồng tại lại bị bệnh nhiều năm nay nên không lao động được gì. Cả gia đình được ông ngoại (bố của chị Gái) cho 1 xào đất lúa để canh tác. Để nuôi sống gia đình, tôi chỉ biết đi làm thuê với ngày công 150.000 đồng/ngày. Nhưng công việc lúc có lúc không nên số tiền kiếm được từ việc làm thuê cũng không đủ chi phí trong gia đình”.

Gia đình chị Hoàng Thị Gái được công nhận hộ cận nghèo năm 2019 nhưng vẫn không có trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ.

Cùng chung cảnh ngộ, hộ anh Long Văn Bào (SN 1988, trú tại thôn 6D, xã Cư Elang) cũng được công nhận hộ cận nghèo từ năm 2018-2020 nhưng không được nhận tiền hỗ trợ. Anh Bào chia sẻ: "Gia đình tôi có 6 khẩu, trong đó có 3 người con nhỏ. Cả gia đình chưa được 1 sào đất rẫy để canh tác, nguồn thu chủ yếu của gia đình phụ thuộc vào việc đi làm thuê nhưng công việc không ổn định nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, không hiểu vì sao khi chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 thì gia đình tôi không được nhận tiền. Vợ tôi có ra hỏi thôn nhưng họ nói không có danh sách nhận tiền”.

Hộ anh Long Văn Bào cũng thuộc hộ cận nghèo nhưng không được nhận tiền hỗ trợ.

Khác với hai hộ dân nói trên, hộ anh Lò Văn Nhuận (SN 1977, trú tại thô 6B, xã Cư Elang) được cán bộ đến “vận động” ký đơn không nhận tiền hỗ trợ. Anh Nhuận cho hay, một hôm có 2 cán bộ xã và 3 cán bộ thôn vào nhà vận động gia đình anh “nhường” tiền hỗ trợ Covid-19 cho những nhà khó khăn hơn.

Sau đó, anh Nhuận được cán bộ nói ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ. Do không biết chữ, không biết đọc, chỉ biết viết họ tên mình nên anh Nhuận không biết nội dung trong tờ giấy mình ký là gì. "Tôi viết được họ tên mình cũng là do vợ dạy cho, còn những chữ khác tôi không không biết, không đọc, cũng không viết được” - anh Nhuận khẳng định.

Anh Nhuận cho hay, gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo năm 2019. Nguồn thu của cả gia đình phụ thuộc vào hơn 1 ha đất đồi nhưng đất đai cằn cỗi nên chỉ trồng được ngô, thu nhập cũng không đáng bao nhiêu. Kinh tế khó khăn nên nhiều năm nay, gia đình anh sinh sống trong căn nhà ván dựng từ năm 2002.

Anh Lò Văn Nhuận kể lại việc được cán bộ vào "vận động" "nhường" tiền hỗ trợ.

Trưởng thôn được nhận tiền hỗ trợ

Không riêng gì xã Cư Elang, tại xã Ea Sô (huyện Ea Kar) cũng có nhiều hộ được đánh giá có “nhà cao cửa rộng” nhưng vẫn nằm trong diện cận nghèo và được nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Cụ thể, hộ ông Phan Tự (trú tại thôn 1, xã Ea Sô) sinh sống trong căn nhà cấp 4 kiên cố, có xe ô tô tải... nhưng vẫn có tên trong danh sách phê duyệt được nhận 3.750.000 đồng/5 khẩu. Đáng nói, vợ ông Tự là bà Đỗ Thị Thanh Thủy cũng chính là Trưởng thôn thôn 1.

Ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh.

Cách nhà bà Thủy chừng 50m, hộ ông Nguyễn Văn Mạnh sinh sống trong căn nhà 2 tầng nhưng vẫn được nhận số tiền hỗ trợ 4.500.000 đồng/6 khẩu. Tương tự, gia đình ông Lê Văn Huy (trú tại thôn 1, xã Ea Sô) cũng có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, trước đây, gia đình ông là hộ nghèo do chưa có nhà. Sau đó, ông vay hơn 200 triệu đồng làm nhà do nhà cũ dột nát. “Năm ngoái (năm 2019), xã về đây điều tra thì tôi xin cận nghèo để cho con đi học có cái điểm và năm nay được hỗ trợ Covid -19, chứ không được hưởng gì trong thôn này hết. Thậm chí, gạo Nhà nước cho con tôi, tôi vẫn ủng hộ cho thôn” – ông Mạnh nói.

Khi được hỏi về việc vì sao, một số hộ có “nhà cao cửa rộng”, kiên cố, thậm chí thôn trưởng vẫn được nhận tiền hỗ trợ Covid theo diện cận nghèo, bà bà Đỗ Thị Thanh Thủy giãi bày: “Đồng ý là gia đình nhà ông Mạnh 6 khẩu, điều kiện gia đình vẫn có, so với người ta thì vẫn đủ ăn. Tuy nhiên, khi xét góc độ của toàn dân, chúng tôi thống nhất hộ anh này có 2 sinh viên. Do đó, trong cuộc họp, dân thống nhất đồng ý cho hộ này có điều kiện vay vốn ngân hàng cho con ăn học. Chính vì vậy, hộ này được đưa vào diện cận nghèo”.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy giải thích về lý do gia đình bà được xét cận nghèo.

Cũng theo bà Thủy, gia đình ông Lê Văn Huy cũng có con học đại học và được xét hộ cận nghèo để cho con đi học. Khi nói về gia đình mình, bà Thủy cho biết, gia đình bà có hơn 1 ha đất nhưng đất xấu, còn xe tải mới mua cách đây khoảng 3 tháng. Do nhu cầu vay vốn ngân hàng để cho con đi học đại học nên dân đồng ý bình xét gia đình bà được nằm trong diện cận nghèo từ năm 2018 đến nay.

“Từ xưa đến nay, không ai quan tâm gì đến hộ cận nghèo hết. Xưa nay, hộ cận nghèo cũng không bao giờ có chế độ gì. Năm nay, có tiền hỗ trợ Covid - 19 thì dân mới kiện thôi” – bà Thủy cho hay.

Liên quan việc chi trả tiền hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Hữu – Chủ tịch UBND xã Ea Sô - cho biết: “Công tác chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho những hộ nghèo và cận nghèo đến thời điểm hiện tại cơ bản gần xong. Đến nay, chưa có ai phản ánh gì. Đối với tiêu chí xét hộ nghèo, cận nghèo, lãnh đạo xã chỉ đạo các cán bộ phải làm cho chặt chẽ, chứ không được du di. Ở đây, chúng tôi chỉ đạo không có khái niệm thay đổi nhau vào hộ nghèo, cận nghèo. Tôi đã yêu cầu cán bộ chuyên môn xuống phải rà soát thực tại, nhìn nhận đa chiều”.

Ông Nguyễn Xuân Hữu – Chủ tịch UBND xã Ea Sô nói về việc chi trả tiền hỗ trợ Covid tại địa phương.

Trước việc một số hộ có “nhà cao cửa rộng”, thậm chí Trưởng thôn vẫn được xét cận nghèo do có con em học đại học và được nhận tiền Covid-19, ông Hữu thông tin: “Những trường hợp này, vừa rồi tôi đã chỉ đạo cho anh em kiểm tra lại ngay, nếu có trường hợp như thế thì phải làm việc ngay. Phải chăng, thời điểm tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo không chặt chẽ, khách quan từ dưới cơ sở dẫn đến những trường hợp này được nhận tiền Covid-19. Trước đây, tôi phát hiện ra một số trường hợp gia đình con cái đi học nhưng về kinh tế không có khó đâu, nằm trong hộ cận nghèo để đảm bảo quyền lợi con em đi học.

Tôi thấy khó chịu và đề nghị cán bộ chuyên môn, đồng chí nào làm mà xảy ra những trường hợp này thì tôi kiểm điểm, không thể nào để như thế được. Tôi cũng đã từng chỉ đạo, không có chuyện xin vào hộ nghèo, cận nghèo, kể cả cả anh có 5, 10 đứa con đi học thì chỉ là một lĩnh vực học hành. Bởi chưa hẳn có con đi học là đã nghèo đâu”.

Phối hợp với cơ quan công an làm rõ phản ánh

Ông Trần Phú Hùng – Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - cho biết, sở đã nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Ea Pil (huyện M’Đrắk); xã Cư Elang (huyện Ea Kar) về những bất cập xoay quanh việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân. Hiện, sở đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với phòng Lao động Thương binh và Xã hội cấp huyện xuống xã kiểm tra tình hình, kiểm tra quy trình rà soát và đánh giá hộ nghèo hàng năm, quy trình triển khai chi trả gói 62 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Công an tỉnh làm rõ một số nội dung đơn thư phản ánh của người dân.

K.N