Gói kích thích kinh tế sau Covid-19 lần 2 cần thực chất, tránh “vết xe đổ”!

Thu Huyền

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, việc xây dựng các gói kích thích kinh tế lần 2 cần phải đẩy nhanh tiến độ hơn, mang tính dài hạn, đúng đối tượng, tránh tình trạng “mỡ bôi cột” như vừa qua.

Điều kiện khắt khe, tiến độ giải ngân chậm

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV.

Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai các gói kích thích kinh tế lần 1 mà Chính phủ đã đưa ra?

Về nội dung kích thích kinh tế lần 1, Chính phủ đã đưa ra 4 gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng giá trị thực mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng cam kết bỏ ra là khoảng 181.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019.

Đầu tiên là gói hỗ trợ tài khóa với giá trị khoảng 73.100 tỷ đồng theo Nghị quyết 41/2020/NĐ-CP (tháng 4/2020). Gói thứ hai là gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng có giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng. Gói thứ ba là gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Gói thứ tư là các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng, bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng.

Trong các gói hỗ trợ kể trên, gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại các gói khác triển khai rất chậm, chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Một phần là do các gói hỗ trợ có thủ tục rườm rà, bất hợp lý, còn nhiều vướng mắc cần phải được khắc phục trước khi chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ kích thích kinh tế lần 2.

Kể từ thời điểm gói vay 16.000 tỷ đồng (gói vay trả lương, lãi suất 0%, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động) - nằm trong gói 62.000 tỷ đồng được đưa ra, hiện chỉ có một doanh nghiệp được phê duyệt đủ điều kiện vay nhưng sau đó doanh nghiệp này cũng đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Đến thời điểm hiện tại, gói vay 16.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Đó là điều đáng buồn. Do điều kiện đặt ra còn quá khắt khe, chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn, đặc biệt là khâu thủ tục còn quá phức tạp, quá trình xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn tự gồng mình, tự xoay sở để duy trì “sự sống”.

Việc tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này là cần thiết, tuy nhiên các tiêu chí đưa ra trước đó cần phải thay đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp hiện nay.

Gần 5 tháng triển khai, chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng.

Nhìn gói 1 để toan tính gói 2

Để gói hỗ trợ kích thích kinh tế lần 2 hiệu quả hơn, đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận dễ hơn, theo ông cần đặc biệt chú ý điều gì?

Trên thực tế, kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ lần 1 mới chỉ thành công đối với đối tượng thuộc diện chính sách, trong khi rất hạn chế đối với người lao động, đặc biệt là lao động phi chính thức. Tôi cho rằng, gói lần 2 phải đảm bảo độ bao phủ đến cả cả doanh nghiệp nhỏ và lớn vì cả hai đều chịu tác động tiêu cực, bao phủ đến nhóm lao động tự do vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Việc hỗ trợ phải có chọn lọc, phân loại ngành, nghề dựa trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí nhận hỗ trợ. Tôi cho rằng, các điều kiện hay tiêu chí nhận hỗ trợ cần bao gồm tính lan tỏa (tức doanh nghiệp có sức lan tỏa, tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác), có khả năng phục hồi và cam kết không sa thải nhân viên (hoặc không quá 10%).

Còn về thời gian thực hiện thì ra sao, thưa ông?

Theo tôi, việc thực hiện gói hỗ trợ lần 2 cần có quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp. Có thể từ quý IV năm 2020 đến hết năm 2021, như vậy mới có thể giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó.

Như ông nói, cần xây dựng một giải pháp đồng bộ. Vậy ông có đề xuất gì thêm?

Tôi đã có nghiên cứu về những giải pháp đồng bộ. Một trong số đó là làm sao để có thể tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng tốc độ xử lý công việc là cần thiết.

Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020, ban hành chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất.

Tiến trình phát triển kinh tế số cần được đẩy mạnh, vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch được kiểm soát như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Mỹ và EU. Tận dụng tốt hơn nữa các hiệp định như hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Xin cảm ơn ông!

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào hồi tháng 7/2020, bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng gói kích thích kinh tế lần 2 với kinh phí ước tính là 18.600 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ tập trung cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động…

T.H