Hà Nội tiếp tục được trông xe dưới gầm cầu: Hãy chỉ là tạm thời

Nguyễn Lâm

Mới đây, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có cái “gật đầu” để TP. Hà Nội tiếp tục được trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tìm phương án an toàn, văn minh hơn để giải quyết bài toán này.

Cụ thể, bộ GTVT cho rằng, do nhu cầu của người dân tại Hà Nội là rất lớn, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông dành cho đỗ xe còn rất hạn chế, nên Bộ đồng ý cho thành phố Hà Nội tiếp tục được trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn thành phố.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, nhu cầu đỗ xe của người dân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông dành cho đỗ xe còn rất hạn chế và việc sử dụng một số vị trí gầm cầu vượt, lòng, lề đường, hè phố để đỗ xe, tổ chức trông giữ xe ôtô, xe máy đã và đang được thực hiện ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương.

Ông Thọ cũng cho biết, ngày 19/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, trong đó đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe. Thời gian cho phép triển khai thực hiện không quá 2 năm theo Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ trưởng cho hay, bộ GTVT đang nghiên cứu, rà soát để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan, cập nhật nội dung trên vào các quy định của pháp luật để phù hợp với thực tiễn về nhu cầu bãi đỗ xe đồng thời bảo đảm an toàn cháy, nổ đối với các hoạt động trông giữ ôtô, xe máy, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện và công trình kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc bộ GTVT cho phép TP. Hà Nội tiếp tục trông giữ xe ở dưới gầm cầu là phù hợp với tình hình giao thông và nhu cầu của người dân hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý các điểm trông giữ xe này như nào mới là vấn đề cần quan tâm.

“Chúng ta phải nhận định ngay từ đầu đây chỉ là biện pháp tạm thời, có thể xóa đi bất cứ lúc nào cũng được. Tiếp đó là phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng cây cầu và không ảnh hưởng đến giao thông và môi trường khu vực xung quanh. Các đơn vị được cấp phép hoạt động phải đảm bảo được các tiêu chuẩn về ATGT, an toàn cháy nổ”, ông Đức nêu quan điểm.

Trước đó, đầu năm 2019, bộ GTVT đã yêu cầu thành phố Hà Nội chấm dứt việc trông giữ xe dưới gầm cầu bởi Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 9/10/2017 hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ không cho phép sử dụng gầm cầu làm nơi trông giữ xe.

Tuy nhiên, Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Do vậy, thành phố Hà Nội đã đề nghị bộ GTVT tải sửa đổi quy định, cho phép Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác tiếp tục tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu tại một số khu vực đủ điều kiện để tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Được biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 4 vị trí gầm cầu tổ chức trông giữ phương tiện gồm gầm cầu Vĩnh Tuy, gầm cầu Chương Dương, gầm cầu vượt Ngã tư Vọng và gầm cầu vượt Mai Dịch.

N.L