Tận cùng của sự bất nhân

Minh Khánh

Kền kền là loài chim ác, gắn với những gì được coi là ăn tạp nhất. Nó là loài ăn xác chết. Nó hiện thân của cái ác và sự đen tối. Hà “sắc” bảo kê hỏa táng, là một dạng “ăn” trên xác người, trấn lột tiền của người đã khuất. Không đơn giản gọi tên của cái ác mà nó là tận cùng của sự bất nhân.

Cái ngột ngạt của nắng hè dường như được trút bỏ phần nào khi người dân thành Nam nghe tin băng nhóm bảo kê Hà “sắc” bị khởi tố, bắt giam. Những “ông ác” một thời gian dài ngông cuồng, tự phụ khiến bao người phải nhìn sắc mặt chúng mà sống giờ cũng bị pháp luật “sờ gáy”. Nhưng ám ảnh về Hà “sắc” vẫn còn oi nồng, nặng nề như tiết trời mùa hạ trước cơn dông tố.

Những công ty như Trường Dương, Hoàng Long như gỡ được cái gông ngàn cân trên cổ của mình. Chuyện “cắt phế” giờ đây đã thành ngày hôm qua. Họ đã có quyền được thu phí dịch vụ hỏa táng theo cách tính đúng, tính đủ không phải cộng phần chi cho “dân anh chị”. Cũng không còn phải sợ khi lỡ tính nhầm số ca hỏa táng bị “đàn anh” đến trợn mắt, đập bàn khiến mặt tái dại, cắt không còn giọt máu. Người làm ăn đã trở về với bến bình an, người khuất núi yên tâm về miền cực lạc.

Chuyện đã qua, bình yên hôm nay nhưng vẫn còn hiện hữu trong nỗi sợ xa xôi của nhiều nhà có đám. Chỉ nghĩ đến tang gia bối rối, thôi thì người ta đưa giá hỏa táng bao nhiêu thì đành chịu. Họ bảo giá dịch vụ đóng khung như vậy, gia chủ cũng chỉ biết nghe theo. Bởi lẽ, ma đã ở trong nhà làm sao không đưa cho được.

Người biết so sánh đều thấy giá bất thường, chênh lệch hỏa táng ở Nam Định so với tỉnh khác là hơn 1 triệu đồng. Biết bị bắt chẹn nhưng không theo cái “vòng xoay bão táp” ấy sẽ bị chặn lối, bị gây rối không thể tiễn người đã khuất về cõi vĩnh hằng.

Tôi có người thân bị ung thư ở Nam Định, là người đầu tiên ở vùng quê gần biển trước khi mất đã di ngôn lại được hỏa táng. Nhà nghèo căn nhà trống hoác không còn chút tài sản gì. Với nhà người đã mất vài triệu là cả một gia sản lớn. Vợ đã mất, con bị tâm thần, một đứa con lên tận miền núi lập nghiệp. Họ hàng thương tình gom góp hỗ trợ để đưa người mất đi hỏa táng. Ai ngờ, trong số kiếp cùng khổ ấy, 10,5 triệu đồng chi ra làm dịch vụ chỉ có 5,5 triệu đồng là tiền hỏa táng, còn lại là dịch vụ xe tang, nhang đèn và có cả tiền “bảo kê”.

Ai biết chăng, công ty Trường Dương chỉ mất 4,3 triệu đồng tiền phí hỏa táng, tuy nhiên thực tế họ Công ty Trường Dương vẫn thu 5,5 triệu đồng/ca. Tiền chênh hơn 1 triệu đồng kia là để cống nạp cho cái túi tham không đáy, cho sự bất lương đến tận cùng.

Với nhiều người, 1,2 triệu đồng chỉ như một tinh thể muối nhỏ bỏ vào đại dương mênh mông. Nó chẳng đáng là bao. Nó không là mối bận tâm. Nhưng với người nghèo, mọi sự lo toan đều là cố gắng đến những đồng tiền đáy túi thì lại là chuyện không hề nhỏ. Vậy nhưng, như loài chim ác, những kẻ “bảo kê” hỏa táng nào có tha cho ai. Đồng tiền với chúng như ma lực xòa nhòa đi lòng trắc ẩn, tình người. Với chúng, đồng tiền có mùi tanh của máu. Không chiếm đoạt được chúng sẵn sàng vung dao dọa chém, dọa giết!

Một cặp bài trùng Đường- Dương đã khiến bao người dân Thái Bình khốn khổ. Cái ác xâm chiếm lấy hồn và xác của những kẻ bất nhân bấn loạn chạy theo đồng tiền. Ở Nam Định bóng ác ma lại bổn cũ soạn lại với việc bảo kê hỏa táng. Một dạng tội ác khiến người đời căm phẫn. Những kẻ này không đáng được gọi là con người, nó là hiện thân của loài ác quỷ. Bởi lẽ làm người không ai ác tâm làm vậy!

M.K