Hành trình bão táp 21 năm xuôi ngược để sinh con

Hải Yến

Từng có tiền sử lạc nội mạc tử cung, phải cắt bỏ vòi tử cung và mang thai ngoài tử cung 2 lần, chị Minh vẫn chưa thôi khắc khoải khi nhớ lại hành trình hiện thực hóa giấc mơ làm mẹ đầy sóng gió…

Nhiều lần tuyệt vọng

Câu chuyện của vợ chồng anh Mẫn Xuân Minh (SN 1973) và chị Nguyễn Thị Minh (SN 1977, trú tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) 21 năm ngược xuôi vì hiếm muộn khiến bất cứ ai khi theo dõi đều xúc động.

Bế cậu con trai kháu khỉnh trên tay, ít ai biết người phụ nữ lần đầu làm mẹ ở tuổi 43 ấy vừa mới trải qua chặng đường đầy sóng gió không lâu. Kết hôn từ năm 1998 nhưng mãi chẳng có tin vui, nghĩ vợ chồng còn trẻ nên chị Minh chẳng lo lắng nhiều. Thế rồi 3 năm mặn nồng thấm thoát trôi qua, chị Minh đi khám và tá hỏa phát hiện những khiếm khuyết về khả năng sinh sản.

Giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ hiếm muộn sinh con sau 21 năm sóng gió.

Chạy chữa khắp nơi, hễ ai giới thiệu đâu là hai vợ chồng tìm đến đấy nhưng đều không có kết quả. Chị rơi vào ngõ cụt khi liên tiếp hy vọng rồi thất vọng, không biết bao lần ra đi “tay trắng” rồi khi trở về cũng lại trắng tay.

Hành trình kiếm tìm đứa con thơ bắt đầu từ những ngày tháng ấy, gian nan nào chị cũng từng kinh qua nhưng nhói lòng nhất có lẽ là cảm giác mừng hụt khi biết mình mang thai ngoài tử cung đến hai lần. Hứng cú sốc đầu tiên vào năm 2003, chị chưa bao giờ nghĩ mình rơi vào viễn cảnh oái oăm như vậy.

“Lúc đó, khoa học chưa hiện đại như bây giờ, chúng tôi cũng không nghĩ đến trường hợp mình bị chửa ngoài tử cung. Tôi đi kiểm tra thì bác sĩ bảo bị động thai và rồi kéo dài suốt 2 tháng tôi cứ đau bụng, đi viện xong về. Được người bạn giới thiệu, tôi lại đến một bệnh viện ở Bắc Ninh kiểm tra thì bác sĩ yêu cầu ngay lập tức phải nhập viện để theo dõi chửa ngoài tử cung. Tôi nhập viện lúc 7 giờ tối thì 9 giờ tối phải mổ cấp cứu. Lúc đó, sắp vỡ ối rồi, mất rất nhiều máu và rồi tôi mất con”, chị Minh nhớ lại.

Đến năm 2005, chị Minh lại một lần nữa mang thai ngoài tử cung. Câu chuyện buồn năm xưa lặp lại bằng những cơn đau bụng và ra huyết kéo dài. Hai vợ chồng tiếp tục hành trình “khăn gói quả mướp” đi bệnh viện và cuối cùng vẫn phải gặp bác sĩ để nạo hút. Đau đớn, tuyệt vọng vì chỉ còn một bên vòi trứng, chị Minh quyết định từ bỏ ý định sinh con, phó mặc và nhất quyết có chết cũng không đi bệnh viện nữa.

Được sự động viên của chồng và phải nhờ đến hai bên nội ngoại tác động, trái tim của người mẹ hiếm muộn một lần nữa hồi sinh. Tiếp tục chuỗi ngày chữa trị không hồi kết, chị Minh kể lại kỷ niệm người chồng một tay ôm vợ, một tay đi xe máy đưa vợ đi cấp cứu. Đến năm 2007, chị Minh tiến hành mổ thông vòi trứng với những hy vọng mong manh về giấc mơ làm mẹ.

Dồn toàn bộ số tiền ít ỏi còn lại vào “trận đánh” quyết định, năm 2008 vợ chồng chị Minh “sức cùng lực kiệt” khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng không thành công: “β-hCG (pregnancy hormone – nồng độ xác định chính xác nhất khả năng mang thai) của tôi không có, lúc ấy về thật sự rất là tuyệt vọng, hai vợ chồng cùng quẫn vì tiền đã hết, vay mượn nhiều để chạy chữa mà chẳng còn cơ hội để có con.

Khó khăn chồng chất, nợ nần khắp nơi, chồng chị xin đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền trang trải. Không còn cách nào khác, chị Minh đành chấp nhận để người “đầu gối tay ấp” bôn ba nơi đất khách hơn 10 năm. Vượt qua cơn khủng hoảng về kinh tế với khao khát sinh con chưa bao giờ vơi cạn, ngay khi trở về nước, vợ chồng anh Minh đã quyết dùng số tiền ít ỏi chắt chiu được để “khởi động” lại cuộc hành trình đã “nghỉ phép” nhiều năm.

Điều kỳ diệu gõ cửa

Năm 2018 được coi là dấu mốc trọng đại của vợ chồng chị Minh. Đến thăm khám tại một bệnh viện chuyên khoa sản ở Hà Nội, cách duy nhất để có con vẫn là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã vắt kiệt tâm sức vợ chồng chị nhiều năm trước. IVF là hy vọng cuối cùng, một mặt vì chị đã lớn tuổi, cơ hội mang thai cũng sẽ thấp dần đi mà thậm chí không còn nữa, mặt khác khi nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại không dư giả nên hai vợ chồng chị quyết định buông xuôi.

Cơ duyên tìm đến, chị Minh lại được một người bạn giới thiệu đến thăm khám tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Từ đáy sâu u tối chợt bùng lên tia hy vọng bé nhỏ, linh tính của người mẹ mách bảo chị phải thử thêm lần trót.

Đúng như dự đoán, cuộc sống của chị bỗng chốc được tái sinh khi bác sĩ chẩn đoán còn khả năng sinh con. Mặc dù chồng chị còn lăn tăn sau bao lần thất bại rằng “bây giờ mình già rồi, đi chữa cũng tốn nhiều, hay thôi không đi nữa vì biết có được hay không, giữ lấy một ít tiền để sau này về già vợ chồng còn có cái mà trông”, chị Minh vẫn một mực: “Anh cho em đi thêm một lần nữa, dù được hay không thì em cũng toại nguyện để sau này không có gì phải hối hận”. Đồng cảm với vợ, anh Minh gật đầu đồng ý.

Quá trình điều trị bắt đầu diễn ra từ ngày 27/10/2018, hơn 2 tháng sau, thời khắc quyết định đã đến, ngày chuyển phôi thai lại diễn ra vào đúng thời điểm niêm mạc chị Minh rất xấu. Tâm lý lung lay trước lời khuyên của bác sĩ nhưng cuối cùng chị Minh vẫn mạnh dạn quyết định tiến hành.

Điều kỳ diệu đã xảy ra: “Sau ngày thứ 6 tôi đã biết kết quả, β-hCG của tôi rất cao, tôi mừng lắm, thực sự cảm xúc lúc ấy không có gì diễn tả được, tôi khóc òa như một đứa trẻ con. Tôi gọi điện báo cho chồng, anh ấy vỡ òa vui sướng nói: “Em ơi, anh chỉ muốn hô thật to với mọi người là vợ tôi có bầu rồi”, thật sự rất xúc động”.

Hạnh phúc mỉm cười trên gương mặt người phụ nữ lần đầu làm mẹ ở độ tuổi ngoài 40.

Ba tháng đầu mang thai, chị Minh gặp rất nhiều khó khăn. Năm lần bảy lượt mất máu, vợ chồng chị tiếp tục chuỗi ngày “ăn dầm nằm dề” tại bệnh viện. Khi nghe bác sĩ nói trường hợp của mình rất nguy hiểm và khó giữ được con, chị Minh lo sợ đến thót tim nhưng cũng phải cố gắng tự trấn an mình. Sau đúng 39 tuần thai kỳ, năm 2019, chị Minh hạ sinh một cu cậu kháu khỉnh nặng 3,6kg, bé rất ngoan và khỏe mạnh.

Cuộc hành trình 21 năm bão táp cuối cùng cũng khép lại. Giờ đây, gia đình chị Minh hạnh phúc tròn đầy, viên mãn với sự ra đời của đứa con dùng cả tuổi xuân để ngóng đợi. Đó là trái ngọt quả thơm, là món quà vô giá mà biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn như vợ chồng chị Minh sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được. Không còn những tháng ngày u uất, cuộc sống gia đình nhỏ giờ đây rộn rã tiếng cười, được điểm tô thật nhiều gam màu tươi mới.

Nhiều gia đình hiếm muộn hái được quả ngọt

Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cùng nhiều phương pháp hỗ trợ khác đã giúp nhiều trường hợp hiếm muộn tưởng chừng vô vọng cuối cùng vẫn có được quả ngọt".

H.Y