img

Hành trình kiên cường của ông bố trẻ cùng con gái 3 tuổi đối mặt đại dịch trong khu cách ly

Hà Nguyễn

Ngày phát hiện bản thân cùng con gái 3 tuổi tiếp xúc gần với BN589, anh Lưu Văn L. vô cùng lo lắng. Sau những phút giây suy nghĩ, anh quyết định khai báo y tế để tự bảo vệ mình và những người là F2,F3… Hành lý đến khu cách ly chỉ có vài bộ đồ cùng cô con gái bé bỏng chưa biết đến sự nguy hiểm của đại dịch. Trong ngổn ngang lo toan, anh trở thành điểm tựa, giúp con gái tạm quên sự xa lạ, kỷ luật ở khu cách ly cùng nỗi nhớ mẹ.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Nửa đêm, khi con gái mới 3 tuổi đã say giấc, anh Lưu Văn L., 30 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM mới có thời gian chia sẻ những thông tin về chuỗi ngày cùng con cách ly theo quy định tại khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid 19 quận Tân Phú (28 Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh). Những dòng chia sẻ của anh đều hết sức lạc quan, chủ yếu khuyên người dân phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch. Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, anh L. cho biết, anh và con gái phải thực hiện cách ly 14 ngày vì vô tình tiếp xúc gần với BN589.

Anh L. kể: “Khi được tin tôi và con vừa tiếp xúc gần BN589, tôi vô cùng hoang mang. Tôi nghĩ mình là F1 cần phải khai báo để bảo vệ những người là F2, F3… Tôi cũng quyết định khai báo con gái tôi và chấp nhận việc cùng bé đến khu cách ly dù rất thương con. Bé còn nhỏ quá, sợ đi cách ly cùng tôi sẽ khổ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, nếu để con ở nhà, nhỡ có chuyện gì tôi sẽ ân hận cả đời”.

img

Bên trong khu cách ly tập trung, nơi anh L. và con gái đang thực hiện cách ly theo quy định.

Và, khó khăn dường như chỉ mới bắt đầu với anh L.. Trước thời điểm khai báo y tế, anh vẫn hy vọng được cách ly tại nhà. Bởi, khi tiếp xúc với BN589, anh và con có đeo khẩu trang. Tuy nhiên, sau khai báo, anh được yêu cầu cùng con đến khu cách ly tập trung của quận. “Nghe vậy, lòng tôi đau nhói. Tôi chết lặng hồi lâu trước khi kịp trấn tĩnh để tìm cách thuyết phục con gái cùng đi cách ly. Tôi xác định rõ 14 ngày này sẽ rất dài với tôi và càng dài hơn với con gái mình. Để thuyết phục con, tôi nói với bé: “Trong người cha với con có virus nên phải đi cách ly để bác sĩ bắt con virus không thôi là con virus nó tấn công mẹ luôn đó” bé mới chịu đi”, anh L. kể.

Dù cố tỏ ra tự nhiên và hết sức bình tĩnh trước mặt con, anh vẫn không khỏi lo lắng nghĩ “nếu không may mình và con bị nhiễm thì con sẽ như thế nào? ai sẽ chăm sóc con?”. Sau khi dặn dò vợ, người thân phải tự cách ly tại nhà theo quy định, anh dắt con cùng số hành lý ít ỏi đến khu cách ly. Anh bắt đầu cuộc chiến chống đại dịch và những sợ hãi, lo lắng của bản thân bằng việc trở thành niềm tin cho cô con gái nhỏ. Ngày anh và con đi, vợ anh vừa trở về sau ca phẫu thuật dài ngày, khóc ngất bởi lo sợ cùng nỗi nhớ con quay quắt.

img

Một mình cùng con đi cách ly, anh L. vừa là chỗ dựa tinh thần cho con gái vừa thay thế mẹ bé để chăm sóc cho con từ miếng ăn, giấc ngủ.

“Học kỳ quân sự của con”

Những ngày đầu đến khu cách ly, anh L. cố gắng lấy lại tinh thần để làm chỗ dựa cho con gái. Anh kể: “Khi biết phải đi cách ly, tôi “đứng hình” rồi tự nhủ cứ xem như 2 cha con đi du lịch cho nhẹ nhàng. Tuy nhiên, khi vào khu cách ly, tôi lại thấy giống như kỳ học quân sự của con. Tôi tìm mọi cách để con vui vẻ, không biểu hiện để con lo lắng, hoang mang. Rất may, trước đây, mỗi lúc có thời gian, tôi đều chở con đi lang thang, du lịch nhiều nơi và nghỉ lại. Do đó, Bắp (tên thường gọi của con anh L.) đã quen ngủ chỗ lạ, xa nhà nên dễ chấp nhận hoàn cảnh cách ly này hơn”.

Dù nhớ mẹ, nhớ nhà đến phát khóc nhưng Bắp vẫn khiến anh bất ngờ, tự hào. Trong bộn bề khó khăn, bé dường như trưởng thành hơn. “Sau 1 tuần cách ly tại nhà, mẹ bé đến đưa đồ ăn cho 2 cha con. Trông thấy mẹ vừa đến ngoài cổng, Bắp chạy ra nhưng bé chỉ đứng từ xa rồi mếu mếu. Sau đó, bé tự chạy vào phòng. Bé nói với tôi như thể tự an ủi mình: “Mấy bữa nữa là con về rồi”. Bắp hiểu tình cảnh của mình và quyết tâm cùng tôi vượt qua. Điều này khiến tôi cũng như những người khác cùng phòng bất ngờ và cảm động”, anh L. tự hào chia sẻ. Để nỗi buồn chán, cô đơn không có cơ hội tiếp cận con trong thời gian cách ly, anh L. tự xếp thời gian biểu trong ngày cho mình và con.

img

Dù đang trong thời gian cách ly, anh L. vẫn không lơ là việc học của con. Trong ngày, anh tự lên thời gian biểu cụ thể để con có thể vừa học vừa chơi.

Cụ thể, 6h sáng anh dậy vệ sinh cá nhân, lau phòng sạch sẽ. 6h30 anh đánh thức con, vệ sinh rồi cho con ăn, viết bài. Trưa, anh cho Bắp ăn, dỗ bé ngủ. Chiều, anh L. cho bé uống sữa, viết bài, tập thể dục. Anh kể: “Trong này, khó khăn nhất vẫn là làm sao giữ vệ sinh cho Bắp, nhắc bé đeo khẩu trang, không cầm, nắm lung tung, rửa tay sát trùng thường xuyên vì con nít hay chạy nhảy và bỏ tay lên mắt, mũi, miệng trong khi bé lại cực kỳ hiếu động. Tôi luôn cố gắng khiến bé bận rộn với những trò chơi để bé quên thời gian, nỗi sợ hãi. Sau khi học tập, tôi cho bé ra sân chạy xe đạp rồi bày trò chạy đua để vừa trông chừng, vừa để bé vận động. Tôi cố gắng hạn chế cho bé xem điện thoại, ipad bằng việc dạy bé làm tranh cát, chơi đồ hàng... Tôi khép lại 1 ngày cách ly bằng việc ăn tối, xem hoạt hình cùng Bắp rồi dỗ bé ngủ”.

Thời điểm con ngủ là lúc anh trở lại với thực tại bộn bề lo sợ. Anh tâm sự, chưa đêm nào, anh chợp mắt trước 1h sáng. Anh sợ lỡ nhiễm, người ta có cho anh đi với cách ly với con không; lỡ con nhiễm mà anh không nhiễm thì sao...“Đêm trước, nằm bên Bắp, tôi thấy người con nóng rồi bé ho vài tiếng. Lúc đó, tôi rất sợ. Chưa bao giờ có nỗi sợ nào lớn đến vậy. Tôi thực sự rất lo lắng, chỉ muốn chạy ra phòng y tế mượn nhiệt kế. 10 phút sau, Bắp bắt đầu kéo mền đắp và người bắt đầu lạnh. Lúc này, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, anh chia sẻ.

img

Sự chu đáo, tận tình của anh thực sự đem lại niềm tin cho con gái. Dù đang chống lại đại dịch, tạm xa vòng tay mẹ, bé gái vẫn hồn nhiên, vui vẻ và hiếu động.

Anh L. Tâm sự, việc đi cách ly khiến anh hiểu được phần nào cảm xúc của những người không may nhiễm bệnh. Theo anh, những người này luôn lo lắng, dằn vặt khi vô tình làm ảnh hưởng đến người thân, bạn bè. Họ chịu áp lực vì bản thân và gia đình bị kỳ thị trong khi họ hoàn toàn không mong muốn bản thân bị lây nhiễm bệnh. Do đó, anh khuyến cáo, mọi người hãy tin tưởng và chấp hành theo những yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch.

Hồi hộp và lắng mỗi lần xét nghiệm Covid-19

Theo anh L., đến nay, anh và con đã trải qua 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính. Anh chia sẻ: “Khi có kết quả xét nghiệm âm tính, tôi mừng rơi nước mắt. Kết quả này đồng nghĩa với việc F2, F3... của cha con tôi sẽ được giải phóng cách ly. Nhưng, đến bây giờ, tôi vẫn rất lo lắng. Mỗi lần lấy mẫu để xét nghiệm là sau đó tôi luôn hồi hộp. Bởi, tôi biết có người âm tính 2 lần xong đến lần xét nghiệm lần thứ 3 lại dương tính. Nỗi sợ ấy khiến tôi không dám ôm con dù có lúc con khiến tôi xúc động vô cùng. Vợ tôi cũng khổ tâm không kém khi một mình chống chọi với nỗi lo chồng con nhiễm bệnh, nhớ con. Mỗi sáng, vợ tôi đều đi làm ngang qua chỗ cha con tôi cách ly. Tuy nhiên, tôi đều dặn và không cho cô ấy vào thăm để đảm bảo an toàn”.

Hà Nguyễn

img