Những ngày qua, cả nước bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, mỗi người dân đều phải tuân thủ những quy định đã đưa ra để cùng chung tay đẩy lùi đại dịch. Thế nhưng, một số cá nhân đã có phản ứng tiêu cực đối với lực lượng chức năng. Khi bị nhắc nhở việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt theo quy định, những người này đã chửi bới, lăng mạ, dọa đánh cán bộ chốt.
Trước đó, ông Phạm Văn Xoan (SN 1973), ở thôn Tây An, xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ đi xe đạp qua chốt kiểm dịch Covid-19 số 3 lập tại xã. Do không đeo khẩu trang, ông bị tổ công tác chặn lại yêu cầu chấp hành quy tắc phòng chống dịch Covid-19 khi ra đường. Khi Bị nhắc nhở, ông Xoan liên tục có lời lẽ xúc phạm các cán bộ đang trực chốt.
Mới đây nhất là clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ không đeo khẩu trang còn chửi bới cán bộ, có phản ứng gay gắt và thái độ bất hợp tác nhanh chóng được chia sẻ lên mạng xã hội khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trả lời về vấn đề này, luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm: “Theo quan điểm của tôi những hành vi đó trước hết lên án về ý thức, trách nhiệm của một người công dân với cộng đồng, xã hội. Khi cả nước đang gồng mình lên chống đỡ dịch bệnh thì họ lại tự mình phá vỡ mọi quy tắc. Những người này ý thức quá kém, lối sống không thể chấp nhận được. Cần phải lên án gay gắt, nên bêu tên, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để chính những người đó nhận ra được sai lầm của mình. Đặc biệt hơn, để cánh báo và cho người khác một bài học”.
Luật sư La Văn Thái phân tích thêm, đối với vấn đề này, cơ quan chức năng có thể tùy theo mức độ hành động của người chống đối để có những biện pháp xử lý sao cho phù hợp nhất. Nếu ở mức độ nhẹ thì có thể xử phạt hành chính. Nhưng, mức phạt 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng vẫn còn là quá thấp. Cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh tay hơn, cứng hơn thì những người có ý định chống đối tự khắc sẽ sợ hãi mà nhìn lại các bài học trước đó.
Đối với những trường hợp không đeo khẩu trang nhưng khi được nhắc nhở mà chống đối, chửi bới, lăng mạ, dọa đánh cán bộ thì phải xử lý hình sự. Bởi, những người đang thi hành công vụ làm vì mục đích cộng đồng mà người dân lại phá dối, gây gổ thì chính là đang chống đối người thi hành công vụ. Những người này cần xử lý ngay, nhanh, quyết liệt để đảm bảo tính răn đe, người dân cả nước yên tâm.
“Chúng ta không thể để một con sâu làm rầu nồi canh. Khi cả nước đang gồng mình chống dịch mà họ vì sự ích kỷ của bản thân gây ra hậu quả, lan truyền dịch bệnh cho người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư La Văn Thái cho biết.
Cùng nói chuyện với PV, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ: “Việc đeo khẩu trang giữa đại dịch là để phòng tránh bệnh không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho toàn xã hội. Vì thế, mọi người nhất định phải tuân thủ. Khi xuất hiện những “con sâu” chống đối cán bộ chỉ vì nhắc nhở không đeo khẩu trang thì thật đáng tiếc và khó dung thứ”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chỉ ra, việc những người này chống đối người thi hành công vụ là do họ không hề ý thức bảo vệ tính mạng của mình, những người xung quanh. Họ kém hiểu biết nên chủ quan, cho rằng việc đeo khẩu trang không quan trọng. Khi có suy nghĩ như vậy họ lập tức nảy sinh những hành động xấu, thái độ xấu. Chỉ đến khi sự việc xảy ra, chính bản thân họ là người gánh chịu hậu quả thì họ mới giác ngộ được việc mà mình đã làm là sai lầm.
M.T