“Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” - Tầm nhìn đi trước thời đại của vị lãnh tụ

Thủy Tiên

Tại hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”, các nhà giáo, chuyên gia đã có những chia sẻ, phân tích và trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục; xuyên suốt cuộc hội thảo là những triết lý, tư tưởng thể hiện tầm nhìn đi trước thời đại của vị lãnh tụ.

Ngày 19/5, bộ GD&ĐT phối hợp với học viện Báo chí & Tuyên truyền đã tổ chức hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để bày tỏ lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại, đồng thời là cơ hội để đánh giá tầm vóc, ý nghĩa to lớn của tư tưởng và những cống hiến của Người đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Mở đầu hội thảo, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, bộ GD&ĐT đã chia sẻ trong báo cáo đề dẫn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy vĩ đại, người tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà còn là nhà giáo dục lớn, khai sinh ra nền giáo dục cách mạng nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một vấn đề rộng lớn, mang tính bao quát, từ vai trò, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giáo dục cho đến tổ chức, quản lý, xây dựng đội ngũ, chủ trương, chính sách đối với giáo dục - đào tạo. Sự cống hiến của Người đối với sự nghiệp giáo dục là vô cùng to lớn, mở ra những thành tựu và vinh quang cho nền giáo dục Việt Nam”.

“Trên cơ sở đưa ra quan điểm giáo dục phải bám sát đối tượng, Hồ Chí Minh xác định rõ nhiệm vụ của các cấp học trên cơ sở đặc điểm từng bậc học cụ thể: đại học, trung học, tiểu học… đồng thời yêu cầu mỗi cấp giáo dục cần nhìn rõ nhiệm vụ của mình: Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà; trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế; tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công, cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục

Quan tâm đến giáo dục tri thức, đạo đức, nhưng Hồ Chí Minh không quên việc giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe cho thế hệ tương lai của nước nhà là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục. Ngoài ra, cũng phải chú trọng đến giáo dục thẩm mỹ để hướng người học, hướng thế hệ trẻ đến những giá trị thẩm mỹ đúng đắn, hoàn thiện nhân cách.

Là người đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam, Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò to lớn của người thầy trong nền giáo dục đó, “vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Hồ Chí Minh cho rằng: “Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”, ông Bùi Văn Linh trình bày đề dẫn.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc học viện Báo chí & Tuyên truyền khẳng định, nhiều năm qua, học viện vẫn luôn là một trong những đơn vị tiêu biểu, các thế hệ thầy và trò cùng nêu cao tinh thần học tập, làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, học viện đã đào tào những thế hệ sinh viên trở thành giảng viên giảng dạy bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tại nhiều trường đại học, cao đẳng,... trên cả nước.

Cũng tại hội thảo, các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều chia sẻ, trao đổi về những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, triết lý của Hồ Chí Minh về giáo dục; những cống hiến, đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh đối với quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam; sự vận dụng, phát triển tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau; vai trò, ý nghĩa của tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay; những thành tựu nổi bật của nền giáo dục Việt Nam trong quá trình vận dụng, thực hiện tư tưởng, chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về giáo dục.

Kết thức hội thảo, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Bên cạnh những thành tựu quan trọng đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nền giáo dục nước ta hiện nay vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Thực tiễn đang đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam hiện nay phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Để quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay đi đến thành công, đúng định hướng, đòi hỏi chúng ta phải tuân theo những chỉ dẫn và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục...”.

T.T