Họ và tên: Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn, Nhân, Linh Phượng

Hương Lan

Thông tư 04/2020 của bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch vừa chính thức có hiệu lực. Theo đó, trong nội dung khai sinh thì việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Quy định này đã dấy lên những tranh luận xung quanh việc đặt tên con của người Việt.

Cha mẹ đặt tên dài, con “dở khóc dở cười”

Cuối năm 2019, do có họ tên quá dài nên chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị ngân hàng từ chối mở thẻ ATM, bởi theo quy định khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi tên chị Phương dài 33 ký tự nên ngân hàng không thể thực hiện được. Nhiều giao dịch thường ngày cũng như thủ tục cấp giấy tờ tùy thân của chị Phương cũng gặp rối từ đây. Sau đó, chị đã được UBND huyện Nhơn Trạch cho đổi tên thành Nguyễn Kim Phương.

Một trường hợp khác là anh Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cũng có tên siêu dài với trên 35 ký tự. Không chỉ anh Nhàn mà người chị và em gái út cũng được cha mẹ đặt cho tên quá dài là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng và Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân. Tên dài quá khổ nên hầu hết trên CMND, bằng lái xe hay các giấy tờ tùy thân khác của ba anh chị em anh Nhàn đều được viết tắt các từ lót.

Từ ngày 16/7, việc xác định họ, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật, giữ gìn bản sắc dân tộc, không đặt tên quá dài, khó sử dụng. (Ảnh minh họa)

Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho hay từng có trường hợp một trẻ được đặt tên tới 8 chữ gồm cả họ tên của cha và mẹ thành Lê Văn Nhật Lương Nguyễn Ngọc Như P.. Sở đã khuyên cha mẹ thay đổi tên khác thuận tiện cho các giấy tờ của trẻ về sau này. Bên cạnh đó, có những trường hợp đặt tên con nghe đã thấy “kỳ lạ” như Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi (ở Quảng Nam), P.T.Lâu Ra, Hồ Hận Tình Đời, Đinh Un Guin Rờ…

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (bộ Tư pháp) cho biết: “Bộ Tư pháp không thể quy định cụ thể bao nhiêu ký tự khi đặt tên nhưng người dân cũng cần lưu ý những chữ không ghi đủ trên giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng… là tên quá dài và cần điều chỉnh để tránh gặp rắc rối sau này.

Trường hợp người phụ nữ ở Đồng Nai là điển hình, vì tên khai sinh quá dài ảnh hưởng tới công việc, các giao dịch hợp pháp. Theo tôi, bố mẹ phải vì lợi ích tốt nhất của con sau này mà đặt tên chứ đừng vì mong muốn, ước vọng kỳ quái của mình mà đặt quá dài như “tài nguyên” khiến con dở khóc, dở cười”.

Cũng liên quan đến chuyện đặt tên dài, theo ông Khanh, Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ quyền thay đổi tên là quyền nhân thân, gắn với con người cụ thể. Bất cứ ai thấy tên của mình không phù hợp, việc sử dụng tên đó gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình và muốn thay đổi thì đều có quyền yêu cầu phòng Tư pháp ở quận, huyện công nhận việc thay đổi ấy.

Cần giới hạn số ký tự khi đặt tên, tránh rắc rối cho trẻ sau này

Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 04/2020 của bộ Tư pháp quy định không được đặt tên dài là “vượt qua Hiến pháp”, vi phạm quyền riêng tư. Trao đổi với PV, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho hay: " Điều 46 Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật do đó nếu pháp luật quy định không đặt tên quá dài, khó sử dụng thì công dân phải tuân theo quy định này. Quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện đầy đủ các quyền của mình, vừa giúp việc quản lý công dân được thuận tiện và thống nhất hơn.

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà

Theo tôi, việc đặt tên sao cho hợp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán… Nhiều cán bộ hộ tịch cho hay, việc đặt tên là vấn đề riêng tư, cá nhân, không vi phạm luật gì nên cán bộ cũng chỉ dừng ở mức khuyên chứ không thể bắt buộc họ được. Do vậy, việc quy định tiêu chí cụ thể để giới hạn ký tự của tên trẻ sẽ tạo thuận lợi cho cán bộ tư pháp hộ tịch và người được đặt tên, đồng thời cũng bảo đảm tính rõ ràng của pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, tránh được phiền phức, rắc rối liên quan đến hộ tịch".

Cũng theo ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, đến thời điểm hiện tại, việc đặt tên không có quy định cụ thể. Nhiều người tên quá dài, dẫn đến việc khi làm giấy tờ tùy thân, bằng lái xe phải viết tắt chữ đệm. Thậm chí, một số cá nhân đã phải xin đổi tên vì tên quá dài dẫn đến việc không thể đăng ký một số dịch vụ như làm thẻ ngân hàng. Chính vì vậy, việc đặt tên cho trẻ phù hợp không chỉ đúng pháp luật mà còn tránh những rắc rối về sau khi trẻ lớn lên.

H.L