Học sinh đeo tấm chắn giọt bắn ngồi học: “Phản cảm và tội nghiệp”

Thủy Tiên - Hoàng Bích

Trong khi mọi người đều đang sợ hãi tiết trời đầu hè nắng nóng 39 có nơi lên tới 40 độ C, thì ngày 5/5/2020, những hình ảnh học sinh đến trường nhưng bịt kín khẩu trang, thậm chí đội tấm chắn giọt bắn, khiến dư luận “dậy sóng”. Việc che giọt bắn này liệu có cần thiết, hay chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ của học sinh? ¬

“Người lớn còn không chịu được”

Đó là chia sẻ của hầu hết phụ huynh khi nhìn thấy những bức hình “ngột ngạt” đang được lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày gần đây.

Từ ngày 4/5, nhiều cấp học chính thức mở cửa, đón học sinh quay trở lại trường sau 3 tháng nghỉ phòng dịch Covid-19. Bên cạnh những hình ảnh đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp học, thì mới đây, giữa tiết trời đầu hè nắng nóng oi bức dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh được lan truyền, ghi lại cảnh học sinh ở một số địa phương đeo tấm chắn giọt bắn.

Hình ảnh này đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn, thương xót cho các em phải học tập trong môi trường nóng bức và bị “bủa vây” bởi tấm kính chắn, khẩu trang.

Chia sẻ về cảm giác chứng kiến những hình ảnh trên, anh Bùi Ngọc Phúc, một phụ huynh tại Hà Nội bày tỏ: “Việc phòng chống dịch là cần thiết và không thể chủ quan. Tuy nhiên, do khí hậu mùa hè nắng nóng, việc các con phải đeo khẩu trang suốt buổi sáng là vô cùng khổ sở. Nhiều nơi, ban phụ huynh còn “sáng kiến” trang bị thêm mặt nạ chắn giọt bắt lại càng phản khoa học, những tấm chắn nhựa, mica... này sẽ làm ảnh hưởng đến thị lực cho các con. Chiều nay, tôi thử đeo khẩu trang, đội một tấm chắn giọt bắn rồi ngồi trong phòng không điều hòa mà chỉ vài phút đã ngột ngạt, khó thở, huống chi là các con...”.

Đồng quan điểm đó, chị Nguyễn Lan Anh, một phụ huynh có hai con nhỏ cho biết: “Bình thường khi chúng ta đeo một chiếc kính không số dùng để chắn bụi cho mắt thôi cũng đã phải tìm mắt kính tốt, nếu không mắt sẽ mỏi nhất nhanh và khó chịu. Vậy mà, những tấm chống giọt bắn kia (đa số là các tấm nhựa bán rất nhiều trên thị trường), các chỉ số quang học không phù hợp cho thị giác của người mà nhất là trẻ nhỏ thì nguy hiểm hơn vì mắt đang phát triển. Bên cạnh đó cái tấm nhựa khi làm cái mũ đó bị uốn cong lại càng làm cho các tia bị nhiễu loạn rất không tốt cho thị giác. Đã vậy, lại còn bị bẻ cong theo khuôn đầu, thì chắc chỉ một vài ngày mắt các con sẽ có vấn đề hết. Đó là còn chưa kể đến, đeo tấm chắn giọt bắn này lên mặt, việc xoay đầu, cúi đầu vô cùng khó khăn. Người lớn còn không chịu nổi mà tại sao lại nghĩ ra việc hại mắt hại sức khỏe của các con đến vậy...”.

Phụ huynh Trần Kim Dung cũng bày tỏ: “Nếu lớp của con tôi mà áp dụng phương pháp này thì tôi chấp nhận cho con ở nhà. Đi học như này khác gì “hành” các con. Hồi trước, mới đầu đợt dịch, tôi đã mua và áp dựng thử tấm chống giọt bắn này khi đi ra ngoài đường, cảm thấy chóng mặt, mắt thì mờ đi, ngồi trên xe loạng choạng luôn, mà dạo trước trời vẫn còn hơi se lạnh, đeo đã thấy oxy không lên nổi não rồi, mấy ngày nay nắng nóng thế này, trẻ nhỏ không ốm mới lạ...”.

Một phụ huynh có cung cấp tấm chắn giọt bắn chia sẻ: “Mấy hôm nay, cũng có những phụ huynh tại Hà Nội liên hệ với tôi để mua tấm chắn giọt bắn cho các con, nhưng tôi cương quyết không nhận đơn hàng. Tôi thấy có trường còn bắt học sinh đeo tấm chống giọt bắn trong cả giờ ăn. Tôi thực sự không hiểu, phụ huynh có hiểu cảm giác khi phải đeo tấm chắn giọt bắn không...”.

Khó chịu và trông phản cảm

Liên quan đến những hình ảnh đang nhận được sự quan tâm của dư luận nêu trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng phụ huynh không đến mức phải quá lo lắng như vậy, quan trọng các học sinh phải có ý thức.

“Tôi cho rằng, quan trọng nhất là kiểm soát ngoài cộng đồng, còn ở ngoài mà không kiểm soát được thì mới sợ, chứ không nên quá lo lắng như vậy gây căng thẳng”, TS. Thạch thông tin.

Bên cạnh đó, TS. Thạch cũng nhấn mạnh: “Quan trọng hiện nay là các em học sinh cần đeo khẩu trang, ăn uống ngồi xa nhau. Còn cả lớp đeo tấm chắn giọt bắn như vậy sẽ gây nên tâm lý nặng nề”.

Trong khi đó, bày tỏ quan điểm về những hình ảnh học sinh ngồi trong lớp đeo tấm che giọt bắn kín mít, bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện đa khoa Nghệ An đã phải thốt lên “không ai làm như thế cả”. Theo bác sĩ Trâm, việc đeo tấm chắn giọt bắn có ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không thì điều này còn cần phải theo dõi, nhưng về lâu dài sẽ có thể gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ do bị tấm nhựa che chắn tầm nhìn.

“Tôi nhìn thấy các em học sinh đeo như vậy thì sẽ rất vướng víu, khó chịu, như vậy trẻ không tập trung vào học bài được mà trẻ sẽ nghịch ngợm”, bác sĩ Trâm bày tỏ quan ngại.

Thêm nữa, bác sĩ Trâm phân tích: “Đeo tấm chắn giọt bắn dùng cho những người vào khu vực tiếp xúc nguy hiểm để tránh giọt bắn, dùng ở trong các cơ sở y tế. Còn ở các trường học, khi các em vào lớp là đã được kiểm tra nhiệt độ rồi, đeo khẩu trang là an toàn rồi, chứ không đến mức phải đeo thêm tấm chắn giọt bắn. Như vậy, trông vừa phản cảm, trời thì nóng làm vậy rất tội cho các em”.

Bộ GD&ĐT không chỉ đạo đeo tấm chắn giọt bắn

Quan điểm của bộ GD&ĐT là “đã đi học phải an toàn”, mà an toàn phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn. Trước đó, bộ Y tế đã có văn bản gửi bộ GD&ĐT, bộ GD&ĐT dựa vào khuyến cáo này xây dựng tiêu chí đánh giá của nhà trường an toàn, trong đó, có một số tiêu chí “cứng” như đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và khử khuẩn nhà trường... Tuy nhiên, không có tiêu chí nào là phải đeo tấm chống giọt bắn khi đến trường.

Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng vụ Giáo dục thể chất, bộ GD&ĐT khẳng định: “Bộ GD&ĐT không có chủ trương, không hề có bất cứ văn bản nào chỉ đạo về các nhà trường phải cho học sinh đeo tấm chống giọt bắn khi đến trường. Và theo tôi, cũng không có ai chỉ đạo vấn đề đó.

Bộ GD&ĐT chỉ dựa trên khuyến cáo của bộ Y tế để đưa ra những tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường nhưng không hề có tiêu chí nào chỉ rõ, học sinh phải đeo tấm chống giọt bắn. Đây có thể chỉ là sáng kiến của phụ huynh hoặc sáng kiến của riêng một đại phương nào đó. 63 tỉnh thành, mỗi địa điểm có những sáng kiến riêng, tuy nhiên, sáng kiến thì cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, thời tiết nắng nóng như hiện nay, chúng ta có con, chúng ta cũng xót chứ...

Quan điểm của Bộ, nhận thấy vấn đề đang “đi quá”, Bộ sẽ nhắc nhở các địa phương để có sáng kiến phù hợp, trong khuôn khổ”.

T.T-H.B