Nửa triệu đồng cho một bộ sách giáo khoa với người có thu nhập khá là chuyện nhỏ. Nhưng số tiền này, với người nghèo, họ có thể phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, nước mắt, bao bữa cơm không có thịt hay bao hiểm nguy khôn lường.
Một trong những thiệt thòi lớn nhất của người nghèo là đánh mất cơ hội được học tập. Mất tiền có thể chỉ mất đi việc sở hữu vật chất hay những giá trị tạm thời. Nhưng, mất cơ hội học tập là đánh mất chiếc cần câu cơm - điều cốt yếu để giúp họ thoát khỏi sự bế tắc của cảnh nghèo.
Đó là lý do nhiều người đã không khỏi choáng váng, khi các nhà xuất bản lần lượt thông báo giá bán sách giáo khoa mới đầu năm nay sẽ tăng 4 lần. Cho con đi học đã khó, với các gia đình nghèo, lo được sách giáo khoa cho trẻ thực là cả một vấn đề lớn, thậm chí quá sức khi sách quá đắt.
Ảnh minh họa
Nửa triệu đồng cho một bộ sách giáo khoa với người có thu nhập khá là chuyện nhỏ. Nhưng số tiền này, với người nghèo, họ có thể là phải đánh đổi bằng bao mồ hôi, nước mắt, bao bữa cơm không có thịt hay bao hiểm nguy khôn lường.
Đã thế, việc nhà nghèo cố công dồn sức mua trọn bộ sách giáo khoa để “đứa anh học rồi chuyển lại cho đứa em dùng” không còn nữa. Việc sách liên tục sửa chữa, thay đổi khiến trẻ lớp sau không thể dùng lại sách của anh, chị lớp trước. Đây vốn dĩ là chuyện đã bị lên án nhiều năm nay. Với người nghèo, nó không chỉ là sự phí phạm mà còn là sự ác nghiệt.
Tin tăng giá sách là tin buồn với số đông các phụ huynh ở xứ ta khi mà phần lớn các gia đình có thu nhập trung bình trở xuống, hoặc đông con, hoặc gặp khó khăn mùa Covid-19.
Nếu như việc tăng học phí đại học có thể khiến những sinh viên nghèo học giỏi đánh mất cơ hội nghề nghiệp, đất nước mất đi nguồn nhân tài thì tăng giá sách từ cấp tiểu học trở đi có thể chặn đứng cơ hội sống và phát triển của một đứa trẻ.
Không phải ngẫu nhiên, các quốc gia phát triển trên thế giới lại có chính sách miễn học phí và miễn phí sử dụng sách giáo khoa cho học sinh, đặc biệt là ở các cấp học phổ thông. Phần Lan là một điển hình.
Với nguyên tắc, giáo dục dành cho tất cả mọi người, Phần Lan không thu học phí của bất kỳ cấp học nào. Thực hiện kế hoạch, chính phủ nước Bắc Âu này đã đạt được mong muốn: Người nghèo không bị thất học.
Giáo dục được người Phần Lan đặc biệt đánh giá cao. Việc đặt tiêu chuẩn cao cho giáo dục chính là một trong những nền tảng của chiến lược quốc gia khôn ngoan. Nó đã đưa quốc gia Bắc Âu này trở thành một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất thế giới hiện nay.
Tương tự, chính phủ Nhật Bản cũng miễn học phí và sách giáo khoa cho học sinh. Trải qua các cấp học phổ thông, học sinh Nhật không phải đóng học phí và cũng chẳng mất tiền mua sách giáo khoa.
Thậm chí, từ tháng 10/2019, Nhật Bản còn ban hành luật miễn học phí cho giáo dục mầm non. Chương trình dự kiến tiêu tốn 776 tỷ yên mỗi năm, lấy từ khoản tăng thuế tiêu dùng sẽ được chính phủ áp dụng từ thời điểm đó.
Nhiều nước giàu có như Đức lâu nay vẫn thực hiện chính sách chỉ cho học sinh thuê, mượn sách giáo khoa chứ không bắt buộc phải mua. Hàng năm, thay vì đăng ký mua sách, học sinh được mượn sách từ ngôi trường mà trẻ theo học.
So sánh xứ ta với xứ người, đặc biệt là với các quốc gia giàu có ở nhiều lĩnh vực là vô lý, khập khiễng. Nhưng, với sách giáo khoa ta nên cùng có sự đồng điệu ở mức độ nào đó. Xóa bỏ những bất công của người dân trong việc tiếp cận sách giáo khoa là một cây cầu bắc tới sự công bằng xã hội. Thời nào, sách giáo khoa cũng nên xem là một mặt hàng đặc biệt vì nó chở trong đó hy vọng về sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.