Hồi sinh cây pơ mu, sa mu giữa đại ngàn

Anh Ngọc

Phải hơn 20 năm ròng rã tìm giống, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, người đồng bào dân tộc Mông mới hồi sinh được cây pơ mu, sa mu quý giá.

Trồng rừng cho đời sau

Trời nắng nóng, ông Vừ Vả Chống (SN 1967, trú tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) lập tức vác dao lên khu rừng pơ mu, sa mu của mình để tỉa lá khô, thu dọn một góc để tránh việc cháy rừng. Ông là người dân tộc Mông điển hình, chăm chỉ, cần cù, ít nói, lặng lẽ làm việc mà mình cho là đúng.

“Từ bao đời nay, cuộc sống người đồng bào dân tộc Mông luôn gắn liền với cây pơ mu, sa mu. Ở nơi nào có 2 loài cây này thì ở đó có người Mông sinh sống, bởi theo quan niệm của đồng bào, những vùng đất này sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật. Gỗ cây pơ mu, sa mu rất tốt, không mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng nên người Mông thường dùng để dựng nhà. Đặc biệt, gỗ có tinh dầu nên bà con thường dùng để làm mái nhà hàng chục năm không mối mọt, hư hỏng”, ông Chống vui vẻ nói.

Cánh rừng pơ mu, sa mu của gia đình ông Vừ Vả Chống.

Tuy nhiên, trước những năm 1990, những cánh rừng ở Kỳ Sơn bị tàn phá nặng nề. Tập quán canh tác bằng cách đốt rừng làm rẫy để trồng lúa và thuốc phiện đã biến những cánh rừng ở đây thành những quả đồi nham nhở, trọc lóc. Những cánh rừng pơ mu, sa mu quý hiếm từng có nhiều ở vùng này, cũng dần biến mất. Cũng vì vậy, pơ mu trở thành loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 1996.

Sau khi đi bộ đội về, chứng kiến những cánh rừng mà ông từng vào chơi hồi nhỏ đã không còn nên vô cùng xót xa. Cũng vì vậy, trong đầu ông liền nảy ý định phải khôi phục lại cánh rừng pơ mu, sa mu quý hiếm.

Năm 2000, ông Vừ Vả Chống nhận khu đồi trọc rộng hơn 10 ha cách nhà chừng vài cây số. Người đàn ông dân tộc Mông này phải lặn lội 70 - 80 km đến các xã Na Ngoi, Mường Ải (cùng huyện) để tìm giống pơ mu. Nhưng ở đây không ai có giống cây này. “Tôi vào rừng, gần biên giới, thấy ở đó vẫn còn pơ mu, phía dưới những cây lớn, có cây con mọc lên nên rất mừng. Tôi ra bản, thuê một số người đi đào cây con về để mua và phải trả tiền công”, ông Chống kể.

Để có tiền mua cây giống, ông phải bán cả đàn bò của gia đình và 2 tháng sau, ông mua được 3.000 cây pơ mu con. Việc ông Chống bỏ tiền triệu mua cây, nhiều người nói ông dở người. Trong thâm tâm ông không khỏi lo lắng nhưng đã quyết rồi thì ông vẫn làm bằng được. Từ đó, ông “cắm” luôn trong trang trại chăm bẵm những cây pơmu như… trẻ sơ sinh. Ông làm rào bảo vệ từng cây một; rồi che nắng, kênh từng thùng nước tưới.

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên hơn một năm sau, chỉ còn phân nửa số cây đã trồng sống sót. Không nản lòng, ông Chống lại đi tìm cây giống khác và tìm đến các lâm trường để hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc pơ mu. Không còn bò để bán lấy tiền thuê người nữa, ông tự vào rừng tìm, đào cây và hơn 3 tháng sau, ông mới tìm đủ số cây giống để thay thế.

Khi những cây pơ mu đã bén và cắm rễ xuống khu đồi, ông Chống mới thở phào. Năm 2005, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 mang cây chè Shan tuyết lên gieo ở vùng cao này nhằm giúp dân bản xóa nghèo. Ông Chống nhận chè về trồng xen bên cạnh pơ mu. Chỉ vài năm sau, mô hình này mang lại hiệu quả bất ngờ cho gia đình ông. Chè thu hoạch xong được tổng đội thu mua với giá cao. Rồi ông nuôi bò, thả gà đen trên khu đồi để “lấy chè, bò, gà nuôi… pơ mu”.

Pơ mu được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, hiện nay đang được xếp vào danh mục thực vật nhóm nguy cấp, quý, hiếm.

Biến rừng pơ mu thành khu du lịch sinh thái

Giờ đây, sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, ông Vừ Vả Chống đã sở hữu khu rừng rộng hơn 10ha với hơn 8.000 cây pơ mu, sa mu cao lớn quý hiếm. Dưới những tán cây pơ mu xanh mướt, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu pơ mu tỏa ra rất dễ chịu. Nhiều cây pơ mu đã có đường kính 30 - 40 cm. Ông Chống khoe năm ngoái đã có người đến hỏi mua pơ mu, cây to giá 3 - 4 triệu đồng/cây, nhưng ông không bán. Ông nói, thu nhập từ cây chè, bò và gà đã đủ cho gia đình trang trải.

Không chỉ trồng rừng giỏi, ông Chống còn là điển hình về chăn nuôi giỏi. Dưới rừng pơ mu và tán chè Shan tuyết xanh tốt là hơn chục con bò và hàng trăm con gà đen và lợn rừng… Mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 4 -5 lao động địa phương.

Nhiều người đến hỏi mua cánh rừng với giá hàng chục tỷ nhưng ông quyết không bán.

Ông Vừ Vả Chống phấn khởi chia sẻ, chính nhờ 10ha đất rừng của gia đình mà ông đã nuôi được các con ăn học tử tế. Người con đầu đã xong đại học, hiện là giáo viên, 2 người con thứ hiện cũng đang theo học đại học.

“Mấy năm trong quân ngũ, tôi đã học được rất nhiều điều, nhất là phải bảo vệ rừng. Khi thấy rừng đã bị phá hết, tôi tiếc lắm, nên tôi có tâm nguyện phải phục hồi lại rừng. Hơn 10ha cây pơ mu, sa mu của đã có nhiều người đến hỏi mua với giá hàng chục tỷ đồng nhưng tôi quyết không bán cây nào”, ông Chống tâm sự.

Người đàn ông này còn cho biết, gia đình ông đang “ấp ủ” biến hơn 10ha rừng pơ mu, sa mu và chè Shan tuyết này thành khu du lịch sinh thái, để người dân địa phương và du khách đến tham quan. “Tôi làm khu sinh thái này không bán vé kiếm tiền, mà chỉ để thay đổi nhận thức của dân bản về rừng. Đơn giản là trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai con em chúng ta và cho tất cả cộng đồng”, ông Chống chia sẻ.

Những cánh rừng pơ mu đẹp đang mở ra cơ hội giúp người dân thoát nghèo.

Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho hay, pơ mu và sa mu là cây gỗ quý hiếm phát triển tốt ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Ngoài ra, tận dụng những cánh rừng pơ mu và sa mu đẹp mà một số hộ dân đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng, trở thành điểm dừng chân ở các tour, tuyến du lịch.

“Những cây pơ mu đã cao lớn, thẳng tắp với giá trị mỗi ha ước tính hàng trăm triệu đồng không chỉ mang lại giá trị kinh tế, môi trường cho bà con... mà còn là điểm đến của khách du lịch và mở ra cơ hội giúp người dân nơi dân thoát nghèo. Không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập, phát triển kinh tế mà đây còn là cách để tuyên truyền người dân quý trọng rừng”, ông Lỳ nói.

A.N

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 15/05/2023 | 08:18