Hút thuốc lá, thuốc lào có làm giảm nguy cơ mắc Covid-19?

Thanh Lam - Hải Yến

Từ sau thông tin F1 của bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 447 cho kết quả âm tính mặc dù sử dụng chung điếu cày hút thuốc lào, nhiều người đang lầm tưởng chất nicotine trong thuốc lá, thuốc lào có khả năng kháng nhiễm Covid-19 mà không lường trước những nguy hại ẩn sâu.

Xôn xao về hút thuốc lào chống Covid-19

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp, tại buổi làm việc trực tuyến với “Bộ Chỉ huy tiền phương” - Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP. Đà Nẵng ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng bộ Y tế hiện có đến 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng nên không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào nghi ngờ.

Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, gần đây cộng đồng mạng rộ lên thông tin về khả năng kháng nhiễm Covid-19 của chất nicotine trong thuốc lá, thuốc lào. Thậm chí cho rằng, hợp chất nicotine trong thuốc lá, thuốc lào có thể giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-Cov-2. Cùng với luồng thông tin này, nhiều người dân đã đồng nhất và bày tỏ các trường hợp F1 của bệnh nhân 447 kháng được khả năng tấn công của Covid-19 là nhờ vào tác động của nicotine.

Thông tin gây xôn xao dư luận.

Không dừng lại ở thông tin đó, nhiều người dùng mạng cũng đã nhanh tay chia sẻ và chủ đề hút thuốc lá, thuốc lào kháng nhiễm Covid-19 được bàn tán xôn xao.

Sự thật bất ngờ

Liên quan đến vấn đề đang gây xôn xao dư luận, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe chia sẻ từ những chuyên gia y tế.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khẳng định, đây là sự hiểu nhầm nghiêm trọng: “Trước đây người ta có nghiên cứu và thấy một vài trường hợp như vậy, còn đến sau này thì các nhà khoa học đã chỉ ra rằng người hút thuốc lá có khả năng bị nhiễm Covid-19 cao hơn và bệnh nặng hơn những người không hút thuốc”.

Giải đáp về cơ chế tác động của chất nicotine khi hút thuốc lá, thuốc lào đối với khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh của đường hô hấp, bác sĩ Khanh cho biết: “Cho đến nay, tế bào đường hô hấp của những người hút thuốc lá vẫn hoạt động rất kém, không đẩy được vi khuẩn hay những tác nhân gây bệnh ra ngoài, người ta sẽ dễ mắc các biến chứng hơn.

Virus xâm nhập không ở hầu họng mà xuống dưới phổi, cũng giống như những người bị viêm phổi mãn tính, long chuyển yếu. Đường hô hấp của con người có hệ thống long chuyển, khi có vật lạ vào là phổi, phế quản sẽ đẩy ra ngoài trong khi đó những người hút thuốc lá bị mãn tính về phổi thì long chuyển sẽ yếu, không thể đẩy được vi khuẩn hay tác nhân gây bệnh ra ngoài”.

“Tương tự, miếng dán nicotine hoàn toàn không có tác dụng chống nhiễm Covid-19”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Bác sĩ Khanh bác bỏ nhận định thiếu căn cứ về khả năng kháng Covid-19 của nicotine trong thuốc lá, thuốc lào.

Bác sĩ Khanh cũng khuyên mọi người không nên chủ quan và lạm dụng thuốc lá rồi đổ thừa cho khả năng kháng Covid-19 như lời đồn.

Trong khi đó, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, nhiều người truyền tai nhau tích cực sử dụng thuốc lá, thuốc lào để khiến virus Sars-Cov-2 suy yếu, kháng nhiễm là không có căn cứ khoa học.

“Không có chuyện hút thuốc lá, thuốc lào có thể khiến virus Sars-Cov-2 suy yếu. Hút chung điếu cày là lây nhiễm ngay. Khói thuốc không làm cho virus suy yếu”, PGS.TS Nhung khẳng định.

Từ đó, PGS.TS Nhung đưa ra khuyến cáo người dân nên tuân thủ theo các bước phòng, chống dịch Covid-19 từ ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và từ bộ Y tế, không nên tin lời đồn thổi không có căn cứ khoa học.

Trước thông tin hút thuốc lá, thuốc lào có khả năng kháng nhiễm virus không đúng sự thật, trao đổi thêm với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính pháp ((Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc tung tin đồn thất thiệt lên mạng không đúng có thể bị xử lý. Cụ thể, tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) quy định hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng như sau: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.” Việc xử phạt hành vi cung cấp thông tin sai sự thật bị phạt hành chính 20.000.000-30.000.000 đồng, cá nhân bị phạt 10.000.000-15.000.000đồng, quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013. Tuy nhiên, luật sư đánh giá áp dụng Nghị định này khi xử phạt hành vi tung tin thất thiệt trên mạng có nhiều hạn chế, mức phạt đối với một số hành vi chưa đủ sức răn đe. "Từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua diễn ra tràn lan, khó kiểm soát", luật sư Cường nhận định.

Như vậy, thông tin chất nicotine trong thuốc lá, thuốc lào có khả năng kháng nhiễm Covid-19 chưa có đủ căn cứ để xác minh. Ngược lại, việc lạm dụng thuốc lá sẽ tăng nguy cơ nhiễm Covid-19 lên gấp đôi vì khoảng cách tiếp xúc giữa tay với miệng gần hơn. Vì vậy, người dân tránh hoang mang và hiểu nhầm trước thông tin này.

Kẻ giết người thầm lặng

Trên thế giới mỗi năm có hơn 8 triệu người chết vì thuốc lá, trong đó có hơn 7 triệu người chết do chủ động hút thuốc và hoảng hơn 1 triệu người chết do thụ động tiếp xúc với khói thuốc. Theo các chuyên gia y tế, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, tấn công trực tiếp phổi. Hút thuốc lá, thuốc lào sẽ làm suy yếu chức năng phổi, làm tê liệt, thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi khiến virus dễ dàng xâm nhập và tấn công người bệnh hơn.

T.L - H.Y