Sáng 23/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An vẫn đang tạm giam bị can Kim Văn Bốn (SN 1982, cán bộ Phòng chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội Tham ô tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương, Nghệ An), bị can Kim Văn Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án. Cơ quan điều tra đã xác định được số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.
Cơ quan công an khám nhà ông Kim Văn Bốn.
Được biết, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Các hạng mục chính phát triển kinh tế - xã hội cho người Ơ Đu gồm: Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đào tạo sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; hỗ trợ các chính sách về y tế, giáo dục.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Kim Văn Bốn được phân công nhiệm vụ phân bổ, thực hiện dự toán và quyết toán kinh phí đối với danh mục hỗ trợ tổ chức lớp dạy tiếng dân tộc Ơ Đu và tập huấn kỹ thuật về nuôi, trồng, phòng, chống chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối ở bản Văng Môn.
Lớp dạy tiếng dân tộc có dự toán hơn 1 tỷ đồng.
Về việc này, bà Mạc Thị Tím (43 tuổi, nguyên Trưởng bản Văng Môn) cho biết, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề khiến người dân vô cùng thắc mắc. Trong đó, bà con không được thông báo cụ thể lịch học, thời gian học và kinh phí hỗ trợ cho mỗi buổi học được cấp là bao nhiêu. “Tôi là thành viên giám sát, các nội dung thực hiện tại bản đều được tôi ghi chép như: nhật ký lớp học, nội dung học và số người thực tế tham gia… nhưng dự toán chi tiết được phê duyệt thì tôi hoàn không được biết”, bà Tím nói.
Theo bà Tím, tập huấn kỹ thuật về nuôi, trồng, phòng, chống chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối chỉ tổ chức 2 lớp, 3 ngày/lớp (tổng 6 ngày) chi phí là 2 triệu đồng/người. Tuy nhiên, thực tế sau đó người dân chỉ được nhận 600.000 đồng. Tức là 100.000 đồng/người/buổi.
Còn tại lớp học tiếng Ơ Đu thì đối tượng học bao gồm cả học sinh và người lớn, nhưng số trẻ em của bản được tham gia lớp học không được thanh toán hỗ trợ. Ngoài ra, theo kế hoạch lớp học 20 ngày. Tuy nhiên, sau đó lớp chỉ học 15 ngày, 5 ngày còn lại dành cho lớp tham quan mô hình và du lịch tại thị xã Cửa Lò nhưng việc này đã không được tiến hành.
Sau khi vụ việc có nguy cơ vỡ lở, ngày 16/6, ông Nguyễn Tâm Long - Phó Trưởng phòng phụ trách và ông Kim Văn Bốn - cán bộ thuộc phòng Chính sách Dân tộc (ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) - đã quay lại bản Văng Môn nhận lỗi với người dân và thống nhất tổ chức bổ sung các lớp học, tập huấn còn thiếu trước đó, đồng thời thanh toán đầy đủ số tiền còn thiếu.
Ban Dân tộc tỉnh đã “chữa cháy” bằng việc mở lại lớp học dài 9 ngày và 5 đêm để dạy cho người dân của năm 2019, bù lại số lớp học còn thiếu. Tại đây, 3 ngày đầu tiên học xong người dân được nhận 700.000 đồng. Sau đó đợt sau học xong 3 ngày tiếp mỗi học viên tiếp tục nhận 700.000 đồng, tổng là 1,4 triệu đồng. Ông Kim Văn Bốn trực tiếp quản lý lớp học và thanh toán tiền cho học viên.
Ban Dân tộc tỉnh, nơi ông Bốn công tác.
Dư luận cho rằng những sai phạm trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu không chỉ dừng lại ở đó. Có rất nhiều vấn đề trong quá trình triển khai các hạng mục. Một trong đó chính là xây dựng 67 chuồng bò với số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng. Theo dự toán, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng; 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng; 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng.
Trong khi đó, so sánh với mức hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ thì việc làm chuồng trại chăn nuôi chỉ được hỗ trợ 1 lần với mức 1 triệu đồng/hộ. Còn theo Quyết định 56/2016/NQ-UBND, ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 thì mức hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi đại gia sức, gia súc (trâu, bò, lợn, dê…) cũng chỉ được hỗ trợ với mức 1,6 triệu đồng/hộ.
Liên hệ làm việc với ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - về những vấn đề trên thì vị lãnh đạo này cho biết hiện công an đang điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin. Ngoài ra, phía ban Dân tộc đưa ra một báo cáo do ông Lương Thanh Hải ký với nội dung: “Tổng kinh phí đã thực hiện đối với đề án trên là 27,709,237 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ xây dựng 67 chuồng (10 chuồng đôi) nuôi nhốt bò giống cho 77 hộ với số tiền 12,466,533 tỷ đồng”.
Mỗi chuồng bò khoảng 236 triệu được xây bên cạnh ngôi nhà cũ kỹ của người dân
Phía ban Dân tộc khẳng định, sau khi được cấp có thẩm quyền cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, định mức kinh phí, đơn vị đã lựa chọn đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán trình sở Kế hoạch - Đầu tư, sở NN&PTNT thẩm định báo cáo UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Trong đó, sở NN&PTNT Nghệ An là đơn vị thẩm định khối lượng, định mức, chế độ và đơn giá quyết toán.
Để tìm hiểu về việc này, phóng viên tiếp tục đến sở NN&PTNT Nghệ An để liên hệ làm việc. Sau khi trình bày về nội dung, chánh văn phòng sở này giới thiệu lên gặp ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng phòng Quản lý Xây dựng Công trình. Tại đây, ông Quyền cho biết quy trình là căn cứ vào hồ sơ xây dựng chuồng trại gia súc mà ban Dân tộc trình, sở NN&PTNT sẽ kiểm tra lại khối lượng, định mức, chế độ và đơn giá quyết toán. Kết quả thẩm định của sở NN&PTNT được sở Kế hoạch - Đầu tư và ban Dân tộc trình UBND tỉnh ký phê duyệt.
Việc chuồng bò "khủng" tại xã miền núi đáng khiến du luận xôn xao.
“Tôi khẳng định giá xây dựng đó là chúng tôi thẩm định theo đơn giá của Nhà nước quy định. Khung giá này được liên sở Xây dựng và sở Tài chính Nghệ An ban hành nên không thể sai được”, ông Quyền nói.
Ngoài ra, vị trưởng phòng cũng giải thích thêm, dự án này không lãng phí bởi vì đây là xây dựng mô hình mẫu, mà mô hình mẫu là phải theo tiêu chuẩn định mức của chăn nuôi bò. Đối với chuồng bò đôi (loại 2), ban Dân tộc sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình 4 con bò, 2 gia đình gần nhau thì gộp lại chuồng đôi. Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của Nhà nước nên ra số tiền như vậy.
A.N