Khám, chữa bệnh từ xa: Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Thanh Lam - Lê Trà

Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa” đi vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là người bệnh ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, ngoài mặt ưu điểm thì cũng còn nhiều băn khoăn về các bước triển khai đề án này.

Thiếu sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật

Sau 2 tháng triển khai đồng loạt đề án Khám, chữa bệnh từ xa, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…

Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà đề án Khám, chữa bệnh từ xa mang lại như giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên…

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, quá trình khám chữa bệnh từ xa sẽ gặp nhiều bất cập cũng như khó khăn: “Đầu tiên là vấn đề kết nối. Đây là một trong những khó khăn cần tính tới. Hệ thống công nghệ thông tin ở các bệnh viện tuyến trên thường được đầu tư khá tốt nhưng tại tuyến dưới, có đến 1.000 điểm khác nhau và thực trạng công nghệ thông tin của các tỉnh như thế nào cũng cần phải có sự điều tra và thâm nhập cụ thể để có thể đưa ra hình thức phù hơp nhất”.

Quyền bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Thuận Châu (Sơn La).

Theo ông Điển, hiện có 4 mức độ có thể phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ xa bao gồm: Thứ nhất, chỉ cần một chiếc smartphone, gọi video để kết nối với các đồng nghiệp ở trong các tình huống khẩn cấp cần cấp cứu. Đây cũng là hình thức đang thực hiện tại bệnh viện Nhi Trung ương với những trường hợp cấp cứu từ các tuyến để có thể gọi trong đêm hoặc trong các ngày nghỉ.

Hình thức thứ hai là video nhóm, ví dụ như chat Zoom, bằng những nền tảng công nghệ số, chúng ta hoàn toán có thể kết nối những cuộc họp hai bên với nhau, truyền tải cho nhau những thông tin để có thể đưa ra những kết luận chẩn đoán và chữa trị cho người bệnh.

Thứ ba là dùng phần mềm quản lý bệnh viện để đẩy những hình ảnh bệnh nhân từ tuyến dưới lên các tuyến trên để hội chẩn. Chúng ta đã có một số bệnh viện có thể hoàn thiện những tình trạng đó như bệnh viện Sản nhi (Phú Thọ)… Cuối cùng, các tuyến chính đầu tư để những hình ảnh từ những phòng mổ, giường bệnh, mỗi chức năng sống của bệnh nhân trên các màn hình được truyền tải trực tiếp về phía bệnh viện Trung ương, để các bệnh viện Trung ương có thể ghi nhận lại, xem xét kỹ nhất tình trạng của người bệnh.

“Với 4 mức độ đó, sẽ tùy theo tình trạng của người bệnh và những tình hình về những điều kiện cơ sở vật chất của các tuyến để có thể kết nối với nhau trong mọi tình huống”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Nam - Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (Điện Biên) chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật cho rằng: “Nhược điểm lớn nhất đối với những điểm bệnh viện ở xa như chúng tôi là đường truyền mạng kém, không thể đảm bảo được đường truyền tốt dễ dẫn đến việc gián đoạn hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên”.

Theo ông Nam, hạn chế tiếp theo là không được “cầm tay chỉ việc” mà mọi sự chỉ đạo, tư vấn chỉ được diễn ra từ xa, qua màn hình.

Về vấn đề đảm bảo cơ sở kỹ thuật tại các bệnh viện, ông Nam cũng chia sẻ hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều được đầu tư về hạ tầng cơ sở kỹ thuật cũng như công nghệ thông tin, nhưng ở mức độ hiện đại để có thể sử dụng một cách dễ dàng thì tùy theo từng địa phương về đảm bảo về đường truyền, cũng như sự hỗ trợ công nghệ thông tin.

Băn khoăn chi trả bảo hiểm cho người bệnh

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai nhận định, đề án Khám, chữa bệnh từ xa là một đề án lớn, hỗ trợ hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, không dừng lại ở vị trí địa lý xa hay gần. Mô hình này sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc cho các bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Một buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa.

Tuy nhiên, ông Hiếu băn khoăn về việc chi trả thù lao cho chuyên gia đầu ngành hướng dẫn công tác hội chẩn. Hiện chưa có một cơ chế cụ thể nào. “Trong khoảng thời gian tới, chúng tôi mong muốn bộ Y tế và Chính phủ có được một chính sách thỏa đáng về vấn đề này để các giáo sư có thể chuyên tâm hội chẩn trong thời gian tới”, ông Hiếu bày tỏ.

Cũng nói thêm về vấn đề chi trả bảo hiểm cho người bệnh, ông Hiếu cho hay: “Mỗi người bệnh khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được kết nối với các bác sĩ và chuyên gia tại bệnh viện thì đương nhiên sẽ được hưởng những chế độ bảo hiểm phù hợp. Ví dụ: Nếu tôi là bệnh nhân, tôi muốn được các chuyên gia ở tuyến Trung ương giúp đỡ khi khó khăn trong việc điều trị thì tôi cũng cần đến các trung tâm ở tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh để được tư vấn kịp thời”

Còn theo ông Trần Mạnh Nam, người dân khi đến khám tại các bệnh viện vẫn phải được hưởng bảo hiểm như bình thường. “Bệnh nhân khám chữa bệnh ở đâu thì sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm ở đó. Việc hội chẩn từ xa giúp bệnh nhân có cơ hội được thăm khám, tư vấn chữa bệnh tương đương với các bệnh viện truyến trên”, ông Nam nói.

Đồng thời, ông Nam nhấn mạnh, các bệnh viện dù là ở tuyến tỉnh hay tuyến huyện thì vẫn cần xây dựng một hành lang rõ ràng trong vấn đề thanh toán bảo hiểm. Ông Nam cũng cho biết: “Các bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa như tại Điện Biên được hưởng mức hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế. Vì vậy, vẫn rất cần sự tham gia chi trả của bảo hiểm y tế, từ đó giúp bệnh nhân yên tâm chữa bệnh hơn. Dù là khám chữa bệnh ở xa hay ở gần thì họ vẫn cần đến bệnh viện để điều trị. Vì vậy, vấn đề hoàn thiện bảo hiểm y tế cho người bệnh là vấn đề vô cùng cấp thiết. Việc thăm khám từ xa vừa có lợi với bệnh nhân, lại vừa giúp cho tuyến huyện được tiếp cận với những kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật ở tuyến trên”.

Ông Nam cũng kỳ vọng trong tương lai, các điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa có thể mang đến một sự thống nhất về trí tuệ, chuyên môn cũng như đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân. Đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, những nơi khó tiếp cận về kỹ thuật công nghệ thông tin và cơ sở vật chất còn thiếu thốn.

Cần nâng cao niềm tin của người dân vào tuyến dưới

Bày tỏ suy nghĩ của mình về ưu nhược điểm của đề án Khám, chữa bệnh từ xa, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội kỳ vọng đề án này sẽ giúp giảm tải bệnh nhân cho các cơ sở y tế tuyến Trung ương. Nhưng sẽ không thể có kết quả trong một sớm một chiều nếu như không nâng cao được niềm tin của người dân vào hệ thống y tế tuyến dưới.

PV: Mục đích của đề án Khám, chữa bệnh từ xa là giúp giảm tải bệnh nhân ồ ạt kéo đến bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của tuyến trên, tuyến dưới khác nhau. Vậy theo ông, có giảm tải được không?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nghĩ rằng, ngay lập tức giảm tải được ở giai đoạn đầu tiên đó là người dân được thụ hưởng trí thức, lời khuyên hoặc phương pháp của các chuyên gia đầu ngành. Nhưng, quan trọng nhất ở giai đoạn này đó là làm sao nâng cao được niềm tin của người dân vào tuyến dưới, tuyến cơ sở. Khi đã có niềm tin rồi thì người dân sẽ đến chữa trị. Nếu có các ca khó thì sẽ có các bác sĩ tuyến trên giúp đỡ. Còn ở giai đoạn 2 mới cần thành lập các phòng khám của các tuyến trung ương tại địa phương. Bệnh viện đại học Y Hà Nội chúng tôi đã tiến hành triển khai 3 phòng khám tại một bệnh viện huyện ở Phú Thọ, một bệnh viện ở 199 Đà Nẵng và một phòng khám bên Lào. Những phòng khám này ở giai đoạn hai bác sĩ có thể ngồi nhà và hướng dẫn cùng với các bác sĩ địa phương, cùng cho đơn thuốc. Bộ Y tế cũng cần ra văn bản cho phép kê đơn thuốc từ xa đến lúc đó mới giảm tải thực sự được. Bởi, bệnh nhân ai cũng muốn được bác sĩ giỏi, bác sĩ tuyến Trung ương cho đơn thuốc, còn hiện nay trách nhiệm của bác sĩ hội chẩn vẫn là lời khuyên, còn bác sĩ chuyên môn chịu trách nhiệm pháp lý trong việc kê đơn thuốc từ xa.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng quan trọng phải tạo được niềm tin với người dân vào tuyến dưới.

PV: Vậy theo ông, đến khi nào chúng ta có thể giảm tải được bệnh nhân tại các tuyến trên?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Theo con số thì chưa thể giảm tải ngay được, nhưng quan trọng nhất là người dân có niềm tin, sẽ có rất nhiều trường hợp được chữa bệnh mà không cần phải xuống tận tuyến Trung ương. Phải có thời gian đánh giá hiệu quả chứ không thể nào một sớm một chiều. Khi chúng ta làm tốt, làm đúng phương pháp thì dần dần người dân sẽ hiểu và tin theo, nhưng còn “đánh trống bỏ dùi” làm chỉ để lấy thành tích thì trong một thời gian ngắn có khi lại “chết yểu”.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đề án Khám, chữa bệnh từ xa có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, người bệnh quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm sẽ được hưởng ra sao? Vậy, cá nhân ông có cho rằng cần có một khung pháp lý rõ ràng trong thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Về vấn đề này, tôi được biết bộ Y tế đang làm việc với bảo hiểm xã hội và sẽ sớm ra văn bản hướng dẫn. Hiện nay, đã có khung tổng mức chi trả tối đa cho một lần khám một ca là 1.600.000 đồng. Còn việc phân chia như thế nào, tuyến nào được hưởng bao nhiêu, người dân sẽ chi trả như thế nào thì bộ Y tế đang họp bàn với phía bảo hiểm để ra hướng dẫn cụ thể.

PV: Thưa ông, một vấn đề được nhiều người đặt ra nữa đó chính là cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt ở những nơi hẻo lánh, địa hình hiểm trở khó đáp ứng được khi có ca bệnh nguy cấp cần hội chẩn?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề quá lớn, bởi Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cũng có ưu thế trong việc triển khai mạng internet đối với địa hình hiểm trở, chỉ cần kéo Internet tốc độ cao là có thể triển khai được.

PV: Xin cảm ơn ý kiến của ông!

Hưởng dịch vụ y tế chất lượng từ tuyến huyện đến Trung ương

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong ngành Y tế với mục tiêu “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”, bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628 ngày 22/6/2020 phê duyệt đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Mục tiêu của đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Kết nối hệ thống theo mô hình 1-4-4-2

“Phương thức kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa từ Trung ương - tỉnh - huyện - xã theo mô hình 1-4-4-2 sẽ là: 1 thầy thuốc Trung ương hỗ trợ được ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã. Cùng với đó, tuyến xã cũng sẽ được đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức chi trả với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân tuyến xã được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất trong điều kiện có thể”, Quyền Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

T.L - L.T