Mô hình nhà trọ hộp diêm/nhà trọ tổ ong vốn thường thấy tại các quốc gia Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản… đã bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội khoảng 1 năm nay với cái tên Bee Home (ngôi nhà của những chú ong) tại một số địa điểm thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân…
“Đột nhập” một căn nhà tổ ong tại quận Cầu Giấy, điều đầu tiên khiến PV Người Đưa Tin Pháp luật bất ngờ là lối đi lại nối giữa các phòng nhỏ hẹp đến mức chỉ đủ chỗ cho một người lớn đi qua.
Lối đi nối giữa các phòng rất nhỏ hẹp, chỉ đủ cho 1 người qua.
Mỗi tầng nhà gồm 2 phòng lớn rộng khoảng 20 - 25m2 cùng một không gian sinh hoạt chung khoảng 10m2. Ở mỗi phòng lớn sẽ được chia thành 6 đến 8 phòng riêng biệt, ngăn cách nhau bằng các miếng gỗ ép.
Trong những căn phòng hộp diêm diện tích 3m2, tất cả các đồ dùng sinh hoạt từ đệm, quần áo, sách vở, quạt điện… được xếp “chen chúc” nhau. Và hiển nhiên, phần diện tích để ngủ còn lại chỉ đủ để “duỗi chân”.
Sống trong căn phòng “tí hon”, có nhiều người không đóng cửa phòng vì hầu hết các “hộp diêm” đều không có cửa sổ hay ánh sáng tự nhiên. Thay vào đó là điều hòa tổng sẽ được mở ở mức nhiệt phù hợp nhất và trang bị thêm quạt thông gió để căn phòng đỡ “ngột ngạt”.
Trong mỗi căn phòng đều được trang bị một giá treo quần áo và một giá để đồ.
Không chỉ gặp bất tiện bởi diện tích khiêm tốn, tiếng ồn cũng là một vấn đề lớn với những người sống tại đây bởi các “hộp diêm” được thiết kế san sát “gối” lên nhau và chỉ ngăn cách bằng gỗ ép. Một bạn nam tại dãy nhà trọ cho biết, các bức vách ngăn rất mỏng nên người bên trên chỉ cần mở loa điện thoại lớn hay trở mình là bên dưới cũng có thể nghe thấy.
Tại đây, nhà tắm và nhà vệ sinh được trang đầy đủ thiết bị bồn rửa, bình nóng lạnh,… khá tiện nghi. Thế nhưng, mỗi căn phòng vệ sinh này là nơi sinh hoạt chung của gần chục người nên vào những “giờ cao điểm” sáng sớm hay chiều tối, dãy phòng trọ thường xảy ra tình trạng “xếp hàng” đợi nhau như thời bao cấp.
Căn bếp khoảng hơn 10m2 được bố trí sẵn một số bếp điện, bồn rửa, tủ để đồ, máy lọc nước là nơi sinh hoạt chung của 50 người. Do diện tích phòng cá nhân quá nhỏ, nhiều người có tủ lạnh riêng phải để tại căn bếp chung. Việc này không tránh khỏi tình trạng “để nhờ đồ” hay “dùng đồ chùa”… mà không xin phép. Việc phải sống trong không gian nhỏ hẹp dễ khiến người sống bên trong cảm thấy bức bí.
Cả tòa nhà dùng chung một căn bếp rộng khoảng 10m2, được bố trí sẵn một số bếp điện, bồn rửa, tủ để đồ, máy lọc nước.
Dù diện tích phòng “khiêm tốn”, việc sinh hoạt chật chội, bất tiện song nhiều người vẫn lựa chọn thuê bởi ưu điểm không gian riêng tư, giá thành rẻ.
Chia sẻ với PV, anh C., quản lý một căn nhà trọ tổ ong trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết, căn nhà này bắt đầu xây dựng theo mô hình tổ ong được gần một năm, khách trọ luôn đông đúc, tỷ lệ lấp đầy phòng luôn dao động ở mức 90%.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, đa số những người sống trong các khu nhà tổ ong này chủ yếu là sinh viên hay người mới ra trường, người lao động có thu nhập thấp.
Đồ đạc của những người thuê trọ rất đơn giản, chủ yếu là quần áo, sách vở và những đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.
Lý do chính khiến những người ở đây lựa chọn hình thức nhà trọ này là bởi thời gian họ ở nhà rất ít, hầu hết đều đi học, đi làm cả ngày. Họ thường ăn ở bên ngoài và chỉ trở về phòng vào buổi tối để tắm rửa, ngủ nghỉ nên không cần không gian rộng rãi. Hơn nữa, các nhà trọ này được trang bị đầy đủ tiện ích phục vụ cuộc sống như giá để giầy, giá treo quần áo, giá ngang để đồ, điều hòa và mùa hè, bình nóng lạnh vào mùa đông, quạt thông gió, máy giặt, máy lọc nước, internet… Việc dùng chung các thiết bị này giúp họ giảm bớt chi phí điện nước và khoản đầu tư máy móc, thiết bị.
Chi phí thuê một căn phòng tổ ong tại đây dao động khoảng 1,5 – 1,7 triệu đồng/ tháng bao gồm các chi phí: Tiền nhà, điện nước, wifi, tiền vệ sinh…
Trên thị trường, để thuê một căn phòng có đầy đủ tiện nghi như điều hòa, nóng lạnh, máy giặt, khách thuê sẽ phải chi trả khoảng từ 2,5 đến 3 triệu/tháng. Mức chi phí này là quá mức so với sinh viên và những người có thu nhập thấp. “Dù chật chội nhưng mình vẫn lựa chọn ở đây vì nó khá tiện nghi. Hơn nữa mình cảm thấy thấy thoải mái khi được ở một mình không có ai làm phiền”, một bạn nữ trong dãy nhà tổ ong chia sẻ.
Một khách thuê khác cho biết, anh làm nghề xe ôm, đi từ sáng đến tối muộn nên chỉ cần một chỗ để tắm rửa, nghỉ ngơi nên nếu thuê phòng to sẽ rất lãng phí. “Gia tài của mình rất đơn giản, chỉ có quần áo và vài đồ sinh hoạt cá nhân, thêm việc mình đi làm cả ngày nên cũng không cần một không gian rộng”.
Dù không gian sống khá chật chội song nhiều người vẫn lựa chọn thuê bởi có không gian riêng tư, giá thành rẻ.
Dù không gian chật chội và còn nhiều bất tiện song đối với những người thích ở một mình, thu nhập không cao thì nhà trọ tổ ong là lựa chọn khá hợp lý khi chi phí thuê phòng phải chăng, không gian riêng tư, đủ tiện nghi.
“Trước khi “du nhập” vào Việt Nam, phòng trọ hộp diêm hay còn gọi là “Goshiwon” được biết đến là một hình thức nhà trọ phổ biến, đã xuất hiện từ 40 năm trước tại Hàn Quốc. Trước đây, với diện tích chỉ vỏn vẹn từ 3 đến 5m2, goshiwon là nhà trọ giá rẻ được dành riêng cho các sĩ tử sắp bước vào kì thi đại học. Tuy nhiên sau này, nó trở thành nơi ở phổ biến của sinh viên, du học sinh, người lao động có thu nhập thấp, số lượng này chiếm đến 80%”.
K.N