Tham gia Đại hội lần thứ 19 của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL), với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, tích cực và hội nhập sâu rộng, Đoàn Hội Luật gia Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, mà còn có nhiều đóng góp thực chất vào chương trình nghị sự và định hướng hoạt động của IADL trong giai đoạn mới.
Từ ngày 18-21/7, tại Thủ đô Kathmandu, Nepal, Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức Đại hội lần thứ 19 với chủ đề "Vai trò của Luật gia dân chủ trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người dân, hòa bình và luật pháp quốc tế trước chủ nghĩa phát xít, diệt chủng, quân sự hóa và chiến tranh xâm lược".
Tham dự đại hội gồm có 160 đại biểu đại diện cho 20 tổ chức, đoàn thể đến từ 27 quốc gia gồm: Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Bangladesh, Bỉ, Brazil, Colombia, Vương quốc Anh, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Liban, Malaysia, Maroc, Nepal, Nigeria, Pakistan, Palestine, Philippines, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Hàn Quốc, Togo, Hoa Kỳ, Việt Nam và Nga...
Với tư cách là tổ chức thành viên của IADL, Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam do ông Nguyễn Khánh Ngọc – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam dẫn đầu tham dự Đại hội lần thứ 19 và có nhiều đóng góp quan trọng.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Khánh Ngọc – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã dành cho Người Đưa Tin (NĐT) cuộc trao đổi để hiểu rõ thêm những kết quả đạt được của Đại hội lần thứ 19 Hội Luật gia dân chủ quốc tế cũng như sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và Đoàn Đại biểu Hội Luật gia Việt Nam dự Đại hội IADL-19 chụp ảnh cùng ông Jan Fermon - Tổng Thư ký Hội Luật gia Dân chủ quốc tế.
NĐT: Thưa ông, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ 19. Trực tiếp dẫn đầu đoàn Hội Luật gia Việt Nam tham dự đại hội, xin ông khái quát những nét chính về bối cảnh của Đại hội lần này?
Ông Nguyễn Khánh Ngọc: Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) là tổ chức tổ quốc tập hợp các luật gia tiến bộ trên toàn cầu với mục tiêu bảo vệ hòa bình, đấu tranh vì quyền con người, quyền dân sự và quyền dân tộc tự quyết, chống áp bức và bất công xã hội, đồng thời kiên định bảo vệ các nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế được xác lập trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Có thể nói, IADL mang những tư tưởng rất gần gũi với đường lối đối ngoại của Việt Nam cũng như định hướng, tôn chỉ hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Đại hội lần thứ 19 của IADL được tổ chức từ ngày 18 đến 21/7/2025 tại Thủ đô Kathmandu, Nepal, diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Những năm gần đây, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến nhanh chóng, rất phức tạp, khó lường. Xung đột, thậm chí là chiến tranh, bùng phát tại nhiều khu vực. Luật pháp quốc tế và các thiết chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nghèo đói, di cư, dịch bệnh…ngày càng trở nên trầm trọng và để lại nhiều hệ lụy nặng nề.
Trong khi đó, xu hướng chạy đua vũ trang diễn ra ngày càng gay gắt, đặc biệt khi nhiều quốc gia tăng cường khai thác các thành tựu của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào mục đích quân sự, gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng. Những xu hướng này đang đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế -vốn là những giá trị cốt lõi mà IADL luôn kiên định bảo vệ, thúc đẩy.
Chính vì thế, chủ đề chính cũng như các vấn đề được thảo luận tại Đại hội lần này đều bám sát các thách thức nổi lên của chính trị quốc tế hiện nay, thể hiện rõ tinh thần đấu tranh vì hòa bình, công lý và pháp quyền trong quan hệ quốc tế.
Một điểm đáng lưu ý là Đại hội lần thứ 19 được tổ chức sau một quãng thời gian gián đoạn khá dài (11 năm) kể từ Đại hội lần thứ 18 vào năm 2014. Sau hơn một thập kỷ, các thành viên của IADL mới có dịp cùng ngồi lại để rà soát, đánh giá và cập nhật tình hình. Quãng thời gian này tạo ra một khoảng trống lớn cần được lấp đầy bằng những nỗ lực tăng cường kết nối, thống nhất nhận thức chung, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động tập thể.
Tại Đại hội lần này, IADL cũng đã thống nhất cập nhật danh sách các tổ chức thành viên. Đến nay, IADL có tổng cộng 45 tổ chức thành viên là các hội luật gia, luật gia quốc gia cùng với 7 tổ chức luật gia khu vực đến từ các châu lục: châu Á, châu Phi, châu Âu, Mỹ Latinh, khu vực Ả Rập... Đây là sự khẳng định tầm vóc và sức lan tỏa của IADL trên phạm vi toàn cầu.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tặng quà chúc mừng tân Chủ tịch IADL và tân Tổng Thư ký IADL.
NĐT: Xin ông đánh giá những kết quả quan trọng đạt được của Đại hội lần như cũng như khả năng đóng góp những kết quả đó vào tiến trình hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên thế giới?
Ông Nguyễn Khánh Ngọc: Đại hội lần thứ 19 của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cả về tổ chức và nội dung chương trình nghị sự.
Thứ nhất, đại hội đã tiến hành thành công việc bầu chọn các vị trí lãnh đạo chủ chốt của hội, bao gồm Chủ tịch, Tổng Thư ký và Ban Thường vụ. Điều đáng chú ý là, lần đầu tiên trong lịch sử của tổ chức, việc bầu các chức danh chủ chốt diễn ra theo hình thức cạnh tranh thực sự. Trước đây, các chức danh thường được thống nhất theo sự đồng thuận, ít có sự tranh cử. Việc có nhiều ứng cử viên lần này cho thấy vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của IADL trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đồng thời, cũng thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm và tính dân chủ ngày càng cao trong nội bộ tổ chức.
Đặc biệt, Ban Thường vụ IADL nhiệm kỳ đã được bầu với 48 thành viên và Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục có đại diện trong cơ quan lãnh đạo quan trọng này, thể hiện rõ nét sự ghi nhận vai trò, vị thế và đóng góp tích cực của Việt Nam trong tổ chức.
Về mặt nội dung, một trong những kết quả nổi bật là việc sửa đổi, cập nhật Điều lệ - vốn được coi như "Hiến pháp" của tổ chức. Đây là kết quả của một quá trình thảo luận dân chủ, công phu, diễn ra không chỉ tại Đại hội mà cả trong giai đoạn chuẩn bị trước đó. Nhiều ý kiến đóng góp đã phản ánh đúng bối cảnh quốc tế đang thay đổi sâu sắc cũng như nhu cầu hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của IADL trong giai đoạn mới. Sau khi sửa đổi, điều lệ đã thực sự thể hiện tinh thần đổi mới, linh hoạt và bám sát với thực tiễn.
Về chương trình nghị sự, bên cạnh các phiên toàn thể, Đại hội đã tổ chức các hội thảo chuyên đề thảo luận về các chủ đề cấp thiết của nền chính trị quốc tế hiện nay như hòa bình và chiến tranh; khủng hoảng trong luật pháp quốc tế và hệ thống quốc tế; chủ nghĩa phát xít mới; quyền con người được hưởng một môi trường trong lành và lành mạnh; cuộc đấu tranh cho quyền phụ nữ, bình đẳng và chống phân biệt đối xử dựa trên giới; lao động và quyền lao động…
Các cuộc thảo luận được dẫn dắt dân chủ, thể hiện rõ vai trò định hướng của IADL trong việc hình thành quan điểm chung, cân bằng, trung lập, không áp đặt, nhất là đối với các vấn đề còn nhiều tranh luận như cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tinh thần chung là thúc đẩy giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, khẳng định quyết tâm bảo vệ hệ thống pháp luật quốc tế, các giá trị tiến bộ của nhân loại, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, phản đối các biện pháp đơn phương.
Đại hội đã thông qua Tuyên bố chung trên cơ sở tổng hợp các nội dung thảo luận, đồng thời giao Ban Thường vụ sớm ban hành bản tóm tắt ngắn gọn để dễ nắm bắt và thực thi trong thời gian tới.
Có thể nói, Đại hội lần thứ 19 của IADL đã tạo ra một nền tảng tổ chức và pháp lý vững chắc để tiếp tục thúc đẩy các giá trị mà tổ chức theo đuổi, đó là hòa bình, công lý, quyền con người và sự thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế. Đây chính là những yếu tố then chốt đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của thế giới hiện nay.
Đoàn Đại biểu Hội Luật gia Việt Nam dự Đại hội IADL-19.
NĐT: Xin ông cho biết về sự tham gia và đóng góp của đoàn Hội Luật gia Việt Nam tại Đại hội lần thứ 19 của IADL?
Ông Nguyễn Khánh Ngọc: Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam tham dự Đại hội lần này với một tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm trên nền tảng vị thế mới của đất nước được tạo lập sau 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hiện nay, đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của chúng ta về hội nhập quốc tế đều rất rõ ràng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc để cả hệ thống chính trị, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam tham gia hiệu quả vào tiến trình hội nhập quốc tế, cũng như đóng góp tích cực vào Đại hội lần thứ 19 của IADL.
Thứ nhất, Đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để đóng góp vào các nội dung then chốt của Đại hội, trong đó có việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo phù hợp với tiêu chí chung của tổ chức.
Thứ hai, đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong quá trình thảo luận, xây dựng và sửa đổi Điều lệ của IADL, cũng như các văn kiện quan trọng khác. Với tinh thần mang tiếng nói của Việt Nam ra trường quốc tế, Đoàn Hội Luật gia Việt Nam không chỉ tham gia mà còn chủ động đề xuất góp phần xây dựng, định hình luật chơi, thể hiện rõ trình độ chuyên môn, hiểu biết pháp luật quốc tế và năng lực hội nhập quốc tế.
Thứ ba, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng, Đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều đề xuất thiết thực và được các đoàn quốc tế đánh giá rất cao về sự tham gia trách nhiệm và sâu sắc về chuyên môn. Nhiều đề xuất, quan điểm đổi mới của Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong Đại hội, từ việc sửa đổi Điều lệ đến cải tiến cơ chế vận hành như tăng tần suất họp của Ban Thường vụ, đổi mới phương thức làm việc để đáp ứng yêu cầu mới. Đây là minh chứng cho việc Việt Nam không chỉ tham gia mà còn có ảnh hưởng tích cực trong một tổ chức luật gia quốc tế lớn như IADL.
Thứ tư, Đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã đề cao và thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong tổ chức IADL. Mọi ý kiến đóng góp của đoàn Việt Nam đều xuất phát từ mục tiêu chung của IADL, vì hòa bình, vì công lý, vì quyền con người và các giá trị tiến bộ chung của nhân loại. Trong bối cảnh có nhiều quan điểm khác biệt, Đoàn luôn kiên trì thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm tiếng nói chung, đóng góp thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức IADL.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Tiến bộ và Chuyên nghiệp Nepal (PPLA).
Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian tham dự Đại hội lần thứ 19 của IADL, Đoàn Hội Luật gia Việt Nam cũng tham gia cuộc họp của Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), gặp gỡ và làm việc với các hội luật gia, luật sư của Nepal, Ấn Độ, Philippines…
Tại các cuộc làm việc này, bạn bè quốc tế đều thể hiện sự đánh giá cao quan điểm, lập trường của Việt Nam trong việc bảo vệ hòa bình, công lý và thúc đẩy pháp quyền trên trường quốc tế, cũng như mong muốn hợp tác với Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền con người. Cùng với sự tham gia tại Đại hội, các hoạt động đối ngoại song phương này đã góp phần tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và sự chủ động, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam trong cộng đồng luật gia tiến bộ quốc tế.
NĐT: Thưa ông, trên tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp như thế nào vào việc thực hiện sứ mệnh của IADL trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Khánh Ngọc: Sau Đại hội lần thứ 19 của IADL, tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để Hội Luật gia Việt Nam rà soát, đánh giá lại toàn diện quá trình tham gia của mình trong tổ chức IADL, từ đó xác định rõ những định hướng và giải pháp nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế của Việt Nam trong tổ chức này và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức luật gia tiến bộ trên thế giới theo chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị ban hành về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh chóng và đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết, Hội Luật gia Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò của mình trong một tổ chức luật gia dân chủ tiến bộ, có tiếng nói trách nhiệm, có khả năng đóng góp về chuyên môn, thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn hòa bình, tiến bộ, dân chủ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Hội Luật gia Việt Nam có đại diện trong Ban Thường vụ của IADL. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để người đại diện của Hội có thể đem tiếng nói của Hội vào việc giải quyết các vấn đề trong IADL là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Hội cần có đổi mới, tập hợp và huy động tối đa hội viên. Tức là Hội cần có chuẩn bị tốt về các nguồn lực, điều kiện cần thiết để tham gia một cách thực chất, hiệu quả trong tổ chức IADL, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, trên tinh thần chủ động hội nhập, Hội hoàn toàn có thể xem xét việc đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo hoặc sự kiện chuyên đề của IADL tại Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để thúc đẩy các vấn đề ưu tiên của Việt Nam vào chương trình nghị sự quốc tế, mà còn góp phần khẳng định vai trò ngày càng tích cực của nước ta trong các thiết chế luật pháp toàn cầu.
Nói tóm lại, chúng ta cần có cách tiếp cận khác trước: không chỉ tham gia mà còn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để đóng góp xây dựng luật chơi và từng bước tham gia dẫn dắt luật chơi. Tinh thần đó chính là tâm thế mới của Việt Nam khi hội nhập quốc tế sâu rộng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thực hiện: MẠNH QUỐC - QUỲNH CHI
NGUOIDUATIN.VN | Thứ Năm, 24/7/2025 | 15:45