Khi nào Google, Facebook trả tiền cho báo chí?

Google đã nhượng bộ trả phí cho các nội dung của báo chí ở Australia và Brazil. Bao giờ đến Việt Nam?

img

Trong thông báo ngày 25/6, Google cho biết sẽ trả phí cho các "nội dung chất lượng cao" của các tờ báo tại Australia, Đức và Brazil. Động thái này được coi là sự nhượng bộ của gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ sau khi Pháp và Australia gây sức ép pháp lý, buộc Google phải thanh toán cho các hãng truyền thông. Lý do bởi, nội dung tin tức do họ sản xuất xuất hiện trên trang Google.

Đã từ lâu, dịch vụ Google News vẫn quét tin tức từ các tờ báo địa phương tại nhiều quốc gia trên thế giới và dẫn về nền tảng của mình nhưng không trả phí. Google tự cho rằng đây là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, bởi đưa nội dung lên nền tảng tìm kiếm hàng đầu này sẽ mang lại lượng view không nhỏ cho các báo.

Tuy nhiên, lời biện giải đó không làm hài lòng hàng loạt tờ báo lớn, cũng như có nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối sự bất công và áp đặt độc quyền của Google. Mới đây, hãng tin AFP đã đích thân kêu gọi Liên minh châu Âu thông qua luật, yêu cầu các công ty internet như Google phải thanh toán phí sử dụng tin tức.

Đối với Australia, các công ty công nghệ khổng lồ như Google và Facebook được ví như bóng ma đe dọa nền báo chí, khi số lượng nhân lực trong ngành của nước này giảm hơn 20% kể từ năm 2014 do doanh thu quảng cáo trên mạng đều bị các công ty thâu tóm gần như toàn bộ.

Các hãng truyền thông lớn của Australia đã yêu cầu hai công ty Google và Facebook phải trả tối thiểu 10% tiền doanh thu quảng cáo cho các hãng tin tức địa phương. Tuy nhiên, chỉ có Google mới đưa ra phản ứng tích cực đầu tiên, còn “ông lớn” Facebook vẫn phản đối kịch liệt.

Có thể thấy, khoảng thời gian “trăng mật” ngọt ngào giữa báo chí với các công ty công nghệ lớn dường như đã đến hồi kết, khi sự hợp tác chưa bao giờ là công bằng. Trong khi Google và Facebook ngày càng phát triển trở thành những công ty toàn cầu thống trị nền tảng truyền thông thì ngược lại báo chí đang thoi thóp ở nhiều quốc gia.

Mới đây, New York Times đã trở thành cái tên nổi tiếng nhất “dứt áo ra đi” khỏi ứng dụng tin tức Apple News, sau khi cho rằng dịch vụ của hãng công nghệ Mỹ đã không giúp mang lại hiệu quả về kinh doanh.

Bức tranh ảm đạm tương tự cũng được ghi nhận ở Việt Nam, khi lượng người đọc báo in giảm mạnh, trong khi doanh thu trên môi trường trực tuyến lại do hai hãng công nghệ Google và Facebook nắm trọn.

Với thực trạng các công ty công nghệ được hưởng lợi từ báo chí ngày càng lớn, đề xuất về việc Google và Facebook trả phí cho các cơ quan báo chí đã được đề cập từ lâu nhưng chưa thể trở thành hiện thực, do chưa có các nền tảng về nghị định, luật pháp phù hợp.

Theo ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình trong năm 2019 của hơn 900 cơ quan báo chí chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của Facebook và Google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo đã rơi vào tay các nền tảng này. Nếu cứ tiếp tục như vậy, nguồn thu của báo chí sẽ ngày càng thu hẹp lại.

Cuộc chiến chống lại những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Google để đòi hỏi quyền lợi cho báo chí sẽ không dễ thành công trong một sớm một chiều. Điều quan trọng nhất vẫn là mỗi tờ báo cần có những giải pháp phù hợp với thời cuộc, thay vì để chất lượng ngày càng đi xuống, vì phải xoay sở tìm kiếm nguồn thu.

Đã có nhiều quan điểm cho rằng báo chí Việt Nam nên đi theo xu hướng người đọc trả phí của thế giới. Khi nguồn thu quảng cáo không thể cạnh tranh với Facebook và Google, nguồn thu từ độc giả có thể là một hướng đi bền vững.

The New York Times đang triển khai rất tốt cách làm này với gần 6 triệu độc trả trả phí thuê bao ở mức 9,99 USD-15,99 USD/tháng, giúp tờ báo thu về 800 triệu USD năm ngoái.

Tuy nhiên, đọc báo online không mất phí đã trở thành thói quen khó xóa bỏ đối với độc giả truyền thống. Nếu bắt buộc phải trả phí, họ có thể lựa chọn sang những đầu báo miễn phí khác một cách dễ dàng.

Muốn thu được tiền của độc giả, mỗi tờ báo phải tạo ra những nội dung chất lượng cao, thông tin độc quyền, khiến người đọc cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo, sẵn sàng rút hầu bao để thưởng thức “món ăn ngon”.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img