Khó khăn trong xử lý vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông

Thanh Lam - Lê Trà

Kể từ ngày 15/11, xúi giục, ép người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt tiền.

Đương đầu với khó khăn

Chia sẻ tại hội nghị triển khai các văn bản pháp luật hướng dẫn luật Phòng, chống tác hại của rượu bia do bộ Y tế tổ chức ngày 28/9, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, cục Cảnh sát giao thông (bộ Công an) chia sẻ: “Lĩnh vực giao thông là lĩnh vực đầu tiên thực hiện luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bằng Nghị định 100. Khi Nghị định có hiệu lực, bộ Công an cũng chỉ đạo kịp thời, yêu cầu công an các cấp, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông triển khai, thực hiện ngay”.

Đánh giá về Nghị định 100 khi đưa vào thực tiễn, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng Nghị định này đã thay đổi, nâng cao nhiều hình thức xử phạt: “Điểm mấu chốt của Nghị định là việc tăng mức xử phạt hành chính và thời hạn tước giấy phép lái xe. Những ngày đầu thực hiện Nghị định 100, chúng ta đã thấy được Nghị định tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân hạn chế lui tới các quán nhậu”.

Tuy nhiên, vị đại tá này cũng cho biết trong quá trình thực hiện Nghị định 100, lực lượng chức năng phải đương đầu với nhiều khó khăn: “Chúng tôi gặp khó với những câu hỏi như: Ăn hoa quả hoặc uống siro thì có nồng độ cồn không? Điều này gây khó khăn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ và lực lượng cảnh sát giao thông.

Không phải những chuyên gia y tế, nên trong vấn đề này, chúng tôi đã phải phối hợp trực tiếp với bộ Y tế để có lực lượng kỹ thuật hình sự giúp thực nghiệm hơn 300 lần mua các loại hoa quả, siro bán trên thị trường để xác thực việc uống siro có nồng độ cồn hay không. Trước sự ghi nhận của nhiều đơn vị báo chí, nồng độ cồn sau khi uống siro là có, tuy nhiên sau 3-5 phút hoặc uống nước thì nồng độ cồn sẽ mất đi”.

Công tác đo nồng độ cồn trên thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn.

“Thêm nữa, lực lượng làm nhiều vụ lại gặp phải khó khăn thứ hai khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, nhiều cơ quan truyền thông lúc này lại đặt câu hỏi là thổi nồng độ cồn thì có lây Covid không? Vấn đề này chúng tôi lại phải liên lạc với cục Y tế dự phòng. Ngay sau đó, bộ Y tế có khuyến cáo về việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, tránh lây nhiễm Covid-19 khi thực hiện đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông".

Vấn đề tiếp theo là ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, tình trạng người dân uống rượu, bia tại các quán xá tiếp tục xuất hiện. Và rất kịp thời, ngay trong tháng 5/2020, cục Cảnh sát giao thông đã ban hành một kế hoạch tổng kiểm soát các phương tiện cơ giới đường bộ với việc đo nồng độ cồn”.

Để Nghị định 100 tiếp tục có hiệu quả, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật: “Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục để người dân nắm thông tin, cán bộ đảng viên cũng cần gương mẫu thực hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ngay tại cơ quan của mình.

Các đơn vị báo chí cần truyền thông mạnh mẽ thông điệp không cấm người dân uống rượu bia, tuy nhiên đã uống thì không được phép điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tăng cường kiểm tra giám sát các đối tượng điều khiển phương tiện vượt quá nồng độ cồn cho phép…”.

Cũng thông tin với PV, ông Trần Ngọc Duy, chuyên viên vụ Pháp chế, bộ Y tế cho biết Nghị định số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ký ban hành ngày 28/9 có hiệu lực từ ngày 15/11 (thay thế nghị định 176) trong đó có một phần về phòng chống tác hại rượu, bia. Cụ thể tại Điều 30 của Nghị định, hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan bị phạt 3-5 triệu đồng nếu để tình trạng uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc.

Để luật đi vào thực tiễn cuộc sống

Để luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào thực tiễn cuộc sống, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho biết: “Đối với bất cứ đạo luật nào khi được ban hành, việc đầu tiên là phải có sự đồng bộ các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện luật bao gồm các văn bản của Chính phủ, các bộ ngành liên quan đến luật. Từ khâu tổ chức thực hiện, đến khâu thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm. Với Bộ luật cấm sử dụng rượu, bia cũng vậy.

Thêm nữa, công tác tuyên truyền, thông tin và truyền thông về các điều luật cũng là việc cần làm. Ở đạo luật nào cũng vậy nhưng với những điều luật đã gắn với thói quen của đại bộ phận người dân thì cần có thời gian dài. Muốn thay đổi cần tuyên truyền, truyền thông bền bỉ. Bên cạnh đó phải giới thiệu cho người dân để họ biết và hiểu, từ đó mới nghiêm túc tuân thủ và thực hiện.

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tê).

Đồng thời, sự phân công trách nhiệm một cách cụ thể các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cũng là điều cần làm. Bộ ngành làm gì, UBND các cấp làm gì, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã phải phát huy và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai và phân công trách nhiệm để thực hiện theo quy định. Song song với đó cũng cần đôn đốc, giám sát để xử lý các sai phạm.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100, trong đó có quy định về vấn đề xử phạt các lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông. Ngày hôm nay, bộ Y tế cũng ban hành Nghị định số 117 năm 2020, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế. Một ưu điểm nữa là các quy định này cũng kế thừa nghị định 176 cũ và cập nhật thêm những điểm đổi mới hơn.

Chính phủ đã có những quy định cập nhật liên quan đến vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Hiện nay, công tác tổ chức, triển khai luật cũng rất được quan tâm. Một điểm nữa mà nếu được đầu tư tốt về vấn đề nguồn kinh phí để triển khai các nhiệm vụ của các cơ quan tổ chức cá nhân thì luật cũng sẽ đi vào trong đời sống một cách hiệu quả.

Theo bà Trang, nếu quyết tâm thì bộ luật sẽ được áp dụng vào thực tiễn nhanh chóng, điển hình là cấm sử dụng rượu, bia khi lái xe: “Lực lượng chức năng quyết tâm ra quân kiểm tra, xử lý thì tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông của người dân sẽ ít đi, giảm được tai nạn thương tâm”.

Bên cạnh đó, vẫn còn khó khăn khi các sản phẩm thủ công không nhằm mục đích kinh doanh (tức là các hộ gia đình sản xuất để tự tiêu dùng trong gia đình hoặc tặng, biếu người quen). Vì vậy, luật và nghị định được ban hành nhằm quản lý được hoạt động này, muốn bán thì phải đăng ký kinh doanh và trách nhiệm chính được giao cho UBND cấp xã”.

Cùng trao đổi với PV, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, trong thời gian qua, cả nước đã nhận thấy tác hại của rượu bia trong đời sống của người dân. Vì vậy, Quốc hội đã bấm nút thông qua luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Để luật được triển khai đi vào cuộc sống, Chính phủ đã giao cho bộ Y tế là cơ quan thường trực giúp Chính phủ chủ động triển khai các nội dung luật và các văn bản liên quan để đưa luật vào cuộc sống.

Thứ tưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng Tuyên cần có sự vào cuộc của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân như công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

“Muốn làm được điều này, trước hết phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, theo tôi các địa phương nên thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tác hại rượu bia. Sau đó phải phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cấp, từng ngành xây dựng các nghị định của luật và nghị định của Chính phủ để triển khai ở từng địa phương, bộ ngành phù hợp với thực tế”, Thứ trưởng Tuyên nói.

Theo Thứ trưởng, cần cấm việc uống bia rượu trước, trong và sau giờ giải lao tại các cơ quan công vụ, hoặc cấm việc uống bia rượu trước, trong khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, đưa những điều cấm vào nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan đơn vị, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị đó nếu để cho cán bộ, công chức, viên chức của mình có những vi phạm.

Thêm nữa, cần phải tuyên truyền làm sao để người dân hiểu được tác hại của rượu, bia, từ đó, tự giác chấp hành thì chắc chắn luật sẽ đi vào cuộc sống.

“Gánh nặng của bệnh không lây nhiễm đang là trở ngại lớn cho ngành y tế và sự phát triển của đất nước. Trong đó, việc sử dụng bia, rượu là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm. Theo WHO, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Uống rượu, bia gây ra hậu quả bệnh cấp tính và mãn tính, với tác hại cho cả người uống, người xung quanh và cả cộng đồng xã hội như gây chấn thương, gây tai nạn sau khi sử dụng hay ngộ độc bia rượu và một số tác hại khác diễn ra từ từ, kéo dài gây tổn hại mãn tính đối với sức khỏe như: bệnh ung thư, bệnh tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do người mẹ sử dụng bia rượu. Hay các vấn đề xã hội lâu dài như các tác hại với gia đình, phá vỡ mối quan hệ trong gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số. Do ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng, nên bia rượu là loại hàng hóa được hầu hết các nước đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến kích tiêu dùng”, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

T.L - L.T