Khóc ròng chỉ vì một cú nhấp chuột, tiền trong tài khoản “không cánh mà bay”

Thanh Lam

Đánh trúng vào tâm lý người kinh doanh online muốn bán được hàng, đã có không ít các chiêu thức lừa đảo xuất hiện. Gần đây nhất, nhiều người khóc ròng vì việc bị dụ ấn vào một đường link trên facebook và tài khoản ngân hàng cũng đột nhiên biến mất…

Chiêu thức lừa đảo tinh vi

Những ngày cuối tháng 5/2020, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật nhận được phản ánh của một số người dân kinh doanh online về việc họ bị lừa mất tương đối nhiều tiền trong tài khoản cá nhân thông qua chiêu thức lừa đảo tinh vi.

Chị Hoàng Thị Hường (trú tại Yên Bái) gương mặt vẫn chưa hết buồn khi tài khoản ngân hàng của mình vừa “bốc hơi” mất gần 10 triệu đồng: “Tôi kinh doanh online được gần 1 năm nay, đã xây dựng được hệ thống mạng lưới cộng tác viên trên khắp cả nước. Tuy nhiên, có một nickname facebook tên Trương Thảo ban đầu để tạo sự tin tưởng đã nhận làm cộng tác viên bán hàng, nhập rất nhiều hàng”.

Tiếp đó, theo lời kể của chị Hường, sau khoảng một tuần nickname nêu trên có nhắn tin qua facebook nói rằng tiếp tục đặt mua hàng. Lần này, phương thức thanh toán vẫn là chuyển khoản ngân hàng.

Nhiều người bán hàng online bị mất tiền oan vì ấn vào link lạ.

“Người này nói rằng mình đang ở nước ngoài, nên khi chuyển khoản vào số tài khoản của tôi cần ấn vào một đường link để xác nhận. Tôi không mảy may nghi ngờ nên đã làm theo. Chỉ sau vài giây xác nhận và thế là tài khoản ngân hàng của tôi cũng tự nhiên biến mất không còn một đồng nào”, chị Hường nói.

Ngậm ngùi, chị Hường bày tỏ: “Với một người kinh doanh online như chúng tôi, số tiền bị mất cũng là cả vấn đề, chúng tôi đã phải bỏ thời gian, công sức tư vấn khách hàng. Vậy mà, họ nỡ lòng nào đi lừa”.

Chị Hường cũng chia sẻ thêm, không chỉ có chị mà nhiều người bạn bán hàng của chị cũng gặp phải tình huống tương tự: “Họ nhắm vào dân bán hàng, ngày trước thì họ đặt hàng với số tiền lớn, còn giờ tinh ranh hơn là đặt cả đơn nhỏ lẻ. Tuỳ từng người bán hàng mà cách lừa đảo của các đối tượng này khác nhau”.

Sau khi sự việc xảy ra, chị Hường đã cố liên hệ với nickname kia, nhưng tài khoản đã khoá, chị cũng đã chia sẻ lên trang facebook cá nhân để cảnh báo. Đồng thời, coi đây như bài học cho mình, cho những người bán hàng online khác.

Tương tự, chị Thuỳ Linh (bán hàng online khu vực Hà Nội) cũng than phiền tài khoản bị “bốc hơi” 50 triệu đồng cũng với chiêu thức lừa đảo mua hàng và xác nhận vào đường link vì người mua ở nước ngoài.

“Giờ tiền mất rồi, tôi cũng chẳng biết phải kêu ai hay làm thế nào cả”, chị Linh bày tỏ sự bế tắc.

Hết sức cảnh giác

Trao đổi với PV, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (bộ Công an) đã có những lý giải về các chiêu thức lừa đảo nêu trên.

Chiêu thức lừa đảo tinh vi.

“Các đường dẫn link giả đó sẽ dẫn người bán hàng truy cập vào trang web giả mạo, khi truy cập vào sẽ phải khai báo thứ mà đối tượng lừa đảo yêu cầu và người bán hàng sẽ bị mất tài khoản, bị hack tấn công chiếm quyền quản trị.

Khi truy cập vào các đường link lạ sẽ ẩn chứa các virus sẽ khiến cho hacker chiếm mật khẩu, truy cập được vào các tài khoản trên facebook, email sau đó bí mật ghi lại các thao tác trên bàn phím. Đây là một trong số những thủ đoạn chiếm đoạt thông tin, tài khoản trên mạng xã hội, thẻ tín dụng hoặc trên thẻ ngân hàng phổ biến. Tuy nhiên, với trường hợp trên hình thức thì tinh vi sử dụng chiêu mới dưới dạng mua bán hàng”, ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, chiêu thức mới dưới dạng bán hàng sẽ tạo ra việc người bán muốn bán còn người mua dễ dàng lợi dụng mà quên đi cảnh báo, nguy cơ chiếm đoạt tài sản thông qua mạng.

“Đây là một trong những thủ đoạn chiếm đoạt trên mạng không mới nhưng cách để moi thông tin của đối tượng tương đối dễ dàng. Có thể người lừa mua hàng ở trong nước chứ không phải như ở nước ngoài như đã nói, vì thế người dùng mạng xã hội, người dùng internet cần hết sức cảnh giác”, ông Hiếu nêu.

Chuyên gia tội phạm học lý giải về chiêu thức lừa đảo tinh vi này.

Nói thêm về giải pháp phòng ngừa, chuyên gia tội phạm học nhấn mạnh: “Một là, không truy cập vào các đường link lạ không an toàn, khi giao thiệp trên không gian mạng luôn luôn phải có ý thức đề phòng. Thứ hai, không truy cập điện thoại cá nhân của mình có sử dụng các ứng dụng về tài khoản ngân hàng, bởi nếu đối tượng hack vào được thì rất nguy hiểm. Vì thế, phải hết sức cảnh giác, không vì tò mò mà truy cập vào đường link từ người lạ gửi cho”.

Với những người bị mất tiền, ông Hiếu cho biết: “Đây là một hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả, người dân có thể làm đơn trình báo đến cơ quan công an. Đó là phòng cảnh sát hình sự công an các tỉnh, nơi nạn nhân cư trú để trình báo sự việc và đề nghị giúp đỡ. Cơ quan chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao sẽ có nhiệm vụ lần theo dấu vết trên không gian mạng để tìm. Tuy nhiên, việc lấy lại được khoản tiền đã mất còn khó khăn vì nhiều yếu tố. Nhưng, với trách nhiệm công dân khi bị hại thì người dân nên trình báo đến các cơ quan pháp luật”.

Sẽ bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trao đổi thêm với PV, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó phòng Tranh Tụng, công ty Luật TNHH TGS (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng là câu chuyện khá quen thuộc và càng ngày càng nhiều các thủ đoạn lừa đảo phong phú và tinh vi hơn. “Hành vi của đối tượng trên đã đầy đủ các dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, bộ luật hình sự năm 2015; Điều 143, bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tố giác của cá nhân, cơ quan, tổ chức là căn cứ đầu tiên để khởi tố vụ án hình sự. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo và thực hiện tố giác, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bắt buộc phải tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời cho nạn nhân theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp xác định được danh tính của các đối tượng lừa đảo, các đối tượng này đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể là phải đối mặt với việc bị khởi tố, truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các mức án từ vài năm tù đến chung thân”, luật sư Hùng nhấn mạnh.

T.L