img

Không để bùng phát làn sóng dịch mới khi “mở cửa lại bầu trời”

Thanh Lam

Liên quan đến việc mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, nhiều chuyên gia y tế cho rằng cần phải đặc biệt lưu ý khâu kiểm soát không để sót trường hợp nhập cảnh chưa được xét nghiệm vào Việt Nam.

Không được bỏ sót

Việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15/9 đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi, điều này là cần thiết trong việc phục hồi phát triển kinh tế trong tình hình mới của dịch Covid-19. Trước đó, để đưa ra quyết định mở đường bay thương mại quốc tế, ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã đã thảo luận về chiến lược xét nghiệm Covid-19 phù hợp với tình hình mới. Vấn đề tổ chức xét nghiệm Covid-19, cách ly ra sao để hành khách nhập cảnh không xuất hiện các ổ dịch mới đã được ban Chỉ đạo, Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng. Cùng với đó, xét nghiệm và cách ly ra sao để đảm bảo thuận tiện cho người mới nhập cảnh, chi phí xét nghiệm… cũng là điều được bàn tính.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Ngô Việt Hùng - Chuyên gia độc lập về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng - cho rằng vấn đề chính là ở khâu kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Quan trọng là không bỏ sót người nhập cảnh. Sàng lọc bởi các xét nghiệm cho phép kiểm soát chặt chẽ hơn là sàng lọc bằng lâm sàng, nhất là đối với khách đến từ vùng dịch”.

Trước thông tin làm xét nghiệm 180 phút và không phải cách ly 14 ngày như đã áp dụng, bác sĩ Hùng cho hay: “Cả thế giới đều làm vậy và chúng ta áp dụng không có gì là lạ”. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cũng cho rằng nếu không kiểm soát tốt người nhập cảnh thì việc nhiều người lo sợ nguy cơ dịch bùng phát trở lại thêm một lần nữa là điều khó tránh khỏi. “Tất cả đều có thể xảy ra. Song dù sao nhân loại cũng đã thích nghi với đại dịch và đang tìm cách chung sống sao cho hợp lý, an toàn nhất”, ông nhấn mạnh thêm.

img

Phải kiểm soát, xét nghiệm chặt chẽ người nhập cảnh.

Mở lại đường bay là điều tất yếu

Trong khi đó, trao đổi với PV về việc mở lại đường bay quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) - cho hay: “Theo tôi, việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là điều tất yếu nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế”.

Lý giải về điều này, ông Nga cho rằng dịch Covid-19 có thể còn kéo dài cho đến khi vắc-xin được phổ biến. Nhưng, chúng ta cũng không thể đóng cửa mãi. “Có thể thấy, qua hai lần dịch Covid-19 bùng phát trong nước, Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh, có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng phòng, chống dịch. Bộ Y tế cũng đã đưa ra nhiều hướng dẫn chi tiết về phòng, chống dịch bệnh ở cộng đồng, cùng với đó tôi thấy rằng người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng…”, ông Nga phân tích về những kinh nghiệm mà Việt Nam có được trong suốt thời gian chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ông Nga cũng kỳ vọng năng lực xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn.

img

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng chúng ta không thể đóng cửa mãi.

Trước thông tin, người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm RT-PCR hai lần âm tính sẽ được xem xét rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn 5 ngày thay vì 14 ngày, ông Nga bày tỏ, phương pháp xét nghiệm RT-PCR có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Vì thế, kết quả được tin tưởng làm căn cứ khẳng định người nhập cảnh có mang mầm bệnh hay không.

“Không có phương pháp nào là tuyệt đối an toàn, nhưng thông thường nếu người nhiễm Covid-19, sau khoảng 3 - 4 ngày có thể phát hiện bằng xét nghiệm RT-PCR. Vì vậy, khoảng thời gian giữa các lần xét nghiệm trước và sau khi nhập cảnh sẽ đủ để phát hiện nếu nhiễm bệnh”, ông Nga nói.

Theo ông Nga, chỉ nên cách ly khách nhập cảnh 4 - 5 ngày, thay vì 14 ngày, sau đó khuyến cáo họ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc… Trong 14 ngày đầu khi nhập cảnh, cần khuyến cáo khách chỉ đến những nơi phục vụ công việc hạn chế ra nơi công cộng khi không cần thiết.

“Bên cạnh đó, theo tôi cần giao trách nhiệm cho các đơn vị đón khách nhập cảnh quản lý việc di chuyển và sức khỏe của hành khách nhập cảnh. Đồng thời, yêu cầu hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Người nhập cảnh cũng cần được hướng dẫn làm sao để liên hệ với cơ quan chức năng nhanh nhất khi có bất cứ biểu hiện của việc mắc bệnh”, ông Nga nhấn mạnh.

Dự kiến có khoảng 20.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam

Ngày 15/9, các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được mở lại và sau đó một tuần, ngày 22/9 tiếp tục với các chuyến bay đi và đến Lào, Campuchia, Đài Loan. Với việc mở lại các đường bay, dự kiến trong tháng 10 sẽ có khoảng 20.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam. Hành khách trên các chuyến bay là nhà ngoại giao, nhân viên công vụ, công dân Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên có nhu cầu về nước; người Việt đi lao động, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam; chưa áp dụng với khách du lịch. Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử.

T.L

img