Không khó khăn vì Covid-19 vẫn lấy quà từ thiện: Sự nghèo ý thức của những người không nghèo vật chất

“Nếu khó khăn, hãy nhận một phần, nếu ổn rồi xin nhường cho người khác” – thông điệp đang lan toả trong cộng đồng đã khiến nhiều người nghèo nhận được những suất quà từ thiện giúp họ bớt nhọc nhằn trong mùa dịch bệnh. Song đáng buồn là có những người không khó khăn nhưng vẫn hồn nhiên đến nhận…

Đại dịch viêm phổi cấp vì chủng mới của virus Corona (dịch Covid-19) đã bước sang tháng thứ 4 với mức độ tàn phá ngày càng nặng nề. Đã có tới gần 1,4 triệu người nhiễm bệnh trên tổng số 210 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó hơn 76 nghìn người tử vong (tính đến sáng 8/4/2020).

Ở Việt Nam, 251 trường hợp đã dương tính với Covid-19. Tuy chưa có ca nào tử vong nhưng hậu quả của đại dịch tác động đến kinh tế, xã hội là khá lớn.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính cả nước có khoảng 15% doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hơn 153.000 người lao động làm việc trong doanh nghiệp mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Riêng tại Hà Nội, theo khảo sát sơ bộ, đến cuối tháng 3/2020, toàn thành phố có khoảng 40% doanh nghiệp (trong tổng số hơn 240.000 doanh nghiệp) phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, kéo theo hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm, đặc biệt là khối ngành dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử.

Tình trạng còn trở nên cấp thiết hơn đối với những lao động tự do làm các nghề phổ thông như xe ôm, bán vé số, hàng rong… mà trong đó có một bộ phận đang bị “kẹt” ở thành phố với nhiều chi phí sinh hoạt bủa vây. Đây là nhóm người không được tiếp cận các gói trợ cấp chính thức của Chính phủ.

Chính vì vậy, thời gian gần đây tại các tỉnh thành, một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức phát quà từ thiện cho người nghèo. Suất quà đơn sơ gồm những cân gạo, gói mì, quả trứng… nhưng đã khiến nhiều người nghèo giảm bớt áp lực cuộc sống để vượt qua khó khăn mùa dịch bệnh.

Song đáng tiếc đâu đó vẫn xảy ra rường hợp người đi xe máy, thậm chí xe gas đắt tiền, ăn mặc tươm tất với đồng hồ, nhẫn vàng trên tay nhưng lại ghé vào điểm từ thiện nhặt những suất quà mang đi.

Thậm chí có những người một ngày đi lấy quà nhiều lần, phân công vợ con chia nhau đi lấy. Mì mang về ăn không hết, họ mang ra hàng tạp hoá đổi lấy những nhu yếu phẩm khác như xà phòng, nước mắm… Còn chủ tạp hoá nhìn thấy có lợi (do mua vào giá thấp, mì gói dễ bán trong mùa dịch) thì cũng vô tình tiếp tay cho thói tham lam, vô cảm này.

Tại Đồng Nai, người ta còn chụp được ảnh những người đi xe máy chở nhiều bao gạo lớn, nhỏ lấy được từ điểm từ thiện.

Thật quá buồn cho sự nghèo ý thức của những người không nghèo về vật chất này

Đại dịch chưa biết đến bao giờ kết thúc. Và theo tính toán, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tính quý II/2020 sẽ có thêm 250.000 lao động bị mất việc làm và từ 1,5 đến 2 triệu lao động bị tạm ngừng việc.

Khó khăn còn kéo dài, xin mỗi người hãy có ý thức thêm một chút. Nếu bạn khó khăn, hãy nhận một phần, nếu bạn ổn, xin hãy mang đến, chứ đừng mang đi!

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Tụ tập vui chơi, tắm biển giữa cao điểm dịch Covid-19: Ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để đâu?

Thứ 3, 31/03/2020 | 16:26
Trong khi cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 thì một bộ phận người dân đổ xô đi tắm biển, cắm trại, tụ tập vui chơi… thể hiện sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng một cách đáng sợ.

Sự ích kỷ, vô trách nhiệm mang tên “bệnh nhân 178”

Thứ 2, 30/03/2020 | 08:02
Xuất phát từ ổ dịch bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) song bệnh nhân COVID-19 số 178 đã khai báo y tế gian dối làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho hàng loạt người ở Hà Nội và Thái Nguyên.

Trốn cách ly Covid-19: Nghịch lý tháo chạy khỏi quyền lợi

Thứ 2, 23/03/2020 | 14:00
Càng thương cảm, kính nể những vị bác sĩ trên mọi chiến tuyến đang căng mình chống dịch Covid-19 thì càng căm phẫn những đối tượng được hưởng quyền lợi vẫn “ương bướng” một cách khó hiểu, tìm mọi biện pháp để trốn cách ly.