Kịch bản nào “cấp cứu” ngành du lịch đang lao đao vì đại dịch Covid-19?

HÀ NHÂN

Sau vài tháng xuất hiện dịch Covid-19, ngành du lịch của Việt Nam đang đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề. Khắp các địa phương đều báo cáo số lượng khách đến, công suất phòng khách sạn,…giảm sâu nhất trong nhiều năm qua. Giữa lúc này, việc triển khai gói hỗ trợ vẫn loay hoay vì chưa biết bắt đầu từ đâu.

Mây đen bao trùm toàn ngành

Là địa phương đứng đầu phía Nam về du lịch nhưng TP.HCM cũng vừa đưa ra số liệu đáng buồn, rằng có đến 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa vì lượng khách quốc tế giảm mạnh trong quý 1/2020. Khi doanh thu liên tục giảm từ tháng Một rồi tê liệt hoàn toàn, chỉ có một số đơn vị có thể hoạt động cầm chừng đến nay.

Điều này thể hiện qua việc doanh thu tháng Ba chỉ đạt 2.200 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ và đóng góp chưa đến 10% vào tổng doanh thu du lịch quý đầu năm. Thành phố chỉ đón hơn 1,3 triệu lượt khách trong 3 tháng qua. Lượng khách và doanh thu tại một số công ty lữ hành giảm 95-100%. Tình hình khắc nghiệt khiến hầu hết các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã ngưng hoạt động. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn, doanh nghiệp nhà nước đang “thoi thóp” khi bố trí nhân sự trực tại văn phòng.

Diễn biến tại các cơ sở lưu trú cũng không khả quan hơn sau khi toàn bộ điểm tham quan đồng loạt đóng cửa. Doanh thu lưu trú, nhà hàng, hội nghị... đều giảm khoảng 60%. Nhiều đơn vị buộc cho nhân viên nghỉ không lương đến khi có tuyên bố hết dịch. Ước tính con số này lên đến 20.000 người, chiếm gần 70% tổng lao động toàn ngành.

Báo cáo của sở Du lịch tỉnh Khánh Hoà cũng cho thấy, đã có 17.100 người lao động bị mất việc sau hơn 2 tháng dịch Covid-19 tác động xấu. Trong đó, mảng lưu trú cắt giảm 30% nhân viên, giảm 15.000/52.500 người; mảng dịch vụ lữ hành giảm hơn 60% nhân viên, giảm khoảng 2.100/3.510 người.

Hàng loạt doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân viên vì lượng khách du lịch trong và ngoài nước giảm quá mạnh, khách sạn cũng gần như trống phòng vì Covid-19. Lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa giảm 52,6% còn khoảng 415.360 lượt trong 3 tháng qua. Tỷ lệ 70% từ khách Trung Quốc cũng gần như không còn, cả tỉnh chỉ có 501 lượt khách trong khi cùng kỳ năm ngoái là 220.998 lượt. Công suất phòng bình quân của các khách sạn cũng lao dốc khi khối khách sạn từ 3-5 sao chỉ còn 13%, khối 1-2 sao chỉ còn 5%.

Số lượng khách du lịch giảm sâu khiến hoạt động lữ hành, lưu trú,...gân như tê liệt.

Cũng nằm tại khu vực Nam Trung bộ, tỉnh Bình Thuận tuy bị ảnh hưởng muộn hơn các địa phương khác nhưng hàng loạt cơ sở lưu trú cũng đang "cạn" khách. Đến thời điểm hiện tại, hơn 90% resort, khách sạn đã tạm ngừng hoạt động.

Ngành du lịch Bình Thuận bị Covid-19 tác động muộn hơn so với một số địa phương khác là do cơ cấu khách quốc tế không quá thiên về thị trường Trung Quốc cùng một số thị trường châu Á khác, vốn sụt giảm ngay lập tức khi dịch bắt đầu tác động đến du lịch Việt Nam từ hồi cuối tháng 1/2020.

Trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh này, khách Nga chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 38%, kế đến là Hàn Quốc, Đức, Pháp, Thái Lan... Dự đoán, trong tháng 4/2020, nguồn khách cho hệ thống resort, khách sạn sẽ cạn kiệt vì hầu hết khách Nga sẽ trở về nước.

Mức độ suy thoái rất khó đoán

Như vậy, qua thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cả nước chỉ đón 449.923 lượt khách quốc tế trong tháng Ba vừa qua. Đây là mức thấp kỷ lục trong rất nhiều năm qua nhưng có thể chưa là tháng tồi tệ nhất. Ước tính, trong tháng Tư, thậm chí là trong cả hai tháng Năm và tháng Sáu tới đây, ngành du lịch mới thực sự "chẳng còn gì" vì những hạn chế về nhập cảnh, đi lại hàng không... để ngăn dịch bệnh Covid-19.

Dự báo tình hình khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế, cơ quan này đã xây dựng một số kịch bản sơ bộ để tiếp tục theo dõi, đánh giá, đề ra các hoạt động ứng phó thích hợp.

“Nếu dịch bệnh kết thúc cuối tháng Sáu, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng Tư. Còn nếu tình hình vẫn phức tạp đến tháng Chín, hoạt động khôi phục vận hành phải đợi đến cuối năm 2020. Theo đó, những thị trường gần trong khu vực châu Á có khả năng sẽ hồi phục sớm hơn so với các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ”, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm Thông tin du lịch cho biết.

Nhưng dù là theo hướng nào, thiệt hại chỉ có thể là lớn và lớn hơn sự dự đoán, từ 60% đến 75% lượng khách. Thậm chí, chẳng may mà tình hình diễn biến xấu hơn, đến cuối năm mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc thì ngành du lịch sẽ rơi vào cảnh “trắng tay”, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, giảm khoảng 80% so với năm 2019.

Sự khôi phục phát triển du lịch Việt Nam cũng như thế giới đang trông chờ vào khả năng khống chế dịch bệnh Covid-19.

Từ các kịch bản này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức bàn luận về cách hồi phục phát triển của ngành theo các mô hình chữ V, chữ U, chữ L hay chữ W. Cụ thể, mô hình hồi phục hình chữ V thể hiện sự phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm; mô hình chữ U thể hiện một quá trình trì trệ kéo dài trước khi phục hồi nhanh.

Còn mô hình chữ L thể hiện quá trình trì trệ chưa biết thời điểm phục hồi hoặc trước mắt phục hồi chậm. Và chữ W thể hiện sự thiếu ổn định, khó dự báo, tăng trưởng nhanh xen lẫn sụt giảm nhanh trong thời gian ngắn, nhất là khi dịch bệnh hoặc sự kiện có tác động tương tự có thể sớm lặp lại.

Giới chuyên gia và nhà quản lý đang nghiêng về phương án mô hình chữ chữ L vì sau khi dịch được khống chế, khách du lịch quốc tế không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch đi du lịch vào cuối năm. Cộng thêm tâm lý vẫn còn e ngại sau khi dịch đi qua nên năm 2020 dự báo sẽ là giai đoạn tăng trưởng thấp kỷ lục của du lịch Việt Nam trong bối cảnh sụt giảm nghiêm trọng của du lịch thế giới.

“Khả năng phục hồi theo mô hình chữ U rất khó xảy ra, do sau giai đoạn kéo dài ở đáy suy giảm, có sự thay đổi cả ở phía cung (sản phẩm, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không bị thiệt hại…) và cầu du lịch (thị trường hồi phục dần theo từng nhóm, nội địa và quốc tế, từng phân khúc). Mô hình chữ V đã không thể xảy ra, còn mô hình chữ W còn tiềm ẩn nhưng chưa thể dự báo trước”, đại diện Tổng cục Du lịch dự báo.

Đưa gói hỗ trợ đến đúng đối tượng

Trong thời điểm khó khăn này, đại diện các hiệp hội du lịch đã khuyến nghị cơ quan chức năng cần sớm giảm 50% thuế VAT, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể; giảm lãi suất vay từ 3%/năm, đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...

Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn các gói hỗ trợ cần được triển khai sớm, không phân biệt công ty lớn, nhỏ. “Những chiếc xe lớn 45 chỗ đầu tư hàng tỷ đồng của nhiều công ty đang phải đắp chiếu, nằm chờ qua dịch do vắng khách. Trong khi tiền góp, trả lãi ngân hàng do vay mua xe vẫn phải nộp đều đặn. Chỉ cần ngân hàng quan tâm hỗ trợ, các đối tác được vay vốn ưu đãi, được giãn nợ nhiều công ty cũng sớm thu hồi công nợ, có thể cầm cự qua mùa dịch Covid-19. Ngược lại, “sức khỏe” của đối tác có vấn đề, họ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí phá sản thì chúng tôi cũng khó khăn theo”, ông Đỗ Văn Triển, Giám đốc công ty Du lịch Chiêu Tour phản ánh.

Nhận thấy tình cảnh ngày càng bế tắc với các doanh nghiệp, bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã xem xét, đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ bằng văn bản được ký bởi Thứ trưởng Lê Quang Tùng gửi đến bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Chi tiết, bộ VH,TT&DL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.

Là ngành kinh tế tổng hợp nên các gói hỗ trợ du lịch cần có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng.

Ngoài ra, chính sách tài chính này cũng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Với người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, bộ đề nghị đưa vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19 vừa được Chính phủ thông qua.

Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động cần được hỗ trợ miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa cũng như thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020. Với chương trình xúc tiến du lịch, doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia mà không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào như chi phí thị thực, vé máy bay cho cán bộ/doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình.

Đáng chú ý, bộ VH,TT&DL cũng đề nghị cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó là nhiều phương án kích cầu, cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung quảng bá,…

“Trên thực tế, quy định đã có nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ là không đơn giản, ví dụ như khâu chứng minh thiệt hại, khiến nhiều đơn vị e ngại”, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực hiệp hội Du lịch TP.HCM góp ý.

H.N