Kiểm tra phương tiện dù không có lỗi: Vì mạng sống, đừng ngại phiền

Nguyễn Lâm

Sau hơn 1 tuần thực hiện việc tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ trên cả nước bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, thì vẫn còn không ít người kêu ca 2 chữ phiền toái, và cũng còn đó không ít trường hợp tài xế ngang nhiên chống đối, bất hợp tác với lực lượng chức năng khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

“Ma men” chống đối

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, tối ngày 23/5 tại đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông, Hà Nội), đội CSGT số 7 (phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội) tiến hành ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông theo kế hoạch.

Khoảng 18h30, lực lượng CSGT phát hiện xe mô tô BKS 30Y4 – 5995 do lái xe Đỗ Quang Linh (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) điều khiển có biểu hiện say xỉn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng chức năng, tài xế Linh lại tìm cách “câu giờ”, không hợp tác để kiểm tra nồng độ cồn.

Phải sau 30 phút, lực lượng CSGT mới thuyết phục được tài xế Linh kiểm tra nồng độ cồn theo quy định và cho ra kết quả vi phạm 0,472 miligam/lít khí thở. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế này cũng không xuất trình được giấy tờ xe, GPLX, không lắp gương chiếu hậu. Lúc này, tài xế Linh bắt đầu gọi điện thoại “cầu cứu”, giới thiệu các mối quan hệ,… để xin không bị xử phạt. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết xử lý vi phạm, đến 20h40 cùng ngày (sau hơn 2h làm việc) lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện.

Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Công Minh (đội CSGT số 7) cho biết: “Trong tối ngày 23/5, tổ công tác đã phát hiện, xử lý 2 trường hợp tài xế điều khiển xe mô tô có nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá mức cho phép. Sau hơn 2 tiếng động viên, thuyết phục thì các tài xế này mới chịu ký biên bản làm việc”.

Theo Trung tá Minh, điểm khó trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nói chung và vi phạm nồng độ cồn nói riêng là các tài xế thường quay đầu bỏ chạy khi phát hiện có lực lượng chức năng, cố tình tăng ga bỏ chạy nếu bị yêu cầu dừng xe, chây ì không hợp tác,…

Trước đó, vào tối 15/5, khi chúng tôi theo chân lực lượng chức năng làm việc tại ngã tư Xuân Thuỷ - Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tổ công tác đặc biệt thuộc đội CSGT số 6 phát hiện tài xế Nguyễn Hoà Hải điều khiển ô tô mang BKS 30Y-7823 có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Tại đây, phải mất rất nhiều thời gian CSGT yêu cầu, thuyết phục tài xế này mới chịu xuống xe làm việc với lực lượng chức năng. Với năm lần bảy lượt không hợp tác, lực lượng CSGT mới kiểm tra được nồng độ cồn của tài xế với mức vi phạm 1,030miligam/lít khí thở. Với mức vi phạm này, tài xế này bị xử phạt gần 40 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Những chuyển biến tích cực

Theo thống kê của cục CSGT (bộ Công an) trong tuần đầu thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát (từ ngày 15/5 đến ngày 22/5), lực lượng CSGT trên cả nước đã phát hiện lập biên bản xử lý: 101.469 trường hợp vi phạm (gồm 3.868 xe khách, 1.145 xe container, 7.595 xe con, 72.117 mô tô...). Tạm giữ 15.884 phương tiện, tước 6.440 giấy phép lái xe.

Đáng chú ý là tình hình TNGT đường bộ có chuyển biến tích cực, trong 7 ngày qua, TNGT đường bộ xảy ra 185 vụ, làm chết 74 người, làm bị thương 140 người. So với 7 ngày trước liền kề (từ ngày 08/5 đến ngày 14/5), TNGT đường bộ giảm 95 vụ (- 33,93%), giảm 81 người chết (-52,26%), giảm 47 người bị thương (-25,13%).

“Hiệu quả, rất hiệu quả” là những gì mà Trung tá Nguyễn Công Minh (đội CSGT số 7, phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội) nói về về đợt tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ lần này của lực lượng CSGT. Theo Trung tá Minh, sau 1 tuần thực hiện, người dân đã hiểu và tuyên truyền cho nhau về tầm quan trọng của việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Tổng kiểm tra bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực đối với công tác bảo đảm TTATGT.

Dưới góc độ người tham gia giao thông, anh Ngô Quang Tuấn Anh (Thanh Hoá) cũng cho rằng, đợt tổng kiểm tra của lực lượng CSGT lần này đã đạt hiệu quả cao trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tham giao giao thông cho người dân.

“Cá nhân tôi ủng hộ việc CSGT đẩy mạnh kiểm tra, công khai xử lý các trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Điều này giúp người dân nâng cao ý thức, biết quan tâm đến an toàn của bản thân và những người xung quanh, hạn chế được những rủi ro khi tham giao thông. Hy vọng rằng, sau 1 tháng ra quân, công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng vẫn sẽ được đảm bảo như hiện nay”, anh Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn có những ý kiến băn khoăn khi việc kiểm tra gây mất quá nhiều thời gian, đặc biệt là đối với tài xế đường dài. Ông Đinh Văn Quý, chủ xe khách tuyến Đắk Lắk-Bắc Giang phản ánh, trên hành trình xe khách đi qua hơn 10 tỉnh, tuyến đường trên 1.000km, bị dừng tới 4 lần ở các địa điểm khác nhau trên quốc lộ, cao tốc khiến “mất tổng cộng hàng tiếng đồng hồ”.

“Có hôm ở cao tốc Ninh Bình, vì cảnh sát dừng nhiều xe nên tài xế xe khách của tôi phải chờ gần một giờ để kiểm tra nồng độ cồn. Khách bức xúc vì nắng nóng và hành trình dài mà phải dừng quá lâu. Còn nhà xe liên tục phải gọi điện xin lùi thời gian giao đồ cho những người đã đến điểm hẹn”, ông Quý chia sẻ.

Ông Quý đề nghị các chốt kiểm soát giao thông liên hệ với nhau để tránh trường hợp các xe bị dừng nhiều lần, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp và bức xúc cho hành khách.

Tổng kiểm tra là vì sự an toàn của người dân

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc tổng kiểm soát là lời cảnh báo, nhắc nhở tới mỗi người dân khi tham gia giao thông phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Sau 1 tuần thực hiện, ý thức tham gia giao thông của người dân đã được nâng lên rõ rệt, điều này thể hiện ở số liệu về tình hình ATGT trong thời gian vừa qua.

Công tác tổng kiểm tra giúp người dân tự hoàn thiện những giấy tờ còn thiếu sót, thường xuyên kiểm tra phương tiện để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, nói không với bia rượu khi lái xe,… tất cả đều hướng tới sự an toàn của mỗi người dân. Vậy tại sao chúng ta phải cảm thấy “phiền” khi được người khác quan tâm đến an toàn của chính bản thân mình?

N.L