Kinh tế cộng sinh trong mùa dịch Covid-19: Giải pháp nào đôi bên cùng có lợi?

HÀ NHÂN

Dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, với các thương hiệu mô hình chuỗi lại càng lao đao hơn. Từ đó, việc thương lượng để giảm giá thuê mặt bằng nhằm kiểm soát thua lỗ là điều không dễ dàng với cả hai bên.

Khi thế mạnh trở thành điểm yếu

Là một công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ với hệ thống cửa hàng phủ khắp cả nước, Thế giới di động cũng chịu nhiều sức ép từ chi phí thuê mặt bằng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây thiệt hại lớn đến hoạt động kinh doanh như hiện nay. Mới đây, doanh nghiệp này đã công khai việc gửi văn bản đến các đối tác nhằm đề nghị điều chỉnh, miễn giảm chi phí thuê mặt bằng.

Đại diện công ty CP Thế giới di động cho hay, mặc dù đã tích cực cắt giảm chi phí vận hành nhưng khi Chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh. “Hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin rõ ràng nào về thời điểm chấm dứt dịch bệnh cũng như thời điểm thị trường hồi phục trở lại, đồng nghĩa với việc công ty và toàn thể nhân viên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước”, văn bản của Thế giới di động nêu.

Theo đó, phía Thế giới di động mong nhận được sự hỗ trợ của đối tác bằng cách “điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng và miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước”. Trong trường hợp đối tác quá cứng nhắc, không chia sẻ cùng công ty, Thế giới di động sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang địa điểm gần đó với chi phí hợp lý hơn.

Tính đến cuối tháng 3/2020, có khoảng 10% cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh đã tạm đóng cửa, tương đương 10% doanh thu trong điều kiện bình thường. Phần lớn các cửa hàng đã đóng cửa ở Hà Nội và vẫn phục vụ giao các đơn hàng online. Doanh nghiệp đang có 3.084 cửa hàng đang hoạt động. Trong đó, chuỗi cửa hàng rộng lớn nhất là Điện máy xanh với 1.028 chi nhánh; chuỗi Thegioididong.com có 1.015 cửa hàng; chuỗi Bách hoá xanh dù ra đời sau cũng đã có 1.041 cửa hàng.

"Làn sóng" trả mặt bằng kinh doanh vẫn chưa dừng lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đây không phải là hoàn cảnh cá biệt đối với các thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, lấy lợi thế số lượng cửa hàng để chiếm lĩnh thị trường. Tình cảnh càng khó khăn hơn với The Coffee House khi vừa thoả thuận thành công với các chủ mặt bằng về việc giảm giá khoảng 25 đến 30% vào cuối tháng Ba, nay lại phải đóng hầu hết các cửa hàng do chỉ thị “cách ly xã hội”.

“Cụ thể, phí thuê mặt bằng trung bình mỗi cửa hàng The Coffee House rơi vào khoảng 100 triệu đồng/tháng. Với tổng số gần 160 cửa hàng trên toàn quốc, tổng số tiền chi cho mặt bằng đã là khoảng 16 tỷ đồng. Trong lúc không thể mở cửa đón khách, chúng tôi chỉ duy trì khoảng 30 điểm để chế biến, phục vụ giao hàng theo đơn đặt qua app và website”, ông Võ Duy Phú, Giám đốc Thương mại và Marketing The Coffee House cho biết.

Cùng nhau giảm thiệt hại

Thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều khách thuê nhà để kinh doanh sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng. Bên cạnh đó, vẫn có một số khách thuê tiếp tục “gồng mình” duy trì kinh doanh để giữ chỗ thì tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê. Theo khảo sát, khách thuê của các mặt bằng nhà phố thường là cửa hàng bán lẻ hoặc dịch vụ F&B (Food and Beverage Service - loại hình dịch vụ phục vụ ẩm thực cho thực khách tại nhà hàng, khách sạn...), do đó tùy từng loại hình kinh doanh, chi phí mặt bằng chiếm 15-40% doanh thu bán hàng.

Các chuỗi cửa hàng coffee đang lao đao vì phải đóng cửa hàng loạt.

Được biết, tại TP.HCM, giá cho thuê mặt bằng nhà phố thương mại thường bằng 2-4% giá trị của bất động sản đó. Trong khi đó, giai đoạn từ cuối 2016 đến nay, giá nhà phố tăng trung bình hơn 2 lần, đồng nghĩa với việc giá cho thuê mặt bằng cao gần gấp đôi.Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TP.HCM cho rằng: “Với sự bùng phát dịch Covid-19, một mặt, người thuê cần đưa ra định hướng kinh doanh tại thời điểm này. Mặt khác, các chủ nhà cần xem xét điều chỉnh giá thuê phù hợp hơn”.

Còn ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc công ty TNHH Quản lý và khai thác bất động sản ATVPRO cũng nêu quan điểm, với tình hình hiện tại, các cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng thêm khoảng 4 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong tối đa 6 tháng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hay chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải chủ động giảm giá, nếu không khách thuê sẽ trả mặt bằng. Lúc đó cả hai bên cùng chịu thiệt hại nặng.

Theo các báo cáo về thị trường bất động sản, giá thuê mặt bằng kinh doanh (bao gồm mặt bằng bán lẻ, thương mại dịch vụ và văn phòng) tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành đã tăng vọt trong gần 5 năm qua. Nhận định của công ty TNHH CBRE Việt Nam chỉ ra, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở trung tâm các thành phố lớn dao động từ 97-100 USD/m2/tháng, còn khu vực ngoài trung tâm thấp nhất 24,8 USD/m2/tháng. Như vậy, với 50m2 sàn khách thuê mặt bằng phải trả từ 1.200 – 5.000 USD/tháng.

Chính vì thế, các ngành kinh doanh bán lẻ (F&B) chịu sức ép rất lớn và một thời gian dài họ phải chấp nhận giá thuê cao chiếm 25-35% chi phí đầu vào để phát triển thương hiệu, gia tăng quy mô chuỗi và tiếp cận số đông khách hàng. Các hệ lụy từ việc chi phí mặt bằng ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp bắt đầu diễn ra khi cú sốc Covid-19 xuất hiện.

Đồng quan điểm, ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc công ty CP Phú Vinh nhận định, dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản mất đi sinh khí, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. “Mất đi doanh thu cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị chủ quản (chủ nhà, chủ trung tâm thương mại, chủ mặt bằng cho thuê) và người đi thuê ngay lập tức gặp vấn đề vì hàng trăm loại chi phí đè nặng như tiền trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, lãi vay… Tôi cho rằng, phải mất ít nhất 2 - 3 quý sau dịch bệnh, thị trường mới có thể lấy đà để phục hồi. Nhưng khó khăn trước mắt theo tôi là ngắn hạn và cần thời gian để mọi thứ trở lại theo đúng quỹ đạo của nó”, ông Chánh góp ý kiến.

Sắp xếp lại thị trường kinh doanh

Đánh giá về tình hình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Tình trạng trả mặt bằng hàng loạt như đã thấy trong thời gian gần đây rõ ràng là việc chưa gặp bao giờ, chứng tỏ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đặc điểm của dịch Covid-19 là lây lan nhanh nên mọi người được khuyến cáo hạn chế đến chỗ đông người, đó chính là điều dẫn đến tình trạng kinh doanh ế ẩm. Việc trả lại mặt bằng hay sang nhượng lại mặt bằng có ảnh hưởng rất lớn đến cả người thuê và phía cho thuê. Vì thế, sẽ có 2 xu hướng diễn ra trong việc thuê và cho thuê mặt bằng”.

Xu hướng thứ nhất là bên cho thuê chủ động giảm giá vì thấy đối tác thuê mặt bằng đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Xu hướng thứ hai là khách thuê mặt bằng đề nghị giảm giá thuê, đàm phán hạ giá bằng cách gây áp lực, chẳng hạn như đưa ra ý kiến về việc trả mặt bằng. Những cuộc đàm phán này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi bên cho thuê và khách thuê đều cảm thấy hài lòng. Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp hay chủ nhà có mặt bằng cho thuê cần chủ động giảm giá để giữ khách. Mặt khác, việc có nhiều người trả lại mặt bằng đã thuê chính là cơ hội để khách hàng tìm kiếm được một vị trí kinh doanh mới tốt hơn với giá thuê tương đối hợp lý.

Những cuộc thương lượng giữa bên kinh doanh và phía cho thuê mặt bằng sẽ tác động không nhỏ đến thị trường.

Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, việc giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh sau một thời gian chịu sức ép của dịch Covid-19 là hệ quả tất yếu. Thậm chí, hiệu ứng domino này có thể tiếp tục kéo dài thêm trong nhiều tháng tới, len lỏi vào nhiều loại tài sản cho thuê khác và chỉ ổn định lại khi dịch bệnh kết thúc.

“Có thể thấy 2 xu hướng giảm giá thuê mặt bằng đang diễn ra hiện nay. Xu hướng thứ nhất là bên cho thuê chủ động giảm giá vì thấy đối tác thuê đang kinh doanh khó khăn. Xu hướng thứ hai là khách thuê mặt bằng đề nghị giảm giá thuê, đàm phán hạ giá và gây áp lực trả mặt bằng. Dù chủ động hay bị gây sức ép giảm giá mặt bằng kinh doanh, các chủ tài sản sẽ có động thái điều chỉnh giá một cách công khai hoặc thầm lặng như một chiến lược khôn ngoan. Bởi lẽ, nếu giá thuê mặt bằng vẫn neo ở mức cao trong mùa dịch, cơn lốc trả mặt bằng sẽ mạnh dần lên và đôi bên đều tổn thất. Các tổ chức, công ty sở hữu tài sản thường cân nhắc giảm giá thuê mặt bằng lâu hơn các chủ tài sản nhỏ lẻ”, ông Nghĩa chỉ ra.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, chuyên gia này tin rằng dịch bệnh đang thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, khiến cho cơn lốc trả mặt bằng kinh doanh mạnh dần lên và là liều thuốc thử rất tốt để hạ nhiệt làn sóng tăng giá thuê mặt bằng trong gần nửa thập niên qua.

H.N